Sunday 3 December 2023

Câu chuyện âm nhạc: Số 9 - Nhạc sĩ Xuân Phương

 Mấy nay báo chí đưa tin Nhạc sĩ Xuân Phương mất, tiktok lại thấy những trích đoạn của phim "Của để dành", với bài hát chủ đề phim "Lời ru cho con" ("Mãi mong cho con, ấm êm một đời ..."), 1 sáng tác của nhạc sĩ Xuân Phương, được ca sĩ Trần Thu Hà thể hiện rất thành công. Giờ lâu lâu mợ Hà vẫn hát lại bài này, lần gần nhất hát trên "Cuộc hẹn cuối tuần" hay kinh lên được.

Những năm cấp 1, mình xem phim truyền hình Việt Nam trên VTV thường qua chương trình Điện ảnh (chiều) Thứ 7 và Văn nghệ (chiều) Chủ nhật. Có mấy vị nhạc sĩ chuyên làm nhạc phim truyền hình ngày ấy, nhạc sĩ Vũ Thảo với series Cảnh sát hình sự, nhạc sĩ Trọng Đài hay thấy làm mấy phim nông thôn, và nhạc sĩ Xuân Phương làm mấy phim về chủ đề phố phường, học sinh.
Có mấy bài hát nhạc phim của nhạc sĩ Xuân Phương vượt ra khỏi khuôn khổ bộ phim, được khán giả yêu thích như yêu bộ phim vậy. "Lời ru cho con" trong "Của để dành", "Lời chưa nói" trong "Phía trước là bầu trời", 2 bài này đều là Trần Thu Hà hát; hay "Nếu phải xa nhau" Minh Quân hát nữa nhưng quên tên phim rồi, phim có ông diễn viên Cao Đức Cẩm đóng. "Mong ước kỉ niệm xưa" cũng là nhạc phim nhưng của thế hệ trước, mình không rành. Bài mình đánh giá thành công nhất của nhạc sĩ ở giai đoạn mình có khái niệm về nhạc Việt thì là bài "Anh" do Hồ Quỳnh Hương thể hiện, "Và em muốn hét lên cho thỏa nỗi nhớ" đấy, người ta quên luôn bài hát này cũng xuất phát từ nhạc phim.
Còn bài hát "Người đàn bà thứ hai" này so với mấy bài kể trên thì không nổi tiếng bằng, cũng không có đời sống riêng. Mình có ấn tượng rất mạnh về lời ca của bài này, đúng là nhạc phổ thơ, lời hát ám ảnh luôn:
"Mẹ đừng buồn vì anh ấy bên con suốt cuộc đời
Nhưng có thể chia tay ngay trong ngày mai
Nhưng anh ấy mãi luôn yêu mẹ
Dẫu thế nào, con cũng chỉ... là người thứ hai"

Friday 22 September 2023

Câu chuyện âm nhạc: Số 8 – Phương Linh

Tôi biết tới Phương Linh từ cuộc thi Sao Mai hay tên đầy đủ là Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 2005. Đó là năm đầu tiên Sao Mai chia theo khu vực 3 miền và 3 dòng nhạc, vì tôi nhớ trước đó năm 2003 thi ở Tuần Châu không có phân biệt gì. Phương Linh đại diện miền Trung thi dòng nhạc nhẹ, lọt top 3 cùng với Nguyễn Ngọc Anh (Quảng Ninh) và Vương Dung (Hải Dương). Trong cuộc thi đó tôi chú ý tới Phương Linh và Ngọc Anh hơn cả vì các phần thi của hai chị đúng gu nhạc nhẹ mình thích nên rất vào tai. Ngọc Anh để lại một dấu ấn bùng nổ trong 1 đêm thi với bài “Anh yêu em” của NS Vũ Quang Trung mà tới giờ tôi chỉ nghe bài này Ngọc Anh hát chứ không cả nghe Hà Trần. Nhưng tổng thể cả cuộc thi thì tôi thích Phương Linh hơn nhiều vì trong cách hát có những nhấn nhá đặc trưng, hát rất tròn trịa, đầy tình cảm ẩn sau một vẻ ngoài ‘lạnh’. Ấn tượng về sự kiêu kỳ từ giọng hát tới ngoại hình của tôi về cô thí sinh người Thanh Hóa này giống như báo chí đã nhận xét – một vẻ lạnh lùng khiến người ta muốn nghe thêm, ngắm thêm chứ không khiến người ta bỏ đi. Chung cuộc, Vương Dung giải nhất với dân gian đương đại khác biệt, Phương Linh và Ngọc Anh ballad trữ tình chia nhau giải nhì.

Xong Sao Mai, ngay sau đó một năm tức năm 2006, cả hai chị được đặc cách thi tiếp Sao Mai Điểm Hẹn (SMĐH). SMĐH trẻ trung, thời thượng hơn Sao Mai, và là sân chơi, là bệ phóng cho những giọng ca trẻ ngày đó. Tôi đánh giá SMĐH 2006 là mùa giải thành công nhất của thương hiệu SMĐH, cho ra mắt công chúng nhiều gương mặt mới rất chất lượng cả đường tiếng đường hình như Hoàng Hải, Hà Anh Tuấn, Phạm Anh Khoa, Minh Thư, Phương Linh, Ngọc Anh. Năm đó tôi mê xem SMĐH lắm, cũng tham gia bình chọn vài lần, giờ vẫn nhớ MSBC của mấy vị, 08 Ngọc Anh, 09 Phương Linh, và 12 Hà Anh Tuấn. Trong cuộc thi này, Phương Linh tiếp tục để lại ấn tượng với một giọng hát cao đầy kỹ thuật, chuyên trị nhạc nhẹ, nhạc chậm nhạc nhanh đều hát tốt. Đơn cử như bài “Mưa” (Quốc Bảo), không ai nghĩ “Mưa” ngày đó lại trong suốt pha lê thế! Hay “Mong anh về” (Dương Cầm) chính Mỹ Linh còn không có gì phải phàn nàn, là một phần trình diễn chuyên nghiệp chứ không còn là thí sinh đi thi rồi. Và đương nhiên là phải khen xinh, giám khảo Huy Tuấn và cả MC Anh Tuấn đều có câu bất hủ “Linh ơi, hôm nay em lại xinh rồi!” Bước ngoặt của Phương Linh, và cả Hà Anh Tuấn năm đó, chính là đêm gala kết thúc giai đoạn 1 của cuộc thi, mở đường cho thanh xuân hát đôi của cả 1 thế hệ lứa tôi và trên tôi một chút. 2 anh chị song ca “Yêu em” tình quá, thật quá, rồi tất yếu là hay quá. Hình ảnh chị Linh váy trắng bồng bềnh công chúa và anh Tuấn đầu chôm sơ mi trắng vest nâu phong trần tình tứ hát bài ca thanh xuân vườn trường đấy là kỉ niệm đẹp của rất nhiều khán giả, trong đó có tôi.

Bước ra khỏi cuộc thi SMĐH, từ phần trình diễn “Yêu em” ấy, cặp đôi Phương Linh – HAT cho ra mắt thành công album vol 1 Ngày hát đôi tạo tiếng vang với nhiều bài hát đôi trở thành “quốc ca karaoke” như “Cơn mưa tình yêu”, “Thiên đường gọi tên”, và cả những bài đơn làm nên thương hiệu của anh chị như “12 giờ”, “Mưa”, v.v. Trong album này thực ra bài hát đôi tôi thích nhất lại là “Biển và ánh trăng” (Dương Cầm) mà 2 anh chị rất hiếm hát, một bài hát đẹp cả giai điệu lẫn ca từ, tình yêu trong không gian thiên nhiên có biển xanh, sóng vỗ, ánh trăng hiền hòa êm dịu; nhưng có hát từ đầu mới biết nó cao chót vót, không thể hát karaoke được nên không nổi bằng mấy bài của Mạnh Quân. Rồi Ngày hát đôi 2 ra đời 5 6 năm sau đó, gai góc, yêu đương sóng gió hơn Ngày hát đôi 1. Ngày hát đôi 2 không bùng nổ như Ngày hát đôi 1, nhưng đủ để fan quạt của cặp đôi chìm đắm với những “Giấc mơ anh và em”, “Con tim tan vỡ”, “Qua đêm nay”.

Về album cá nhân, Phương Linh có 2 đĩa đơn đều thuộc hàng cực phẩm. Album Pha Lê vol 1 pop ballad nhẹ nhàng, trẻ trung, trong đó có bài hát “Cơn gió lạ” của NS Mạnh Quân trở thành thương hiệu của chị. Nghe album này cảm thấy không trực diện chủ đề tình yêu, mà nhiều hơn là câu chuyện của người phụ nữ tìm kiếm tình yêu. Có mấy bài của NS Lưu Thiên Hương như “Bông hoa trắng”, “Sương mai” nghe rất tươi mới, hay NS Vũ Văn Hà với bài “Lời em sẽ hát”, “Quán cũ” buồn hơn mà tôi không thấy ủ rũ tí nào. Từ vol 1 Pha Lê tới vol 2 Tiếng hót từ bụi mận gai là một bước tiến lớn của chị, thay đổi trong hình ảnh và cả giọng hát, gói gọn trong 2 từ “dịu dàng” và “nồng nàn” như lời của nhạc sĩ Dương Thụ. Lấy hình ảnh loài chim cất lên tiếng hót lần cuối, cả album như nỗi niềm người phụ nữ luôn cô đơn và khắc khoải trong tình yêu. Đó là 1 album không dễ nghe với đại chúng, nhưng tôi cảm giác giọng hát Phương Linh phải tới album này mới bộc lộ hết tất cả những gì đẹp nhất và đúng ‘đô’ nhất của chị. Album này có bài “Trái tim lang thang” (Thuận Yến) phối lại có đoạn đàn tranh rất hay, nên sau khi nghe Phương Linh hát thì tôi không có nhu cầu nghe bản của Hà Trần xa xưa nữa. Và có bài “Lời cuối cho anh” lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai nữa, một bài hát chưa từng nghe chưa từng thấy bao giờ với lời bài hát khá ám ảnh, Phương Linh cũng chỉ hát trong CD này chứ không mang đi trình diễn bao giờ.

