Friday 22 September 2023

Câu chuyện âm nhạc: Số 8 – Phương Linh

Tôi biết tới Phương Linh từ cuộc thi Sao Mai hay tên đầy đủ là Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 2005. Đó là năm đầu tiên Sao Mai chia theo khu vực 3 miền và 3 dòng nhạc, vì tôi nhớ trước đó năm 2003 thi ở Tuần Châu không có phân biệt gì. Phương Linh đại diện miền Trung thi dòng nhạc nhẹ, lọt top 3 cùng với Nguyễn Ngọc Anh (Quảng Ninh) và Vương Dung (Hải Dương). Trong cuộc thi đó tôi chú ý tới Phương Linh và Ngọc Anh hơn cả vì các phần thi của hai chị đúng gu nhạc nhẹ mình thích nên rất vào tai. Ngọc Anh để lại một dấu ấn bùng nổ trong 1 đêm thi với bài “Anh yêu em” của NS Vũ Quang Trung mà tới giờ tôi chỉ nghe bài này Ngọc Anh hát chứ không cả nghe Hà Trần. Nhưng tổng thể cả cuộc thi thì tôi thích Phương Linh hơn nhiều vì trong cách hát có những nhấn nhá đặc trưng, hát rất tròn trịa, đầy tình cảm ẩn sau một vẻ ngoài ‘lạnh’. Ấn tượng về sự kiêu kỳ từ giọng hát tới ngoại hình của tôi về cô thí sinh người Thanh Hóa này giống như báo chí đã nhận xét – một vẻ lạnh lùng khiến người ta muốn nghe thêm, ngắm thêm chứ không khiến người ta bỏ đi. Chung cuộc, Vương Dung giải nhất với dân gian đương đại khác biệt, Phương Linh và Ngọc Anh ballad trữ tình chia nhau giải nhì.

Xong Sao Mai, ngay sau đó một năm tức năm 2006, cả hai chị được đặc cách thi tiếp Sao Mai Điểm Hẹn (SMĐH). SMĐH trẻ trung, thời thượng hơn Sao Mai, và là sân chơi, là bệ phóng cho những giọng ca trẻ ngày đó. Tôi đánh giá SMĐH 2006 là mùa giải thành công nhất của thương hiệu SMĐH, cho ra mắt công chúng nhiều gương mặt mới rất chất lượng cả đường tiếng đường hình như Hoàng Hải, Hà Anh Tuấn, Phạm Anh Khoa, Minh Thư, Phương Linh, Ngọc Anh. Năm đó tôi mê xem SMĐH lắm, cũng tham gia bình chọn vài lần, giờ vẫn nhớ MSBC của mấy vị, 08 Ngọc Anh, 09 Phương Linh, và 12 Hà Anh Tuấn. Trong cuộc thi này, Phương Linh tiếp tục để lại ấn tượng với một giọng hát cao đầy kỹ thuật, chuyên trị nhạc nhẹ, nhạc chậm nhạc nhanh đều hát tốt. Đơn cử như bài “Mưa” (Quốc Bảo), không ai nghĩ “Mưa” ngày đó lại trong suốt pha lê thế! Hay “Mong anh về” (Dương Cầm) chính Mỹ Linh còn không có gì phải phàn nàn, là một phần trình diễn chuyên nghiệp chứ không còn là thí sinh đi thi rồi. Và đương nhiên là phải khen xinh, giám khảo Huy Tuấn và cả MC Anh Tuấn đều có câu bất hủ “Linh ơi, hôm nay em lại xinh rồi!” Bước ngoặt của Phương Linh, và cả Hà Anh Tuấn năm đó, chính là đêm gala kết thúc giai đoạn 1 của cuộc thi, mở đường cho thanh xuân hát đôi của cả 1 thế hệ lứa tôi và trên tôi một chút. 2 anh chị song ca “Yêu em” tình quá, thật quá, rồi tất yếu là hay quá. Hình ảnh chị Linh váy trắng bồng bềnh công chúa và anh Tuấn đầu chôm sơ mi trắng vest nâu phong trần tình tứ hát bài ca thanh xuân vườn trường đấy là kỉ niệm đẹp của rất nhiều khán giả, trong đó có tôi.

