Wednesday 27 December 2017

Biển và ánh trăng

Cặp Phương Linh - Hà Anh Tuấn ra 2 album Ngày hát đôi toàn những bài hát hay đến phát hờn. Ở Ngày hát đôi 1 các bài hát đôi đều trở thành huyền thoại cho lứa 8x 9x với những bài như "Cơn mưa tình yêu" trở thành "quốc ca của karaoke và đám cưới", "Yêu em" trong sáng tình cảm học sinh, hay có "Thiên đường gọi tên" với phần đoạn "na ná na" nghêu ngao cả khán phòng hòa giọng. Ngày hát đôi 2 không để lại dấu ấn bằng, nhưng "Giấc mơ anh và em" hay "Đừng quên nhau" đều là những bài hát về tình yêu rất văn minh, nghe xong thấy muốn được yêu đến thế chứ không ủy mị, tiêu cực.
Có 1 ca khúc mình rất thích, có thể nói là thích nhất của 2 anh chị từ xưa tới giờ nằm trong album Ngày hát đôi 1 là bài "Biển và ánh trăng". Bài hát cũng chủ đề về tình yêu, nghe nhẹ nhàng nhưng có được phần lời rất tình và khá thơ. Tình yêu ấy được thiên nhiên, tiếng sóng, ánh trăng, ánh sao, áng mây che chở. Ở đó chàng trai ví mình như biển xanh luôn hiền hòa mênh mông tình cảm, cô gái như vầng trăng dịu hiền mang theo tình yêu của chàng hòa với mây với gió. Họ mong ước rằng tình yêu ấy sẽ mãi mãi như biển xanh sóng cuốn.
Bài rất hay mà PL-HAT ít khi hát lắm, chắc do khó. Bài của Dương Cầm sáng tác và hòa âm phối khí có khác, đẳng cấp khác hẳn!



Monday 25 December 2017

Cách tính điểm thi lớp 12 ở bang NSW, Úc - Phần 2

Phần 2: ATAR – Nên hiểu như thế nào?




Ở phần trước mình đã giới thiệu về kì thi HSC và cách tính điểm tốt nghiệp cho các bạn học phổ thông tại bang NSW, Úc. Tuy nhiên, điểm thi HSC mà NESA thông báo ra chỉ để giải quyết việc các bạn tốt nghiệp lớp 12 với điểm số cao hay thấp. Nếu xác định học Đại học, còn 1 câu chuyện khác các bạn và phụ huynh cần quan tâm tới hơn, đó là ATAR (Australian Tertiary Admission Rank) – “điểm” vào Đại học và vai trò của UAC (University Admission Centre) – tạm gọi là Trung tâm tuyển sinh Đại học, nơi chịu trách nhiệm tính và thông báo “điểm” ATAR (sẽ thông báo lúc 9h sáng sau hôm có điểm tốt nghiệp HSC), phối hợp với các trường Đại học để gửi thông báo nhận học (offer) cho các bạn. Các trường Đại học ở Úc dùng con số ATAR để quyết định “điểm sàn” các ngành. Với các ngành đặc thù khác như Y, Nghệ thuật, các bạn có thể phải thi thêm UMAT (IQ), dự phỏng vấn, đi audition ca hát trình diễn thử, hay nộp portfolio những bản thiết kế của mình.

Để thuận tiện, mình có thể gọi ATAR là “điểm”, nhưng cần làm rõ rằng thực ra ATAR KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỂM (mark), ATAR là THỨ HẠNG (rank). Nếu một bạn được ATAR 97, có nghĩa là bạn ấy lọt vào top 3% dẫn đầu của bang, nghĩa là nếu cả bang có 100 bạn, thì bạn ấy xếp thứ 3. ATAR cao nhất là 99.95 (mỗi năm có khoảng 45-50 bạn được điểm này), thấp nhất là 0, UAC chỉ thông báo khi ATAR = 30 trở lên, mỗi mức ATAR cách nhau 0.05 (99.95, 99.90, 99.85, v.v.). Các bạn được ATAR 99.90 trở lên sẽ tự động nhận được học bổng AUD 10,000/năm học cho bất kì ngành học nào tại USyd và UNSW.

Vậy ATAR được tính như nào?

Nếu như NESA cố gắng giải bài toán chênh lệch điểm thi trong trường giữa các trường và so sánh khả năng của khóa (cohort) năm nay với cohort trước, UAC đảm bảo việc các môn học sẽ được coi trọng như nhau để không bạn nào bị bất lợi do toàn học Văn-Thể-Mỹ chẳng hạn.

Thực ra điểm tốt nghiệp các bạn học sinh nhận được từ NESA (90, 85, 82, v.v.) đều đã trải qua 1 quá trình điều chỉnh lại, gọi là aligned mark (cho điểm bài thi HSC chung với toàn bang) và moderated mark (cho điểm tổng kết trong trường). Do đề thi năm đấy có thể dễ hơn, có thể khó hơn, nên điểm thật cho bài thi của các bạn (raw mark) sẽ được điều chỉnh lại để thể hiện đúng khả năng của các bạn so với yêu cầu môn học. Ví dụ như với Toán 4u (Extension 2), điểm thông báo ra thì trung bình các bạn được khoảng 92% thì điểm trung bình thật (raw mark) sẽ là tầm 75%.

UAC sẽ lấy điểm raw này (75%) từ bên NESA cho từng môn và thực hiện việc điều chỉnh điểm với từng môn, gọi là quá trình “scaling”. Scaling dựa trên điểm raw của học sinh, điểm trung bình (average) và độ lệch chuẩn (standard deviation), qua đó xác định thứ hạng của bạn so với cả cohort. Ví dụ, điểm trung bình cho môn English Advanced là 81, nếu bạn được 80, có nghĩa bạn xếp ở nửa dưới, vậy percentile (xếp hạng theo %) của bạn có thể là 48 49, dù bạn thi được 80 điểm. Sau khi có được percentile từng môn, UAC sẽ lấy percentile tổng của 2 units Anh văn và 8 units tốt nhất trong các môn còn lại để ra được 1 tổng percentile cho 10 units (gọi là aggregate percentile). Từ percentile tổng này sẽ tính ra ATAR, ví dụ có 50 bạn được tổng percentile 10 units (=5 môn, mỗi môn từ 0-100, tổng percentile dao động từ khoảng 0-500) là 480 – 490 lọt top 0.05% đầu bang thì ATAR của 50 bạn này sẽ là 99.95. 

Vậy câu chuyện rút ra ở đây là: điểm số không quan trọng, quan trọng là thứ hạng của mình so với các bạn cùng lứa.

Dù ATAR là việc đảm bảo các môn học được coi trọng như nhau nhưng vẫn có những câu chuyện được truyền tai về việc học môn này sẽ được scale tốt hơn môn khác. Scale tốt hơn ở đây có nghĩa là cùng 1 số điểm 85 cho 2 môn học, nếu học môn Lý thì percentile (xếp hạng) có thể scale lên tới 93, còn 85 điểm cho môn Kịch (Drama) thì percentile có thể scale xuống 84. Có những “quy luật bất thành văn” mà phụ huynh và các bạn nên biết như sau:

1. Các môn nâng cao luôn scale tốt hơn các môn bình thường. Ví dụ Toán 4u scale nhiều hơn Toán 2u, English Advanced scale tốt hơn English Standard. Vì thế nếu bạn có khả năng, nên chọn học các môn nâng cao.
2. Các môn Toán và Khoa học tự nhiên phần lớn scale tốt hơn các môn Xã hội. Tuy nhiên, sẽ không có sự khác biệt khi bạn được điểm cao, ví dụ thứ hạng nếu được 95% môn Hóa không khác nhiều so với 95% môn Họa. 
3. Với các môn Khoa học, Lý và Hóa scale tốt hơn Sinh.
4. Với các môn Xã hội, Kinh tế (Economics) scale tốt hơn Kinh doanh (Business Studies) hay Luật (Legal Studies). Sử hiện đại (Modern History) scale tốt hơn Sử cổ đại (Ancient History).
5. Với các môn Ngoại ngữ, cấp độ Trung cấp (Continuers) scale tốt hơn cấp độ Sơ cấp (Beginners).

Vậy chọn môn như thế nào để có thể được ATAR cao nhất và được lợi từ scaling?

Thực ra lời khuyên của thầy cô và kể cả những bạn khóa trước đã học qua lớp 12 rồi đều nói rằng, đừng quan tâm tới scaling. Hãy học môn nào mình thích nhất và có khả năng nhất vì sẽ phải học môn đó trong 2 năm, không thích thì không thể học tốt, thi tốt điểm cao được. Sau đó cần thực tế đôi chút, nhất là với các bạn học sinh quốc tế mới sang. Khả năng tiếng Anh của các bạn quốc tế sẽ rất khó để viết văn hay như các bạn bản xứ, khi các bạn bản xứ phân tích bức tranh được 5 6 trang giấy mà mình chỉ viết được 2 trang thì hầu như là điểm mình sẽ không thể cao bằng được. Cuối cùng hãy nghĩ về nghề nghiệp mình muốn làm sau này sẽ phải học bằng Đại học nào, từ đó kiểm tra yêu cầu đầu vào cho bằng đó. Chú ý tới minimum ATAR và yêu cầu về môn học cụ thể (nếu có). Có 3 mức độ yêu cầu: prerequisite (bắt buộc thi HSC phải có môn đó), assumed knowledge (mặc định đã học HSC môn này rồi), recommended knowledge (khuyến khích học sinh thi HSC môn này). Nếu ngành học đó ở Đại học có những yêu cầu về kiến thức như này thì bạn nên chọn học môn đó cho HSC, vì nếu không học khi lên Đại học sẽ khó theo được. Ví dụ nếu xác định học Engineering (Kĩ sư) thì bạn nên học ít nhất Toán 2u để biết làm tích phân đạo hàm và 1 môn khoa học trong Lý Hóa Sinh tùy vào phân ngành Kĩ sư bạn muốn theo.

Sau tất cả thì ATAR cũng chỉ là 1 con số để quyết định việc có thể vào được Đại học hay không. Chắc chắn, các bạn nên cố gắng tối đa có thể, vì ATAR cao sẽ mang đến rất nhiều ích lợi. Và nếu ATAR có không cao như mong muốn, thì cũng còn rất nhiều những lựa chọn khác sau lớp 12 để các bạn tiếp tục việc học và có 1 cái nghề cho mình.   




