Monday 14 October 2019

Bông hồng cài áo - tình mẫu tử thiêng liêng


Không phải mùa Vu Lan mà đi xem “Bông hồng cài áo”, chủ đề nhạy cảm vậy là đương nhiên khóc trong không gian câu chuyện ấy 😊
“KHÔNG BAO GIỜ CÓ HẠNH PHÚC CÁ NHÂN KHI HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH CHƯA TRỌN VẸN”
Xuyên suốt 3 tiếng của vở kịch, có lẽ đây là thông điệp ám ảnh nhất với mình. Câu chuyện về tình mẫu tử, về 2 đứa con trớ trêu tên Hiếu và Thảo của dì Tư, chạy theo sự danh giá của gia đình đằng nội mới về nhận máu mủ mà rời bỏ bà mẹ nghèo bán tàu hũ một mình nuôi 2 anh em từ nhỏ. Có lẽ, bi kịch lớn nhất của “Bông hồng cài áo” là người giàu hay người nghèo ở đây đều khóc trong những cố gắng đi tìm hạnh phúc của chính mình. Bi kịch giai cấp hiện lên rất rõ trong kịch, bên cạnh tình mẫu tử thiêng liêng của các bà mẹ.
Ấn tượng nhất trong vở kịch này là diễn xuất của cô Ái Như, một mình cô cân cả 2 vai: người mẹ chính (dì Tư) và người mẹ bị tâm thần của cô giáo Nga. Cảnh xúc động nhất là cảnh cô giáo dắt người mẹ tâm thần về nhà, một người có dung mạo giống hệt với dì Tư, trong sự ngỡ ngàng của Hiếu và Thảo. 2 đứa con ngỡ như mẹ mình sống lại, nhưng không, đấy là một người hoàn toàn khác. Mình thích cô Ái Như trong vai người mẹ tâm thần hơn chút, không cần thoại gì nhiều, chỉ cần những cử chỉ run run, nửa tỉnh nửa mê, luôn miệng gọi tên 2 đứa con bị mất trong tai nạn giao thông của bà (chị em của cô giáo Nga). Câu hỏi của cô giáo Nga với Hiếu: “Môt người mẹ bị mất con và một người mẹ bị con ruồng bỏ, ai sẽ đau đớn hơn?” cũng là 1 câu thoại rất ám ảnh. Người mẹ nào của Ái Như cũng làm người xem đau đáu, bởi trong nghịch cảnh nào, chia xa con cái cũng làm trái tim mẹ đau đớn.
Đi xem để thấy mình may mắn khi còn mẹ, và để yêu mẹ tôi hơn nhiều nhiều lần <3<3<3

(Ảnh: FB Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh)