Tuesday 24 November 2015

THE MASTER OF SYMPHONY - Khi đẳng cấp hội tụ

Lâu lắm rồi nhạc Việt mới có 1 chương trình chất lượng như vậy. 5 ca sĩ, 5 danh ca có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới nhạc nhẹ Việt Nam thế hệ đầu: Thanh Lam, Hồng Nhung, Thu Phương, Mỹ Linh, Trần Thu Hà. Nói theo ngôn ngữ dân dã thì là: Đừng có đùa với các mợ “lại gạo”. Trẻ trung, tươi mới, các cô cậu thanh niên 20 hẵng cứ phải xách dép chạy theo còn mướt.

** Liên khúc Hoa mở màn: https://www.youtube.com/watch?v=iwSgh7dHqSA
** Đánh thức tầm xuân: https://www.youtube.com/watch?v=xKHGLijgDCs

Trần đời không có cái gì vững mà 5 chân cả. 4 cái đỉnh thì vẫn mãi là 4 cái đỉnh. Vậy nên hãy cứ nhìn nhận đơn giản, đây là sự gặp gỡ, hội tụ của 5 người bạn cùng thời. Đừng thắc mắc tại sao không phải là ca sĩ này, ca sĩ kia. Cũng phải có lí do tại sao nhà sản xuất đặt tên chương trình là THE MASTER OF SYMPHONY (tạm dịch là Bậc thầy của giao hưởng) mà không đả động 1 chữ nào về những danh xưng. Vì về cơ bản, một bài hát, giọng hát "hay" ở nhiều thời điểm vẫn được khán giả đón nhận hơn là một bài hát, giọng hát "tốt". Ca sĩ được "chọn mặt gửi vàng" cũng đều là những vị có gang có thép trong nghề. Danh hiệu để làm gì khi mà có khối khán giả (đến giờ này) vẫn tuyên bố thẳng thừng rằng, bật vô tuyến mà thấy cô này là tôi chuyển kênh ngay; chuyên gia phá hoại ca khúc; hay cô này dạo này hát hò kiểu gì mà mồm mở cứ như luyện thanh opera, trông chán chết! Xét cho cùng các “Đi-ra”, “Đi-vô”, hay ông hoàng, bà chúa nhà mình, đã có ai thực sự vươn ra được cái “ao làng” Đông Nam Á, chứ chưa muốn nói là tạo ra được trào lưu thế giới. Cũng may là các đương sự nhà ta đều biết địch biết ta, họ chưa bao giờ vỗ ngực tự nhận những danh xưng đó, hoặc ngúng nguẩy đùn đẩy cho người này người kia.

“Người xinh trong mắt kẻ si tình”. Yêu ai sẽ gọi họ là Diva của lòng mình.

4 cái đỉnh vẫn luôn có 1 cái đỉnh sáng nhất. Khi 5 người họ hội tụ, ta vẫn cảm nhận một phần nhỉnh nào đó. Và phần nhỉnh đó xứng đáng dành tặng cho Diva của các Diva - NSƯT Thanh Lam. Giọng hát vẫn vang rền như thuở đôi mươi. Trình diễn lúc nào cũng rực lửa, bùng cháy, làm ta băn khoăn không biết nguồn năng lượng ấy ở đâu. Mẹ đã từng một lần chia sẻ: "Thanh Lam mà không rên ư ử thì cô ấy là nhất". Chính xác luôn, khi cô ấy "thăng" có kiểm soát, sẽ chẳng có ai hát "Hoa sữa", "Giọt nắng bên thềm" hay hơn Thanh Lam. Người đàn bà ấy cũng đã kiềm chế (dù chắc phải vất vả lắm) để phối hợp đầy tinh tế, nâng đỡ đồng nghiệp của mình trong các phần song ca. Hãy nghe "Vẫn hát lời tình yêu" (Thanh Lam - Hồng Nhung) và "Mây" (Thanh Lam - Trần Thu Hà) thì rõ. Và các cô ấy lại để lại một khoảng trống không thể khỏa lấp trong lòng khán giả rằng, biết bao giờ chúng tôi mới lại được nghe những phần song ca đẳng cấp như thế này nữa?

** Giọt nắng bên thềm: https://www.youtube.com/watch?v=sCHC01NXUgQ
** Ôi quê tôi: https://www.youtube.com/watch?v=MTNQYjBm4CE
** Vẫn hát lời tình yêu: https://www.youtube.com/watch?v=Ozrc0saIS4k
** Mây: https://www.youtube.com/watch?v=I0I7W7OKnqg

Hồng Nhung - vẫn cứ mãi là Bống à, Bống ơi. Luôn ngưỡng mộ cái duyên của nàng ấy trên sân khấu và trong các bài phỏng vấn. Nhiều người thấy Hồng Nhung "cưa sừng làm nghé", điệu từ bề ngoài đến cả cách hát. Nhưng điệu thì sao! Khán giả đã cười, một nụ cười rất mãn nguyện khi nghe cô ấy cười nấc lên hát Cho em một ngày, bên cạnh tiếng đàn guitar dào dạt của nghệ sĩ Dũng Đà Lạt. Hơn 40 tuổi, Hồng Nhung mộc mạc y xì như thuở ban đầu, không ồn ào và trong vắt. Và đương nhiên, "Cho em một ngày", đố ai hát được dễ thương như cô ấy!

** Cho em một ngày: https://www.youtube.com/watch?v=Vqm4q0jhzlE
** Đóa hoa vô thường: https://www.youtube.com/watch?v=d-G94xr40U0

Mỹ Linh - lý trí và tròn trịa, nên có lẽ bởi vậy, cô ấy có hạnh phúc viên mãn nhất trong tất cả. Vốn không phải là fan ruột của nàng, chỉ là những "Trưa vắng", "Hương ngọc lan", một dạo nghe thấy đỡ nhức đầu hơn mấy bài xìteen nên nghe và có cảm tình thôi. Nhưng phải nói là giọng Mỹ Linh đẹp, đẹp vô cùng đẹp, nghe cô ấy hát Hương ngọc lan trong đoạn mở đầu mà tưởng có thể vỡ loa bất cứ lúc nào. Và với "Trên đỉnh Phù Vân", ta đã biết thể loại này là chống chỉ định nghe buổi đêm, thế mà lại dại dột đêm khuya để nàng ấy ám ảnh vào giấc ngủ: "Mênh mênh mang mang Phù Vân Yên Tử. Vi vi vu vu Trúc Lâm Thiền Tự..." Phải nói là rụng rời, và thế là lại thao thức... chỉ vì nàng ấy đã dọa ma xuất thần!