Sunday 24 December 2017

Cách tính điểm thi lớp 12 ở bang NSW, Úc - Phần 1

Phần 1: HSC và năm lớp 12

NSW là bang có chương trình học rất tự do, 2 năm cuối trung học (lớp 11 và 12) học sinh được chọn bất kì môn học nào mình yêu thích mà không bị ràng buộc về lĩnh vực. Tức là các bạn có thể được chọn học toàn khoa học tự nhiên, hoặc toàn các môn xã hội. Do được tự do chọn lựa như vậy nên hệ thống tính điểm tốt nghiệp và đại học của bang khá khó hiểu, vì 1 bạn được 90% cho môn Lý sẽ khác với bạn được 90% môn Kịch, hay bạn được điểm 90% của khóa này (cohort) có “cùng khả năng” với bạn 90% của khóa trước không? Để giải được những bài toán so sánh này và đưa ra số điểm cho từng học sinh là việc của các cơ quan giáo dục, còn với phụ huynh và các bạn học sinh, về cơ bản chỉ cần hiểu tinh thần và những điều cần biết/cần tránh, chứ không cần phải hiểu rõ về cách tính điểm.

Các môn học lớp 11 12 được chia thành những đơn vị (units), cũng na ná với tín chỉ (credit points) ở Đại học. Mỗi môn bình thường là 2 units, môn nâng cao/mở rộng loại 1 (Extension 1) là 3 units, môn nâng cao loại 2 (Extension 2) là 4 units. Học sinh chỉ bắt buộc học English, tức Anh văn, hay thực ra chính là môn Văn, vẫn phân tích tác phẩm văn học, phân tích biện pháp nghệ thuật nhân hóa, ẩn dụ như học Văn bình thường. Mức độ học môn Anh văn tùy vào học sinh đã có bao nhiêu năm học học toàn bộ các môn bằng tiếng Anh tại trường, thường các bạn bản xứ (sinh ra hay đến Úc từ bé) hoặc có nhiều hơn 5 năm học tại trường sử dụng tiếng Anh giảng dạy (như là nếu học trường quốc tế ở Việt Nam từ nhỏ) sẽ phải học English Standard hoặc English Advanced, các bạn quốc tế mới sang thì học ESL (English as a Second Language). Trước khi được học ESL các bạn phải kê khai về quá trình học của mình từ Tiểu học, năm này đến năm kia học ở trường nào, nước nào, ngôn ngữ sử dụng giảng dạy chính ở những ngôi trường đó, việc này nhà trường phải xác nhận và gửi lên Bộ Giáo dục để đảm bảo học sinh học Anh văn ở đúng trình độ của mình. Trường công nào có học sinh quốc tế mà không có lớp ESL thì các bạn quốc tế sẽ học English Standard với các bạn bản xứ, nhưng số này ít.

Ngoài Anh văn là bắt buộc ra thì học sinh thoải mái lựa chọn những môn học còn lại. Lớp 11 học tối thiểu 12 units (chọn 5 môn + Anh văn là 6 môn), lớp 12 học tối thiểu 10 units (6 môn đang học lớp 11 được bỏ 1 tới 2 môn, tùy vào học sinh có chọn học nâng cao môn nào cho lớp 12). 2 năm cuối cấp chỉ học 5-6 môn như đã chọn. Học môn 3 units thì phải thi cả môn đó ở mức 2 units và 3 units. Học môn 4 units thì thi kì thi cho 3 units và 4 units. Ví dụ, học Toán nâng cao loại 2 (Maths Extension 2) thì phải thi cả Maths Extension 1 (3u) và Extension 2 (4u). Học Maths Extension 1 thì thi cả Maths 2u (aka Maths Advanced) và Maths Extension 1 (3u).

Chỉ có 1 kì thi cuối lớp 12 duy nhất để lấy bằng tốt nghiệp phổ thông (kì thi HSC – Higher School Certificate). Điểm thi tốt nghiệp cho 5-6 môn đó sẽ được sử dụng để tính điểm vào đại học. Tuy nhiên có 2 cơ quan riêng rẽ thực hiện việc này. NSW Education Standards Authority (NESA), hay tên cũ là BOS, BOTES, sẽ thực hiện việc ra đề thi, chấm thi, báo điểm từng môn và cấp bằng HSC cho các bạn; và Universities Admissions Centre (UAC) sẽ tính điểm vào Đại học (điểm ATAR – Australian Teritary Admission Ranking như chúng ta vẫn hay nghe) và gửi offer vào Đại học cho từng bạn.

Đầu tiên cần phải hiểu về kì thi HSC và vai trò của NESA đối với các bạn lớp 12.

Lớp 12 bắt đầu từ kì 4 năm lớp 11, tháng 10, (tức là lớp 11 chỉ học 3 kì, sau đó kì 4 trên danh nghĩa vẫn là học sinh lớp 11A 11B nhưng thực tế học chương trình lớp 12), và kết thúc vào kì 3, khoảng tháng 9 năm sau. Cuối năm học, nhà trường sẽ nộp lên NESA điểm tổng kết cuối năm từng môn học và xếp hạng của từng bạn cho từng môn, gọi là “(school) Assessment mark”. Số điểm này và xếp hạng được tính dựa trên “sức nặng %” (weighting) của từng bài đánh giá/kiểm tra trong 4 kì học vừa qua, không nhất thiết phải là điểm trung bình, 4 kì cộng lại chia 4. Thường phụ huynh sẽ thấy con mình khá stress cho bài thi kì cuối cùng trong trường, được gọi là trial exam, phổ biến là trường sẽ mua đề của bên Catholic School Association về để cho học sinh thi thử đề thi 3 tiếng như thi thật (nhiều khi khó hơn cả đề thi thật của NESA) cho tất cả các môn. Sau đó tháng 10 các bạn sẽ bước vào kì thi cuối cùng trên toàn bang, điểm cho kì thi đợt này gọi là “Examination mark”. Và điểm tốt nghiệp HSC cuối cùng sẽ = 50% school mark và 50% exam mark. Điểm HSC được chia thành các khoảng (band): band 6 là 90-100, band 5 là 80-89, v.v.

