Wednesday 12 February 2020

“Một trăm năm rồi ngọn cỏ hóa mây trời…”

“Một trăm năm rồi ngọn cỏ hóa mây trời…”
Vậy là khu An Dương đã mất đi một trong những vị “đại ca” lão thành bậc nhất xóm.
“Gia đình tôi có 5 người: bà, bố, me, chị và tôi.” - Tôi vẫn luôn bắt đầu câu chuyện về gia đình mình như thế, trong quanh quẩn mấy thứ tiếng có thể nói được. 7 năm trước tôi chia tay bố. Và giờ, 4 ngày trước, tôi chia tay người thân tiếp theo của mình. Bà nội.
Tôi ở với bà nội, ngủ với bà từ bé, cho tới ngày đi Úc thì thôi. Bà vẫn kể: “Con em bé ngày xưa đêm khóc như ranh, con mẹ nó thì yếu ớt thèm ngủ, bế con như muốn rơi cả con. Tao lên ẵm xuống thì bố mày cứ đuổi xuống, tao bế xuống ẵm chặt ngủ im thin thít. Mẹ mày theo xuống, mẹ ngủ con ngủ yên tới sáng.” Chắc vì hồi bé bà ẵm chặt quá, tới lúc thả đi thì nó đi cho một mạch, cả năm xuất hiện được ở nhà đôi ba lần.
Mọi sinh hoạt của tôi ở nhà hồi xưa xoay quanh cái giường bà. Chúng tôi gọi nó là cái “sập”, sập gỗ, hoa văn họa tiết chim cò khắc trạm rất đẹp. Cái sập là chỗ học, chỗ chơi, chỗ xem TV và chỗ đi ngủ. Tôi có phòng học, có bàn ghế đàng hoàng trên nhà nhưng không bao giờ ngồi, chỉ lên soạn sách vở cần thiết cho hôm sau rồi xuống nhà học. Hồi bé học ở sập, sau này các lớp lớn nhiều bài thì học ở phòng ăn nhà trong, vừa học vừa trông bà. Cũng vì vậy mà tôi rất thuộc giờ phát sóng các chương trình truyền hình của VTV, đặc biệt là VTV3. Thích nhất là thứ 6 có “Trò chơi âm nhạc”, nhiều bài cũng ra nhà ngoài ngồi học, vừa học vừa xem TV. Nên bởi nó thành thói quen sau này, ngồi học là phải có tiếng TV, ca nhạc, yên tĩnh quá tôi cũng không quen. Vừa học vừa bình luận, giải thích cho bà: nay kỉ niệm ông Hồ hả, hát ngoài lăng Bác hay sao mà rộng thế, ông này đẹp quá, cô này ăn mặc hớ hênh trông con gái vậy dơ chưa.
Bà tôi đi ngủ là phải mắc màn (buông mùng), mùa đông cũng như mùa hè. Mắc tai này trước tai kia sau, theo đúng thứ tự. Dắt màn cũng phải làm cho cẩn thận, nhiều hôm tôi à uôm cho nhanh, đẹp cũng để đi ngủ, nhưng bà thấy thể mắng vài câu rồi đi sửa lại từng góc, rất ngay ngắn. Tháo màn cũng thế, tháo cái tai màn rồi gấp theo từng cạnh, ta nói gấp cái màn rồi quận vào cái chăn nó vuông vắn, bà làm đẹp bao nhiêu, để mấy con cháu nó vo viên nhét vào cái chăn như hổ lốn, tới trưa bà giở ra nằm thể nào cũng ca cho một bài. Mùa đông nằm đệm, 3 tấm chập lại, mỗi bà cháu nằm một tấm, lăn qua lăn lại cứ nằm lên cái rãnh đệm lại cựa quậy. Bà tôi thân nhiệt lúc nào cũng ấm nóng, nên người cụ khỏe, có biết lạnh lẽo là gì đâu. Có đứa cháu gái hay cô giúp việc nằm cạnh thì 2 đứa tay chân lạnh như đồng tiền sành, đi ngủ mùa đông toàn rúc vào cho bà ủ, ngủ cho ngon.
Sau này khi đã đi Úc, được tiếp xúc với văn hóa nhiều vùng khác trong nước cũng như quốc tế, mỗi lần về nhà, tôi bắt gặp bà mình trong những hình ảnh của một người phụ nữ Hà Nội, một bà cụ Bắc kì mà tôi đã đọc được hay từ chính những người tôi tiếp xúc nhận xét về phụ nữ xứ này. Bà cụ lúc nào cũng mặc cái áo lót gile trắng nõn bên trong, khoác áo cánh cổ tròn là lượt phẳng phiu bên ngoài, quần lụa đen bóng, đầu chít khăn vuông. Tới ngày lễ là bà mặc áo dài, đầu vấn khăn, đeo kiềng vàng. Tôi cũng chỉ còn được nghe những từ như “xơi cơm”, “xơi nước”, “dạ bác lại nhà”, v.v khi ở nhà với bà.
Rồi tôi về nước, vào Sài Gòn làm, cũng là lúc bà tôi bắt đầu có dấu hiệu bị lẫn. Lẫn lộn ở độ tuổi 96 97 tuổi cũng đã là cái phúc, bà cụ vậy là quá khỏe. Buồi chiều tôi ngồi dưới nhà, cứ 5 phút bà lại hỏi: “Thế con ở Úc về hay là ở miền Nam ra?”, “Con đi tàu thủy hay tàu bay?”, “Giờ là vẫn ở với các bác người nước ngoài người ta nấu cho ăn hả? Đấy con cháu nhà này ngoan ngoãn nên người ta quý mình lắm đó con.” Mỗi lần vậy, tôi nhẫn nại trả lời: “Con ở miền Nam ra bà ạ. Con đi tàu bay nhanh lắm. Giờ con ở một mình rồi ạ.” Và thế là bà cụ lại chép miệng: “Khổ thân, có nhà có cửa thì không ở đi thuê cho tốn ra. Ở Hà Nội khó xin việc lắm, đất chật người đông nên phải vào trong đấy.” Cứ 5 phút lại hỏi, tôi cũng được cái kiên nhẫn nên lần nào cũng trả lời ngắn gọn đủ để người già hình dung. Một ngày bà cụ hỏi không thể đếm xuể, cứ chốc chốc lại con xem xin việc ở ngoài này có được không để bà cháu gần nhau. Mỗi lần nghe vậy muốn nhũn người lắm, thương vô cùng luôn.
Ngày đám ma bà, nhà tôi đông quân, mỗi người một việc. Thế hệ chúng tôi lớn lên, chứng kiến và ảnh hưởng những gì tinh hoa của thế hệ các bác và bố mẹ. Cái tôi yêu nhất trong ngày đám ma bà, bên cạnh những tình thương và sự chia buồn của mọi người, là tình yêu và trách nhiệm với gia đình mà chúng tôi dành cho nhau. Người lớn có chuyện của người lớn, còn chúng tôi cũng hò nhau bay về gấp, lo toan chia nhau đứa trong bếp, đứa tiếp khách, đứa ghi sổ, đứa trông xe, có mặt đầy đủ và bảo ban nhau chu toàn. Có lẽ với những đứa trẻ không ở nhà như tôi và anh Văn Hiệp, cái mong nhất là gia đình mình ở 1 thành phố khác luôn luôn bình yên. Bình yên yêu thương nhau, bình yên lo lắng cho nhau và cho việc chung của gia đình, để những đứa trẻ ấy yên tâm để đi và trở về, rồi đủ yên tâm để bay cao hơn.
Tôi tin là bà nội tôi vẫn ngồi yên ở cái ghế gỗ, đúng vị trí cửa ra vào đó, ngắm các con cháu tụ tập về ăn uống như những ngày giỗ Tết bình thường trong năm. Và bà đã mỉm cười rất tươi, như mọi lần…