** Trên đỉnh Phù Vân: https://www.youtube.com/watch?v=5hbbdnm712Q 

Riêng Trần Thu Hà, vì hát nhạc film cho 2 bộ film truyền hình mình mê mệt một thuở là Phía trước là bầu trời (bài Lời chưa nói) và Của để dành (bài Lời ru cho con) nên nhớ, chứ chưa bao giờ thích, không nghe và không theo dõi. Nói về Trần Thu Hà thì quan điểm từ trước đến nay không đổi là, luôn chỉ được đường tiếng. Nhưng cái giới văn nghệ sĩ là thế, xấu đẹp đôi khi không quan trọng bằng cá tính lạ. Nàng ấy biến hóa, sáng tạo, hát cái gì cũng ổn, nhưng khổ là chưa bao giờ cảm được nàng. Ấn tượng đêm diễn với nàng có lẽ nhiều hơn ở phần bè, khi khán giả mù nhạc như mình còn nghe ra nàng bè cao hầu hết các bài. Hát bè còn khó hơn hát chính, nhất lại toàn giọng khủng thế kia, nên rất khâm phục kỹ thuật và con đường âm nhạc cô ấy theo đuổi.

** Sắc màu: https://www.youtube.com/watch?v=GHOUq_sZG8I
** Phố nghèo: https://www.youtube.com/watch?v=0xAvCvmZVPo
** Tình ca: https://www.youtube.com/watch?v=UKW1EnvT00o

Thu Phương - người duy nhất không là Diva. Nói về nàng thì khó lòng công tâm lắm, khi mà nàng đã chiếm trọn tâm hồn âm nhạc của những đứa hay nhớ nhung như mình. "Chưa bao giờ", đúng như cái tên của nó, mỗi lần nghe lại 'hồn siêu phách lạc' như bài hát mới toanh. Phương lặp đi lặp lại câu chuyện của những được mất, của sự ra đi để trở về, của mối duyên trong đời sống. Đặc biệt đối với những người "đã rất xa để đủ nhớ", họ luôn nhạy cảm với những gì thuộc về quá khứ, về hai tiếng "ngày xưa". Vậy nên khi được kích động để họ nói về cái dây thần kinh "đơ" đó, đừng bất ngờ khi thấy người ta cứ nói, cứ hát là khóc, và cũng đừng cho là kịch, là diễn sâu, tội nghiệp họ. Nỗi nhớ về tình yêu, về phố cũ, về chính những gì bản thân đã đi qua, Phương truyền đạt lại tất cả trong những tiếng thở, những thổn thức, nức nở mỗi lần cô ấy hát. Công bằng là kĩ thuật của nàng so với 4 cô kia là dưới cơ, nhưng vấn đề về cảm xúc, về độ phổ cập trong giọng hát, có khi cả 4 cô kia cộng lại không bằng nàng. Riêng mặt âm sắc, Phương hát người ta có thể cảm thấy được cả dấu nặng, dấu ngã, nàng hát mà phát âm chuẩn như đọc chính tả vậy. Những "Cô gái đến từ hôm qua", "Đêm nằm mơ phố", "Trăng dưới chân mình", "Bang bang", nàng đã "đóng đinh" rồi, các ca sĩ khác hát lại người ta chỉ có thể khen tươi mới, chứ không thể so về chiều sâu với nàng. Thế nên có còn quan trọng chuyện Diva hay không khi nàng luôn có lượng khán giả "đủ" và "đúng" của mình bao nhiêu năm nay. Người ta chê Phương mang phong cách phòng trà, không văn minh, hát sướt mướt trên sân khấu mang tính "hàn lâm" tương đối cao so với mặt bằng chung của nhạc nhẹ đương thời. Nhưng cũng chẳng ai dám phủ nhận Phương hát cực kì cảm xúc, có sức nặng trong giọng hát, biết xử lí ca khúc tinh tế để mỗi lần cất tiếng là thu hút khán giả ngay lập tức. Họ xúc động với giai điệu lời ca, có khi còn khóc luôn theo nàng. Không phải ca sĩ nào cũng làm được điều đó, và nàng đã làm thành công rất nhiều lần. Mà cũng phải công bằng, trong 5 cô, nàng là "chuẩn" nhất, vóc dáng chuẩn, hình ảnh chuẩn, sang trọng, không "cưa sừng làm nghé" quá trớn, ngoại hình đúng lứa tuổi, giọng hát nồng nàn. Bấy nhiêu yếu tố đó thôi đã đủ để ghi điểm trong lòng công chúng rồi. Thật chứ chưa thấy ai số long đong như nàng. Từ giữa năm đến giờ có lẽ cô ấy là thuộc dạng nhiều scandal nhất showbiz, mà hầu hết toàn "tai bay vạ gió". Nàng chưa đòi hỏi mình là ông này bà nọ trong làng nhạc, truyền thông cứ tung nàng lên tận mây xanh rồi lại bầm dập người ta không thương tiếc. Vậy xin hãy cứ để Thu Phương là ca sĩ Thu Phương, như thế với khán giả, hay với bản thân người nghệ sĩ, đã là một sự tôn trọng dành cho họ. 