Lý thuyết là 50-50 như vậy nhưng thực tế không hẳn là 50-50. Bởi điểm trong trường do các thầy cô tự ra đề, tự đánh giá, phụ thuộc vào mặt bằng chung của trường chứ không hẳn theo mặt bằng chung của cả bang. Vì vậy, điểm trong nhà trường sẽ được “điều chỉnh” lại (moderate) để đánh giá chuẩn hơn năng lực của các bạn, dựa trên điểm bài thi HSC làm cùng với cả bang. Sau đó mới tính 50-50 để ra điểm HSC cuối cùng.

Lấy ví dụ sau sẽ dễ hiểu hơn:
1 lớp có 7 bạn học môn Sử hiện đại (Modern History) có điểm trong trường và xếp hạng trong trường như sau:
1. A: 82                                                           5. E: 58
2. B: 80 (A hơn B 2 điểm)                              6. F: 56
3. C: 77 (B hơn C 3 điểm)                              7. G: 42
4. D: 74                                                           Trung bình = 66
Và điểm bài thi HSC của các bạn làm cùng với cả bang như sau, nhìn chung là tốt hơn và có sự thay đổi về thứ hạng:
1. A: 88                                                           5. E: 65
2. B: 90                                                           6. F: 52
3. C: 50                                                           7. G: 86
4. D: 86                                                          Trung bình = 74/ Tổng = 517
Điểm bài thi HSC sẽ được giữ nguyên, NESA sẽ dùng tổng điểm của toàn trường là 517 (hay trung bình 74) để áp lên toàn bộ school mark và tính lại điểm của các bạn trong trường, sao cho thứ hạngkhoảng cách giữa các bạn giữ nguyên.

Điểm trong trường được tính lại (moderated school assessment mark) như sau:
1. A: 90 (A vẫn xếp thứ nhất)                                                              5. E: 66
2. B: 88 (B vẫn xếp thứ 2, A vẫn hơn B 2 điểm)                                 6. F: 64
3. C: 85 (C vẫn xếp thứ 3, B vẫn hơn C 3 điểm)                                 7. G: 50
4. D: 74                                                                              Trung bình giữ = 74/Tổng = 517
Và điểm HSC cuổi cùng của các bạn sẽ là 50% điểm trong trường mới tính lại và 50% điểm bài thi HSC:
1. A: 89 (=(88+90):2)                                   5. E: 66
2. B: 89                                                          6. F: 58
3. C: 68                                                          7. G: 68 (=(86+50):2)
4. D: 80

Vậy tinh thần ở đây là: trong trường, các bạn xếp thứ hạng càng cao càng tốt, và thi kì thi cuối cùng với toàn bang thật cẩn thận. Có thể cạnh tranh với các bạn học cùng để xếp hạng cao nhất trong trường, nhưng sau đó hãy giúp đỡ nhau, vì cả trường điểm cao mình mới có lợi.

Đến mục giải đáp 1 vài thắc mắc và bình luận cá nhân:

1. Điểm tốt và chưa tốt của kì thi HSC?
Với mình HSC là hệ thống tuyệt vời, mình không thấy điểm gì không tốt cả! Học sinh chỉ phải bắt buộc học Văn, ngoài ra được tự do muốn học gì cũng được trong 2 năm, không như thi IB phải học 1 môn xã hội, 1 môn khoa học và viết extended essay 4000 chữ. Còn điểm chưa tốt của việc theo hệ HSC có thể đến từ nội dung chương trình học, các môn Toán và Khoa học (STEM) chưa chuẩn bị tốt cho học sinh để lên Đại học như chương trình học môn xã hội (Kinh tế, Kinh doanh). Như mình học Advanced Maths với Stats năm 1 ở Đại học thì kiến thức lớp 12 chỉ dùng được vài tuần đầu, sau đó coi như mới hoàn toàn, vì chương trình Toán ở HSC không dạy nhiều về thống kê (stats) và ma trận (matricies). Khi học với các bạn học lớp 12 ở Canberra hay theo hệ A-level của Anh từ nước khác sang thì thấy HSC dạy Toán không đầy đủ bằng. Còn với các môn Science thầy giáo trường mình tốt nghiệp Oxford ở Anh sang thì nhận xét rằng "Đây không phải là Khoa học. Đây là dạy tiếng Anh." Riêng Micro với Macroeconomics (Kinh tế vĩ mô vi mô) năm 1 Đại học thì coi như được học ở lớp 12 hết rồi.  