Ra mắt thành công 2 album hát đôi và 2 album cá nhân, chị gái ấy lặn luôn, lặn mất tăm, không hay đi diễn, không ra sản phẩm, để lại nhiều nhớ thương, và cả dấu hỏi trong lòng người hâm mộ. Tôi chỉ còn gặp chị trên những chương trình Chào Xuân VTV, trong liveshow của HAT từ năm 2016, trong chương trình event hội nghị khách hàng mà fan chị rơi rớt đăng lên mạng.

Rồi Phương Linh đột ngột xuất hiện lại, rần rần trên các mặt trận mạng xã hội từ show Lululola tháng 5 năm nay. “Cơn gió lạ” cất lên vẫn là thanh xuân của bao người, một giai điệu đẹp đánh thức nhiều hoài niệm của mỗi người nghe nhạc. Chị ấy lại chăm quá, tháng nào cũng đi hát, fan chưa kịp nguôi cảm xúc show cũ đã thấy clip show mới tràn trề. Vẫn là giọng hát đó, nắn nót, tròn trịa từng chữ, ngắt nghỉ hợp lí, đặc trưng. Cảm giác ca sĩ đã trải qua tương đối thăng trầm trong cuộc sống riêng để hát được như thế, các bài hát cũ hầu như đã hạ tông, không có những nốt cao ăn tiền như năm xưa, mà đi vào sự nồng nàn, tự sự. Giờ chị cũng chịu khó giao lưu với khán giả, cảm thấy chị dễ gần hơn, không còn là Phương Linh lạnh lùng trên sân khấu những năm nào. Cũng đã có những trục trặc về tương tác khán giả, với tôi thì hình ảnh chị trên facebook cá nhân và hình ảnh chị trên sân khấu không liên quan gì tới nhau. Hình ảnh Phương Linh trong sản phẩm âm nhạc của chị luôn chỉn chu và chưa có gì đi quá giới hạn, giống như cái cách chị nắn nót từng câu hát. Đương nhiên, tôi cũng có sự không hài lòng về ca sĩ yêu thích của mình trong những show gần đây khi chị nhìn văn bản hát hơi nhiều do bài hát mới không thuộc lời. Trên khía cạnh khán giả thưởng thức, việc ca sĩ trình diễn không thuộc lời làm ảnh hưởng cảm xúc của bài hát lẫn thiếu đi kết nối với khán giả rất nhiều. Nhưng tôi cũng thông cảm trên khía cạnh người có biết chút âm nhạc, học thuộc trong âm nhạc khó vào đầu lắm vì nó còn là tổng hòa cả 1 phần trình diễn giai điệu, nhịp phách, lời ca; thuộc vài bài thì được, thuộc chục bài như li như lau khó lắm. Thôi thì vì yêu quá nên cũng bỏ qua, bài nào nhìn lời mà hát vẫn hay thì nghe làm audio chứ không vừa nghe vừa xem nữa.

Phương Linh trở lại rồi thì mong chị chăm đi hát, chăm làm show, chăm ra sản phẩm nữa thì càng tốt, để những khán giả lâu năm như tôi vẫn còn được bồi hồi, chìm đắm trong không gian âm nhạc của giọng hát ấy, như những ngày đầu tiên tôi nghe chị trên VTV3 năm nào!

Monday 18 September 2023

Thế hệ trước với thời đại số

Hôm qua nhà hết thức ăn nên đi ăn ngoài, tiện đi lượn mua đồ chuẩn bị cho vài sự kiện tháng này tháng sau. Cái TTTM to đùng gần nhà đó, khi thực sự cần mua bán, mình sẽ đi vào tối trong tuần cho vắng. Cuối tuần thì… xếp hàng thử cái áo nó cũng dài như xếp hàng đi ẻ vậy, toàn người là người.