** Chưa bao giờ: https://www.youtube.com/watch?v=Z-FIvlaGLNM
** Cô gái đến từ hôm qua & Trăng dưới chân mình: https://www.youtube.com/watch?v=58mTcQJ3u5U
** Bang bang: https://www.youtube.com/watch?v=cxqk5Pv3O9Q
** Đêm nằm mơ phố: https://www.youtube.com/watch?v=CJUmjgMj0fI

Những bài hát trong chương trình đều là các bài hát cũ. Ta nghe, có thể lẩm nhẩm hát theo, nhưng tuyệt nhiên là những thanh âm mới chứ không phải là món ăn hâm lại. Ban nhạc, đặc biệt là dàn nhạc dây ngồi sau, âm thanh, ánh sáng, sân khấu đã làm nên những phút giây thăng hoa nhất cho 5 người nghệ sĩ. Và khi 5 cô vẫn hừng hực sung sức như vậy mà chỉ có 2 cô chịu ra đĩa định kì, ta tự hỏi liệu có phí quá không những tài năng âm nhạc có một không hai thế này? Nhưng dù gì, 5 cô, mỗi cô một vẻ, mỗi cô một cá tính, một sắc hương, không thể hòa lẫn vào nhau được. Hoa sữa, hoa hồng, hoa vàng, hoa gạo, hoa lan; hoa nào cũng đẹp, hoa nào cũng thơm. Mà hoa đã thơm thì có cần thiết những tranh luận ngoài lề, nhất là khi trên sân khấu ấy, ta đã thấy không chỉ có âm nhạc, mà còn là tình bạn, tình đồng nghiệp. Không biết sẽ còn có lần nào 5 bông hoa này lại đứng chung sân khấu để tỏa sắc 1 lần nữa, thế nên chúng ta hãy cứ chìm đắm và trân trọng những thanh âm giai điệu đầy cảm xúc mà họ đã mang lại thôi, chớ nên nói nhiều.

Lại tiếp tục bồi hồi và ngẩn ngơ với các mợ... 






Wednesday 11 November 2015

Bài dự thi “Âm nhạc trong tôi” - THE MASTER OF SYMPHONY

Câu chuyện âm nhạc: ca sĩ Thu Phương

Cả bố và mẹ đều thích, nghe và hát nhạc Thu Phương. Phải chăng vì nhạc của cô đồng hành với thời "thầm thương trộm nhớ" và rồi hoàn thiện bản thân với một mái ấm gia đình của hai người những năm 90?
Câu chuyện âm nhạc của bố mẹ trải đều từ những bài ca nhạc vàng, rồi thời đầu nhạc nhẹ với 3 cô diva, dần đến lứa "đàn em" thế hệ 200x. Và đương nhiên: Thu Phương! Trong trí nhớ của một đứa trẻ lên 3 lên 4 vẫn còn hình dung rất rõ khoảng thời gian mẹ bật “Dòng sông lơ đãng” với “Có phải em mùa thu Hà Nội” hàng ngày. Nó nhớ đến mức mà dù mẹ có nghe rất nhiều các thể loại nhạc, đủ các ca sĩ cả Tây cả Ta, cả hải ngoại lẫn trong nước; nó luôn nhớ rằng, Thu Phương là ca sĩ duy nhất mẹ nói từ THÍCH!
Như một điều tự nhiên, tình yêu đó lây lan cả sang cả thế hệ F2. Với tôi, ca sĩ duy nhất hát làm tôi ‘run bần bật’ là Thu Phương với “Hà Nội 12 mùa hoa” (và cũng từ bài hát này mà tôi có cảm tình đặc biệt với cô ca sĩ từ thời thế hệ bố mẹ). Có thể vì tôi nghe bài hát này đúng thời điểm (mùng 5 Tết khi ở nước ngoài), nhưng không thể phủ nhận là lâu lắm rồi mới có 1 bài hát đẹp, giản dị, nhẹ nhàng đúng chất Hà Nội đến vậy. Tôi yêu giọng hát Thu Phương cũng chỉ đơn giản ở lối hát đầy tự sự da diết của cô. Hát như nói, không cần phải biến tấu, chỉ cần cất giọng lên là đã thấy đầy sự khắc khoải, nhớ thương trong đó. Ở một phần nào đấy, tôi và người ca sĩ đều đã xa nhà, xa thành phố mình sinh ra từ năm 13 14 tuổi, và giờ là xa cả đất nước; tôi tìm được sự đồng cảm trong giọng hát và trong cả sự lựa chọn bài hát của cô.

"Tri kỉ" trong âm nhạc, cũng như "tri kỉ" trong đời sống, ai cũng nên có một người.

Và khi đã là “tri kỉ”, nợ nần nhau cảm xúc qua một thứ thanh âm, chúng tôi luôn dõi theo và cầu chúc những điều tốt đẹp nhất tới người nghệ sĩ của lòng mình. Và lại mong chờ, háo hức cho sự trở về có một không hai của cô ấy trong THE MASTER OF SYMPHONY. Khi hai “người đàn bà hát” Thanh Lam, Thu Phương được đặt cạnh sự tròn trịa của cô Bống, sự chỉn chu của cô Linh, sự tinh quái của cô Hà; tất cả sẽ bùng nổ và làm nên một dấu ấn lịch sử trong âm nhạc Việt đương đại.


Wednesday 4 November 2015

Lời của gió

Tình ca của những người yêu nhau qua nhiều thế hệ:
“Gió hãy nói rằng tôi yêu em
Gió hãy nói rằng tôi yêu anh
Gió hãy nói rằng ta yêu nhau
Thế thôi”

Như “Nắm lấy tay anh” hay “Tình yêu màu nắng” của năm 2014, “Lời của gió” đã từng len lỏi vào mọi nhà trong thập niên trước, hay cả trước nữa, khi tôi chắc mới ra đời. Tôi nhớ rằng, hồi mình còn be bé, có thời điểm, Tết nhất hay ngày thường; từ trong nhà, ra ngoài ngõ, ra đến cả ngoài quán, đi nhà nào thấy hát karaoke là kiểu gì cũng nghe thấy bài này, chưa kể còn hát đúng trên nền màn hình là vợ chồng Huy MC-Thu Phương đang nhảy múa luôn. Thỉnh thoảng trên tivi, kênh Hà Nội (kênh 4) còn hay phát lại bài này song ca của cô Bống Hồng Nhung và ca sĩ Quang Vinh – tác giả của bài hát Sea Games 22, người mà lúc đó tôi cứ tưởng chính là nhạc sĩ Duy Thái, tác giả của ca khúc.
Một bài hát giản dị trong cả ca từ lẫn giai điệu, nhưng như người ta vẫn nói: “Đơn giản là đỉnh cao”. Tôi vẫn hay “chê” những bài này, vì cũng cũ rồi, mà cũng một phần bị bố mẹ và các bác “tra tấn” nhiều quá. Nhưng không thể phủ nhận, những “Lời của gió” , “Bên em là biển rộng”, “Chia tay hoàng hôn”, “Hoa sữa”, v.v ; tuy không còn hiện đại, nhưng lời ca, giai điệu vẫn rất hay và sống mãi trong trí nhớ của bao nhiêu người.
Không phải cái gì mới cũng là hay, mà không phải cái gì cũ cũng là dở.
Một bài hát đặc biệt, nhân 1 ngày đặc biệt.
P/S: Cô Bống trả lời hay hơn cả hoa hậu!