2. Điểm HSC có dựa trên điểm học trong trường, vậy các bạn học selective (trường chọn) hay các trường tư top đầu có bị bất lợi do các bạn học trong trường khó hơn không?
Không, vì điểm trong trường sẽ được tính lại dựa vào bài thi cuối cùng với cả bang nên các bạn không bị bất lợi gì cả. Thực ra các bạn học các trường tốt top đầu rất có lợi, vì cả khóa toàn các bạn giỏi, nên điểm thi cả trường sẽ lọt top đầu bang, nên dù điểm/thứ hạng của bạn có yếu thì ở những trường đó sẽ được các bạn khác kéo điểm school mark lên, kéo theo điểm trung bình cuối cùng lên. Chưa kể đến những ưu tiên sau phổ thông, các bạn học trường top sẽ dễ được Co-op scholarship hay nhận vào Cadet programs của các công ty lớn như Big 4, vừa đi học vừa có kinh nghiệm đi làm, năm cuối Đại học đã có full-time job offer cho graduate program của các công ty sau khi tốt nghiệp rồi, khỏi lo kiếm việc. 

3. Có đúng là điểm bài thi HSC của mình nếu cao nhưng thứ hạng trong trường không cao thì sẽ bị các bạn khác “cướp điểm” không?
Đúng, nhưng không ảnh hưởng tiêu cực.
Trở lại ví dụ tính điểm trên, bạn B thi bài thi HSC được điểm cao nhất - 90, nhưng trong trường xếp thứ 2. Bạn A trong trường xếp thứ 1, nên điểm trong trường sau khi tính lại của bạn A sẽ lấy điểm 90 này của bạn B.
Tương tự, bạn C thi bài thi HSC được điểm thấp nhất – 50, bạn G trong trường xếp thấp nhất, nên điểm trong trường “mới” của bạn G là 50 (từ 42 lên 50).
Tuy nhiên sau đó đều cộng điểm trong trường và điểm thi vào chia đôi, và điểm bài thi HSC quyết định điểm trong trường, nên chỉ cần bài thi với cả bang làm tốt thì điểm sẽ tốt.

4. Có bạn nào bị trượt HSC không?
Không như học Đại học thi dưới 50% là trượt, phải học lại môn, HSC dường như không có khái niệm trượt. Các bạn chỉ cần lúc học trong trường nộp bài làm test đầy đủ, không bị thầy cô đánh Non-Attempt, hôm thi HSC có mặt làm bài như mọi người, đừng vắng mặt không lí do, nếu ốm phải có giấy bác sĩ, còn đâu bạn thi được bao nhiêu điểm cũng sẽ vẫn có bằng tốt nghiệp phổ thông như bình thường.

5. Nghe nói NESA đang đưa ra luật các bạn lớp 9 phải thi NAPLAN (literacy và numeracy test) qua một số điểm nhất định mới được học và thi HSC, việc này là như nào?
Hiện giờ mới chỉ là kế hoạch, chưa có thông báo cụ thể gì. Do khả năng đọc viết và làm Toán của các bạn ở Úc năm nào cũng sụt giảm thứ hạng so với các nước khác trên thế giới nên NESA đưa ra đề xuất như vậy. Các bạn lớp 9 thi NAPLAN không đủ điểm vẫn sẽ được lên lớp 10 11 12, học thi HSC như bình thường. Chỉ là nếu bạn thi đủ điểm NAPLAN thì bạn sẽ có bằng tốt nghiệp phổ thông (certificate), còn không có điểm NAPLAN thì bạn sẽ không nhận được bằng tốt nghiệp, NESA sẽ cấp giấy chứng nhận bạn đã học và thi lớp 12 những môn như này (gọi là record of achievement hay tương tự như vậy). Bạn vẫn dự kì thi HSC với toàn bang như mọi người, vẫn đủ điều kiện nhận điểm ATAR và vào Đại học. Đương nhiên là khi có điều kiện về điểm NAPLAN với kì thi tốt nghiệp thì có thể các trường Đại học cũng sẽ yêu cầu học sinh phải đủ điểm NAPLAN mới cho học, vì các giáo sư Đại học cũng lên tiếng cảnh báo nhiều lần trên báo chí về tình trạng đọc viết và làm Toán dưới yêu cầu của sinh viên Úc. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là dự kiến, khi có quyết định chính thức nhà trường sẽ thông báo tới phụ huynh và học sinh.

Còn tiếp…

** Phần 2: ATAR – Nên hiểu như thế nào?


Tuesday 19 December 2017

Hồng Nhung - "Phố à phố ơi"

“Ai nghe qua giọng tôi thôi, cũng nói người Hà Nội cũ
Thấp thoáng một dáng đứng, thân như là hàng xóm lâu năm”…

Lấy ý tứ “đã quen bước chân giọng nói” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp trong “Nhớ về Hà Nội”, nàng Bống đã mở đầu album của mình với 2 câu hát như thế. Chỉ cần nghe 2 câu này đã biết album hay rồi 😊 Với những album, ca khúc về Hà Nội, mình luôn dễ tính như vậy.