Như mọi quán ăn trên đất Mã này, mình phải quét mã QR để gọi đồ, và nếu xịn nữa thì có thể thanh toán luôn từ ví điện tử. Sau khi thao tác order cho mình xong, mình ngẩng lên thấy bàn bên cạnh có 1 bà bác người Hoa tầm trên dưới 60 tuổi, đi 1 mình. Thấy bác vẫy tay nhân viên ra hỏi quán này món gì phổ biến nhất, cháu giúp cô gọi đồ nhé, mình thấy hình ảnh mẹ mình hay rất nhiều cô dì chú bác xung quanh mình đâu đây. Ở thế hệ đó, họ giải quyết khâu chọn đồ nhanh lắm, đi ăn quán thì cứ cái gì đặc trưng nhất của quán, phổ biến nhiều người ăn thì gọi thôi. Không cần coi menu cũng được. Không quan tâm QR code để trước mặt với dòng chữ rất rõ ràng “Please scan this to order” (Vui lòng quét mã để gọi món). Đố nhân viên dám không ghi order mà bắt khách lấy điện thoại ra quét QR cho đúng quy trình đấy. QR là thứ cho người trẻ thôi.
Ăn xong quay ra đi Uniqlo lại thấy điều lạ nữa, mới có hơn tháng không tạt vào thôi đã dẹp hết quầy thanh toán rồi. Giờ cửa hàng chỉ để mỗi 1 quầy đổi trả, nhận yêu cầu sửa chữa và thanh toán tiền mặt, còn lại chẳng còn nhân viên nào đứng tính tiền nữa. Khách hàng mua nhiêu món tự ra máy mà thao tác thanh toán. Chuyện self check out này mình đã có khái niệm từ 10 năm trước khi đi siêu thị bên Úc, mình chuyên cân nải chuối với cân cam cân quýt nhanh lắm. Ở Mã bây giờ cũng đã có những quầy self check out ở trong siêu thị, nhưng phải là siêu thị lớn, mà chỉ cho quét hàng có mã thôi, hoa quả rau dưa vẫn phải có nhân viên cân trước. Nay dùng máy Uniqlo thấy choáng phết, vừa để hết đồ lên bàn xong đã thấy màn hình quét ra đúng số lượng ra luôn tiền. Mất chắc chưa đến 2 phút là mình thanh toán xong, trải nghiệm không vấp khâu nào. Không phải chờ đợi, không phải xếp hàng, 5 cái máy thanh toán để đó phục vụ quý khách. Xịn phết. Người trẻ thì sử dụng máy móc này quá đơn giản. Không biết người Mã tầm 50+ tuổi trở lên sẽ thích ứng thế nào khi ra quầy tính tiền không thấy 1 bóng nhân viên nào như này, chắc giờ mỗi lần đi siêu thị phải mang kính lão theo mà còn đọc màn hình cái chỗ táp thẻ.
Việt Nam chắc chỉ 2 3 năm nữa thôi, những chuyện này sẽ đi vào đời sống hàng ngày. Như Hà Nội tháng rồi mình về đã thấy thanh toán QR code khắp nơi. Các ông bà ở chợ dân sinh/chợ truyền thống không theo không được, khách chuyển khoản còn hơn khách nợ. Mình khá ấn tượng mấy cảnh dán QR code ở sạp thịt hay dán ở trên tường đằng sau đôi quang gánh đấy.
Nhớ câu chuyện Tết vừa qua khi mẹ nói chuyện với cô bạn của mẹ, 2 bà bạn dạy nhau cách dùng internet banking trên app điện thoại rất thú vị.
- Cô bạn: Thanh niên giờ động tí là chuyển khoản, 2 chục 3 chục rửa xe cũng chuyển khoản. Tôi phải mượn tài khoản của hàng café bên cạnh rồi cuối ngày 2 bên thanh toán. Chứ tài khoản con cái nó có ngồi ở đây đâu mà kiểm tra cho mình tiền khách chuyển vào chưa.
- Mẹ: Bà phải mở ngay cái tài khoản, mấy bước chân ra ngân hàng ngay đây. Xã hội như nào mình phải theo. Ngay khu nhà mình có 2 chi nhánh ngân hàng, bà ra mở 2 cái tài khoản ở 2 ngân hàng đó cho tôi, có gì quên mật khẩu, quên không biết làm này làm nọ còn chạy ra mà hỏi cho nhanh. Mở 2 tài khoản, rồi cứ chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản kia cho nó nhớ cách dùng. Tôi phải làm phương án đó, chứ tuổi mình giờ mấy cái máy móc nói trước quên sau ngay.
Tuổi nào rồi cũng phải bắt nhịp với xu hướng xã hội và không để mình lạc hậu thôi, đó là quy luật tất yếu.

Sunday 16 July 2023

Chuyện tử vi

Tôi quên mất người Mã hay người Sing gốc Hoa, họ không lạ lẫm gì về tử vi, bát tự, các thể loại bói toán tâm linh. Và còn hơn thế...

Đầu năm nay trong lần sang Sing họp kickoff, khi đi ăn với sếp tổng của cả thị trường, ông chú kể chuyện cuối tuần rồi đăng kí đi coi thôi miên với ông thầy gốc Hoa, câu chuyện nằm thấy những gì những gì, thực lòng tôi cũng không vào đầu lắm, mà không khí bữa ăn hấp dẫn lạ lùng.

Độ này văn phòng có chị lãnh đạo hàng xóm đang đi học lớp tử vi. Chị gái là người Mã Lai nhưng "phượt thủ" các nước cả gần hai chục năm nay, cũng thuộc diện tới KL một mình đi làm, nên 2 chị em tôi hay sáp lại nói chuyện đời sống. Bả kể các câu chuyện ở lớp học tử vi, rồi các ca bả đã tư vấn cho những người xung quanh. Tôi với bản tính "ít nói" nên cũng tham gia không thiếu một lời, kể chuyện ở Việt Nam chúng em thì sẽ như này như kia, rất rôm rả.

Nói chuyện tử vi, có 1 lần hồi tôi học Đại học, u tôi và các bác gái ra Tết có đi xem cho 1 loạt trẻ con trong nhà. U xem xong về chỉ tóm tắt cho tôi mấy ý chính. Nói chung cứ liên quan tới mình thì tôi nghe để biết, còn tới lúc quyết định chuyện gì vẫn lấy tờ giấy ra kẻ 2 cột được-mất và quyết định theo tờ giấy trước mặt.

