Thursday 30 June 2016

Chuyện về cái "chợ nổi"

1.Có một hội giữa Xít-ni
Mang tên Vi Đi Ét-xì (VDS) rất vui
Lo học lo thi túi bụi         
Có người vẫn rảnh cặm cụi đi soi              
Soi con bé nói tiếng bồi 
Đang câu tiếng Việt nhỡ lời tiếng Anh
Thế là chửi em chửi anh
Sao mày mất gốc chè xanh thuốc lào
Luyên thuyên lời ra lời vào
Khép lại vấn đề, em chào, xin thua!

2. Câu chuyện thuận bán vừa mua
Hết sức đơn giản: em mùa kiếm cơm      
Nhưng chị giở thói lôm côm
Đặt hàng cho đã, sao hôm chuồn thẳng
Tính em chẳng thích lằng nhằng
Đến giờ không thấy, em quẳng sọt bin (sọt rác)
Thế là chị lại hóa “tin” (teen)
Lên Vi-Đi-Ét loan tin em bậy
Em đây không thích "lau sậy"
Vỡ lòng chưa thuộc, đừng “lầy” với em
Không mua, chả vẫn còn nem
Vắng cô, cả chợ vẫn thèm thức ăn.

3. Có em giờ lại lăn tăn
Thấy anh trêu ghẹo, tưởng chăn rau cải
Nhưng nào anh có lải nhải
Em mà không thích anh phải ép sao?
Con gái tám chuyện xôn xao
Anh lùn, anh xấu, anh cao xạo quần
Thì anh đây cũng phải mần
Gặp em xinh đẹp, bần thần hỏi han
Tin nhắn bị em truyền lan
Cộng đồng cảnh giác, em ban ơn này
Nhưng nào chuyện đó có hay
Không phải cái gì cũng phây-búc liền
Anh chưa bóc bánh trả tiền
Anh em mười tám, có quyền rồi nghe
Chuyện chẳng có gì là ghê
Tự dưng em làm anh ê hết mặt.

4. Cái chợ toàn chuyện lặt vặt
Hết buôn bánh trộn lại nhặt tóc sâu
Nhưng mà lại cứ lâu lâu
Ầm lên những chuyện chẳng đâu thế này
Đi tàu trốn vé không may
Gặp anh cảnh sát, báo ngay đồng bọn
Sang học thì chẳng thấy ngon
Nên đành lo chuyện chồng con đề huề
Có lũ đi học như hề
Thuê người học hộ, hơn hề Sác-lô
Đã sang xứ sở hê-lô
Chuyện chưa sáng tỏ bô bô khắp làng
Văn minh, bóng mát không màng
Dân mình thích nắng, chẳng quàng bóng râm.

Tác giả: chính chủ tự viết
(30/06/2016)



Tuesday 28 June 2016

"Màu" của giấc mơ

Giấc mơ về 1 vùng đất mới, cơ bản là toàn màu buồn...

Hôm thứ 6 nọ mình phải đi dự 1 buổi Orientation (buổi định hướng cho học sinh mới) ở 1 trường ngôn ngữ, vì mình bị khùng, đi học thêm cái bằng Trung cấp Thông dịch viên Việt ngữ (phải áp dụng văn phong của miền Nam ngay).

Câu chuyện sẽ không có gì nếu các ông bà nhân viên chỉ giới thiệu chung chung về khóa học và nhà trường. Kết thúc phần giới thiệu của mình, ông Trưởng ban ‘chót lưỡi đầu môi’ (xin tạ lỗi các cụ phát minh ra ngành ‘Tiếp thị’ ạ!) có nói 1 câu tự dưng choán lấy mạch suy nghĩ của mình cả ngày hôm đó:
“Các bạn học, nói thẳng ra chỉ để lấy 5 điểm định cư, rồi có cái thẻ thường trú nhân, rồi ổn định gia đình. Xong rồi sao nữa? Hãy cố gắng học đừng chỉ vì cái 5 điểm, hãy học để có thêm 1 khả năng nữa cho mình, 1 cơ hội nghề nghiệp mới và đừng quên sử dụng nó sau này. Vì ngành này (phiên dịch) vẫn đang phát triển, nhất là khi Úc và Việt blah blah blah….”

