Sunday, 24 December 2017

Cách tính điểm thi lớp 12 ở bang NSW, Úc - Phần 1

Phần 1: HSC và năm lớp 12

NSW là bang có chương trình học rất tự do, 2 năm cuối trung học (lớp 11 và 12) học sinh được chọn bất kì môn học nào mình yêu thích mà không bị ràng buộc về lĩnh vực. Tức là các bạn có thể được chọn học toàn khoa học tự nhiên, hoặc toàn các môn xã hội. Do được tự do chọn lựa như vậy nên hệ thống tính điểm tốt nghiệp và đại học của bang khá khó hiểu, vì 1 bạn được 90% cho môn Lý sẽ khác với bạn được 90% môn Kịch, hay bạn được điểm 90% của khóa này (cohort) có “cùng khả năng” với bạn 90% của khóa trước không? Để giải được những bài toán so sánh này và đưa ra số điểm cho từng học sinh là việc của các cơ quan giáo dục, còn với phụ huynh và các bạn học sinh, về cơ bản chỉ cần hiểu tinh thần và những điều cần biết/cần tránh, chứ không cần phải hiểu rõ về cách tính điểm.

Các môn học lớp 11 12 được chia thành những đơn vị (units), cũng na ná với tín chỉ (credit points) ở Đại học. Mỗi môn bình thường là 2 units, môn nâng cao/mở rộng loại 1 (Extension 1) là 3 units, môn nâng cao loại 2 (Extension 2) là 4 units. Học sinh chỉ bắt buộc học English, tức Anh văn, hay thực ra chính là môn Văn, vẫn phân tích tác phẩm văn học, phân tích biện pháp nghệ thuật nhân hóa, ẩn dụ như học Văn bình thường. Mức độ học môn Anh văn tùy vào học sinh đã có bao nhiêu năm học học toàn bộ các môn bằng tiếng Anh tại trường, thường các bạn bản xứ (sinh ra hay đến Úc từ bé) hoặc có nhiều hơn 5 năm học tại trường sử dụng tiếng Anh giảng dạy (như là nếu học trường quốc tế ở Việt Nam từ nhỏ) sẽ phải học English Standard hoặc English Advanced, các bạn quốc tế mới sang thì học ESL (English as a Second Language). Trước khi được học ESL các bạn phải kê khai về quá trình học của mình từ Tiểu học, năm này đến năm kia học ở trường nào, nước nào, ngôn ngữ sử dụng giảng dạy chính ở những ngôi trường đó, việc này nhà trường phải xác nhận và gửi lên Bộ Giáo dục để đảm bảo học sinh học Anh văn ở đúng trình độ của mình. Trường công nào có học sinh quốc tế mà không có lớp ESL thì các bạn quốc tế sẽ học English Standard với các bạn bản xứ, nhưng số này ít.

Ngoài Anh văn là bắt buộc ra thì học sinh thoải mái lựa chọn những môn học còn lại. Lớp 11 học tối thiểu 12 units (chọn 5 môn + Anh văn là 6 môn), lớp 12 học tối thiểu 10 units (6 môn đang học lớp 11 được bỏ 1 tới 2 môn, tùy vào học sinh có chọn học nâng cao môn nào cho lớp 12). 2 năm cuối cấp chỉ học 5-6 môn như đã chọn. Học môn 3 units thì phải thi cả môn đó ở mức 2 units và 3 units. Học môn 4 units thì thi kì thi cho 3 units và 4 units. Ví dụ, học Toán nâng cao loại 2 (Maths Extension 2) thì phải thi cả Maths Extension 1 (3u) và Extension 2 (4u). Học Maths Extension 1 thì thi cả Maths 2u (aka Maths Advanced) và Maths Extension 1 (3u).