Bước ra khỏi cuộc thi SMĐH, từ phần trình diễn “Yêu em” ấy, cặp đôi Phương Linh – HAT cho ra mắt thành công album vol 1 Ngày hát đôi tạo tiếng vang với nhiều bài hát đôi trở thành “quốc ca karaoke” như “Cơn mưa tình yêu”, “Thiên đường gọi tên”, và cả những bài đơn làm nên thương hiệu của anh chị như “12 giờ”, “Mưa”, v.v. Trong album này thực ra bài hát đôi tôi thích nhất lại là “Biển và ánh trăng” (Dương Cầm) mà 2 anh chị rất hiếm hát, một bài hát đẹp cả giai điệu lẫn ca từ, tình yêu trong không gian thiên nhiên có biển xanh, sóng vỗ, ánh trăng hiền hòa êm dịu; nhưng có hát từ đầu mới biết nó cao chót vót, không thể hát karaoke được nên không nổi bằng mấy bài của Mạnh Quân. Rồi Ngày hát đôi 2 ra đời 5 6 năm sau đó, gai góc, yêu đương sóng gió hơn Ngày hát đôi 1. Ngày hát đôi 2 không bùng nổ như Ngày hát đôi 1, nhưng đủ để fan quạt của cặp đôi chìm đắm với những “Giấc mơ anh và em”, “Con tim tan vỡ”, “Qua đêm nay”.

Về album cá nhân, Phương Linh có 2 đĩa đơn đều thuộc hàng cực phẩm. Album Pha Lê vol 1 pop ballad nhẹ nhàng, trẻ trung, trong đó có bài hát “Cơn gió lạ” của NS Mạnh Quân trở thành thương hiệu của chị. Nghe album này cảm thấy không trực diện chủ đề tình yêu, mà nhiều hơn là câu chuyện của người phụ nữ tìm kiếm tình yêu. Có mấy bài của NS Lưu Thiên Hương như “Bông hoa trắng”, “Sương mai” nghe rất tươi mới, hay NS Vũ Văn Hà với bài “Lời em sẽ hát”, “Quán cũ” buồn hơn mà tôi không thấy ủ rũ tí nào. Từ vol 1 Pha Lê tới vol 2 Tiếng hót từ bụi mận gai là một bước tiến lớn của chị, thay đổi trong hình ảnh và cả giọng hát, gói gọn trong 2 từ “dịu dàng” và “nồng nàn” như lời của nhạc sĩ Dương Thụ. Lấy hình ảnh loài chim cất lên tiếng hót lần cuối, cả album như nỗi niềm người phụ nữ luôn cô đơn và khắc khoải trong tình yêu. Đó là 1 album không dễ nghe với đại chúng, nhưng tôi cảm giác giọng hát Phương Linh phải tới album này mới bộc lộ hết tất cả những gì đẹp nhất và đúng ‘đô’ nhất của chị. Album này có bài “Trái tim lang thang” (Thuận Yến) phối lại có đoạn đàn tranh rất hay, nên sau khi nghe Phương Linh hát thì tôi không có nhu cầu nghe bản của Hà Trần xa xưa nữa. Và có bài “Lời cuối cho anh” lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai nữa, một bài hát chưa từng nghe chưa từng thấy bao giờ với lời bài hát khá ám ảnh, Phương Linh cũng chỉ hát trong CD này chứ không mang đi trình diễn bao giờ.

Ra mắt thành công 2 album hát đôi và 2 album cá nhân, chị gái ấy lặn luôn, lặn mất tăm, không hay đi diễn, không ra sản phẩm, để lại nhiều nhớ thương, và cả dấu hỏi trong lòng người hâm mộ. Tôi chỉ còn gặp chị trên những chương trình Chào Xuân VTV, trong liveshow của HAT từ năm 2016, trong chương trình event hội nghị khách hàng mà fan chị rơi rớt đăng lên mạng.