Tự dưng mình bị giật mình, ờ, cứ coi như là mình may mắn, đạt được ước mơ, có thẻ xanh thẻ đỏ xong thì sao nhờ. Đi làm thì sẽ làm gì, ừ thì có bằng Đại học, chuyên ngành ngành đàng hoàng hẳn hoi, nhưng có phải thực sự là công việc mình muốn theo đuổi đến lúc ‘6 tấm đóng lại’. Rồi còn gia đình riêng, con cái sinh đẻ ở nước ngoài dạy dỗ đâu phải chuyện đơn giản. Có 1 câu bình luận trên diễn đàn du học sinh ở bên này mà mình khá thích, dù nó thẳng thắn đến cực đoan: "Đời mình coi như vứt đi rồi, cố kiếm cái quốc tịch để cho thế hệ sau được nhờ thôi." Nhưng thực sự, thế hệ sau được lớn lên ở nước ngoài đã là 1 điều tốt cho những đứa trẻ ấy. Bố mẹ trong nước dạy con đã oằn xà lằn thì bố mẹ Việt ở nước ngoài còn thêm cả vấn đề văn hóa, môi trường và những kì vọng không tên. Mà gia đình ở nước ngoài, gặp 10 cặp thì 9 cặp bỏ nhau, cả Tây cả Ta. Đã được nghe, được chứng kiến, nặng thì mẹ tố bố buôn lậu bố đi tù, cháu nội được 2 tuổi rưỡi ông nội mới đến thăm 2 lần, mẹ đến thăm con trai thì con trai đi bêu xấu mẹ cho hàng xóm; nhẹ thì “chiến tranh lạnh” với bố mẹ, sinh nhật mẹ con không thèm về, v.v.v. Có thằng bé con ngày xưa mình ở cùng, em người Úc gốc Quảng Đông, em học trường chuyên của bang, như ngày xưa mình học Ams vậy, thi chất lượng khối xếp thứ 110/120. Mẹ đi họp được giáo viên Toán (chứ không phải giáo viên Thể dục) mời vào nói chuyện nghiêm túc. Khổ thân thằng bé, về bị bố mẹ nói cả bữa ăn, rồi nói cả buổi tối, nó đi ngủ cứ thút thít trong phòng. Nó thông minh, chỉ bị mỗi cái lười của con trai, cũng học thêm học nếm rồi bơi lội cả tuần. Sao thấy giống mình ngày xưa thế, cũng bị cái mác trường chuyên mà phải chăm hơn các bạn đồng trang, học cái gì cũng phải học khó hơn. Chỉ có cái là ông Chiến bà Phương chả bao giờ ca cẩm về chuyện con xếp nửa trên hay nửa dưới của lớp cả, nên mình không bị áp lực, cứ tận hưởng và phấn đấu hết mình trong 4 năm ở trường chuyên.

Có ông anh làm cho 2 sếp, hầu như cứ 2 3 tuần anh lại cập nhật tình hình số lượng đơn mời thẻ xanh của Bộ Di trú cho những ngành nghề tiêu biểu (Kế toán, Y tá, Kĩ sư các loại và Công nghệ thông tin-IT) trên cái “chợ” cộng đồng du học sinh NSW. Comment (bình luận) mà mình thấy đúng nhất của 1 chị: “Cứ lần nào thấy đăng tin là thấy depress (buồn ghê gớm)”. Câu chuyện làm người di dân chẳng bao giờ dễ, kẻ khóc là chính, có mấy ai đóng vai "người cười". Mà đã cười rồi thì còn cả 1 chặng đường dài trên mảnh đất mới, liệu vẫn còn được cười? Chồng đi làm từ 7h sáng tới 11h đêm, vợ ở nhà chăm con, lủi thủi quanh 4 bức tường, rồi cãi nhau, rồi chửi nhau, nhục mạ nhau, lôi bố mẹ họ hàng 2 bên ra xỉa, lôi cái quốc tịch ra móc, rồi có cái TV là tài sản đáng giá nhất của 2 vợ chồng trong căn nhà đi thuê cũng định lôi dao phay ra phang …. Chỉ là những thứ điển hình về dân nhập cư được nghe trên đất nước được đánh giá là “yên bình” nhất trong các nước Tư bản.