Với những điều kiểm chứng được thì thấy tử vi nói nét căng. U kể thầy bảo con bé này nhà chị đi xa đấy, không ở gần chị đâu. Từ năm 2011 tới giờ, điều này chắc không cần nói thêm. Thứ hai, thầy nói con không có số làm quan. Sau 1 vài năm đi làm, tôi thấy điều này không sai, nó hợp với tính cách của mình. Tôi có những trải nghiệm, những bài học và những sự may mắn trong công việc có thể là đặc biệt hơn so với các bạn đồng trang và xin cảm ơn những anh chị đi trước đã dìu dắt, tạo cơ hội cho rất nhiều. Nhưng về đường quan lộ theo định nghĩa thì không, tuyệt nhiên không. Và tôi cũng chưa một lần phàn nàn về việc này cả. Vẫn thấy đủ ăn chưa đói hôm nào, thế là hạnh phúc rồi! Còn một ý nữa về gia đình, cái này để sau này kiểm chứng.

Tôi đã gửi ngày sinh giờ sinh cho chị bạn. Đợi thầy Mã Lai phán xem có gì khác lạ tôi chưa biết về mình không nhé. Thầy là qualified actuary nữa cơ. Nghĩ cũng hay, khi người ta học hành xong hết và đạt được những điều nhất định, tới lúc đi thỏa thích khám phá bản thân và cuộc sống xung quanh.

Thế là hết ngày Chủ nhật! Hết luôn 1 năm ở Mã!



All reactio

Sunday 4 June 2023

Chia tay MBAL

 30.05.2022.

Thank you MBAL. It has been a crazy ride with you.
Cảm ơn BQP đã cứu vớt 1 tâm hồn đang mỏng manh suy nghĩ chỗ tiền dự phòng đủ sức mua bao nhiêu mảnh đất từ Quận 1 tới Thủ Đức nhỉ, để trở về nghĩ những vấn đề thật đời thường kiểu trả lời cách tính lãi kép thế nào vừa nhẹ nhàng vừa ý tứ vừa không nói kỹ thuật. Tôi đã nghĩ may quá, thế là 2h sáng không có cảnh mở mắt dậy thấy run fail rồi thì chuyển qua cảnh 1 tuần 3 buổi chiều chưa đủ tới luôn 12h đêm chúng ta cùng vào zoom chốt văn bản với mấy anh Ấn Độ nào, và thế là tan ca chiều hôm sau chị tôi chạy xe kiểu mở mắt thấy mình cách đuôi xe trước 20 cm vậy. Ahihi. Rồi từ ngày thấy cứu được quả phút chót lúc 6h sáng, tôi lại được khai sáng thêm khả năng thức đêm của mình có thể để làm được những việc có ích như "sát thủ bảng minh hoạ", chứ không phải chỉ để xem cung đấu Trung Hàn như ngày còn đi học. Các anh trai không thích tôi typing lúc 2 3h sáng chơi ma sói hô cả làng thức giấc, nhưng biết sao được, cuộc sống mà, chuyện xui rủi đâu ai muốn :))
Đại loại là đã có rất nhiều những trải nghiệm mới, những kinh nghiệm, những kỹ năng mới về mặt công việc. Trên hết là những người anh chị em bạn dì đã luôn tin và yêu thương như em gái trong nhà. Cảm ơn những lời chúc rất tình cảm và những món quà của mọi người rất nhiều.
Cảm ơn 1 hành trình đẹp và mong các đồng chí BQP luôn nhiều sức khỏe để chơi game giỏi, cày game trâu.
Hẹn gặp lại!

Xuất khẩu lao động

18.07.2022

Lần đầu xuất khẩu lao động.
Đã hơn 5 tháng kể từ cuộc gọi như cháy nhà chết người, và cái gật đầu đồng ý bạn gửi CV mình đi đi. Linkedin đã làm thật tròn vai, kết nối mọi người trên khắp mọi nơi: Việt Nam, Philippines, Hong Kong, Sing, Malay.
Tôi bước vào câu chuyện này với tâm thế "thử cho biết", xem Việt Nam có đang làm gì khác quá so với các bạn Đông Nam Á ngay cạnh, chứ tại thời điểm đó chưa có dự định gì cả. Tháng rưỡi gặp gỡ n vòng với 7749 câu hỏi sát sườn, hỏi thực là hỏi để đi làm, tôi cảm giác mình quay lại thời sinh viên vật lộn thi qua từng vòng các chương trình Graduate Program của rất nhiều công ty. Ngày đó sợ sệt nên chuẩn bị kĩ lắm thì trượt bằng sạch, lần này chuẩn bị được câu giới thiệu bản thân và lí do nộp (mà chủ yếu là chém) thì lại đi hơi xa. Tôi nghĩ mình may mắn là người được chọn, chắc vì lần gặp cuối tôi hỏi thăm lãnh đạo nhà hàng xóm tham gia phỏng vấn cùng điểm không hài lòng với đội này hay với khách hàng. Câu đó có lẽ ghi điểm ở sự chân thực muốn cùng nhau làm việc nên lãnh đạo nhà hàng xóm tâm sự như chị em bạn dì chứ quên mất mình đang phỏng vấn ứng viên.
1 quá trình dài lê thê nhưng khi qua hết rồi thì thực sự cảm thấy vui, mừng, bất ngờ, như là đã hoàn thành xong 1 điều mà mình chưa từng nghĩ đến sẽ xảy ra vậy.
Cảm ơn Mẹ đã bằng cách nào đó, tư duy rất tinh tế rằng em bé đang đi học nâng cao nghiệp vụ chứ không phải đi làm, và vì thế ủng hộ lựa chọn của con. Cảm ơn Hà Nội đã luôn là nơi thật bình yên để trở về. Hẹn thành phố khi nghề nghiệp phát triển tiệm cận hơn sẽ luôn ưu tiên hàng đầu để chúng ta có thể là nhiều phần đậm nét của nhau. Cảm ơn các đầu cầu Sài Gòn và có liên quan tới Sài Gòn, đầu cầu Sydney vẫn luôn dõi theo và thương em hết mực.
Hẹn sớm gặp lại Việt Nam!