Tuesday 3 November 2015

Trời sinh voi, trời sinh cỏ?

Câu cửa miệng của bà với các bác và bố mẹ: “Tao đây 8 đứa thì chả sao, chúng mày chỉ có 2 đứa cũng không xong.” Thế hệ bố mẹ còn được 2 3 đứa, giờ 1 đứa thôi chắc cũng đủ chết.
Trẻ con lúc bé: lo ăn, lo ngủ, lo ốm, khổ 1 kiểu. Đến tuổi nó đi học lại là bài toán khác.
Mình cũng thuộc diện hay thắc mắc, nên đã từng hỏi mẹ rất nhiều lần: “Tại sao con không học cấp 1 An Dương giống mọi người?” Và với đứa trẻ 7 8 tuổi, mẹ đã có một lời giải thích hết sức dễ thương: “Cho con học gần nhà thì ai cũng là bạn con hết. 1 năm có 365 ngày con đi sinh nhật cả 365 ngày thì thời gian đâu ra mà học. Mà toàn hàng xóm, mẹ không cho con đi không được, mà cho đi thì học vào giờ nào?”. Đương nhiên sau này đã được giải thích lí do sâu xa hơn là vì môi trường chứ không phải bố mẹ chê thầy cô trường làng không giỏi.
Thế đấy, ở nhà có kiểu đạp cổng trường để xin học cho con. Ở Úc, bố mẹ muốn con học trường điểm cũng lo sốt vó lên tìm nhà, rồi chuyển nhà ra đối diện cái cổng trường để cho con được học “đúng tuyến” trường điểm. Mà phải lo chuyển nhà từ lúc nó 3 tuổi, xếp hàng đến lúc nó 6 tuổi mới có xuất đi học vỡ lòng trường tuyển nha. Còn đâu với nhà trẻ, em đã bị dọa từ năm ngoái rồi, sau này có con, đẻ ra 1 phát là phải ra nhà trẻ xếp hàng vào danh sách chờ ngay, đợi đến lúc nó 2 tuổi còn có chỗ gửi con cả ngày mà đi làm!
Thật chứ, mình hâm mộ tất cả các cặp “bác sĩ bảo cưới” vì quyết tâm giữ sản phẩm, hay các cặp “đến tuổi rồi, phải cưới thôi” để ổn định và có sản phẩm. Cứ nhìn ở nhà có thằng cu con mùng 1 Tết đi viện và 1 tháng nằm viện 20 ngày; nhìn bên này thấy anh chị lo chuyển nhà vì chuyện trường lớp của con bé 2 tuổi; đi dạy thì được (hay bị?) tiếp xúc với mấy đứa bị chứng “chậm tiếp thu” mà thấy … !! Chả nhẽ thôi, khỏi đẻ!!
Trẻ con mà cứ chỉ mãi lon ton thì tốt nhỉ!!
Thôi thì vì tương lai con em chúng ta, đặt mục tiêu, nếu lương chưa được đầu 10 (nếu ở Việt Nam), hoặc chưa được đầu 7 (nếu ở Úc) thì không con cái gì hết sất!! Không ai nuôi được!!

Saturday 10 October 2015

The Festival Guru: Vivid Sydney

The Festival Guru: Vivid Sydney

I listen to music a lot. I can feel the beat, feel the sound, the melody, understand the lyrics. Maybe I did learn music before, so I appreciate it more. But I'm not an artistic person when it comes to Visual Arts (VA). Some people know me well, they know I can't wrap a gift properly, I failed VA in Year 10 :))).

Have been living in Sydney for almost 5 years now but I have only been to Vivid Sydney once. One time only!! It's not my type, really, I hate VA. But I like the festival atmosphere, I like the music and the beauty of my 'second home' at night, which I rarely have a chance to see. I admire the creativeness of all these designers who make them. Fully admire their creative intelligence!

Definitely come back next year, see you 'Vivid'!!

Thursday 8 October 2015

The Festival Guru: Sydney Twilight Parade

When you attended a school of only 200 kids, you know what am I talking about.

You complained (with or without actually saying it), there are basically no 'proper' school activities. So that means you weren't eager at all to join in anything.

And when you are out of it, you start to appreciate ANYTHING and cherish EVERYTHING you did with this small little community that you are part of.

So one of the things I remember the most during high school: CNY Twilight Parade!!


Wednesday 7 October 2015

"Tri kỉ" âm nhạc: ca sĩ Thu Phương

Âm nhạc cũng thay đổi như cuộc sống. Tôi nghe nhạc, trước hết là để tìm sự đồng cảm, sau mới đến những yếu tố liên quan khác như hòa âm, phối khí.

5 năm trước, tôi mê “Ngày hát đôi” – những bản song ca của cặp ‘tiên đồng ngọc nữ’ SMĐH 2006, Phương Linh – Hà Anh Tuấn, nghe đến bây giờ vẫn mê; tôi nghe “Cơn gió lạ” của Phương Linh, “Nếu như anh đến” của Văn Mai Hương, v.v. Tôi yêu sự nhẹ nhàng, mơ mộng trong các tác phẩm ấy.

5 năm sau, tôi chọn cho mình những bài hát tự sự, những bài hát có giai điệu đẹp, đẹp nên thường buồn; lời bài hát cũng như lời thơ, sâu sắc đến khó hiểu. Mà nhắc đến lối hát kể chuyện của ca sĩ nhạc nhẹ chắc chỉ có thể là một người duy nhất: ca sĩ THU PHƯƠNG.

