Sunday 4 June 2023

Chia tay MBAL

 30.05.2022.

Thank you MBAL. It has been a crazy ride with you.
Cảm ơn BQP đã cứu vớt 1 tâm hồn đang mỏng manh suy nghĩ chỗ tiền dự phòng đủ sức mua bao nhiêu mảnh đất từ Quận 1 tới Thủ Đức nhỉ, để trở về nghĩ những vấn đề thật đời thường kiểu trả lời cách tính lãi kép thế nào vừa nhẹ nhàng vừa ý tứ vừa không nói kỹ thuật. Tôi đã nghĩ may quá, thế là 2h sáng không có cảnh mở mắt dậy thấy run fail rồi thì chuyển qua cảnh 1 tuần 3 buổi chiều chưa đủ tới luôn 12h đêm chúng ta cùng vào zoom chốt văn bản với mấy anh Ấn Độ nào, và thế là tan ca chiều hôm sau chị tôi chạy xe kiểu mở mắt thấy mình cách đuôi xe trước 20 cm vậy. Ahihi. Rồi từ ngày thấy cứu được quả phút chót lúc 6h sáng, tôi lại được khai sáng thêm khả năng thức đêm của mình có thể để làm được những việc có ích như "sát thủ bảng minh hoạ", chứ không phải chỉ để xem cung đấu Trung Hàn như ngày còn đi học. Các anh trai không thích tôi typing lúc 2 3h sáng chơi ma sói hô cả làng thức giấc, nhưng biết sao được, cuộc sống mà, chuyện xui rủi đâu ai muốn :))
Đại loại là đã có rất nhiều những trải nghiệm mới, những kinh nghiệm, những kỹ năng mới về mặt công việc. Trên hết là những người anh chị em bạn dì đã luôn tin và yêu thương như em gái trong nhà. Cảm ơn những lời chúc rất tình cảm và những món quà của mọi người rất nhiều.
Cảm ơn 1 hành trình đẹp và mong các đồng chí BQP luôn nhiều sức khỏe để chơi game giỏi, cày game trâu.
Hẹn gặp lại!

Xuất khẩu lao động

18.07.2022

Lần đầu xuất khẩu lao động.
Đã hơn 5 tháng kể từ cuộc gọi như cháy nhà chết người, và cái gật đầu đồng ý bạn gửi CV mình đi đi. Linkedin đã làm thật tròn vai, kết nối mọi người trên khắp mọi nơi: Việt Nam, Philippines, Hong Kong, Sing, Malay.
Tôi bước vào câu chuyện này với tâm thế "thử cho biết", xem Việt Nam có đang làm gì khác quá so với các bạn Đông Nam Á ngay cạnh, chứ tại thời điểm đó chưa có dự định gì cả. Tháng rưỡi gặp gỡ n vòng với 7749 câu hỏi sát sườn, hỏi thực là hỏi để đi làm, tôi cảm giác mình quay lại thời sinh viên vật lộn thi qua từng vòng các chương trình Graduate Program của rất nhiều công ty. Ngày đó sợ sệt nên chuẩn bị kĩ lắm thì trượt bằng sạch, lần này chuẩn bị được câu giới thiệu bản thân và lí do nộp (mà chủ yếu là chém) thì lại đi hơi xa. Tôi nghĩ mình may mắn là người được chọn, chắc vì lần gặp cuối tôi hỏi thăm lãnh đạo nhà hàng xóm tham gia phỏng vấn cùng điểm không hài lòng với đội này hay với khách hàng. Câu đó có lẽ ghi điểm ở sự chân thực muốn cùng nhau làm việc nên lãnh đạo nhà hàng xóm tâm sự như chị em bạn dì chứ quên mất mình đang phỏng vấn ứng viên.
1 quá trình dài lê thê nhưng khi qua hết rồi thì thực sự cảm thấy vui, mừng, bất ngờ, như là đã hoàn thành xong 1 điều mà mình chưa từng nghĩ đến sẽ xảy ra vậy.
Cảm ơn Mẹ đã bằng cách nào đó, tư duy rất tinh tế rằng em bé đang đi học nâng cao nghiệp vụ chứ không phải đi làm, và vì thế ủng hộ lựa chọn của con. Cảm ơn Hà Nội đã luôn là nơi thật bình yên để trở về. Hẹn thành phố khi nghề nghiệp phát triển tiệm cận hơn sẽ luôn ưu tiên hàng đầu để chúng ta có thể là nhiều phần đậm nét của nhau. Cảm ơn các đầu cầu Sài Gòn và có liên quan tới Sài Gòn, đầu cầu Sydney vẫn luôn dõi theo và thương em hết mực.
Hẹn sớm gặp lại Việt Nam!

Người vẫn viết, người vẫn hát

Người vẫn viết, người vẫn hát ...