Người vẫn viết, người vẫn hát

Người vẫn viết, người vẫn hát ...

Năm 2016 đã có 1 đêm nhạc Việt Anh - Dòng sông lơ đãng được tổ chức. Cá nhân mình thấy đêm đó không thành công khi có những khách mời như Mr Đàm và đặc biệt là "nàng thơ" của tác giả, Thu Phương, dù rất lộng lẫy về đường hình nhưng đường tiếng nức nở quá mức nên hỏng hết một loạt "Dòng sông lơ đãng", "Đêm nằm mơ phố", v.v.
Năm 2022 kỉ niệm đúng 25 năm của "Dòng sông lơ đãng", của 1 cặp đôi nhạc sĩ - ca sĩ với những bản tình ca nhạc Việt đẹp nhất với mình. Mình đã rất mong ngóng liveshow này, và đã rất hồi hộp xem idol có lại khóc lóc quá đà nữa không. May quá, mợ đã rất kiềm chế! Và khi idol kiềm chế, rõ ràng, show hay hơn hẳn. Các bài hát được hát mạch lạc và cảm xúc.
Đoạn đầu show toàn những bài hát quan trọng, kinh điển, những hoa vàng - dòng sông - mùa thu của cặp đôi Việt Anh - Thu Phương thì rất đáng tiếc, lỗi kĩ thuật khiến mic của ca sĩ bé quá, đào mãi mới được video ngồi gần nghe rõ. TP đã hát rất nhẹ nhàng, đúng tinh thần, bớt ngắt nghỉ giữa chừng lại rồi, bản phối mới của "Nơi mùa thu bắt đầu" mênh mang lắm. Vẫn cảm giác là TP rất ngại hát những bài xưa làm nên tên tuổi mợ cuối những năm 9x đầu 2000, chắc hát đủ 2 lần mỗi bài là khóc lụt khỏi hát được nữa, nên mợ dồn hết vào thành liên khúc, nghe chưa trọn vẹn cho giai đoạn thăng hoa nhất trong sự nghiệp âm nhạc của cặp đôi này.
Phần sau là các bài hát cho dự án Nam Phương Hoàng Hậu mợ họp báo từ 2016 rồi mà mãi không thấy đâu, lâu lâu nhả ra được 1 clip hát vo làm con dân trông mong. Chất nhạc của nhạc sĩ Việt Anh trong các sáng tác mới này vẫn rất rõ nét, lãng đãng, nên thơ với phần ca từ chất lượng. Có 2 bài song ca nhạc sĩ mới viết cho TP và Hà Anh Tuấn, "Sóng đưa chúng ta về" và "Cứ trao đi" thấy màu giống "Hai chúng ta" năm nào, và đều hay.
Nói chung là nhạc VA và TP hát vẫn luôn là 1 góc rất đặc biệt với mình, mình nghe với tâm thế thưởng thức, 1 tình cảm yêu mến, chứ không nghe phân tích như với nhiều ca sĩ khác. Hi vọng mợ bán đĩa rộng rãi hay phát hành online cho có bản chuẩn để nghe, chứ từ qua giờ toàn hóng video cùi không.
"Và tôi mơ có một tình yêu như thế
Giống như đại dương, sóng xô về phía ngày mai
GIống như đồng lúa mở lòng ra cho nắng lên
Ôm cánh tay bỏ lại xa vắng
Nghe những chân trời hồi sinh.
Và tôi mơ có một tình yêu cho mãi mãi
Đã qua mùa nắng, đã phai tàn những mùa đông
Biết đâu hạnh phúc cả vô biên trong phút giầy
Chuyện đời từ khi nắng lên
Tôi kể em nghe...."
(Sóng đưa chúng ta về - Ns Việt Anh)

Luyện thi Ams 2

Kể chuyện luyện thi Ams2, nhân lúc gia đình có 1 em bé sắp bước vào giờ G của những cuộc đua vào cấp 2 ở Hà Nội.