Trong kí ức của thế hệ 6x 7x như bố mẹ thì cô này tóc ngắn, mặc áo may-ô, phong cách rực lửa, hát nhạc quốc tế sôi động. Nhưng mọi sự đều có lí do của nó khi mà những bài hát tình ca cô ấy hát mới thực sự ghi lại dấu ấn trong lòng công chúng. Trong trí nhớ của một đứa trẻ lên 3 lên 4 vẫn còn nhớ rất rõ khoảng thời gian mẹ bật “Dòng sông lơ đãng” với “Có phải em mùa thu Hà Nội” hàng ngày, cứ nghe đi nghe lại không biết chán. Nó nhớ đến mức mà dù mẹ nó có nghe rất nhiều các thể loại nhạc: nhạc quê hương, nhạc vàng, nhạc trẻ, nhạc không lời, saxophone; rồi đủ các ca sĩ cả Tây cả Ta, cả hải ngoại lẫn trong nước; nó luôn nhớ rằng, Thu Phương là ca sĩ duy nhất mẹ nói từ THÍCH. Rồi còn cả bài hát “Lời của gió” – tình ca của những cặp đôi thế hệ 6,7x. Tôi vẫn nhớ những năm 2004-2005, từ trong nhà ra ngoài ngõ, ra đến quán, đi nhà nào cũng thấy hát “Lời của gió”, cứ bật bài này là sẽ hát karaoke trên hình nền cặp vợ chồng cô ca sĩ đang đùa giỡn trên sân khấu: cô thời tóc ngắn mặc cái váy hai dây màu xanh nhạt bất cần đời, chú mặc bộ đồ trắng trông rất lãng tử. Mãi đến năm nay, khi tôi 19 tuổi mới lần đầu tiên hỏi mẹ, tại sao mẹ thích Thu Phương thế, mẹ chỉ bảo: “Mẹ thích phong cách tự nhiên của cô ấy!”.

Và giờ lây lan cả sang cả thế hệ F2. Tôi yêu giọng hát ấy cũng chỉ đơn giản ở lối hát tự nhiên. Hát không cần phải biến tấu, không cần thể hiện nhiều, cô ấy cứ cất giọng lên là đã thấy đầy sự da diết. Ở một phần nào đấy, tôi và người ca sĩ đều là những người rời nhà, rời thành phố mình sinh ra lớn lên từ năm 13 14 tuôi, và giờ đều đang sinh sống ở nước ngoài; tôi tìm được sự đồng cảm trong giọng hát và trong cả sự lựa chọn bài hát của cô.

Khác với thế hệ 9x, những người phần lớn biết đến Thu Phương từ Giọng Hát Việt 2015, tôi biết cô ấy từ bé, và cũng chết mê chết mệt âm nhạc của cô ấy trước các bạn vài tháng, thông qua mối duyên “Hà Nội 12 mùa hoa”. Kể cũng ngộ, mùng 5 Tết năm nay khi đang ở Úc, tôi xem chương trình Tết 12 con giáp của VTV như một thói quen khi xa nhà dịp Tết. Không hiểu sao tôi lại xem nhầm chương trình của năm trước nữa, và nghe thấy một đoạn nhạc ngắn chen giữa chương trình rất hay, nói về những loài hoa ở Hà Nội. Cũng giống như rất nhiều bài hát khác của cô, lần đầu tiên tôi nghe các bài hát ấy thông qua các ca sĩ khác, nhưng một khi nghe đến bản của Thu Phương là sẽ chỉ nghe của cô ấy thôi. Cái lạ nằm ở chỗ đó!

Năm 2015, cô trở về quê nhà, với một tâm thế mới, trên một cương vị mới. Báo chí, công chúng đưa ra câu hỏi, liệu Thu Phương có xứng đáng với danh hiệu Diva thứ 5 của làng nhạc Việt? Cô ấy không có một giọng ca ‘đẳng cấp’ như cô Thanh Lam; không nắn nót, chỉn chu như cô Bống; không cho ra mắt nhiều album định hướng thị trường như cô Mỹ Linh; không ‘dị nhân’ như cô Trần Thu Hà. Thu Phương luôn hát rất thật, rất tình, rất mùi, và không ít khán giả yêu sự chân thật và thiếu tiết chế của cô hơn cả 4 diva kể trên. Mượn lời của tác giả Cao Hà: "Nghề hát là cái nghề vừa hào sảng vừa cay nghiệt để đời nghệ sĩ như cứ phải đi trên dây, cô hát phải có tình nhưng ấy là cái tình kín đáo chứ nếu không biết tiết chế mà để cái tình trào cả ra ngoài là hỏng. Và đẳng cấp của một giọng hát có vẻ như được xác lập từ đây. Dù ngày càng đẹp và hát không tồi, song Thu Phương vẫn phải ngồi ngoài cái chiếu vốn dành cho các bà hoàng nhạc nhẹ." Mặc dù theo quan điểm cá nhân, tôi thấy cô hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Diva, vì đơn giản, cô ấy đem đến cảm xúc và là chỗ dựa tinh thần cho những người nghe nhạc như tôi. Nhưng thôi, không là Diva cũng tốt, cô ấy có thể tự do thể hiện, trải lòng mình với khán giả, hay chỉ đơn giản là ‘hát đi cho thỏa dỗi hơn’, mà không phải gò bó theo một khuôn mẫu lí tưởng nào đó để được tôn thờ như 1 tượng đài. Với chúng tôi, những khán giả mến mộ giọng hát ấy, chúng tôi thích Thu Phương vẫn cứ luôn nồng nàn theo cách rất riêng mà cô luôn thả hồn vào mỗi bài hát của mình.

Và hàng ngày, tôi vẫn chọn cho riêng mình “Cô gái đến từ hôm qua”, “Đêm nằm mơ phố”, “Như chưa bắt đầu”, “Nơi mùa thu bắt đầu”, “Thành phố sương”, “Hà Nội 12 mùa hoa”, “Trăng dưới chân mình”, v.v tất cả những tình khúc ngọt ngào đó để lấy cảm hứng làm việc và sinh hoạt cho cả ngày.

"Tri kỉ" trong âm nhạc, cũng như một "tri kỉ" trong đời sống, ai cũng nên có một người.