Năm 2016 đã có 1 đêm nhạc Việt Anh - Dòng sông lơ đãng được tổ chức. Cá nhân mình thấy đêm đó không thành công khi có những khách mời như Mr Đàm và đặc biệt là "nàng thơ" của tác giả, Thu Phương, dù rất lộng lẫy về đường hình nhưng đường tiếng nức nở quá mức nên hỏng hết một loạt "Dòng sông lơ đãng", "Đêm nằm mơ phố", v.v.
Năm 2022 kỉ niệm đúng 25 năm của "Dòng sông lơ đãng", của 1 cặp đôi nhạc sĩ - ca sĩ với những bản tình ca nhạc Việt đẹp nhất với mình. Mình đã rất mong ngóng liveshow này, và đã rất hồi hộp xem idol có lại khóc lóc quá đà nữa không. May quá, mợ đã rất kiềm chế! Và khi idol kiềm chế, rõ ràng, show hay hơn hẳn. Các bài hát được hát mạch lạc và cảm xúc.
Đoạn đầu show toàn những bài hát quan trọng, kinh điển, những hoa vàng - dòng sông - mùa thu của cặp đôi Việt Anh - Thu Phương thì rất đáng tiếc, lỗi kĩ thuật khiến mic của ca sĩ bé quá, đào mãi mới được video ngồi gần nghe rõ. TP đã hát rất nhẹ nhàng, đúng tinh thần, bớt ngắt nghỉ giữa chừng lại rồi, bản phối mới của "Nơi mùa thu bắt đầu" mênh mang lắm. Vẫn cảm giác là TP rất ngại hát những bài xưa làm nên tên tuổi mợ cuối những năm 9x đầu 2000, chắc hát đủ 2 lần mỗi bài là khóc lụt khỏi hát được nữa, nên mợ dồn hết vào thành liên khúc, nghe chưa trọn vẹn cho giai đoạn thăng hoa nhất trong sự nghiệp âm nhạc của cặp đôi này.
Phần sau là các bài hát cho dự án Nam Phương Hoàng Hậu mợ họp báo từ 2016 rồi mà mãi không thấy đâu, lâu lâu nhả ra được 1 clip hát vo làm con dân trông mong. Chất nhạc của nhạc sĩ Việt Anh trong các sáng tác mới này vẫn rất rõ nét, lãng đãng, nên thơ với phần ca từ chất lượng. Có 2 bài song ca nhạc sĩ mới viết cho TP và Hà Anh Tuấn, "Sóng đưa chúng ta về" và "Cứ trao đi" thấy màu giống "Hai chúng ta" năm nào, và đều hay.
Nói chung là nhạc VA và TP hát vẫn luôn là 1 góc rất đặc biệt với mình, mình nghe với tâm thế thưởng thức, 1 tình cảm yêu mến, chứ không nghe phân tích như với nhiều ca sĩ khác. Hi vọng mợ bán đĩa rộng rãi hay phát hành online cho có bản chuẩn để nghe, chứ từ qua giờ toàn hóng video cùi không.
"Và tôi mơ có một tình yêu như thế
Giống như đại dương, sóng xô về phía ngày mai
GIống như đồng lúa mở lòng ra cho nắng lên
Ôm cánh tay bỏ lại xa vắng
Nghe những chân trời hồi sinh.
Và tôi mơ có một tình yêu cho mãi mãi
Đã qua mùa nắng, đã phai tàn những mùa đông
Biết đâu hạnh phúc cả vô biên trong phút giầy
Chuyện đời từ khi nắng lên
Tôi kể em nghe...."
(Sóng đưa chúng ta về - Ns Việt Anh)

Luyện thi Ams 2

Kể chuyện luyện thi Ams2, nhân lúc gia đình có 1 em bé sắp bước vào giờ G của những cuộc đua vào cấp 2 ở Hà Nội.

