Monday 5 June 2017

Tiếng vạc sành - vài suy nghĩ về sân khấu kịch Minh Nhí

Những nghệ sĩ như Trung Dân, Minh Nhí, Tấn Beo, v.v. diễn hài thì tôi không xem rồi đấy. Tôi biết đến diễn viên Thanh Thủy qua vai diễn phụ là mẹ Nam trong Bỗng dưng muốn khóc, còn biết tới Hồng Ánh là khi cô ra ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng không được vì bị tố giật chồng. Đại Nghĩa, Việt Thảo làm MC thì không bao giờ tôi thích rồi. Còn đâu nữa Trấn Thành, Trường Giang mà hát thì xác định chuyển TV hay tắt luôn đi cho nhanh.

Nhưng những diễn viên ấy, họ rất khác khi đứng trên sân khấu kịch. Thật sự khác.

Hôm rồi tôi có đi xem kịch ở sân khấu kịch Minh Nhí – 1 sân khấu mới khai trương đầu năm 2017. Đó là 1 sân khấu kịch nhỏ, nằm trong 1 con hẻm cũng không rộng ở Quận 1, hoạt động theo mô hình café kịch, tức là bên ngoài là quán café cho khán giả uống nước trong lúc đợi và trong quán có 1 phòng kín có sân khấu để diễn kịch. Tôi đã khá bất ngờ khi đến sân khấu, thay vì nhìn thấy 1 khu vực có rạp hát thì tôi nhìn thấy 1 quán café và đi vào trong quán mới thấy biển chỉ vào khán phòng. Và vì diện tích như vậy nên sân khấu kịch rất bé, chỉ có sức chứa tầm 100 khán giả, và ngay sau lưng khán giả ngồi những hàng cuối cùng là đội ngũ âm thanh, ánh sáng với khoảng 5 6 con người làm việc, máy tính bấm tanh tách. Thật sự với khung cảnh như vậy tôi đã tiếc hùi hụi, kiểu này lại văn nghệ tạp kĩ rồi! Nhất là khi tôi thấy khán giả đi xem kịch có nhiều người mặc đồ ngủ ở nhà. Tôi biết là người dân ở đây họ không quá quan trọng chuyện quần áo, mặc thế nào họ cảm thấy tiện và thoải mái, nhưng tôi không ủng hộ việc mặc pyjama ra đường.

Bỏ qua những yếu tố ngoại cảnh, vở “Tiếng Vạc Sành” hôm đó đã thành công và có lượng khán giả nhất định yêu thích vở kịch và sân khấu ấy nói chung. Khi Minh Nhí, Trung Dân, Thanh Thủy xuất hiện trên sân khấu, khán giả vỗ tay vô cùng to, ủng hộ rất nồng nhiệt. Tôi đảm bảo là kể cả ở các sân khấu kịch có tiếng khác trong thành phố thì các diễn viên cũng chỉ hi vọng được khán giả yêu thích đến như vậy. Diễn viên Trung Dân trong vai ông chủ trại hòm (ông bán quan tài), duyên dáng tung hứng những mảng miếng hài cực buồn cười với ông bạn Minh Nhí. Minh Nhí trong vai 1 người cậu không chịu lấy vợ để chung thủy với cô người yêu chết vì bị giặc bắt năm xưa, sống với chị hai, luôn miệng rầy la con cháu nhưng chứa đựng sự yêu thương vô bờ bến.Thanh Thủy vào vai 1 bà mẹ miền sông nước góa chồng sớm, một mình nuôi 2 đứa con trai. Bà đã rất vui sướng khi đứa con út đỗ Đại học trên Sài Gòn, rồi tuyệt vọng khi biết nó nghiện hút và giết người, và không thể chịu đựng được khi đứa út, do cãi nhau với anh trai về chuyện bán đất hương hỏa tổ tiên để có tiền trốn truy nã, trong lúc xô xát, đã đâm chết người anh của mình. Vậy là người mẹ ấy, trong 1 lúc, đã mất hết cả 2 người con yêu dấu của mình. Bên cạnh đó còn có những diễn viên trẻ khác, diễn xuất của họ dù đôi chỗ còn non nớt, ví như là khi họ hét to thể hiện cảm xúc thì bị vỡ tiếng, nói nuốt chữ nghe không rõ, thì họ cũng đã làm tròn vai diễn của mình. Tôi nhìn xung quanh, nhiều bác gái cũng dụi mắt luôn luôn vì thương cảm cho những số phận trong vở kịch.

Còn về điểm không thích, tôi không thích khi xuyên suốt vở kịch chỉ có 1 khung cảnh duy nhất là ngôi nhà bên sông. Mọi diễn biến câu chuyện, tiếng chèo ghe, chèo xuồng, tiếng ve, sấm chớp đều chỉ có 1 khung cảnh duy nhất, vẫn có cây cầu khỉ, có lu nước, đống rơm, sân khấu không hề chuyển bối cảnh. Tôi cũng không thích khi kết kịch là 1 đoạn dài các nhân vật độc thoại nội tâm. Thường thì khi như vậy diễn viên phải có giọng nói cực truyền cảm, kết hợp với ánh sáng, khung cảnh, lời đọc thu hút khán giả ngay lập tức thì họ mới thấy hay được. Ở đây thì giọng các diễn viên hay kể cả cô Thanh Thủy, với tôi là chưa đủ thuyết phục, lời thoại có đôi chút hơi bị văn học hóa và lê thê. Và vì thế, câu chuyện với tôi còn để ngỏ, bà mẹ, người cậu và 2 cô vợ sẽ tiếp tục cuộc sống như thế nào, đứa bé trong bụng người vợ của cậu em có phải là sự nối tiếp hi vọng cuộc sống cho gia đình không. Với tôi vở kịch hay là khi tôi quên mất hiện tại để thực sự chìm đắm vào không gian nhân vật. Như khi xem “Lan phải sống”, khi cậu Điệp phải lấy cô Thúy Liễu, trong đầu tôi hiện lên những câu hỏi dồn dập: “Tại sao lại trớ trêu vậy? Tại sao người ta không thể vừa thi đỗ vừa có vợ đẹp? Rồi Lan sẽ thế nào khi biết tin này? Điệp sẽ phải giải thích với má, với ông giáo Tú như nào? Rồi cuộc tình 2 người sẽ đi về đâu”v.v. đại loại thế. Còn khi xem đến cảnh người em út đâm anh trai mình trong “Tiếng vạc sành”, người anh nằm sõng soài trên nền nhà, và xung quanh 2 cô vợ đang mặt mũi ngơ ngác, thì trong đầu tôi lại hiện lên những câu hỏi rất lý trí: ”Ơ kìa, đưa người ta ra trạm xá ngay. Tại sao lại đứng thờ ra như thế? Khóc lóc gì, nhanh lên còn cứu được người. Trời kịch vô lý quá!” Đấy, kịch vẫn còn làm khán giả sống với “thực tế” như vậy thì tôi thấy chưa phải là thành công.

Nhưng dù sao, với khả năng quy tụ dàn diễn viên có tên tuổi như vậy, với lứa diễn viên trẻ có nhiều tiềm năng, sân khấu kịch Minh Nhí tôi tin là sẽ có tên tuổi trong nay mai thôi, nhất là khi họ đã xác định sẽ khai thác nhiều thể loại để phục vụ nhiều đối tượng. Hi vọng nếu họ xác định sẽ là 1 “nồi lẩu” thì hãy là 1 nồi lẩu thập cẩm đàng hoàng, đủ vị và ăn ngon.    

Ảnh: doisongvietnam.com