Ngày ấy mình chỉ biết cấp 2 trường điểm có trường Chu Văn An, không có khái niệm gì về trường Ams, và cũng không biết gì về các trường dân lập khác như Lương Thế Vinh. Hè lớp 4 lên lớp 5, nhà bạn rủ nhà mình đi học thêm cô Hằng ở Thụy Khuê (Hiệu trưởng trường Archimedes bây giờ), và lại cũng gần (đi bộ từ trường cấp 1 sang, gần nhà) thì hè cho con đi học cho đỡ quên kiến thức thôi chứ bố mẹ cũng không suy nghĩ gì lắm đâu. Từ đó mình bước vào “lò luyện thi”, cho tới hết học kì 1 thì hiểu rằng đi học thêm ở đây để luyện thi vào trường Ams cấp 2.
Từ hè tới hết học kì 1 lớp 5, với mình thì học thêm cô Hằng cũng bình thường như học thêm cô Kiều Dung hay học thêm thầy Cầu ở đội tuyển trường, là học toán nâng cao so với SGK. Lúc hè mới có 1 lớp, hết hè đông hơn chia thành 2 lớp, lớp này học Toán trước thì lớp kia học Tiếng Việt trước, không có sự phân biệt gì về nội dung và giáo viên dạy. Đó là nơi mình bắt đầu có những sự giao tiếp vượt ra ngoài quận Tây Hồ, gặp gỡ các bạn rất giỏi tới từ những trường cấp 1 khác trong Hà Nội, và làm quen dần với các thầy cô trường Ams. Lúc đó cô Hằng mời cô Tú Anh (Hiệu phó trường Ams bây giờ) dạy Tiếng Việt cho nhóm lớp 5 này, và mình thích cô Tú Anh từ ngày đó, thích nhất trong tất cả các giáo viên dạy Văn cấp 2 ở trường Ams sau này. Vẫn nhớ cô Tú Anh dạy viết văn tả mưa có câu “Mưa chính là món quà kì diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta” rồi mấy đứa Chu Văn An học thêm cô copy hết câu này vào bài văn trên lớp, cô Phương – cô giáo dạy tiếng Việt trên lớp chỉ nhắc nhẹ lần sau như này cô coi là chép bài nhau nhé. Nhờ cô Tú Anh dạy tả văn “Hồ Gươm có hàng liễu xõa tóc lơ thơ” mà bạn Hương được giải của báo Chăm học nữa cơ.
Tới học kì 2 lớp 5 đã tới giai đoạn cần tập trung, cô Hằng thẳng thắn nói với phụ huynh là cho các con nghỉ học hết các môn khác để tập trung thi Ams. Mình lúc đó đang học đàn cũng có năng khiếu đấy, năm trước đó mới được quả giải Nhì độc tấu toàn miền Bắc to đùng, nhưng gia đình nông dân cổ điển đương nhiên là không đàn ca sáo nhị gì rồi, bỏ hết đi học văn hóa. Đi học thêm mà thi xếp lớp gay cấn lắm, 5.0A là lớp cao điểm hơn, rồi 5.0B, 5.0C. 5.0A và 5.0B học không khác nhau, được chính cô Hằng đứng lớp, chỉ đảo thứ tự học môn nào trước để thầy cô dạy xen kẽ nhau. Môn Tiếng Việt lúc đó có đổi tới 2 giáo viên nữa là thầy Trực và cô Hoài Thanh, đều là giáo viên Văn trường Ams, dần tới 1 2 tháng cuối thì chỉ học cô Luyến. Cô Luyến là cô giáo dạy ngữ pháp và luyện từ và câu chắc chắn nhất trong các giáo viên Văn mình đã học, sau này cô và cô Hằng là cặp giáo viên Toán Văn theo mình luôn tới hết lớp 7 trên trường Ams. Tới những tháng cuối là 1 tuần học thêm những 3 buổi, tập trung luyện đề, chữa bài, BTVN cũng là đúng dạng đề thi Ams, chấm điểm 2 môn cả bài trên lớp lẫn BTVN, theo dõi sát sao lắm.
Tới ngày thi chính thức, mình tên H nửa trên thi bên trường Giảng Võ vì trường Ams không đủ chỗ. Mình vẫn nhớ phòng thi của mình ở bên dãy nhà lớp tiếng Pháp của trường Giảng Võ, nhìn ra mấy cây bằng lăng tím rất đẹp. Tiếng Việt thì đề như lúc học, lúc luyện cũng được tầm trên dưới 11/15 điểm nên thi xong cũng nghĩ điểm sẽ tầm đó. Toán thì format là 10 câu nhỏ chỉ điền đáp số 10 điểm, và 2 câu tự luận mỗi câu 2,5 điểm, tổng 15 điểm, cần được khoảng 10/15 điểm, tổng 2 môn được trên 20 điểm là chắc chắn đỗ. Nên Toán tối thiểu nhất phải làm đúng được 8 câu nhỏ, rồi tự luận làm được thêm thì tốt, và nhờ điểm Tiếng Việt kéo lên sẽ đỗ được. Đề thi Ams đọc lên là biết có làm được không rồi, mình chắc chắn mình đã làm đúng 8 câu và sai 2 câu nhỏ, tự luận thì chịu luôn. Thế là làm xong 10 câu nhỏ thì ngồi ngắm cây bằng lăng ngoài cửa lớp thôi, có biết làm nữa đâu. Xong ngắm chán màu tím ngoài trời quá quay qua đọc thử 2 câu tự luận, tự luận cấp 1 mà gặp mấy bài kiểu chỉnh hợp tổ hợp nhắm mắt bốc bi là xác định luôn không biết làm rồi, mà cũng cố nặn ra 2 3 câu nghe có vẻ logic.
Thi xong ra đã bảo luôn bố mẹ con không làm được Toán đâu, trượt rồi ạ. Bố mẹ thì tiu nghỉu còn con thì vui lắm, đầu con lúc đó còn đang nghĩ về mấy bài nhịp điệu với múa hát sinh hoạt hè ngoài cụm dân cư. Tới ngày có kết quả tới trường xem thông báo, dò tên mình thế quái nào lại thấy 1 chữ ĐỖ to oạch. Lại còn là bạn duy nhất hay 1 trong ít bạn đỗ của phòng thi đó, các phụ huynh đứng xung quanh
chúc mừng
trong ánh mắt buồn xa xăm vì con họ trượt. Kết quả là Tiếng Việt được 10,75, Toán được 8,5, tổng 19,25 thừa 0,5 (năm đó lấy 18,75), thừa nửa điểm chính là nhờ cây bằng lăng bên sân trường Giảng Võ tạo cảm hứng cho bạn Hương chém gió 2 3 câu trong phần Toán tự luận hahaha. Sau đó là được đi Móng Cái chơi, còn bố ở nhà đi nộp hồ sơ nhập học cho con.
Rồi cứ theo đà thế, làm bạn với hồ Giảng Võ 3 năm, và 1 năm cuối làm bạn với bộ 3 cung đường Nguyễn Chí Thanh – Láng Hạ - Lê Văn Lương, từ sáng tới tối mịt. Bây giờ nhìn lại là con mắt của người lớn đánh giá, chứ tại thời điểm đó mình không thấy gì đâu, chỉ thấy đi học vui mà thôi.