Ngày ấy mình chỉ biết cấp 2 trường điểm có trường Chu Văn An, không có khái niệm gì về trường Ams, và cũng không biết gì về các trường dân lập khác như Lương Thế Vinh. Hè lớp 4 lên lớp 5, nhà bạn rủ nhà mình đi học thêm cô Hằng ở Thụy Khuê (Hiệu trưởng trường Archimedes bây giờ), và lại cũng gần (đi bộ từ trường cấp 1 sang, gần nhà) thì hè cho con đi học cho đỡ quên kiến thức thôi chứ bố mẹ cũng không suy nghĩ gì lắm đâu. Từ đó mình bước vào “lò luyện thi”, cho tới hết học kì 1 thì hiểu rằng đi học thêm ở đây để luyện thi vào trường Ams cấp 2.
Từ hè tới hết học kì 1 lớp 5, với mình thì học thêm cô Hằng cũng bình thường như học thêm cô Kiều Dung hay học thêm thầy Cầu ở đội tuyển trường, là học toán nâng cao so với SGK. Lúc hè mới có 1 lớp, hết hè đông hơn chia thành 2 lớp, lớp này học Toán trước thì lớp kia học Tiếng Việt trước, không có sự phân biệt gì về nội dung và giáo viên dạy. Đó là nơi mình bắt đầu có những sự giao tiếp vượt ra ngoài quận Tây Hồ, gặp gỡ các bạn rất giỏi tới từ những trường cấp 1 khác trong Hà Nội, và làm quen dần với các thầy cô trường Ams. Lúc đó cô Hằng mời cô Tú Anh (Hiệu phó trường Ams bây giờ) dạy Tiếng Việt cho nhóm lớp 5 này, và mình thích cô Tú Anh từ ngày đó, thích nhất trong tất cả các giáo viên dạy Văn cấp 2 ở trường Ams sau này. Vẫn nhớ cô Tú Anh dạy viết văn tả mưa có câu “Mưa chính là món quà kì diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta” rồi mấy đứa Chu Văn An học thêm cô copy hết câu này vào bài văn trên lớp, cô Phương – cô giáo dạy tiếng Việt trên lớp chỉ nhắc nhẹ lần sau như này cô coi là chép bài nhau nhé. Nhờ cô Tú Anh dạy tả văn “Hồ Gươm có hàng liễu xõa tóc lơ thơ” mà bạn Hương được giải của báo Chăm học nữa cơ.
Tới học kì 2 lớp 5 đã tới giai đoạn cần tập trung, cô Hằng thẳng thắn nói với phụ huynh là cho các con nghỉ học hết các môn khác để tập trung thi Ams. Mình lúc đó đang học đàn cũng có năng khiếu đấy, năm trước đó mới được quả giải Nhì độc tấu toàn miền Bắc to đùng, nhưng gia đình nông dân cổ điển đương nhiên là không đàn ca sáo nhị gì rồi, bỏ hết đi học văn hóa. Đi học thêm mà thi xếp lớp gay cấn lắm, 5.0A là lớp cao điểm hơn, rồi 5.0B, 5.0C. 5.0A và 5.0B học không khác nhau, được chính cô Hằng đứng lớp, chỉ đảo thứ tự học môn nào trước để thầy cô dạy xen kẽ nhau. Môn Tiếng Việt lúc đó có đổi tới 2 giáo viên nữa là thầy Trực và cô Hoài Thanh, đều là giáo viên Văn trường Ams, dần tới 1 2 tháng cuối thì chỉ học cô Luyến. Cô Luyến là cô giáo dạy ngữ pháp và luyện từ và câu chắc chắn nhất trong các giáo viên Văn mình đã học, sau này cô và cô Hằng là cặp giáo viên Toán Văn theo mình luôn tới hết lớp 7 trên trường Ams. Tới những tháng cuối là 1 tuần học thêm những 3 buổi, tập trung luyện đề, chữa bài, BTVN cũng là đúng dạng đề thi Ams, chấm điểm 2 môn cả bài trên lớp lẫn BTVN, theo dõi sát sao lắm.
Tới ngày thi chính thức, mình tên H nửa trên thi bên trường Giảng Võ vì trường Ams không đủ chỗ. Mình vẫn nhớ phòng thi của mình ở bên dãy nhà lớp tiếng Pháp của trường Giảng Võ, nhìn ra mấy cây bằng lăng tím rất đẹp. Tiếng Việt thì đề như lúc học, lúc luyện cũng được tầm trên dưới 11/15 điểm nên thi xong cũng nghĩ điểm sẽ tầm đó. Toán thì format là 10 câu nhỏ chỉ điền đáp số 10 điểm, và 2 câu tự luận mỗi câu 2,5 điểm, tổng 15 điểm, cần được khoảng 10/15 điểm, tổng 2 môn được trên 20 điểm là chắc chắn đỗ. Nên Toán tối thiểu nhất phải làm đúng được 8 câu nhỏ, rồi tự luận làm được thêm thì tốt, và nhờ điểm Tiếng Việt kéo lên sẽ đỗ được. Đề thi Ams đọc lên là biết có làm được không rồi, mình chắc chắn mình đã làm đúng 8 câu và sai 2 câu nhỏ, tự luận thì chịu luôn. Thế là làm xong 10 câu nhỏ thì ngồi ngắm cây bằng lăng ngoài cửa lớp thôi, có biết làm nữa đâu. Xong ngắm chán màu tím ngoài trời quá quay qua đọc thử 2 câu tự luận, tự luận cấp 1 mà gặp mấy bài kiểu chỉnh hợp tổ hợp nhắm mắt bốc bi là xác định luôn không biết làm rồi, mà cũng cố nặn ra 2 3 câu nghe có vẻ logic.
Thi xong ra đã bảo luôn bố mẹ con không làm được Toán đâu, trượt rồi ạ. Bố mẹ thì tiu nghỉu còn con thì vui lắm, đầu con lúc đó còn đang nghĩ về mấy bài nhịp điệu với múa hát sinh hoạt hè ngoài cụm dân cư. Tới ngày có kết quả tới trường xem thông báo, dò tên mình thế quái nào lại thấy 1 chữ ĐỖ to oạch. Lại còn là bạn duy nhất hay 1 trong ít bạn đỗ của phòng thi đó, các phụ huynh đứng xung quanh
chúc mừng
trong ánh mắt buồn xa xăm vì con họ trượt. Kết quả là Tiếng Việt được 10,75, Toán được 8,5, tổng 19,25 thừa 0,5 (năm đó lấy 18,75), thừa nửa điểm chính là nhờ cây bằng lăng bên sân trường Giảng Võ tạo cảm hứng cho bạn Hương chém gió 2 3 câu trong phần Toán tự luận hahaha. Sau đó là được đi Móng Cái chơi, còn bố ở nhà đi nộp hồ sơ nhập học cho con.
Rồi cứ theo đà thế, làm bạn với hồ Giảng Võ 3 năm, và 1 năm cuối làm bạn với bộ 3 cung đường Nguyễn Chí Thanh – Láng Hạ - Lê Văn Lương, từ sáng tới tối mịt. Bây giờ nhìn lại là con mắt của người lớn đánh giá, chứ tại thời điểm đó mình không thấy gì đâu, chỉ thấy đi học vui mà thôi.

