Tuesday, 5 December 2017

Kỉ niệm học thêm ở Úc

Sáng nay trên diễn đàn phụ huynh bên này có chủ đề trẻ ở nước ngoài có học thêm không, mình trả lời hộ luôn, có chứ, nhiều chứ không ít ỏi gì đâu. Thế mới nuôi được thành phần kiếm tiền nhờ vào việc gia sư dạy kèm như mình chớ!

Ở Sydney cũng có hệ thống trường chuyên lớp chọn, nên chắc chắn là ngành công nghiệp dạy thêm học thêm ở đây là trăm hoa đua nở. Đại loại là cấp 1 (vỡ lòng->lớp 6), hết lớp 4 các em thi vào “lớp cơ hội” (OC – Opportunity Class) của học khu, học OC lớp 5 lớp 6, hết lớp 6 thi chuyển cấp vào “trường chọn” cấp 3 (selective school). Nôm na các cháu lớp 4 đang học trên địa bàn quận Tây Hồ đổ về thi để vào được lớp 5D ở Chu Văn An, học lớp 5 lớp 6 với thầy Cầu/cô Kiều Dung, cô Nội “luyện chưởng” cho tinh nhuệ, rồi hết lớp 6 thì đăng kí thi trường chuyên. Cả thành phố/bang thi chung 1 đề Toán, Văn, IQ, rồi tùy điểm và tùy nguyện vọng đăng kí các cháu sẽ tỏa đi học ở Ams, Giảng Võ, Trưng Vương, v.v. còn trượt thì hộ khẩu ở đâu về đấy học, gia đình không muốn cho học trường công thì cố cho các em học trường tư hay trường đạo.

Hôm nọ xuống chú thấy chú kể thằng bé nhà chú bên này cũng đang luyện thi để thi trường điểm sang năm, nghe kể thì cũng khác gì tôi luyện thi Ams ngày xưa đâu. Trong năm vẫn phải đi học ở trường thì 1 tuần 2 buổi tới trung tâm, 1 buổi là để học kiến thức, 1 buổi là đến tự ngồi làm bài tập, có gì không hiểu sẽ có người giúp đỡ. Lúc đầu thằng bé mới vào trung tâm nó cũng chấp chới vì các bạn học khó quá, giờ đuổi kịp được rồi thì cu cậu lại thích đi học thêm. Chú bảo sắp thi đến nơi rồi phải “đả thông tư tưởng” cho nó, tháng hè này là phải tăng số buổi lên để người ta rèn cho còn thi. Mình ngồi nghe thấy giống mình ngày xưa đi học cô Hằng ghê, mỗi tội phụ huynh nhà này có “đả thông” gì đâu, cô lên lịch sao thì cứ thế mà theo thôi, cái tháng cuối cùng cũng cứ cách 1 buổi là xuống nhà cô học, hôm thì cả Toán Văn, hôm thì học 1 môn. Nên bảo sao sau này mình ghét cái đường Thụy Khuê lắm, toàn đi Hoàng Hoa Thám thôi!

Cấp 3 ở Úc hết trường chuyên lớp chọn rồi thì mình học thêm để thi Đại học, lúc nào cũng có lí do để học thêm cả. Mình khẳng định luôn để thi được Đại học bên này mà điểm cỡ 99+, kiểu gì cũng phải học thêm ngoài, trừ những đứa quá xuất sắc không nói, chắc không có trẻ nhà mình đâu, nên nếu đặt mục tiêu điểm cao thì phải đi học ngoài nữa. Nhất là với Y và Luật ngoài điểm thi chính thống các bạn còn phải thi UMAT (đại loại là IQ), thi cái gì đó mới ra của riêng khoa Luật, rồi phỏng vấn cũng cần luyện, nên phải đi học thêm hết đấy. Mình thì không được 99+, cũng không có nhu cầu học Y với Luật, nhưng vì mấy môn xã hội viết lách trường mình yếu quá nên phải đi học thêm bên ngoài. Lớp 12 mình học 2 môn xã hội, bắt buộc học Anh văn (ESL – English as a Second Language, Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2) và Kinh tế (Economics).