Chỉ có 1 kì thi cuối lớp 12 duy nhất để lấy bằng tốt nghiệp phổ thông (kì thi HSC – Higher School Certificate). Điểm thi tốt nghiệp cho 5-6 môn đó sẽ được sử dụng để tính điểm vào đại học. Tuy nhiên có 2 cơ quan riêng rẽ thực hiện việc này. NSW Education Standards Authority (NESA), hay tên cũ là BOS, BOTES, sẽ thực hiện việc ra đề thi, chấm thi, báo điểm từng môn và cấp bằng HSC cho các bạn; và Universities Admissions Centre (UAC) sẽ tính điểm vào Đại học (điểm ATAR – Australian Teritary Admission Ranking như chúng ta vẫn hay nghe) và gửi offer vào Đại học cho từng bạn.

Đầu tiên cần phải hiểu về kì thi HSC và vai trò của NESA đối với các bạn lớp 12.

Lớp 12 bắt đầu từ kì 4 năm lớp 11, tháng 10, (tức là lớp 11 chỉ học 3 kì, sau đó kì 4 trên danh nghĩa vẫn là học sinh lớp 11A 11B nhưng thực tế học chương trình lớp 12), và kết thúc vào kì 3, khoảng tháng 9 năm sau. Cuối năm học, nhà trường sẽ nộp lên NESA điểm tổng kết cuối năm từng môn học và xếp hạng của từng bạn cho từng môn, gọi là “(school) Assessment mark”. Số điểm này và xếp hạng được tính dựa trên “sức nặng %” (weighting) của từng bài đánh giá/kiểm tra trong 4 kì học vừa qua, không nhất thiết phải là điểm trung bình, 4 kì cộng lại chia 4. Thường phụ huynh sẽ thấy con mình khá stress cho bài thi kì cuối cùng trong trường, được gọi là trial exam, phổ biến là trường sẽ mua đề của bên Catholic School Association về để cho học sinh thi thử đề thi 3 tiếng như thi thật (nhiều khi khó hơn cả đề thi thật của NESA) cho tất cả các môn. Sau đó tháng 10 các bạn sẽ bước vào kì thi cuối cùng trên toàn bang, điểm cho kì thi đợt này gọi là “Examination mark”. Và điểm tốt nghiệp HSC cuối cùng sẽ = 50% school mark và 50% exam mark. Điểm HSC được chia thành các khoảng (band): band 6 là 90-100, band 5 là 80-89, v.v.

Lý thuyết là 50-50 như vậy nhưng thực tế không hẳn là 50-50. Bởi điểm trong trường do các thầy cô tự ra đề, tự đánh giá, phụ thuộc vào mặt bằng chung của trường chứ không hẳn theo mặt bằng chung của cả bang. Vì vậy, điểm trong nhà trường sẽ được “điều chỉnh” lại (moderate) để đánh giá chuẩn hơn năng lực của các bạn, dựa trên điểm bài thi HSC làm cùng với cả bang. Sau đó mới tính 50-50 để ra điểm HSC cuối cùng.

Lấy ví dụ sau sẽ dễ hiểu hơn:
1 lớp có 7 bạn học môn Sử hiện đại (Modern History) có điểm trong trường và xếp hạng trong trường như sau:
1. A: 82                                                           5. E: 58
2. B: 80 (A hơn B 2 điểm)                              6. F: 56
3. C: 77 (B hơn C 3 điểm)                              7. G: 42
4. D: 74                                                           Trung bình = 66
Và điểm bài thi HSC của các bạn làm cùng với cả bang như sau, nhìn chung là tốt hơn và có sự thay đổi về thứ hạng:
1. A: 88                                                           5. E: 65
2. B: 90                                                           6. F: 52
3. C: 50                                                           7. G: 86
4. D: 86                                                          Trung bình = 74/ Tổng = 517
Điểm bài thi HSC sẽ được giữ nguyên, NESA sẽ dùng tổng điểm của toàn trường là 517 (hay trung bình 74) để áp lên toàn bộ school mark và tính lại điểm của các bạn trong trường, sao cho thứ hạngkhoảng cách giữa các bạn giữ nguyên.