Vỡ mộng Malaysia

Tác giả trên Vnexpress nói chuyện "vỡ mộng" châu Âu Anh quốc xa xôi, em nói chuyện "vỡ mộng" mấy anh hàng xóm Đông Nam Á, mà cụ thể là anh Mã Lai trước.

"Vỡ mộng" 1: Tắc đường
- Mã Lai sáng những ngày giữa tuần: đội lái ô tô đi làm thì 30 phút chạy được 1km, đội đi tàu điện đợi 3 chuyến tàu đi qua trước mặt mà không thể chen lên nổi dù đứng ngay đầu hàng.
- Mã Lai chiều tan sở, đội có gia đình về đón con từ 5h, đội lái ô tô mà chưa có con hoặc chưa có gia đình thì nhất quyết không chịu về trước 7h.
Còn lại đội đi tàu điện thì tùy thời tiết, nếu sấm chớp mưa gió từ 3h chiều thì 3h lũ lượt đi về hết vì sợ đóng trạm không cho tàu chạy rồi cũng không có grab; thời tiết nắng đẹp thì từ 5h tới 5h45 sẽ thấy những bóng hình lao như thiêu thân ra khỏi công ty vì chỉ cần 6h là thôi ngồi luôn tới tối mịt đi chứ ra trạm là xếp hàng 5 người đứng trước mình rồi.
- Thái Lan, Indo: anh chị đi công tác thủ đô nước bạn về chỉ thấy than đường ra sân bay kiểu gì 1 tiếng nhích được 2km. Em quay ra tắc hơn Sài Gòn ạ, và nhận lại lời khẳng định đường Sài Gòn không phải là tắc nhé :)))
"Vỡ mộng" 2: Thang máy
Em đã rất mệt mỏi với thang máy ở 21 Cát Linh, tránh thang chính trên tầng 1 thì thang hàng dưới hầm cũng phải gần chục người đứng đợi. Sáng nào cũng như đánh trận mới lên tới bàn làm việc.
Mã Lai thì đánh trận giờ về, thang máy hiện đại, bấm tầng từ ngoài màn hình rồi máy nó tự động báo vào thang nào. Vì hệ thống tự động nên lắm lúc máy hơi lỗi, đang đi lên thì tự dưng reset lại bộ nhớ nên thụt xuống lại tầng bất kì, phải đi ra bấm vào thang khác.
Giờ trưa khá đông nên anh em bảo nhau cứ đứng bấm xem báo những thang nào để nhanh có thang còn xuống đi ăn.
Giờ chiều thì bấm xuống tới tầng mình là thang đông nghẹt khỏi vô rồi, nên phải bấm lên rồi kiểu gì cũng xuống được. Phải ngày chập chờn thì cứ chơi cầu trượt lên xuống miết trong thang chứ nhất định không được đi ra, ra là không còn có cả thang mà xuống.
Hiện đại quá, nó cũng khổ lắm.
Còn vài sinh hoạt nhỏ khác như vòi rửa tay cứ phải ấn xuống hay mua bán cứ phải giơ cái barcode ra tích điểm, lắm lúc em rõ ràng thấy 1 Việt Nam phát triển hơn hẳn và trân trọng quê nhà thực sự đấy.