Vỡ mộng Malaysia

Tác giả trên Vnexpress nói chuyện "vỡ mộng" châu Âu Anh quốc xa xôi, em nói chuyện "vỡ mộng" mấy anh hàng xóm Đông Nam Á, mà cụ thể là anh Mã Lai trước.

"Vỡ mộng" 1: Tắc đường
- Mã Lai sáng những ngày giữa tuần: đội lái ô tô đi làm thì 30 phút chạy được 1km, đội đi tàu điện đợi 3 chuyến tàu đi qua trước mặt mà không thể chen lên nổi dù đứng ngay đầu hàng.
- Mã Lai chiều tan sở, đội có gia đình về đón con từ 5h, đội lái ô tô mà chưa có con hoặc chưa có gia đình thì nhất quyết không chịu về trước 7h.
Còn lại đội đi tàu điện thì tùy thời tiết, nếu sấm chớp mưa gió từ 3h chiều thì 3h lũ lượt đi về hết vì sợ đóng trạm không cho tàu chạy rồi cũng không có grab; thời tiết nắng đẹp thì từ 5h tới 5h45 sẽ thấy những bóng hình lao như thiêu thân ra khỏi công ty vì chỉ cần 6h là thôi ngồi luôn tới tối mịt đi chứ ra trạm là xếp hàng 5 người đứng trước mình rồi.
- Thái Lan, Indo: anh chị đi công tác thủ đô nước bạn về chỉ thấy than đường ra sân bay kiểu gì 1 tiếng nhích được 2km. Em quay ra tắc hơn Sài Gòn ạ, và nhận lại lời khẳng định đường Sài Gòn không phải là tắc nhé :)))
"Vỡ mộng" 2: Thang máy
Em đã rất mệt mỏi với thang máy ở 21 Cát Linh, tránh thang chính trên tầng 1 thì thang hàng dưới hầm cũng phải gần chục người đứng đợi. Sáng nào cũng như đánh trận mới lên tới bàn làm việc.
Mã Lai thì đánh trận giờ về, thang máy hiện đại, bấm tầng từ ngoài màn hình rồi máy nó tự động báo vào thang nào. Vì hệ thống tự động nên lắm lúc máy hơi lỗi, đang đi lên thì tự dưng reset lại bộ nhớ nên thụt xuống lại tầng bất kì, phải đi ra bấm vào thang khác.
Giờ trưa khá đông nên anh em bảo nhau cứ đứng bấm xem báo những thang nào để nhanh có thang còn xuống đi ăn.
Giờ chiều thì bấm xuống tới tầng mình là thang đông nghẹt khỏi vô rồi, nên phải bấm lên rồi kiểu gì cũng xuống được. Phải ngày chập chờn thì cứ chơi cầu trượt lên xuống miết trong thang chứ nhất định không được đi ra, ra là không còn có cả thang mà xuống.
Hiện đại quá, nó cũng khổ lắm.
Còn vài sinh hoạt nhỏ khác như vòi rửa tay cứ phải ấn xuống hay mua bán cứ phải giơ cái barcode ra tích điểm, lắm lúc em rõ ràng thấy 1 Việt Nam phát triển hơn hẳn và trân trọng quê nhà thực sự đấy.