Điểm trong trường được tính lại (moderated school assessment mark) như sau:
1. A: 90 (A vẫn xếp thứ nhất)                                                              5. E: 66
2. B: 88 (B vẫn xếp thứ 2, A vẫn hơn B 2 điểm)                                 6. F: 64
3. C: 85 (C vẫn xếp thứ 3, B vẫn hơn C 3 điểm)                                 7. G: 50
4. D: 74                                                                              Trung bình giữ = 74/Tổng = 517
Và điểm HSC cuổi cùng của các bạn sẽ là 50% điểm trong trường mới tính lại và 50% điểm bài thi HSC:
1. A: 89 (=(88+90):2)                                   5. E: 66
2. B: 89                                                          6. F: 58
3. C: 68                                                          7. G: 68 (=(86+50):2)
4. D: 80

Vậy tinh thần ở đây là: trong trường, các bạn xếp thứ hạng càng cao càng tốt, và thi kì thi cuối cùng với toàn bang thật cẩn thận. Có thể cạnh tranh với các bạn học cùng để xếp hạng cao nhất trong trường, nhưng sau đó hãy giúp đỡ nhau, vì cả trường điểm cao mình mới có lợi.

Đến mục giải đáp 1 vài thắc mắc và bình luận cá nhân:

1. Điểm tốt và chưa tốt của kì thi HSC?
Với mình HSC là hệ thống tuyệt vời, mình không thấy điểm gì không tốt cả! Học sinh chỉ phải bắt buộc học Văn, ngoài ra được tự do muốn học gì cũng được trong 2 năm, không như thi IB phải học 1 môn xã hội, 1 môn khoa học và viết extended essay 4000 chữ. Còn điểm chưa tốt của việc theo hệ HSC có thể đến từ nội dung chương trình học, các môn Toán và Khoa học (STEM) chưa chuẩn bị tốt cho học sinh để lên Đại học như chương trình học môn xã hội (Kinh tế, Kinh doanh). Như mình học Advanced Maths với Stats năm 1 ở Đại học thì kiến thức lớp 12 chỉ dùng được vài tuần đầu, sau đó coi như mới hoàn toàn, vì chương trình Toán ở HSC không dạy nhiều về thống kê (stats) và ma trận (matricies). Khi học với các bạn học lớp 12 ở Canberra hay theo hệ A-level của Anh từ nước khác sang thì thấy HSC dạy Toán không đầy đủ bằng. Còn với các môn Science thầy giáo trường mình tốt nghiệp Oxford ở Anh sang thì nhận xét rằng "Đây không phải là Khoa học. Đây là dạy tiếng Anh." Riêng Micro với Macroeconomics (Kinh tế vĩ mô vi mô) năm 1 Đại học thì coi như được học ở lớp 12 hết rồi.  

2. Điểm HSC có dựa trên điểm học trong trường, vậy các bạn học selective (trường chọn) hay các trường tư top đầu có bị bất lợi do các bạn học trong trường khó hơn không?
Không, vì điểm trong trường sẽ được tính lại dựa vào bài thi cuối cùng với cả bang nên các bạn không bị bất lợi gì cả. Thực ra các bạn học các trường tốt top đầu rất có lợi, vì cả khóa toàn các bạn giỏi, nên điểm thi cả trường sẽ lọt top đầu bang, nên dù điểm/thứ hạng của bạn có yếu thì ở những trường đó sẽ được các bạn khác kéo điểm school mark lên, kéo theo điểm trung bình cuối cùng lên. Chưa kể đến những ưu tiên sau phổ thông, các bạn học trường top sẽ dễ được Co-op scholarship hay nhận vào Cadet programs của các công ty lớn như Big 4, vừa đi học vừa có kinh nghiệm đi làm, năm cuối Đại học đã có full-time job offer cho graduate program của các công ty sau khi tốt nghiệp rồi, khỏi lo kiếm việc. 

