“Ai nghe qua giọng tôi thôi, cũng nói người Hà Nội cũ
Thấp thoáng một dáng đứng, thân như là hàng xóm lâu năm”…
Lấy ý tứ “đã quen bước chân giọng nói” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp
trong “Nhớ về Hà Nội”, nàng Bống đã mở đầu album của mình với 2 câu hát như thế.
Chỉ cần nghe 2 câu này đã biết album hay rồi 😊 Với những album, ca khúc về Hà Nội, mình
luôn dễ tính như vậy.
Phải mất gần 6 năm cô Bống mới hoàn thành được album “Phố à phố
ơi” – 1 album về Hà Nội “nay”, được hát bởi người Hà Nội “xưa”. Tuy nhiên cái
“xưa” và “nay” trong album không bị chọi nhau, không so le nhau, trái lại lại đồng
hành, hòa hợp với nhau tạo nên 1 tổng thể đầy đặn, căng tràn cảm xúc. Nhung cứ
thủ thỉ, khe khẽ kể chuyện về Hà Nội “xưa” với những kỉ niệm thời niên thiếu
bên căn nhà nhỏ, bên gốc nhãn già, mùa đông lạnh cắt da, cánh cửa cũ phai sơn;
những nhớ nhung xa cách để rồi thèm được “về với đông như lúc xưa”. Chuyện cũ
chuyện mới cứ đan xen nhau, kéo ta về những kỉ niệm rồi lại quay về với hiện thực
“Hà Nội giờ nắng khan chói chang, khói bụi mờ”, “dự án cơi nới”, “nhà cao 6 tầng”.
Nhưng không vì thế người Hà Nội hay những ai trót yêu thành phố này cảm thấy
khó chịu với nó, chúng tôi vẫn có những giấc mơ bay và tự hào hát “quê hương
cho tôi trái tim để yêu”.
Trong “Phố à phố ơi” của cô Bống có rất nhiều hình ảnh thuộc
về thế hệ bố mẹ nhưng mình hoàn toàn cảm nhận được cả câu chuyện của thế hệ
mình trong ấy. Nếu Hà Nội của bố mẹ là “cành đa đỏ búp”, “hoàng lan vàng lá”,
chơi khăng, chơi bi bên gốc bàng trưa hè thì mình cũng mộng mơ với cây hoa giấy
trước nhà, cũng nhảy dây, đá cầu dưới tán cây bàng, cây muỗm sân trường. Hà Nội
của thế hệ trước là “tàu điện leng keng vội vã” thì thế hệ sau có “phố cổ hàng rong”, có
“chợ đêm người đứng trông”, nhộn nhịp, náo nhiệt. Nhưng chúng tôi đều có chung
kỉ niệm về những mùa đông “nghe thoáng trên bờ đê” đã thấy gió mùa về, về những
buổi sáng đi học tờ mờ “sương giăng hồ Tây trắng”, về những lúc được bà vòng
tay âu yếm, được nghe cha kể chuyện Hà Nội xưa. Với riêng mình còn là kỉ niệm
những đêm cuối trước khi bay, trong đầu vô thức bật lên câu hát “Phố nhỏ ơi ngủ
đi nhé, sớm mai tôi đi xa rồi”, lúc trên đường từ nhà ra sân bay cũng tự hỏi
“Phố ơi có nhớ tôi không?”. Hay những đêm ở bên này mãi mới ngủ, nhìn ra cửa sổ
thấy trăng sáng lại mong bình yên như câu hát: “Đêm đêm nằm mơ phố, trăng rơi
nhòa trên mái. Đi qua hoàng hôn ghé thăm nhà.” Hà Nội luôn lãng mạn, luôn gây
nhớ nhung cho những người thuộc về nó.
Nói về album, mình có mong chờ được nghe những bài hát mới
hơn về Hà Nội trong CD này. Gần 70% album là bài hát cũ, có bài mình đã từng
nghe ít nhất 1 lần cho tới vài bài thuộc không sai 1 chữ để biết ca sĩ có thay
đổi gì về lời. Âm nhạc bên cạnh những bài hát “nhạc kịch” thì một phần lớn âm
nhạc làm mình nhớ tới Bài hát Việt tầm năm 06 07 tại tác giả các ca khúc toàn
những người trưởng thành từ chương trình này. Nhưng phần cảm xúc là thứ quan trọng
nhất để khán giả quên hết đi sự cũ mới của tác phẩm, và ở album này mình thấy
cô Bống kể chuyện quá hay. Và đương nhiên, với mình, Hồng Nhung vẫn là người
hát hay nhất về Hà Nội. Album này mình thích nhất bài “Phố à phố ơi” của Lưu Hà
An, ấn tượng với “Thư Hà Nội” của Nguyễn Vĩnh Tiến (lâu rồi không được nghe ca
khúc nào có chất liệu dân gian Bắc bộ như kiểu “Bà tôi đưa tôi ra đầu làng…”), và
ám ảnh nhất bài “Cây vĩ cầm” của Lê Yến Hoa. Sau bản thu của Thùy Chi trong đĩa
của báo 2! Hoa học trò ngày xưa, đây là lần thứ hai mình nghe “Cây vĩ cầm” xúc
động như vậy.
Diva vẫn bị tiếng “chửa lâu khó đẻ” về chuyện sản phẩm âm nhạc,
nhưng thật ra một khi họ đã ra sản phẩm thì toàn những thứ đáng nghe. Còn mợ
Lam mợ Linh, ra nốt đĩa nhạc đỏ với Chat với Mozart 2 đi cho bằng anh bằng chị
nào, hóng các mợ tung chiêu lắm!
P/S: nhờ album Hà Nội của cô Bống mà em giờ cũng biết iTunes
với Apple Music là cái gì rồi =)))
Link iTunes: https://itunes.apple.com/us/album/ph%E1%BB%91-%C3%A0-ph%E1%BB%91-%C6%A1i/1326727376
Link iTunes: https://itunes.apple.com/us/album/ph%E1%BB%91-%C3%A0-ph%E1%BB%91-%C6%A1i/1326727376
No comments:
Post a Comment