Sunday 19 April 2020

Du học cấp 3: Định hướng ngành học sau phổ thông ở Úc

Tiếp sau bài Du học cấp 3 nên đi từ khi nào viết lâu rồi, giờ mình kể tiếp chuyện học xong cấp 3 rồi quyết định học cái gì tiếp.

Mẹ mình vẫn nói mình “con bà cả hay”, lớp 12 thích nhiều ngành học lắm, nguyện vọng đăng kí vào Đại học trải khắp các lĩnh vực từ khoa học tự nhiên tới khoa học xã hội như Định phí, Sư phạm, Tâm lý, Luật, Ngôn ngữ, v.v .  Đứng trước nhiều sự lựa chọn vậy thì hoang mang HQH, nhưng có những yếu tố mình đã cân nhắc rất kĩ trước quyết định khá quan trọng này.

Thẳng thắn mà nói 99% các bạn đi du học từ cấp 3, đặc biệt đi Úc là mong muốn định cư sau này. Hiếm lắm mới gặp trường hợp nào kêu sẽ đi về hoặc thờ ơ với chuyện ở lại. Vì thế, mọi quyết định về ngành học, trường học, sẽ xoay quanh chủ đề định cư. Học ngành nào nước sở tại đang cần? Ngành nào trong danh sách ở lại? Khả năng định cư ngành đó thế nào? Phải tự chủ động tìm hiểu những thông tin này qua các kênh khác nhau, xà quần google với mấy group người Việt là hiểu chuyện rồi. Ngay tại thời điểm cấp 3 đã nên có hình dung nhất định mình có thể ở lại theo đường nào và cần làm những gì. Vì thế, nếu muốn ở lại, phải chọn học luôn ngành có trong danh sách định cư, mà khả năng ngành đó còn ở trong danh sách phải dài hơn thời gian mình sẽ đi học Đại học/Cao đẳng. Danh sách ngành nghề định cư thì thay đổi theo chính sánh, tình hình kinh tế hàng năm nên mỗi ông thần sẽ có những nhận định riêng, tốt nhất là phải chủ động tìm hiểu, rồi gạn nước trong mà quyết định, xanh chín hên xui gì cũng đành chấp nhận. Tuy nhiên, việc thêm hay bớt ngành nào trong cái danh sách đó là cả 1 quyết định kinh tế chính trị vĩ mô đằng sau nên sẽ mất nhiều thời gian trước khi nó được áp dụng, nếu có tác động tới khả năng nhập cư thì chính phủ cũng sẽ tác động kiểu gián tiếp như cắt tài trợ khoản này -> người dân giảm nhu cầu sử dụng -> không tìm được việc làm đúng ngành -> không đủ điều kiện kinh nghiệm để xin xác nhận đủ khả năng làm việc trong ngành đó -> không ở lại được. Vì thế, cơ bản là cứ lựa chọn ngành học trong danh sách định cư của năm tài chính đó.

Sau đó, việc chọn ngành & chọn trường sẽ là tổng hòa của rất nhiều yếu tố như sở thích, nguyện vọng, khả năng cá nhân, tài chính gia đình, v.v.. Tuy nhiên, bản thân mình phải nghĩ cho 1 tương lai xa hơn rằng việc học này sẽ quyết định rất lớn tới công việc, cuộc sống sau này, nên yếu tố học cái gì “cần” sẽ phải cân nhắc nhiều hơn yếu tố “thích” ở đây, sau đó là tới khả năng và tài chính.
Như hồi đó mình thích Sư phạm, mà kể cả giờ cũng vẫn thích mà, đã rất cân nhắc giữa việc học bằng đôi Cử nhân Kinh tế với Sư phạm Toán phổ thông (4 năm) với Cử nhân Định phí (3 năm). Suýt chút cũng đi Sư phạm vì là đúng theo ý thích mong muốn, và lại còn thiện cảm với trường, vừa báo điểm toàn bang xong là 5 phút sau nhận được offer (thư mời nhập học) liền à, vì điểm cao thế ít ai đăng kí Sư phạm lắm hehe:D. Nhưng lí do quyết định cuối cùng không chọn vì đặt lên bàn cân so sánh tương lai sau này. Sư phạm Toán ở Úc lúc nào cũng thiếu, không sợ không có việc làm, định cư được, nhưng thu nhập không cao. Hơn nữa, nghĩ tới cảnh làm việc với những đứa trẻ không cùng gốc văn hóa với mình, mà vì thế chất lượng công việc sẽ không được tốt nhất thì có lẽ không nên vì đó là việc giáo dục cho cả một thế hệ. Rồi thời gian học lâu quá, toàn 4 5 năm để có bằng đôi Sư phạm với 1 bằng nữa chứ không có bằng đơn, học dài thêm 1 năm là tốn thêm bao nhiêu tiền rồi, mà thường đã học vậy sẽ ra làm Giáo viên, lựa chọn nghề nghiệp có phần hạn chế. Thầy cô mình ngày đó cũng toàn học bằng Cử nhân đầu tiên là các ngành khoa học kĩ thuật, kinh tế kinh doanh, rồi chán đi làm muốn chuyển ngành mới học thêm 1 2 năm bằng Sư phạm sau Đại học (grad dip/master). Nên mình quyết định học Định phí để ít nhất có 1 cái nền cần thiết, rồi sau này nếu muốn có thể học Sư phạm sau. Giờ thì đã nhận ra làm giáo viên không nhất thiết phải trong khuôn khổ nhà trường, nên cũng bỏ ý định theo Sư phạm chính chuyên rồi ahihi :D.

Việc chọn ngành học có yếu tố đầu tiên rất quan trọng là học ngành có khả năng cao được ở lại, nhưng không nói trước được việc mình sẽ có thẻ xanh, sẽ có quốc tịch, nên tính toán thế nào cũng cần chừa 1 đường về Việt Nam. Mình đã từng thấy có phụ huynh cho con đi từ lớp bé (cỡ lớp 8 lớp 9), rồi tính học hết lớp 10 thôi rồi cho đi học nghề để dễ được ở lại. Đúng là ở các nước phương Tây, mấy ông thợ (thợ xây, thợ điện, thợ nước, v.v.) có nhiều cửa ở lại hơn, mà thu nhập cũng khá lắm nha, vì thực ra dân bản xứ nó có chịu làm đâu mà chả thiếu người nên dễ ở lại. Nhưng phụ huynh cũng nên nghĩ tới trường hợp không ở lại được thì sao, về Việt Nam với trình độ văn hóa lớp 10 đứa trẻ sẽ sống như thế nào. Tương tự, hướng đi học lớp 11 rồi học Dự bị Đại học (Foundation), thì xác định sẽ phải học xong bằng Đại học, chứ bỏ dở giữa chừng vừa không có bằng lớp 12, vừa không có chứng chỉ nghề hay bằng Đại học, cũng mệt mỏi lắm. Tóm lại là tính đường gì cũng phải đảm bảo có những văn bằng tối thiểu, để dù không ở nước ngoài được, thì về quê vẫn có thể sống.

Lời dài tình đầy vậy, hi vọng các em lớp 12 năm nay ở Úc thi cử tốt và có quyết định bản lề sáng suốt trong công cuộc làm người lớn!