Phải mất gần 6 năm cô Bống mới hoàn thành được album “Phố à phố ơi” – 1 album về Hà Nội “nay”, được hát bởi người Hà Nội “xưa”. Tuy nhiên cái “xưa” và “nay” trong album không bị chọi nhau, không so le nhau, trái lại lại đồng hành, hòa hợp với nhau tạo nên 1 tổng thể đầy đặn, căng tràn cảm xúc. Nhung cứ thủ thỉ, khe khẽ kể chuyện về Hà Nội “xưa” với những kỉ niệm thời niên thiếu bên căn nhà nhỏ, bên gốc nhãn già, mùa đông lạnh cắt da, cánh cửa cũ phai sơn; những nhớ nhung xa cách để rồi thèm được “về với đông như lúc xưa”. Chuyện cũ chuyện mới cứ đan xen nhau, kéo ta về những kỉ niệm rồi lại quay về với hiện thực “Hà Nội giờ nắng khan chói chang, khói bụi mờ”, “dự án cơi nới”, “nhà cao 6 tầng”. Nhưng không vì thế người Hà Nội hay những ai trót yêu thành phố này cảm thấy khó chịu với nó, chúng tôi vẫn có những giấc mơ bay và tự hào hát “quê hương cho tôi trái tim để yêu”.

Trong “Phố à phố ơi” của cô Bống có rất nhiều hình ảnh thuộc về thế hệ bố mẹ nhưng mình hoàn toàn cảm nhận được cả câu chuyện của thế hệ mình trong ấy. Nếu Hà Nội của bố mẹ là “cành đa đỏ búp”, “hoàng lan vàng lá”, chơi khăng, chơi bi bên gốc bàng trưa hè thì mình cũng mộng mơ với cây hoa giấy trước nhà, cũng nhảy dây, đá cầu dưới tán cây bàng, cây muỗm sân trường. Hà Nội của thế hệ trước là “tàu điện leng keng vội vã” thì thế hệ sau có “phố cổ hàng rong”, có “chợ đêm người đứng trông”, nhộn nhịp, náo nhiệt. Nhưng chúng tôi đều có chung kỉ niệm về những mùa đông “nghe thoáng trên bờ đê” đã thấy gió mùa về, về những buổi sáng đi học tờ mờ “sương giăng hồ Tây trắng”, về những lúc được bà vòng tay âu yếm, được nghe cha kể chuyện Hà Nội xưa. Với riêng mình còn là kỉ niệm những đêm cuối trước khi bay, trong đầu vô thức bật lên câu hát “Phố nhỏ ơi ngủ đi nhé, sớm mai tôi đi xa rồi”, lúc trên đường từ nhà ra sân bay cũng tự hỏi “Phố ơi có nhớ tôi không?”. Hay những đêm ở bên này mãi mới ngủ, nhìn ra cửa sổ thấy trăng sáng lại mong bình yên như câu hát: “Đêm đêm nằm mơ phố, trăng rơi nhòa trên mái. Đi qua hoàng hôn ghé thăm nhà.” Hà Nội luôn lãng mạn, luôn gây nhớ nhung cho những người thuộc về nó.

Nói về album, mình có mong chờ được nghe những bài hát mới hơn về Hà Nội trong CD này. Gần 70% album là bài hát cũ, có bài mình đã từng nghe ít nhất 1 lần cho tới vài bài thuộc không sai 1 chữ để biết ca sĩ có thay đổi gì về lời. Âm nhạc bên cạnh những bài hát “nhạc kịch” thì một phần lớn âm nhạc làm mình nhớ tới Bài hát Việt tầm năm 06 07 tại tác giả các ca khúc toàn những người trưởng thành từ chương trình này. Nhưng phần cảm xúc là thứ quan trọng nhất để khán giả quên hết đi sự cũ mới của tác phẩm, và ở album này mình thấy cô Bống kể chuyện quá hay. Và đương nhiên, với mình, Hồng Nhung vẫn là người hát hay nhất về Hà Nội. Album này mình thích nhất bài “Phố à phố ơi” của Lưu Hà An, ấn tượng với “Thư Hà Nội” của Nguyễn Vĩnh Tiến (lâu rồi không được nghe ca khúc nào có chất liệu dân gian Bắc bộ như kiểu “Bà tôi đưa tôi ra đầu làng…”), và ám ảnh nhất bài “Cây vĩ cầm” của Lê Yến Hoa. Sau bản thu của Thùy Chi trong đĩa của báo 2! Hoa học trò ngày xưa, đây là lần thứ hai mình nghe “Cây vĩ cầm” xúc động như vậy.

Diva vẫn bị tiếng “chửa lâu khó đẻ” về chuyện sản phẩm âm nhạc, nhưng thật ra một khi họ đã ra sản phẩm thì toàn những thứ đáng nghe. Còn mợ Lam mợ Linh, ra nốt đĩa nhạc đỏ với Chat với Mozart 2 đi cho bằng anh bằng chị nào, hóng các mợ tung chiêu lắm!

P/S: nhờ album Hà Nội của cô Bống mà em giờ cũng biết iTunes với Apple Music là cái gì rồi =))) 

Link iTunes: https://itunes.apple.com/us/album/ph%E1%BB%91-%C3%A0-ph%E1%BB%91-%C6%A1i/1326727376


Tuesday 5 December 2017

Kỉ niệm học thêm ở Úc

Sáng nay trên diễn đàn phụ huynh bên này có chủ đề trẻ ở nước ngoài có học thêm không, mình trả lời hộ luôn, có chứ, nhiều chứ không ít ỏi gì đâu. Thế mới nuôi được thành phần kiếm tiền nhờ vào việc gia sư dạy kèm như mình chớ!