Bố chưa bao giờ dặn mình nên lựa chọn như thế nào. Đúng ra là 2 bố con chưa bao giờ nói chuyện riêng với nhau về việc đi nước ngoài của mình, cho đến lúc ông đi xa mãi. Ngoài 1 lần duy nhất ông nói đầy yên tâm rằng: "Bố chẳng có gì phải lo về con cả." Nhưng có 1 câu nói vu vơ của bố mà mình nhớ: "Ở đây khổ quá thì làm sao phải túm 5 tụm 3 với nhau. Cũng như ở bên kia khó khăn quá thì sao cứ phải ở. Tóm lại phải biết linh động." Thôi thì những quyết định quan trọng trong cuộc đời mỗi con người phải được cấu thành từ sự chín muồi của thời gian và không gian, của khách quan và chủ thể, dù điều đó đôi khi cũng chỉ là hên xui. Còn khi thấy mình còn non giữa biển cả mênh mông thì cứ dặn mình, hãy cứ cố gắng tạo ra thật nhiều cơ hội cho bản thân để ít ra, ở 1 xác suất nào đấy có thể xác định được, mình vẫn hơn người ngồi bên cạnh ngoài công viên ở điểm, tôi được quyền lựa chọn.

"Đố em nỗi buồn có bao nhiêu màu
Màu của..., màu của..., màu của..., hay màu của...?
Vì sao em buồn
Vì thấy bé nhỏ, trong cuộc đời thật lớn lao"
.....

Tuesday 21 June 2016

Ngọc Anh tái xuất

Ngọc Anh đã trở lại, hồi xuân và tươi mới.

Mình nghe Ngọc Anh từ ngày chị ấy thi Sao Mai 2005. Năm đó có cả Phương Linh (người tình âm nhạc của mình bao năm nay, dù bà ấy lười ra sản phẩm thấy ghét) và Vương Dung. Từ lúc đó mình đã thấy giọng Ngọc Anh kĩ thuật và hát cũng tình hơn PL, nhưng tui thích chị Linh hơn, bởi chị ấy tạo thương hiệu, hát cuối câu ngân rung cái mũi cứ cà tưng đặc trưng, và cái vẻ ngoài chảnh chọe kiêu sa chết người. Năm đó Sao Mai mình đã dự Ngọc Anh giải nhất rồi (vì Sao Mai là thi hát thiên về học thuật), 2 chị kia nhì, cuối cùng bán kết nhạc nhẹ PL hát “Quê hương tuổi thơ tôi” cao điểm nhất, rồi chung kết thì 2 chị chia nhau giải nhì, để chị Dung nhất. Chả hiểu thế nào!

Rồi 2 chị dắt tay nhau đi thi Chung kết Sao Mai Điểm Hẹn 06 (SMĐH). Đó là thời điểm nhạc Việt hỗn loạn, sau lứa anh Bo, anh Hai, chị Ly chán đặt lời nhạc Tàu (ôi “Ảo mộng tình yêu” của tôi) và đĩa của Báo Hoa học trò có “Xe đạp” của Thùy Chi và M4U vẫn chưa đủ hot, vì trẻ em thanh niên đang mải nhảy Audition và đặt Bomb. Hồi đó mình toàn chui lên gác bật đầu kĩ thuật số để xem VTC toàn chèn nhạc kiểu “Ngôi nhà hoa hồng” với “Công chúa bong bóng” giữa các chương trình :))) Bởi vậy SMĐH 04 06 ngày đó như là món ăn văn nghệ cứu đói, kiểu hạn hán gặp mưa rào, vì nó mới, hơn cả là nó tử tế và văn minh. Các thí sinh bước ra từ cuộc thi được công chúng đón nhận hoan nghênh như các ca sĩ thực thụ, vì căn bản là họ hát hay thật.

