Âm nhạc cũng thay đổi như cuộc
sống. Tôi nghe nhạc, trước hết là để tìm sự đồng cảm, sau mới đến những yếu tố
liên quan khác như hòa âm, phối khí.
5 năm trước, tôi mê “Ngày hát đôi”
– những bản song ca của cặp ‘tiên đồng ngọc nữ’ SMĐH 2006, Phương Linh – Hà Anh
Tuấn, nghe đến bây giờ vẫn mê; tôi nghe “Cơn gió lạ” của Phương Linh, “Nếu như
anh đến” của Văn Mai Hương, v.v. Tôi yêu sự nhẹ nhàng, mơ mộng trong các tác
phẩm ấy.
5 năm sau, tôi chọn cho mình những
bài hát tự sự, những bài hát có giai điệu đẹp, đẹp nên thường buồn; lời bài hát
cũng như lời thơ, sâu sắc đến khó hiểu. Mà nhắc đến lối hát kể chuyện của ca sĩ
nhạc nhẹ chắc chỉ có thể là một người duy nhất: ca sĩ THU PHƯƠNG.
Trong kí ức của thế hệ 6x 7x như bố
mẹ thì cô này tóc ngắn, mặc áo may-ô, phong cách rực lửa, hát nhạc quốc tế sôi
động. Nhưng mọi sự đều có lí do của nó khi mà những bài hát tình ca cô ấy hát
mới thực sự ghi lại dấu ấn trong lòng công chúng. Trong trí nhớ của một đứa trẻ
lên 3 lên 4 vẫn còn nhớ rất rõ khoảng thời gian mẹ bật “Dòng sông lơ đãng” với
“Có phải em mùa thu Hà Nội” hàng ngày, cứ nghe đi nghe lại không biết chán. Nó
nhớ đến mức mà dù mẹ nó có nghe rất nhiều các thể loại nhạc: nhạc quê hương,
nhạc vàng, nhạc trẻ, nhạc không lời, saxophone; rồi đủ các ca sĩ cả Tây cả Ta,
cả hải ngoại lẫn trong nước; nó luôn nhớ rằng, Thu Phương là ca sĩ duy nhất mẹ
nói từ THÍCH. Rồi còn cả bài hát “Lời của gió” – tình ca của những cặp đôi thế
hệ 6,7x. Tôi vẫn nhớ những năm 2004-2005, từ trong nhà ra ngoài ngõ, ra đến
quán, đi nhà nào cũng thấy hát “Lời của gió”, cứ bật bài này là sẽ hát karaoke
trên hình nền cặp vợ chồng cô ca sĩ đang đùa giỡn trên sân khấu: cô thời tóc
ngắn mặc cái váy hai dây màu xanh nhạt bất cần đời, chú mặc bộ đồ trắng trông rất
lãng tử. Mãi đến năm nay, khi tôi 19 tuổi mới lần đầu tiên hỏi mẹ, tại sao mẹ
thích Thu Phương thế, mẹ chỉ bảo: “Mẹ thích phong cách tự nhiên của cô ấy!”.
Và giờ lây lan cả sang cả thế hệ
F2. Tôi yêu giọng hát ấy cũng chỉ đơn giản ở lối hát tự nhiên. Hát không cần
phải biến tấu, không cần thể hiện nhiều, cô ấy cứ cất giọng lên là đã thấy đầy
sự da diết. Ở một phần nào đấy, tôi và người ca sĩ đều là những người rời nhà,
rời thành phố mình sinh ra lớn lên từ năm 13 14 tuôi, và giờ đều đang sinh sống
ở nước ngoài; tôi tìm được sự đồng cảm trong giọng hát và trong cả sự lựa chọn
bài hát của cô.
Khác với thế hệ 9x, những người phần
lớn biết đến Thu Phương từ Giọng Hát Việt 2015, tôi biết cô ấy từ bé, và cũng
chết mê chết mệt âm nhạc của cô ấy trước các bạn vài tháng, thông qua mối duyên
“Hà Nội 12 mùa hoa”. Kể cũng ngộ, mùng 5 Tết năm nay khi đang ở Úc, tôi xem
chương trình Tết 12 con giáp của VTV như một thói quen khi xa nhà dịp Tết.
Không hiểu sao tôi lại xem nhầm chương trình của năm trước nữa, và nghe thấy
một đoạn nhạc ngắn chen giữa chương trình rất hay, nói về những loài hoa ở Hà
Nội. Cũng giống như rất nhiều bài hát khác của cô, lần đầu tiên tôi nghe các
bài hát ấy thông qua các ca sĩ khác, nhưng một khi nghe đến bản của Thu Phương
là sẽ chỉ nghe của cô ấy thôi. Cái lạ nằm ở chỗ đó!
Năm 2015, cô trở về quê nhà, với một tâm thế mới, trên một cương vị mới. Báo chí, công chúng đưa ra câu hỏi, liệu Thu Phương có xứng đáng với danh hiệu Diva thứ 5 của làng nhạc Việt? Cô ấy không có một giọng ca ‘đẳng cấp’ như cô Thanh Lam; không nắn nót, chỉn chu như cô Bống; không cho ra mắt nhiều album định hướng thị trường như cô Mỹ Linh; không ‘dị nhân’ như cô Trần Thu Hà. Thu Phương luôn hát rất thật, rất tình, rất mùi, và không ít khán giả yêu sự chân thật và thiếu tiết chế của cô hơn cả 4 diva kể trên. Mượn lời của tác giả Cao Hà: "Nghề hát là cái nghề vừa hào sảng vừa cay nghiệt để đời nghệ sĩ như cứ phải đi trên dây, cô hát phải có tình nhưng ấy là cái tình kín đáo chứ nếu không biết tiết chế mà để cái tình trào cả ra ngoài là hỏng. Và đẳng cấp của một giọng hát có vẻ như được xác lập từ đây. Dù ngày càng đẹp và hát không tồi, song Thu Phương vẫn phải ngồi ngoài cái chiếu vốn dành cho các bà hoàng nhạc nhẹ." Mặc dù theo quan điểm cá nhân, tôi thấy cô hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Diva, vì đơn giản, cô ấy đem đến cảm xúc và là chỗ dựa tinh thần cho những người nghe nhạc như tôi. Nhưng thôi, không là Diva cũng tốt, cô ấy có thể tự do thể hiện, trải lòng mình với khán giả, hay chỉ đơn giản là ‘hát đi cho thỏa dỗi hơn’, mà không phải gò bó theo một khuôn mẫu lí tưởng nào đó để được tôn thờ như 1 tượng đài. Với chúng tôi, những khán giả mến mộ giọng hát ấy, chúng tôi thích Thu Phương vẫn cứ luôn nồng nàn theo cách rất riêng mà cô luôn thả hồn vào mỗi bài hát của mình.
Và hàng ngày, tôi vẫn chọn cho
riêng mình “Cô gái đến từ hôm qua”, “Đêm nằm mơ phố”, “Như chưa bắt đầu”, “Nơi
mùa thu bắt đầu”, “Thành phố sương”, “Hà Nội 12 mùa hoa”, “Trăng dưới chân
mình”, v.v tất cả những tình khúc ngọt ngào đó để lấy cảm hứng làm việc và sinh
hoạt cho cả ngày.
"Tri kỉ" trong âm nhạc,
cũng như một "tri kỉ" trong đời sống, ai cũng nên có một người.
Bài hát tôi luôn muốn nghe cô ấy
hát trên mọi sân khấu: “Cô gái đến từ hôm qua”
No comments:
Post a Comment