Ở Sydney cũng có hệ thống trường chuyên lớp chọn, nên chắc chắn là ngành công nghiệp dạy thêm học thêm ở đây là trăm hoa đua nở. Đại loại là cấp 1 (vỡ lòng->lớp 6), hết lớp 4 các em thi vào “lớp cơ hội” (OC – Opportunity Class) của học khu, học OC lớp 5 lớp 6, hết lớp 6 thi chuyển cấp vào “trường chọn” cấp 3 (selective school). Nôm na các cháu lớp 4 đang học trên địa bàn quận Tây Hồ đổ về thi để vào được lớp 5D ở Chu Văn An, học lớp 5 lớp 6 với thầy Cầu/cô Kiều Dung, cô Nội “luyện chưởng” cho tinh nhuệ, rồi hết lớp 6 thì đăng kí thi trường chuyên. Cả thành phố/bang thi chung 1 đề Toán, Văn, IQ, rồi tùy điểm và tùy nguyện vọng đăng kí các cháu sẽ tỏa đi học ở Ams, Giảng Võ, Trưng Vương, v.v. còn trượt thì hộ khẩu ở đâu về đấy học, gia đình không muốn cho học trường công thì cố cho các em học trường tư hay trường đạo.

Hôm nọ xuống chú thấy chú kể thằng bé nhà chú bên này cũng đang luyện thi để thi trường điểm sang năm, nghe kể thì cũng khác gì tôi luyện thi Ams ngày xưa đâu. Trong năm vẫn phải đi học ở trường thì 1 tuần 2 buổi tới trung tâm, 1 buổi là để học kiến thức, 1 buổi là đến tự ngồi làm bài tập, có gì không hiểu sẽ có người giúp đỡ. Lúc đầu thằng bé mới vào trung tâm nó cũng chấp chới vì các bạn học khó quá, giờ đuổi kịp được rồi thì cu cậu lại thích đi học thêm. Chú bảo sắp thi đến nơi rồi phải “đả thông tư tưởng” cho nó, tháng hè này là phải tăng số buổi lên để người ta rèn cho còn thi. Mình ngồi nghe thấy giống mình ngày xưa đi học cô Hằng ghê, mỗi tội phụ huynh nhà này có “đả thông” gì đâu, cô lên lịch sao thì cứ thế mà theo thôi, cái tháng cuối cùng cũng cứ cách 1 buổi là xuống nhà cô học, hôm thì cả Toán Văn, hôm thì học 1 môn. Nên bảo sao sau này mình ghét cái đường Thụy Khuê lắm, toàn đi Hoàng Hoa Thám thôi!

Cấp 3 ở Úc hết trường chuyên lớp chọn rồi thì mình học thêm để thi Đại học, lúc nào cũng có lí do để học thêm cả. Mình khẳng định luôn để thi được Đại học bên này mà điểm cỡ 99+, kiểu gì cũng phải học thêm ngoài, trừ những đứa quá xuất sắc không nói, chắc không có trẻ nhà mình đâu, nên nếu đặt mục tiêu điểm cao thì phải đi học ngoài nữa. Nhất là với Y và Luật ngoài điểm thi chính thống các bạn còn phải thi UMAT (đại loại là IQ), thi cái gì đó mới ra của riêng khoa Luật, rồi phỏng vấn cũng cần luyện, nên phải đi học thêm hết đấy. Mình thì không được 99+, cũng không có nhu cầu học Y với Luật, nhưng vì mấy môn xã hội viết lách trường mình yếu quá nên phải đi học thêm bên ngoài. Lớp 12 mình học 2 môn xã hội, bắt buộc học Anh văn (ESL – English as a Second Language, Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2) và Kinh tế (Economics).