3. Có đúng là điểm bài thi HSC của mình nếu cao nhưng thứ hạng trong trường không cao thì sẽ bị các bạn khác “cướp điểm” không?
Đúng, nhưng không ảnh hưởng tiêu cực.
Trở lại ví dụ tính điểm trên, bạn B thi bài thi HSC được điểm cao nhất - 90, nhưng trong trường xếp thứ 2. Bạn A trong trường xếp thứ 1, nên điểm trong trường sau khi tính lại của bạn A sẽ lấy điểm 90 này của bạn B.
Tương tự, bạn C thi bài thi HSC được điểm thấp nhất – 50, bạn G trong trường xếp thấp nhất, nên điểm trong trường “mới” của bạn G là 50 (từ 42 lên 50).
Tuy nhiên sau đó đều cộng điểm trong trường và điểm thi vào chia đôi, và điểm bài thi HSC quyết định điểm trong trường, nên chỉ cần bài thi với cả bang làm tốt thì điểm sẽ tốt.

4. Có bạn nào bị trượt HSC không?
Không như học Đại học thi dưới 50% là trượt, phải học lại môn, HSC dường như không có khái niệm trượt. Các bạn chỉ cần lúc học trong trường nộp bài làm test đầy đủ, không bị thầy cô đánh Non-Attempt, hôm thi HSC có mặt làm bài như mọi người, đừng vắng mặt không lí do, nếu ốm phải có giấy bác sĩ, còn đâu bạn thi được bao nhiêu điểm cũng sẽ vẫn có bằng tốt nghiệp phổ thông như bình thường.

5. Nghe nói NESA đang đưa ra luật các bạn lớp 9 phải thi NAPLAN (literacy và numeracy test) qua một số điểm nhất định mới được học và thi HSC, việc này là như nào?
Hiện giờ mới chỉ là kế hoạch, chưa có thông báo cụ thể gì. Do khả năng đọc viết và làm Toán của các bạn ở Úc năm nào cũng sụt giảm thứ hạng so với các nước khác trên thế giới nên NESA đưa ra đề xuất như vậy. Các bạn lớp 9 thi NAPLAN không đủ điểm vẫn sẽ được lên lớp 10 11 12, học thi HSC như bình thường. Chỉ là nếu bạn thi đủ điểm NAPLAN thì bạn sẽ có bằng tốt nghiệp phổ thông (certificate), còn không có điểm NAPLAN thì bạn sẽ không nhận được bằng tốt nghiệp, NESA sẽ cấp giấy chứng nhận bạn đã học và thi lớp 12 những môn như này (gọi là record of achievement hay tương tự như vậy). Bạn vẫn dự kì thi HSC với toàn bang như mọi người, vẫn đủ điều kiện nhận điểm ATAR và vào Đại học. Đương nhiên là khi có điều kiện về điểm NAPLAN với kì thi tốt nghiệp thì có thể các trường Đại học cũng sẽ yêu cầu học sinh phải đủ điểm NAPLAN mới cho học, vì các giáo sư Đại học cũng lên tiếng cảnh báo nhiều lần trên báo chí về tình trạng đọc viết và làm Toán dưới yêu cầu của sinh viên Úc. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là dự kiến, khi có quyết định chính thức nhà trường sẽ thông báo tới phụ huynh và học sinh.

Còn tiếp…

** Phần 2: ATAR – Nên hiểu như thế nào?


2 comments:

  1. Bạn cho mình hỏi, con mình thi HSC năm nay, mình ko hiểu khi nào thì con phải nộp hồ sơ apply cho course ở các trường mà con muốn nhập học? Một số trường đã open để apply từ bây giờ, vậy apply luôn hay đợi đến khi con có điểm HSC mới apply? Thanks bạn
    Nếu có thể bạn viết 1 bài về các bước vay tiền học đại học nữa thì tốt quá!!!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào bạn, mình không phải dân bản xứ Úc nên mình không biết về việc vay tiền học Đại học. Còn về việc apply cho course của các trường, thường đầu tháng 8 sẽ có thông báo activate account trên UAC và bắt đầu chọn nguyện vọng thì mình cứ làm từ bây giờ thôi. Sau này vẫn có thể thay đổi được bạn nhé. Đấy là mình nhớ năm mình trong trường các bạn bản xứ cũng vậy.

      Delete