Rồi Phương Linh đột ngột xuất hiện lại, rần rần trên các mặt trận mạng xã hội từ show Lululola tháng 5 năm nay. “Cơn gió lạ” cất lên vẫn là thanh xuân của bao người, một giai điệu đẹp đánh thức nhiều hoài niệm của mỗi người nghe nhạc. Chị ấy lại chăm quá, tháng nào cũng đi hát, fan chưa kịp nguôi cảm xúc show cũ đã thấy clip show mới tràn trề. Vẫn là giọng hát đó, nắn nót, tròn trịa từng chữ, ngắt nghỉ hợp lí, đặc trưng. Cảm giác ca sĩ đã trải qua tương đối thăng trầm trong cuộc sống riêng để hát được như thế, các bài hát cũ hầu như đã hạ tông, không có những nốt cao ăn tiền như năm xưa, mà đi vào sự nồng nàn, tự sự. Giờ chị cũng chịu khó giao lưu với khán giả, cảm thấy chị dễ gần hơn, không còn là Phương Linh lạnh lùng trên sân khấu những năm nào. Cũng đã có những trục trặc về tương tác khán giả, với tôi thì hình ảnh chị trên facebook cá nhân và hình ảnh chị trên sân khấu không liên quan gì tới nhau. Hình ảnh Phương Linh trong sản phẩm âm nhạc của chị luôn chỉn chu và chưa có gì đi quá giới hạn, giống như cái cách chị nắn nót từng câu hát. Đương nhiên, tôi cũng có sự không hài lòng về ca sĩ yêu thích của mình trong những show gần đây khi chị nhìn văn bản hát hơi nhiều do bài hát mới không thuộc lời. Trên khía cạnh khán giả thưởng thức, việc ca sĩ trình diễn không thuộc lời làm ảnh hưởng cảm xúc của bài hát lẫn thiếu đi kết nối với khán giả rất nhiều. Nhưng tôi cũng thông cảm trên khía cạnh người có biết chút âm nhạc, học thuộc trong âm nhạc khó vào đầu lắm vì nó còn là tổng hòa cả 1 phần trình diễn giai điệu, nhịp phách, lời ca; thuộc vài bài thì được, thuộc chục bài như li như lau khó lắm. Thôi thì vì yêu quá nên cũng bỏ qua, bài nào nhìn lời mà hát vẫn hay thì nghe làm audio chứ không vừa nghe vừa xem nữa.

Phương Linh trở lại rồi thì mong chị chăm đi hát, chăm làm show, chăm ra sản phẩm nữa thì càng tốt, để những khán giả lâu năm như tôi vẫn còn được bồi hồi, chìm đắm trong không gian âm nhạc của giọng hát ấy, như những ngày đầu tiên tôi nghe chị trên VTV3 năm nào!

Monday 18 September 2023

Thế hệ trước với thời đại số

Hôm qua nhà hết thức ăn nên đi ăn ngoài, tiện đi lượn mua đồ chuẩn bị cho vài sự kiện tháng này tháng sau. Cái TTTM to đùng gần nhà đó, khi thực sự cần mua bán, mình sẽ đi vào tối trong tuần cho vắng. Cuối tuần thì… xếp hàng thử cái áo nó cũng dài như xếp hàng đi ẻ vậy, toàn người là người.