Bài hát tôi luôn muốn nghe cô ấy hát trên mọi sân khấu: “Cô gái đến từ hôm qua”





Bình luận văn nghệ: Gala trao giải Giọng Hát Việt

Tôi là tôi bầu cô này là QUÁN QUÂN Giọng Hát Việt năm nay! Hát hay, khéo rèn, phát ngôn bá đạo.
Các giải thưởng phụ:
-Bầu cô Mỹ Tâm giải Á quân. Hát hay, dạy giỏi, nhưng về nhì vì không chu cấp đủ gậy phát sáng cho fan làm người hâm mộ phải tiết kiệm đèn pin khi cổ vũ! Mà cái đoạn hót líu lo trước bài Ước gì có ý nghĩa gì??
-Bầu chú Hưng bé giải Nam vương can đảm vì đã ‘buông’ để học sinh tự do.
-Bầu chú Hưng lớn giải Đạo diễn xuất sắc vì dàn dựng tiết mục hay.
-Bầu cô Hà Hồ giải Sở hữu chiếc quần ấn tượng.
-Bầu bạn Đức Phúc giải Nam sinh dễ thương. Đăng quang mà khóc thút thít như đứa trẻ!
-Bầu anh Hoàng Dũng giải Nam sinh ‘chiều sâu’.
-Bầu chị Tố Ny giải Diễn viên trẻ triển vọng.
-Bầu chị Yến Lê giải Cá tính ấn tượng.

(22/09/2015)


Bình luận văn nghệ: Chung kết Giọng Hát Việt

Giọng hát Việt hay Diễn viên Việt?
Xem chương trình ca nhạc mà cứ ngỡ như đang xem kịch.
Thực sự Mỹ Tâm không nên hát Tiếng Anh. Chắc mình đi ngược với số đông, Đức Phúc hát mình không thấy hay, đi lại trên sân khấu giống ông ba ngơ quá. Tiết mục cuối show được cái dàn dựng chói lòa nhưng phần hát dở!!
Tố Ny hát được mà, ăn đứt nhiều ca sĩ giải trí khác nhé. Mỗi tội diễn sâu quá. Bài Chuyện thành Cổ Loa đáng nhẽ rất hay đâm ra thành quá sến, nghe sốt hết cả ruột! Đúng là đội Đàm, chỉ được cái đầu tư hình ảnh là giỏi!!
Yến Lê không ấn tượng nhưng không ghét, hát vẫn tốt thế, hát với Tuấn Hưng bùng nổ, cơ mà cái âm thanh :-wwww
Còn đội em thích thì, chung kết rồi vẫn cứ thích hát 'sâu' nhỉ. Thích sáng tác mới của Hoàng Dũng, Huyền thoại Hồ Núi Cốc nghe lạ tai nhưng hát hơi đuối, Tình ca phần nghe tốt nhưng tiếc là phần nhìn đơn giản quá!! Công tâm thì trong 4 người, HLV Thu Phương cất giọng lên đã thấy khác hẳn rồi!!
Tóm lại chung kết chưa thấy bài nào đặc sắc. 
Tạm bình chọn bài này: Yếu Đuối - Hoàng Dũng!
(15/09/2015)


Bình luận văn nghệ: Liveshow 8 Giọng Hát Việt

Có những giọng hát thực sự như dọa ma người khác...
Biết chị này là đồng môn Chết Vì Ăn nhưng cũng không chú ý lắm, vì hát nhạc quá khó nghe. Nhưng càng về sau càng hay. Sau Độc Ẩm, Rơi, Thư pháp, và giờ là Ảo ảnh trưa. Đêm Chủ Nhật cố xem nốt đội TP mới đi ngủ, và xem xong thì tỉnh cả người!!! Quyết định rời chiếu dưới lên ngồi mâm trên bằng cách hát các bài hát 'dễ' nghe hơn (so với ca trù) đã giúp Kiều Anh đến gần hơn với khán giả rất nhiều.
Phần trình diễn hay nhất cả đêm!
Em chỉ nghe hát thôi, còn giai xinh FTU, gái đẹp, gái cá tính, giai dễ thương; ai vào cũng được, ai thắng cũng được, cứ hát hay là em thích tuốt!

(09/09/2015)


Nghề giáo

Nhiều khi mình cảm thấy giáo viên phải là thánh chứ không phải là người. Ở đâu cũng vậy, dù Tây hay Ta.
Có làm công việc của thầy cô rồi mới trân trọng những gì họ đã làm cho mình. 1 tuần mình đi làm có 6 7 tiếng, công việc tương đối nhẹ nhàng: chấm bài cho học sinh và vào điểm. Thực ra trông nhẹ nhàng như thế, nhưng giờ cao điểm, chuyện 10 cháu xếp hàng trước bàn của mình chờ chấm bài trên lớp (classwork) là chuyện hết sức bình thường.
Chấm bài thì đã có các quyển đáp án sẵn rồi cũng không có vấn đề gì, nhưng không phải cháu nào cũng ‘vở sạch chữ đẹp’. Có cháu viết rất sạch sẽ, có cháu thì mình luận mãi vẫn không ra nó viết cái gì. Có cháu chấm phẩy rất đàng hoàng, nhưng có cháu cả 20 trang (khổ A5) câu nào cô cũng phải khoanh chấm câu. Có cháu làm nhoắng cái xong vài trang giải hệ phương trình, nhưng cũng có cháu cộng trừ phân số chuyên gia quên rút gọn và đổi mấy hỗn số cũng không xong. Rồi mỗi cháu học 1 kiểu. Có cháu tốn có 15 giây đọc xong bảng cửu chương x9, nhưng có cháu đọc đến 30 lần vẫn chưa thuộc bảng cửu chương x3. Có cháu học nửa năm mới biết nhân 2 số có 2 chữ số, có cháu học lớp 5 mà vẫn đang làm 1+1=2, v.v.
Vì thế nên hoàn toàn thông cảm với cái cảm giác của giáo viên, chấm bài là muốn gạch sạch sẽ . Một tuần mình chỉ tiếp xúc với 200 cháu trong có 6 7 tiếng, nhưng các thầy cô 1 ngày làm việc với bao nhiêu đứa trẻ và bao nhiêu đồng nghiệp.
Hôm nay bất chợt bắt chuyện lại với 1 cô giáo cũ. Bất chợt vì nhìn thấy tấm ảnh khai giảng và dòng chữ thân thương. 1 cô giáo mình yêu và tôn trọng, vì dù không là người đầu tiên dạy mình môn học đó, nhưng là người đã xây dựng nên tình yêu môn hoc trong mình để rồi các thầy cô khác hoặc là bồi đắp thêm, hoặc là phá bỏ hoàn toàn tình yêu ấy. 1 cô giáo mà mình ‘chú ý’ nhiều hơn, chỉ vì sự thừa thời gian và rồi tự nhiên thành biết nhiều chuyện nên cũng dành 1 tình cảm đăc biệt. Và rồi chúc mừng cho sự thành công của cô giáo, và quan trọng là học thêm được sự lạc quan của 1 người trẻ đi trước.
“Hãy luôn tin những gì ta ước mơ
Gió trên cao và nắng hòa mây xanh”

