Sunday 11 July 2021

Thiên hướng của trẻ

Tôi ở nhà là út, út của cả 2 bên nội ngoại, tới bây giờ các bác, các anh chị vào nhà toàn gọi “Em bé đâu?”, “Em bé hôm nay mới thấy mặt ở nhà” chứ còn không gọi em Hương, nên cảm giác lúc nào cũng bé bỏng. Được bà mẹ tuyên bố không đi khỏi nơi cư trú quá bán kính 3km, nên mỗi độ mẹ “khâm sai” kêu 2 chị em đại diện gia đình đi ăn cỗ bàn là tôi cảm thấy mình khác lắm, người lớn ghê lắm, người lớn rồi nên giờ phải lo chuyện gia đình đi nhé.

Như cái chuyện học hành của mấy đứa cháu chẳng hạn. Thỉnh thoảng mấy anh chị nhắn hỏi có nên cho cháu nó học trường này trường nọ, theo học môn này môn kia, là cảm thấy trách nhiệm nặng nề dễ sợ. Cô chúng nó mà, ý kiến của cô là ảnh hưởng tới tương lai của đứa trẻ, chuyện không đùa được : )).
Các bố mẹ giờ có hiểu biết hơn thời bố mẹ tôi, nên sát sao kĩ hơn, muốn nó tốt từ những bước đầu, mà tôi thấy anh chị tôi lo sớm quá = )) Có đứa trẻ bộc lộ thiên hướng rõ ràng từ nhỏ, có đứa tới hết phổ thông vẫn chưa biết mình muốn làm gì, rồi thế hệ khác nhau, nên khó để dập khuôn kinh nghiệm.
Thế hồi bé tôi thiên hướng gì ấy nhỉ?
Tôi học đàn trong gần 5 năm cấp 1, là ví dụ cũng khá điển hình cho phương pháp dạy 3D của mấy thầy cô dạy nhạc cho trẻ con: vừa dạy, vừa dọa, vừa dỗ. Không đứa trẻ nào thích tập đàn cả mà đứa nào cũng phải bị ép mới có thành tích được. Tôi năm nào đi thi cũng giải nhất trung tâm Suối nhạc (tiền thân của trường Việt Thương bây giờ), có năm lớp 4 cá biệt trung tâm cử đi thi còn dành giải nhì liên hoan độc tấu toàn miền Bắc. Bố tôi lúc đó vẫn câu cửa miệng cho con gái học đàn để nó nền nã nhẹ nhàng chứ mong gì thành Đặng Thái Sơn đâu, cô giáo dạy đàn cười anh cứ nói thế, dù không khen trực tiếp, nhưng cô vẫn nhận xét làm tôi rất nhớ: “Với bạn khác nếu tập bài mới thấy khó quá thì cô phải điều chỉnh ngay nhưng riêng bạn Hương thì cô có thể ép. Con chịu được áp lực và muốn làm tốt.” Tôi chẳng biết mới 7 8 tuổi mình bộc lộ điểm gì, nhưng có lẽ sự nhạy cảm của giáo viên âm nhạc đã rất chuẩn xác. Giờ tôi vẫn thỉnh thoảng ngoạc lên với mẹ tôi, ngày đó để cho con học đàn chuyên nghiệp thì bây giờ có phải nhà này có cô nghệ sĩ đàn piano rồi không. Thế là mẹ tôi đốp ngay, ờ rồi cạp cái gì ăn hả con. Hahaha.
Còn chuyện học văn hóa, tôi là “gà công nghiệp” chính hiệu, “gà chọi” trường chuyên lớp chọn trong lò trường công từ bé, thiên hướng Khoa học tự nhiên rất rõ ràng. Những năm cấp 2 học sinh giỏi nhờ môn Toán Lý Hóa toàn trên dưới 9 phẩy kéo điểm trung bình lên, chứ môn Văn không bao giờ quá 7,5, ngoại ngữ tiếng Anh cũng chỉ trên dưới 8,0. Điểm thi Đại học hay ngành nghề chính bây giờ cũng là Toán chủ đạo. Nhưng những bài tập được điểm cao nhất trong thời kì đi học của mình, cao ở mức bùng nổ, chính chủ còn không tin được vào bản thân, thì lại nằm ở những môn viết văn và ngoại ngữ. Thi Ams cấp 2 điểm Tiếng Việt cao hơn điểm Toán. Cấp 3 ở Úc chọn học tiếng Trung vì lí do ban đầu là hết môn khác để chọn, học lớp 11 cho vui thôi rồi lớp 12 học tăng Toán lên để bỏ tiếng Trung đi. Xong rồi quay ngoắt 180 độ, học tiếng Trung đam mê, bỏ Hóa học tiếng Trung cho lớp 12, tốt nghiệp điểm cao nhì bang, học nhiều như học Toán, còn tiếng Anh học rất đối phó. Cô giáo dạy tiếng Trung đã rất nhiều lần chấm bài để lời phê đại ý là con vừa phải thôi :)), đề bài chỉ yêu cầu ghép 5 từ thì làm luôn ghép 15 từ, viết đoạn văn 50 chữ thì làm luôn bài văn 100 chữ. Còn các thầy cô giáo tiếng Anh thì nhắn với chú giám hộ lúc họp phụ huynh là nhắc con phải dành thời gian học đều các môn, tiếng Anh là môn bắt buộc tính điểm mà thấy nó chỉ học Toán với tiếng Trung là không được đâu. Lên Đại học cũng thế, môn Actuary chính thì học hành rất lẹt đẹt, điểm chỉ toàn quá bán để qua môn. Chương trình học bắt học 1 môn của khoa khác thiên về xã hội học thì năm 2 chọn học môn Châu Á trong bối cảnh toàn cầu, viết bài văn cuối kì về tranh chấp biển Đông được 90 điểm mà không tin vào mắt mình. Đại học viết văn được điểm 9 nghe như điều viễn tưởng vậy. Năm 3 học 1 môn tự chọn khác về Âm nhạc trong báo chí, tổng kết môn được loại D, Distinction (75-85), cao hơn hết tất cả các môn chuyên ngành Định phí. Đấy là học văn hóa viết lách được Giáo sư, Tiến sĩ chấm bài. Còn bên ngoài thì facebook những năm học Đại học lúc nào cũng có bài viết từ bình luận văn hóa nghệ thuật tới chuyện trong nhà ra ngõ. Ngày đó mê cô ca sĩ Thu Phương lắm, viết bài lấy vé xem ca nhạc, có bài đăng báo được nhuận bút 75k đấy. Có lần bình luận chuyện Thu Phương xuất hiện trên chương trình Quán thanh xuân, nội dung là Thu Phương mà còn lên chương trình về chuyện thời xưa, đài Quốc gia VTV vậy rồi thì có thể mong 1 ngày thấy bà Khánh Ly hay ông Nguyễn Ngọc Ngạn trên VTV không nhỉ. Mẹ tôi đọc được tưởng con bé dính vào cộng đồng người Việt ở hải ngoại chính trị chính em gì, được ai thuê “đâm thuê chém mướn” bằng câu chữ trên mạng, nên gọi sang la tôi sấp mặt là. Facebook em thôi mà mẹ em làm quá =))).
Bởi vậy từ cá nhân thì tôi cũng chẳng biết tôi thuộc trường phái nào. Toán biết làm tốt và là nghề nghiệp chính kiếm cơm hàng ngày. Bên cạnh thiên hướng Toán thì khả năng ngoại ngữ và giao tiếp cũng thuộc diện không tệ, vẫn song hành cùng khả năng làm Toán để cân bằng được nhiều việc. Thế có quan trọng phải nhìn ra được đứa trẻ có thiên hướng về yếu tố nào không? Có thì tốt để phát triển yếu tố đó thành một điều đặc biệt, còn không thì cứ để phát triển đều. Quan trọng là bố mẹ đồng hành để hướng trẻ có sức khỏe, có ý thức, còn chuyện nó học được môn nào thì cứ để từ từ rồi xem, tới lớp lớn cấp 3 thì định hướng nghề nghiệp dần sau.
“Chẳng thấy nó học hành gì, chỉ cắm mặt đánh điện tử là nhanh” – “Ôi giời thế sau này làm VĐV E-sport, không phải lo chị ơi”, tôi nói chị tôi thế! = ))