Như mọi quán ăn trên đất Mã này, mình phải quét mã QR để gọi đồ, và nếu xịn nữa thì có thể thanh toán luôn từ ví điện tử. Sau khi thao tác order cho mình xong, mình ngẩng lên thấy bàn bên cạnh có 1 bà bác người Hoa tầm trên dưới 60 tuổi, đi 1 mình. Thấy bác vẫy tay nhân viên ra hỏi quán này món gì phổ biến nhất, cháu giúp cô gọi đồ nhé, mình thấy hình ảnh mẹ mình hay rất nhiều cô dì chú bác xung quanh mình đâu đây. Ở thế hệ đó, họ giải quyết khâu chọn đồ nhanh lắm, đi ăn quán thì cứ cái gì đặc trưng nhất của quán, phổ biến nhiều người ăn thì gọi thôi. Không cần coi menu cũng được. Không quan tâm QR code để trước mặt với dòng chữ rất rõ ràng “Please scan this to order” (Vui lòng quét mã để gọi món). Đố nhân viên dám không ghi order mà bắt khách lấy điện thoại ra quét QR cho đúng quy trình đấy. QR là thứ cho người trẻ thôi.
Ăn xong quay ra đi Uniqlo lại thấy điều lạ nữa, mới có hơn tháng không tạt vào thôi đã dẹp hết quầy thanh toán rồi. Giờ cửa hàng chỉ để mỗi 1 quầy đổi trả, nhận yêu cầu sửa chữa và thanh toán tiền mặt, còn lại chẳng còn nhân viên nào đứng tính tiền nữa. Khách hàng mua nhiêu món tự ra máy mà thao tác thanh toán. Chuyện self check out này mình đã có khái niệm từ 10 năm trước khi đi siêu thị bên Úc, mình chuyên cân nải chuối với cân cam cân quýt nhanh lắm. Ở Mã bây giờ cũng đã có những quầy self check out ở trong siêu thị, nhưng phải là siêu thị lớn, mà chỉ cho quét hàng có mã thôi, hoa quả rau dưa vẫn phải có nhân viên cân trước. Nay dùng máy Uniqlo thấy choáng phết, vừa để hết đồ lên bàn xong đã thấy màn hình quét ra đúng số lượng ra luôn tiền. Mất chắc chưa đến 2 phút là mình thanh toán xong, trải nghiệm không vấp khâu nào. Không phải chờ đợi, không phải xếp hàng, 5 cái máy thanh toán để đó phục vụ quý khách. Xịn phết. Người trẻ thì sử dụng máy móc này quá đơn giản. Không biết người Mã tầm 50+ tuổi trở lên sẽ thích ứng thế nào khi ra quầy tính tiền không thấy 1 bóng nhân viên nào như này, chắc giờ mỗi lần đi siêu thị phải mang kính lão theo mà còn đọc màn hình cái chỗ táp thẻ.
Việt Nam chắc chỉ 2 3 năm nữa thôi, những chuyện này sẽ đi vào đời sống hàng ngày. Như Hà Nội tháng rồi mình về đã thấy thanh toán QR code khắp nơi. Các ông bà ở chợ dân sinh/chợ truyền thống không theo không được, khách chuyển khoản còn hơn khách nợ. Mình khá ấn tượng mấy cảnh dán QR code ở sạp thịt hay dán ở trên tường đằng sau đôi quang gánh đấy.
Nhớ câu chuyện Tết vừa qua khi mẹ nói chuyện với cô bạn của mẹ, 2 bà bạn dạy nhau cách dùng internet banking trên app điện thoại rất thú vị.
- Cô bạn: Thanh niên giờ động tí là chuyển khoản, 2 chục 3 chục rửa xe cũng chuyển khoản. Tôi phải mượn tài khoản của hàng café bên cạnh rồi cuối ngày 2 bên thanh toán. Chứ tài khoản con cái nó có ngồi ở đây đâu mà kiểm tra cho mình tiền khách chuyển vào chưa.
- Mẹ: Bà phải mở ngay cái tài khoản, mấy bước chân ra ngân hàng ngay đây. Xã hội như nào mình phải theo. Ngay khu nhà mình có 2 chi nhánh ngân hàng, bà ra mở 2 cái tài khoản ở 2 ngân hàng đó cho tôi, có gì quên mật khẩu, quên không biết làm này làm nọ còn chạy ra mà hỏi cho nhanh. Mở 2 tài khoản, rồi cứ chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản kia cho nó nhớ cách dùng. Tôi phải làm phương án đó, chứ tuổi mình giờ mấy cái máy móc nói trước quên sau ngay.
Tuổi nào rồi cũng phải bắt nhịp với xu hướng xã hội và không để mình lạc hậu thôi, đó là quy luật tất yếu.