Với Anh văn thì kì 1 đi học thêm ở 1 trung tâm người Việt, ở khu người Việt, tuần 1 buổi 1 tiếng. Môn Anh văn ở bang này thì học theo kiểu có 1 chủ đề chính (như năm của mình là Belonging – sự thuộc về cho Phần 1, và Phần 2 là Australian Voices – “tiếng nói” Úc châu), có 1 danh sách các tác phẩm bắt buộc học, giáo viên chọn 1 2 tác phẩm từ danh sách này để dạy cho học sinh, rồi học sinh tìm thêm các tác phẩm bên ngoài để phân tích luận điểm cho phong phú. Các bạn học thêm cùng thì học ở trường khác nên tác phẩm học cũng khác, mình không được hưởng trọn vẹn 1 tiếng đó nên thôi nghỉ, cô giáo dạy thêm cũng hay mà không hay bằng cô giáo trên lớp. Xong thì đổi giáo viên, ông giáo mới trên trường thì mới chuyển từ Anh sang, dạy được kì 2 xong lại nghỉ, mình lại có giáo viên mới cho kì 3 kì 4, ông giáo cuối cùng này vừa mới ra trường đang tìm việc, cũng khổ thân ổng lần đầu tiên đi dạy bị quăng ngay vào lớp 12 dạy 2 học kì cuối. Hồi đó lớp mình lo quá, có mỗi 1 môn bắt buộc là Anh văn mà học hành thế này không ổn, chỉ là tâm sự hỏi bài cô giáo cũ thôi, vì biết là cô hết hợp đồng và trường không thuê cô nữa chứ không phải cô bỏ học sinh. Xong chả hiểu cô thương tình thế nào mà bảo có cần học thêm thì nói cô, cô dạy cho 2 tiếng cuối tuần, nhưng các con phải xuống gần chỗ nhà cô. Cô lấy có $10/1 giờ/1 đứa, 5 6 đứa học 1 buổi, đúng là lấy cho có chứ bà ấy đi dạy thêm trung tâm 1h đã lấy người ta cả $100 rồi. Giáo viên tư bản cũng thương học sinh nhiều như giáo viên Á châu mà, không khác nhau đâu! Học thì cuối tuần phải đi sớm, kiếm cái băng ghế dài trong khu ăn uống ở trung tâm thương mại ấy chứ cũng đâu có phòng ốc gì. Người ta đi shopping rồi ăn uống xung quanh tự dưng lọt đâu ra 1 tốp đang dạy học với viết bài say sưa, thấy cũng buồn cười. 1 kì học ở trường 10 tuần thì cô dạy cho khoảng 8 tuần, còn cuối tuần nào cô bận về quê thăm phụ huynh nữa thì có kì chỉ học có 6 tuần. Nhưng học ít mà chất lượng gấp mấy lần ở trường. Giáo viên người ta có kinh nghiệm làm việc với học sinh quốc tế gần chục năm nay rồi nên người ta biết học sinh bị yếu điểm gì, kèm cặp sát sao, “gia sản” cô có bao nhiêu đề thi Anh văn từ thi thật tới thi thử, cả băng đĩa cô cho làm bằng sạch, chấm điểm kiểu trừ thẳng tay không khoan nhượng, học 2 tiếng xong thấy mình như ở Mù Căng Chải đang tập làm văn. Cô bắt về nghe đài xem TV không bật phụ đề để luyện tai nghe; luyện cả cách ghi tóm tắt ý trong lúc nghe vì thi nghe môn này không chỉ đơn giản là hỏi đang nói về cái gì mà phải phân tích cả biện pháp nghệ thuật sử dụng trong đoạn nghe đấy. Tuần nào cũng bắt viết 1 bài văn nộp cô. Ví dụ học thứ 7 cô cho đề về nhà, thứ 5 phải gửi cô bài để cô chấm trước. Được cái lứa năm mình 1 dàn cũng có ý thức học, tư tưởng hơi truyền thống nên sợ bị trượt tốt nghiệp lớp 12 thì không làm được việc gì sau này nên mang tiếng đi học thêm nhưng làm bài rất đầy đủ, 1 phần vì cô giáo cũng có tướng dọa học sinh nên hội này sợ. Nói chung may mà có học thêm với cô ở ngoài thì điểm Anh văn của mình còn thuộc diện tạm chấp nhận được như thế chứ không cũng be bét lắm!

Môn Kinh tế kia thì không hẳn là học thêm, nhưng có đi học ngoài 2 lần. Ngày đấy có trung tâm TSFX với HSC in the holiday cứ nửa năm lại tổ chức ôn tập 1 lần thì đăng kí đi học nguyên 1 ngày 8 tiếng ở Sydney Uni. Giáo viên người ta mời về dạy là ông Tổ trưởng tổ Xã hội (Head of Humanities) ở trường Knox Grammar, cũng 1 trường tư xịn nổi tiếng ở Sydney, đi học được phát vài tập tài liệu với đề thi thử này nọ 1 xấp về nghiên cứu dần. Đi học với giáo viên trường khác mới thấy trường mình dạy đúng tào lao, giờ học là giáo viên mở nguyên quyển sách giáo khoa đọc từ đầu đến cuối chứ chả chỉ dẫn luyện tập gì. Còn trường người ta thầy cô chỉ cách học sinh đọc yêu cầu chương trình môn học, gạch đầu dòng này ví dụ yêu cầu học sinh hiểu và giải thích được ảnh hưởng của toàn cầu hóa đến vấn đề xuất nhập khẩu là hoàn toàn có thể thành 1 câu hỏi 5 điểm trong đề thi thì các em phải trả lời như thế nào, có những ý gì. Hay cách trả lời cho câu hỏi giải thích khác gì với câu hỏi đánh giá khác gì với câu hỏi so sánh, phân biệt. Môn này thì may là lứa trước các ông bà ấy cũng tự học tự tìm tài liệu, xong để lại cho đàn em 1 đống, mình với các bạn khác chia nhau đọc lấy đọc để lấy ý chuẩn bị cho 2 bài văn cuối, nhưng một phần không có ai luyện đề hay sửa từng câu chữ như với Anh văn nên điểm hơi đì đẹt. Nhưng chốt là vẫn được trên 80, mừng dễ sợ. Chứ lúc đầu xác định điểm trong trường cứ trừ đi 10 điểm ra điểm thi thật, may là thực tế chỉ chênh có 4 điểm!

Thực ra học thêm hay không tùy vào mục tiêu và điều kiện kinh tế, như mình có học thêm nhưng yếu tố “hạt dẻ” vẫn phải đặt lên hàng đầu, học thêm có ích thật nhưng bên cạnh đó về nhà vẫn phải tự học rồi luyện viết như điên. Ngoài ra thi lớp 12 bên này còn là câu chuyện từ hên xui chọn môn tới khả năng học của bản thân trong từng môn nên đầu tiên là phải chọn đúng môn phù hợp và cố gắng thi điểm thật cao. Như mình là vì Toán với Tiếng Trung cao quá nên kéo điểm vào Đại học lên hết đấy, chứ 2 môn xã hội kia điểm không ăn thua gì.

Ảnh: Internet