Ngọc Anh hát Pop miễn chê. Trong SMĐH cổ đã hát “Cánh cửa mùa xuân” hay dã man. Hồi mình bị cuồng mua đĩa nhạc (cái thời album đồng giá 35 nghìn lol) có mua album “Thế giới tuyệt vời” của cổ và đó là một trong những album đáng đồng tiền nhất. Giờ vẫn thỉnh thoảng nghe online lại, và nghe thêm cả “Đóa hoa nở muộn”, cả “Mùa thu”; lúc nào cũng nhẹ nhàng, sâu lắng, tình cảm, và “nữ quyền”. Có dạo xem phim văn nghệ chiều Chủ nhật, phim “Người đàn bà thứ hai” về mẹ chồng nàng dâu thì phải. Phim thì toàn cắt ở đoạn cao trào, con dâu đang cãi mẹ chồng thì bộp: “Mẹ đừng buồn, khi anh ấy yêu con suốt cuộc đời… nhưng có thể chia tay ngay trong ngày mai”. Nó xót xa gì đâu!!

Sau những biến động trong chuyện tình cảm, Ngọc Anh quay lại với những thanh âm tươi mới trong “Lắng nghe con tim” – 1 ca khúc R&B sôi động, trẻ trung hơn rất nhiều so với thứ nhạc Pop Ballad cô chuyên trị và định hình trong tâm trí khán giả từ lúc bước chân ra khỏi các cuộc thi. Giọng Ngọc Anh thì vẫn hay rồi, xử lí các đoạn phiêu theo giai điệu bài hát khá “tình” trên nền nhạc hiện đại bắt tai của Khắc Hưng. Dù có đôi chỗ giọng ca sĩ bị mờ do nhạc nhưng “Lắng nghe con tim” vẫn là 1 lựa chọn R&B đáng nghe trong năm nay, dễ vào, dễ thuộc, lời ca không thách đố. Kèm theo cái MV chị Ngọc Anh “cưa sừng” quá J)).

Cũng gọi là hồi tưởng đôi chút về một trong những gương mặt người nổi tiếng “đánh cắp” tuổi nhỡ dở của tôi J)


Sunday 12 June 2016

Nhật kí đi bác sĩ

Trong tất cả các ước mơ về nghề nghiệp, từ làm cô giáo, nhà ngôn ngữ học, nhà phiên dịch, chuyên gia tâm lí, nhân viên kế toán, kiểm toán, định phí, tới luật sư, v.v, tui chưa bao giờ mơ làm bác sĩ. Vì cứ nhìn thấy bác sĩ là thấy 1 đống bệnh. Vì sau khi gặp bác sĩ là tự nhiên lo sốt vó lên, phải uống 1 đống thuốc. Vì lớn đi học học rất dốt môn Sinh nên biết là không thi Y được. Tui vẫn không hiểu, tại sao 1 người có thể học được cả Toán Lý Hóa như tui mà lại cực kém môn Sinh. 4 năm cấp 2 học Sinh không hiểu 1 chữ nào, trừ mấy thứ A lớn a nhỏ đầu năm lớp 9. Tui không thể phân biệt được tại sao máu trong người phải chạy theo đường như thế như thế; tại sao cây này phải chiết cành, cây kia lại mang phận tầm gửi; tim con này lại có ngần đấy cái vách ngăn, v.v. May mà ở nhà các cô toàn kiểm tra kiểu chép lại vở ghi, và ngày xưa ngồi xung quanh tui có tất cả các loại chuyên, mỗi đứa giỏi ít nhất 1 môn, nên thi cử không thành vấn đề gì.

May mắn là 5 năm ở Úc đang tuổi bẻ được sừng trâu nên tui không ốm 1 trận nào to đến mức phải đi bác sĩ, vì vậy cũng chưa biết cái bệnh viện ở Úc mặt ngang mũi dọc ra sao. Có hắt hơi, sổ mũi, hâm hấp sốt thì cứ ngủ 1 giấc dậy là tự động hết. Năm nay chỉ vì 2 cái mũi tiêm cuối mà tui phải đi gặp bác sĩ cho đàng hoàng.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa y tế của 2 nước đó là: người dân đi đến các phòng khám (tui không thích gọi là phòng mạch, nghe như lang băm) tư nhân nhỏ, trước khi đi bệnh viện lớn. Lấy máu, tiêm chủng, khám toàn thân mọi chỗ cũng thực hiện luôn tại các phòng khám này. Trừ nặng nề cấp cứu, tai nạn, mổ xẻ mới phải đi bệnh viện. Chẳng như ở nhà, nhỏ to thế nào cũng đi bệnh viện lớn, đâm thành quá tải. Mà thiệt tình, cái phòng khám của bác sĩ gì đâu, mang tiếng là bác sĩ ở Úc, trông tôi tối, be bé, hun hút, không bằng 1 góc mấy cái phòng khám Hoa Hồng, Hoa Cúc cho các mẹ trên phố Hàng Cót. Chẳng phải vì đó là khu người Việt, khu người Tàu, Ấn Độ cũng vậy. Tui mặc kệ, mình cũng chả bệnh tình nặng nề gì, đơn giản đi tiêm có mấy mũi phổ thông thì bác sĩ nào làm chẳng được. Chắc chắn là bác sĩ của Úc đào tạo, kể cả có là người Việt, thì không có chuyện kê nhầm thuốc hay chết người được rồi. Bác sĩ tui được giới thiệu từ người quen là người Bắc di cư vào Nam (đoán thế), có cái giọng kiểu như giọng của ca sĩ Khánh Ly, Tuấn Ngọc, chả phân biệt được giọng vùng nào, dễ nghe hơn giọng người Nam nhưng từ ngữ sử dụng vẫn đặc sệt là của người Nam. Bác sĩ thấy có treo bằng chuyên về trẻ nhỏ đâm được huấn luyện nói năng nhỏ nhẹ, thỏ thẻ như con gái, câu trước câu sau một điều "Bác sĩ cho con" thế này, "Bác sĩ hướng dẫn con" thế kia. Tui đã mê mệt cái cách nói chuyện của người Nam từ trước rồi, gọi "con" rõ âu yếm trìu mến, nói rất chậm rãi từ tốn, không bắn liến thoắng như Bắc kì nhà tui. Bác sĩ làm ăn đàng hoàng, hướng dẫn đi mua thuốc tiêm, bắt phải tiêm 2 mũi cách nhau 2 ngày, không cho tiêm chung ngày như ở nhà sợ sốc thuốc, rồi còn dặn phải đến kiểm tra lại, dặn nhớ 'đòi tiền' bảo hiểm cho đỡ phí, tiêm cũng nhẹ nhàng, nói chung là hết sức cẩn thận; và mặt mũi luôn tươi cười.

Tổng kết lại là ấn tượng đi bác sĩ cũng không đáng ghét như tui nghĩ! Dù rõ mất thời gian, tiêm đủ mũi vẫn bị bắt đến thử máu kiểm tra lại. Cẩn thận quá!


Sunday 5 June 2016

"Tháng 6 trời mưa" - vài suy nghĩ cá nhân về ca sĩ hải ngoại thế hệ "mới"