(07/09/2015)

Bình luận văn nghệ: Liveshow 7 Giọng Hát Việt

Nghe nhạc chỉ nên 'thích' hay 'không thích'. Còn đâu không nên so sánh và nên ủng hộ sự sáng tạo.
Như mình thích Thu Phương không có nghĩa là Mỹ Tâm hát 'Cô gái đến từ hôm qua' dở, và không thể nói là Thu Phương hát 'Chia tay hoàng hôn' hay hơn Thanh Lam được. Mỗi giọng ca, mỗi bản phối, nghe ở giai đoạn khác nhau và thời điểm khác nhau đều mang đến những cảm xúc khác nhau.
Cá nhân mình thấy Vân Anh hát Màu hoa đỏ hay, bản phối đầy sáng tạo. Đồng ý với Thu Phương là chị này xử lí bài hát hơi nhiều và có đôi chỗ làm mình phân tán, nhưng tổng thể là mình vẫn cảm nhận được sự hào hùng của bài hát. Và cũng đồng ý với Mr Đàm là Vân Anh đã mang đến 1 màu sắc rất mới cho bài hát và cũng phải hát thế này thì chúng cháu mới nghe nhạc đỏ được. Còn về phần 'tốt', với khán giả biết nhạc 'nửa mùa' như mình thì chị ấy đã hát đúng nhịp, đúng phách, đúng độ cao. Thế là chuẩn rồi!! Tóm lại, mình thấy phần trình diễn này vừa hay vừa tốt.
.....
Và đêm diễn sẽ hoàn hảo hơn nếu đẩy đội 2 cô nữ thi trước. Đang nghe được 3 bài sâu lắng thì lại nhảy rầm rầm lên rồi lại buồn thiu, mất hết cả hứng.
Đội Mỹ Tâm đôt biến, đội Thu Phương vẫn hay, giữ vững phong độ. Kết quả bình chọn hợp lí!!

(01/09/2015)


Bình luận văn nghệ: Liveshow 6 Giọng Hát Việt

Nhạc thì nhạt toẹt; yếu tố giải trí thì chưa đạt; MC thì cứ như cái loa phường, không có thì thiếu, có thì thừa; fan thì cứ rú ầm lên!!
Được mỗi bài này!! Hay nhất cả show!!

(25/08/2015)


Bình luận văn nghệ: Liveshow 5 Giọng Hát Việt

Bình chọn luôn: tối qua là lần lên sóng hay nhất từ đầu mùa tới giờ, hay hơn cả vòng Giấu mặt. Trừ mục 2 Mc kém duyên thì còn đâu là hoàn hảo!!!
*Đội Tuấn Hưng: "Tuấn Hưng cứng hơn quả trứng" (trích fb bà chị).
Mình thấy mắng thế là rất đúng và rất khéo! Đội này thì Yến Lê vào chung kết rồi, không thắc mắc! Mà sao năm nay nhiều thí sinh mất bố sớm thế, em đã hạn chế nghe bài cha mẹ rồi mà các anh chị cứ hát hò thế này thì chết em!! Nhưng 2 bài cha mẹ của đội này không xúc động bằng chủ đề đêm đầu tiên.
*Đội Thu Phương: Giời ơi không uổng công em cuồng đội này. Hát hay mà đoàn kết!! Thu Phương hôm qua cũng xinh quá mức quy định và rất mực thước trong phát biểu, mỗi tội cô ấy lặp từ "nghĩ" hơi nhiều.
-Khánh Linh - Chạy: thực ra bài này là bài bắt tai nhất trong 4 bài single và cũng là bài mp3 mình nghe nhiều nhất. Nhưng hát live hôm qua lên không tới!!
-Kiều Anh - Độc âm: chẳng thích nhạc dân tộc, chẳng mê EDM, mà cũng ghét violin, nhưng bài này mình nghe cũng vào tai mới chết!!
-Hoàng Dũng - Đường đêm: chỉ biết nói là may trước khi đi du học em không có người yêu chứ nghe xong bài này chắc ở nhà quá! Giọng ca nam hay nhất mùa năm nay là đây! Rất mong anh vào chung kết!!
- Hôm qua lại thích nhất là Anh Duy hát Phố thị. Bài hát đặc chất Tăng Nhật Tuệ, cái lời chả hiểu gì, nhưng mà cuốn hút vô cùng. Giọng Anh Duy hôm qua gào thét vừa phải và điệp khúc hát rất ngọt. Hát hò thế này em lại phải down chùa về thôi. Rất tiếc, tạm biệt giọng ca nam đẹp nhất mùa này.

