Sunday, 5 June 2016

"Tháng 6 trời mưa" - vài suy nghĩ cá nhân về ca sĩ hải ngoại thế hệ "mới"

Tôi gọi họ là ca sĩ hải ngoại thế hệ "mới", bởi họ mới đi nước ngoài sau này, khoảng đầu thập kỉ 2000s, khi đã trưởng thành và có tên tuổi từ nhạc nhẹ trong nước; và cũng để phân biệt với các danh ca hải ngoại như Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Hà, Trường Vũ, Thái Châu, v.v. 
Trong các ca sĩ đi hải ngoại sau này, không thiên vị, nhưng với tôi, chỉ có Thu Phương và Trần Thu Hà là có sự thú vị. Mợ Hà không thể mang phong cách "Dệt tầm gai" đi nước ngoài được thì mợ chiều khán giả hải ngoại bằng "Quê nhà", "Chị tôi" - những sáng tác "dễ nghe" của nhạc sĩ Trần Tiến, và thêm một vài bài hát xưa như "Nỗi lòng người đi", "Người em sầu mộng". Còn bao tâm trí, sáng tạo, mợ để dành cho khán giả trong nước và chiều họ bằng thứ âm nhạc cập nhật, hiện đại như album "Bản nguyên" chất lừ. Có lẽ thế nên ở thị trường hải ngoại, cái tên Trần Thu Hà không nóng, không phải là vedette của các sân khấu hải ngoại dù mợ là Diva được làng nhạc công nhận đàng hoàng. Thỉnh thoảng thấy mợ xuất hiện trên Thúy Nga Paris By Night, sô chậu cũng ở mức vừa phải (5 năm tôi ở Úc mà chưa thấy cái poster nào có tên Trần Thu Hà hết). Nhưng mợ vẫn có những sự chuyển mình đáng nể, chứ không lười thay đổi (trong âm nhạc) như phần lớn các ca sĩ đã định cư tại hải ngoại. Còn mợ Phương vẫn cứ nổ "Bang bang" rất to và rất khỏe, vẫn bùng bùng với liên khúc "Quê hương tuổi thơ tôi" mỗi buổi trình diễn. Đổi vị thì mợ hát nhạc xưa hay phá hẳn suy nghĩ của khán giả về lối hát nhạc xưa (như bài "Tình hờ", "Tình bơ vơ"), hát nhạc trung lập ("Hà Nội 12 mùa hoa", "Thư pháp"), hay hát nhạc tình thời nay ("Trăng dưới chân mình"). Đổi vị nữa thì mợ "đánh tá lả", làm giám khảo các cuộc thi âm nhạc. Và mợ đã làm rồi, 3 năm ngồi ghế giám khảo VStar của Thúy Nga và năm ngoái về làm Huấn luyện viên Giọng hát Việt trong nước.
Bởi vậy với khán giả thì 2 cái tên trên hot hơn so với thế hệ ca sĩ cùng thời, và hot nhất so với những ca sĩ đi hải ngoại, vì ít nhiều ở họ luôn có những sự mới mẻ để trình làng công chúng, dù gạch đá họ nhận lại cũng đủ sức xây cái biệt thự to đùng.
Còn lại thì, những cái tên như Bằng Kiều, dù vẫn hot nhưng âm nhạc của cậu không mới, ngoài chất giọng hát cái gì cũng hay ra. Có thể người ta thấy cậu thổi hồn vào nhạc xưa một chút gì đó văn minh, nhưng với khán giả thì họ cứ nghe mãi "Thao thức vì em", "Phút cuối", "Nơi tình yêu bắt đầu", cũng đã gần chạm ngưỡng nhàm. "Hoa hậu" của Sao Mai Điểm Hẹn 2004 Nguyễn Hồng Nhung sau scandal thì giờ chỉ hát trong cộng đồng Việt kiều các nước và vẫn chưa có sản phẩm nào thực sự "ra tấm ra món". Chàng opera Đình Bảo của AC&M chuyển sang hát nhạc xưa với nhạc thánh ca, còn thứ âm nhạc tươi mới hồn nhiên như "8 con ngỗng con" đã trở thành kỉ niệm.
Và hôm nay, khi thấy Thúy Nga post video có tên "Tháng 6 trời mưa", tôi đã không giấu được tò mò phải nghe ngay. Phần vì tựa bài hát phù hợp với không gian bão bùng của Sydney bây giờ, phần vì lâu lắm rồi không được nghe cô Ngọc Anh 3A hát. Cổ vẫn vậy, gương mặt, dáng dấp vẫn là Ngọc Anh trong trí nhớ, vẫn cái cách ăn mặt hơi ngồ ngộ với cái giọng khào khào trầm khàn đặc biệt. Nhưng thứ cảm xúc tôi muốn tìm của "Em ơi Hà Nội phố", của "Điều giản dị", hay cả của "Mong ước kỉ niệm xưa" đã khiến con bé 4 5 tuổi ngày đó dán mắt đắm đuối xem TV, có lẽ, giờ cũng khó lòng thấy lại được.

Môi trường sống của những người ca sĩ ấy đã thay đổi, đối tượng khán giả họ phục vụ nhỏ lại và có thói quen nghe nhạc rõ ràng nên buộc họ phải thay đổi. Vì suy cho cùng, ca hát cũng là một nghề, ca sĩ cũng phải lắng nghe nhu cầu thưởng thức của khán giả, và làm đầy nồi cơm nhà mình trước khi có thể toàn tâm toàn ý cho những thử nghiệm phá cách. Cũng chẳng có gì phải thắc mắc cả, vì họ lựa chọn thay đổi để có một cuộc sống (phần nhiều về mặt xã hội) tốt hơn. 
Chỉ là, trên cương vị khán giả, có một chút tiêng tiếc nào đó cho những giọng ca đẹp ấy.....


No comments:

Post a Comment