Với Anh văn thì kì 1 đi học thêm ở 1 trung tâm người Việt, ở khu người Việt, tuần 1 buổi 1 tiếng. Môn Anh văn ở bang này thì học theo kiểu có 1 chủ đề chính (như năm của mình là Belonging – sự thuộc về cho Phần 1, và Phần 2 là Australian Voices – “tiếng nói” Úc châu), có 1 danh sách các tác phẩm bắt buộc học, giáo viên chọn 1 2 tác phẩm từ danh sách này để dạy cho học sinh, rồi học sinh tìm thêm các tác phẩm bên ngoài để phân tích luận điểm cho phong phú. Các bạn học thêm cùng thì học ở trường khác nên tác phẩm học cũng khác, mình không được hưởng trọn vẹn 1 tiếng đó nên thôi nghỉ, cô giáo dạy thêm cũng hay mà không hay bằng cô giáo trên lớp. Xong thì đổi giáo viên, ông giáo mới trên trường thì mới chuyển từ Anh sang, dạy được kì 2 xong lại nghỉ, mình lại có giáo viên mới cho kì 3 kì 4, ông giáo cuối cùng này vừa mới ra trường đang tìm việc, cũng khổ thân ổng lần đầu tiên đi dạy bị quăng ngay vào lớp 12 dạy 2 học kì cuối. Hồi đó lớp mình lo quá, có mỗi 1 môn bắt buộc là Anh văn mà học hành thế này không ổn, chỉ là tâm sự hỏi bài cô giáo cũ thôi, vì biết là cô hết hợp đồng và trường không thuê cô nữa chứ không phải cô bỏ học sinh. Xong chả hiểu cô thương tình thế nào mà bảo có cần học thêm thì nói cô, cô dạy cho 2 tiếng cuối tuần, nhưng các con phải xuống gần chỗ nhà cô. Cô lấy có $10/1 giờ/1 đứa, 5 6 đứa học 1 buổi, đúng là lấy cho có chứ bà ấy đi dạy thêm trung tâm 1h đã lấy người ta cả $100 rồi. Giáo viên tư bản cũng thương học sinh nhiều như giáo viên Á châu mà, không khác nhau đâu! Học thì cuối tuần phải đi sớm, kiếm cái băng ghế dài trong khu ăn uống ở trung tâm thương mại ấy chứ cũng đâu có phòng ốc gì. Người ta đi shopping rồi ăn uống xung quanh tự dưng lọt đâu ra 1 tốp đang dạy học với viết bài say sưa, thấy cũng buồn cười. 1 kì học ở trường 10 tuần thì cô dạy cho khoảng 8 tuần, còn cuối tuần nào cô bận về quê thăm phụ huynh nữa thì có kì chỉ học có 6 tuần. Nhưng học ít mà chất lượng gấp mấy lần ở trường. Giáo viên người ta có kinh nghiệm làm việc với học sinh quốc tế gần chục năm nay rồi nên người ta biết học sinh bị yếu điểm gì, kèm cặp sát sao, “gia sản” cô có bao nhiêu đề thi Anh văn từ thi thật tới thi thử, cả băng đĩa cô cho làm bằng sạch, chấm điểm kiểu trừ thẳng tay không khoan nhượng, học 2 tiếng xong thấy mình như ở Mù Căng Chải đang tập làm văn. Cô bắt về nghe đài xem TV không bật phụ đề để luyện tai nghe; luyện cả cách ghi tóm tắt ý trong lúc nghe vì thi nghe môn này không chỉ đơn giản là hỏi đang nói về cái gì mà phải phân tích cả biện pháp nghệ thuật sử dụng trong đoạn nghe đấy. Tuần nào cũng bắt viết 1 bài văn nộp cô. Ví dụ học thứ 7 cô cho đề về nhà, thứ 5 phải gửi cô bài để cô chấm trước. Được cái lứa năm mình 1 dàn cũng có ý thức học, tư tưởng hơi truyền thống nên sợ bị trượt tốt nghiệp lớp 12 thì không làm được việc gì sau này nên mang tiếng đi học thêm nhưng làm bài rất đầy đủ, 1 phần vì cô giáo cũng có tướng dọa học sinh nên hội này sợ. Nói chung may mà có học thêm với cô ở ngoài thì điểm Anh văn của mình còn thuộc diện tạm chấp nhận được như thế chứ không cũng be bét lắm!

Môn Kinh tế kia thì không hẳn là học thêm, nhưng có đi học ngoài 2 lần. Ngày đấy có trung tâm TSFX với HSC in the holiday cứ nửa năm lại tổ chức ôn tập 1 lần thì đăng kí đi học nguyên 1 ngày 8 tiếng ở Sydney Uni. Giáo viên người ta mời về dạy là ông Tổ trưởng tổ Xã hội (Head of Humanities) ở trường Knox Grammar, cũng 1 trường tư xịn nổi tiếng ở Sydney, đi học được phát vài tập tài liệu với đề thi thử này nọ 1 xấp về nghiên cứu dần. Đi học với giáo viên trường khác mới thấy trường mình dạy đúng tào lao, giờ học là giáo viên mở nguyên quyển sách giáo khoa đọc từ đầu đến cuối chứ chả chỉ dẫn luyện tập gì. Còn trường người ta thầy cô chỉ cách học sinh đọc yêu cầu chương trình môn học, gạch đầu dòng này ví dụ yêu cầu học sinh hiểu và giải thích được ảnh hưởng của toàn cầu hóa đến vấn đề xuất nhập khẩu là hoàn toàn có thể thành 1 câu hỏi 5 điểm trong đề thi thì các em phải trả lời như thế nào, có những ý gì. Hay cách trả lời cho câu hỏi giải thích khác gì với câu hỏi đánh giá khác gì với câu hỏi so sánh, phân biệt. Môn này thì may là lứa trước các ông bà ấy cũng tự học tự tìm tài liệu, xong để lại cho đàn em 1 đống, mình với các bạn khác chia nhau đọc lấy đọc để lấy ý chuẩn bị cho 2 bài văn cuối, nhưng một phần không có ai luyện đề hay sửa từng câu chữ như với Anh văn nên điểm hơi đì đẹt. Nhưng chốt là vẫn được trên 80, mừng dễ sợ. Chứ lúc đầu xác định điểm trong trường cứ trừ đi 10 điểm ra điểm thi thật, may là thực tế chỉ chênh có 4 điểm!

Thực ra học thêm hay không tùy vào mục tiêu và điều kiện kinh tế, như mình có học thêm nhưng yếu tố “hạt dẻ” vẫn phải đặt lên hàng đầu, học thêm có ích thật nhưng bên cạnh đó về nhà vẫn phải tự học rồi luyện viết như điên. Ngoài ra thi lớp 12 bên này còn là câu chuyện từ hên xui chọn môn tới khả năng học của bản thân trong từng môn nên đầu tiên là phải chọn đúng môn phù hợp và cố gắng thi điểm thật cao. Như mình là vì Toán với Tiếng Trung cao quá nên kéo điểm vào Đại học lên hết đấy, chứ 2 môn xã hội kia điểm không ăn thua gì.

Ảnh: Internet

No comments:

Post a Comment