Tôi gọi họ là ca sĩ hải ngoại thế hệ "mới", bởi họ mới đi nước ngoài sau này, khoảng đầu thập kỉ 2000s, khi đã trưởng thành và có tên tuổi từ nhạc nhẹ trong nước; và cũng để phân biệt với các danh ca hải ngoại như Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Hà, Trường Vũ, Thái Châu, v.v. 
Trong các ca sĩ đi hải ngoại sau này, không thiên vị, nhưng với tôi, chỉ có Thu Phương và Trần Thu Hà là có sự thú vị. Mợ Hà không thể mang phong cách "Dệt tầm gai" đi nước ngoài được thì mợ chiều khán giả hải ngoại bằng "Quê nhà", "Chị tôi" - những sáng tác "dễ nghe" của nhạc sĩ Trần Tiến, và thêm một vài bài hát xưa như "Nỗi lòng người đi", "Người em sầu mộng". Còn bao tâm trí, sáng tạo, mợ để dành cho khán giả trong nước và chiều họ bằng thứ âm nhạc cập nhật, hiện đại như album "Bản nguyên" chất lừ. Có lẽ thế nên ở thị trường hải ngoại, cái tên Trần Thu Hà không nóng, không phải là vedette của các sân khấu hải ngoại dù mợ là Diva được làng nhạc công nhận đàng hoàng. Thỉnh thoảng thấy mợ xuất hiện trên Thúy Nga Paris By Night, sô chậu cũng ở mức vừa phải (5 năm tôi ở Úc mà chưa thấy cái poster nào có tên Trần Thu Hà hết). Nhưng mợ vẫn có những sự chuyển mình đáng nể, chứ không lười thay đổi (trong âm nhạc) như phần lớn các ca sĩ đã định cư tại hải ngoại. Còn mợ Phương vẫn cứ nổ "Bang bang" rất to và rất khỏe, vẫn bùng bùng với liên khúc "Quê hương tuổi thơ tôi" mỗi buổi trình diễn. Đổi vị thì mợ hát nhạc xưa hay phá hẳn suy nghĩ của khán giả về lối hát nhạc xưa (như bài "Tình hờ", "Tình bơ vơ"), hát nhạc trung lập ("Hà Nội 12 mùa hoa", "Thư pháp"), hay hát nhạc tình thời nay ("Trăng dưới chân mình"). Đổi vị nữa thì mợ "đánh tá lả", làm giám khảo các cuộc thi âm nhạc. Và mợ đã làm rồi, 3 năm ngồi ghế giám khảo VStar của Thúy Nga và năm ngoái về làm Huấn luyện viên Giọng hát Việt trong nước.
Bởi vậy với khán giả thì 2 cái tên trên hot hơn so với thế hệ ca sĩ cùng thời, và hot nhất so với những ca sĩ đi hải ngoại, vì ít nhiều ở họ luôn có những sự mới mẻ để trình làng công chúng, dù gạch đá họ nhận lại cũng đủ sức xây cái biệt thự to đùng.
Còn lại thì, những cái tên như Bằng Kiều, dù vẫn hot nhưng âm nhạc của cậu không mới, ngoài chất giọng hát cái gì cũng hay ra. Có thể người ta thấy cậu thổi hồn vào nhạc xưa một chút gì đó văn minh, nhưng với khán giả thì họ cứ nghe mãi "Thao thức vì em", "Phút cuối", "Nơi tình yêu bắt đầu", cũng đã gần chạm ngưỡng nhàm. "Hoa hậu" của Sao Mai Điểm Hẹn 2004 Nguyễn Hồng Nhung sau scandal thì giờ chỉ hát trong cộng đồng Việt kiều các nước và vẫn chưa có sản phẩm nào thực sự "ra tấm ra món". Chàng opera Đình Bảo của AC&M chuyển sang hát nhạc xưa với nhạc thánh ca, còn thứ âm nhạc tươi mới hồn nhiên như "8 con ngỗng con" đã trở thành kỉ niệm.
Và hôm nay, khi thấy Thúy Nga post video có tên "Tháng 6 trời mưa", tôi đã không giấu được tò mò phải nghe ngay. Phần vì tựa bài hát phù hợp với không gian bão bùng của Sydney bây giờ, phần vì lâu lắm rồi không được nghe cô Ngọc Anh 3A hát. Cổ vẫn vậy, gương mặt, dáng dấp vẫn là Ngọc Anh trong trí nhớ, vẫn cái cách ăn mặt hơi ngồ ngộ với cái giọng khào khào trầm khàn đặc biệt. Nhưng thứ cảm xúc tôi muốn tìm của "Em ơi Hà Nội phố", của "Điều giản dị", hay cả của "Mong ước kỉ niệm xưa" đã khiến con bé 4 5 tuổi ngày đó dán mắt đắm đuối xem TV, có lẽ, giờ cũng khó lòng thấy lại được.

Môi trường sống của những người ca sĩ ấy đã thay đổi, đối tượng khán giả họ phục vụ nhỏ lại và có thói quen nghe nhạc rõ ràng nên buộc họ phải thay đổi. Vì suy cho cùng, ca hát cũng là một nghề, ca sĩ cũng phải lắng nghe nhu cầu thưởng thức của khán giả, và làm đầy nồi cơm nhà mình trước khi có thể toàn tâm toàn ý cho những thử nghiệm phá cách. Cũng chẳng có gì phải thắc mắc cả, vì họ lựa chọn thay đổi để có một cuộc sống (phần nhiều về mặt xã hội) tốt hơn. 
Chỉ là, trên cương vị khán giả, có một chút tiêng tiếc nào đó cho những giọng ca đẹp ấy.....