(18/08/2015)


Bình luận văn nghệ: Liveshow 4 Giọng Hát Việt

Thay đổi sân khấu nên thôi thông cảm phần âm thanh điện giật. Tổng thể cả show nghe giống Dờ Ri míc hơn là Dờ Voi. Nát hết cả bài Vệt nắng cuối trời rồi, giời ơi!!!
MC rất có duyên, toàn chặn họng Huấn luyện viên (HLV)!
4 HLV đã đá xoáy nhau trở lại:
-ĐVH: chả biết chữ thập đỏ nên đặt trên mũ hay dưới áo nữa!! Ăn mặc ghê quá!!
-MT: xinh mà, duyên mà, sao cứ chê thế!!
-TH: đơn giản mà đàn ông. Ít nói nhưng đã nói là chất, mỗi tội câu cuối cùng lại không suy nghĩ rồi.
-TP: thực sự không thấy xinh, nhưng thần thái luôn ở đẳng cấp khác. Vẫn là những lời nhận xét chuyên môn rất chi tiết, mỗi tội toàn 'bổn cũ soạn lại' (vì em cày nát Vstar rồi ạ), nên hi vọng các tập tới cô ấy có câu gì mới.
Thí sinh: hơi nhạt nhỉ! Hát toàn bài cũ, hoặc bài hot, mình lâu rồi chẳng cập nhật nhạc mới toàn nghe mấy bài cũ, mà cũng thuộc gần hết tất cả các bài trong liveshow vừa rồi. Vì hát toàn bài quen thuộc mà chẳng hát thực sự hay nên thấy hời hợt. Và một vài gương mặt nổi bật lại chẳng để lại ấn tượng gì đêm vừa rồi!!
Có chị Thu Thủy hát hay nhất cả show thì lại bị loại! Nhưng kết quả hợp lí!

(11/08/2015)

Bình luận văn nghệ: Liveshow 3 Giọng Hát Việt

Xem trực tuyến nghe thấy khá nhạt nhẽo, hôm nay xem lại Youtube thấy hay hơn rất nhiều. Chả hiểu tại đường truyền âm thanh hay trước khi cho lên mạng lại chỉnh sửa rồi??
Mình cũng thuộc dạng thích nghe nhạc mà lời bài hát phải bóc được 5 6 lớp nghĩa cơ, thế nên vẫn rất thích cách lựa chọn bài của đội Thu Phương. Nghe nhạc phải có thông điệp, yêu đương cũng phải tế nhị tinh tế! Tuy nhiên, bài hát sâu quá mà đưa lại cho thí sinh ít tuổi hát chẳng sâu được như bài, nghe cứ trôi tuồn tuột!!
Đội Tuấn Hưng vẫn trẻ trung, năng động rồi, thích bạn Đăng Quang nhất!
Cả liveshow thích mỗi bài này, phối lại kiểu mới làm bài hát trở nên ‘sang chảnh’ hơn hẳn, lời lẽ cũng sâu vừa vừa đỡ phải nghĩ!!
Chốt lại sau liveshow: 2 nữ huấn luyện viên xinh quá á á!!! Và ngóng album mới của Thu Phương!!
(28/07/2015)


Bình luận văn nghệ: Liveshow 2 Giọng Hát Việt

Âm thanh ánh sáng tốt hơn liveshow 1 nên giọng hát của thí sinh nghe cũng nét hơn hẳn. Nhìn chung màu sắc liveshow 2 trẻ trung và dễ nghe, các bài hát cũng đa dạng. Với liveshow 1, khán giả không những vừa nghe, vừa nhìn, còn phải vừa ngẫm theo lời bài hát (vì toàn bài sâu); còn với liveshow 2 thì chỉ có yếu tố nghe nhìn, không còn yếu tố ngẫm nữa, nên ra có thời gian ‘soi’ những thứ khác.
‘Soi’ rồi thì em thấy thế này:
-ĐVH: chẳng bao giờ thích nên chẳng muốn nói. Ăn mặc cứ hết sức là ‘bóng nhộn’. Cứ thế cưa làm sao được MT
-TH: ngồi cho đủ bộ tứ, cứ như ông mất hồn, nhưng nhận xét vẫn được. Mượn lời nhà báo “Cứ lúc camera chiếu vào ông H lớn thì run hết cả người còn chiếu vào ông H bé thì thương hại.”
-MT: dễ thương quá! Huấn luyện cũng tốt ghê.
-TP: đã trở về với phiên bản ban bánh khảo của Vstar rồi, thích thế! (Vstar là cuộc thi tìm kiếm ca sĩ cho trung tâm Thúy Nga ở Mỹ). Với tiêu chí để sản phẩm của các cuộc thi hát truyền hình không là một đám “hát không ra hơi rồi lại chỉ bơi trong scandal là giỏi”, em cảm thấy nhận xét của TP là cần thiết, mà cũng đúng đi. Cứ chỉ lo nhảy không lo hát, ‘trép-bồ’, ‘hép mì’ từ đầu bài đến cuối bài thì ai nghe ra cái gì đâu. Nếu xem Vstar rồi thì thấy TP vẫn hiền lắm, đêm rồi cô ấy mới ‘bới’ có 4 5 tiết mục; tứ kết Vstar 15 tiết mục cô ấy còn chê thẳng thừng cả 14 tiết mục cơ mà.
Có tí bất ngờ, mình dự từ đầu mùa mong được nghe “Chắc ai đó sẽ về thôi” trên đài Quốc gia mà cuối cùng được nghe thật!! Lúc đọc giới thiệu thấy hết hồn!!
**Bình chọn sau liveshow:
-Tiết mục hay nhất: Bảo Trâm – Khoảng không chơi vơi. Kết chị này từ Giấu mặt, giọng hay, mà cứ cất giọng lên là thấy khát khao rồi.
-Tiết mục xúc động nhất: Thu Thủy – Papa. Rất muốn hạn chế nghe bài cha mẹ mà cứ hát hò thế này thì chết em!
-Tiết mục tổng thể hài hòa nhất: Vicky Nhung – Một nhà
-Giọng hát bị loại tiếc nhất: Quốc Vương. Em này giọng hay, mỗi tội chả hiểu sao vào tay ĐVH là cứ biến hóa cho em nó trông bóng y như thầy!!
-Tiết mục bất ngờ nhất: Phượng Vũ – Bang Bang (Khi xưa ta bé). Phối khí lại rất lạ, mỗi tội chị hét quá!
-Bài hát bị phá nát nhất: Tình ca (Quốc Bảo) – Quỳnh Như. Bản cụ Hà Thị Cầu bị lỗi đây ạ!
- Thí sinh cảm ơn ‘dốt’ nhất: Hải Yến Táo Tàu. Nhìn gương chị HT không cảm ơn TM mà bạn cảm ơn thế thì người ta ném gạch cũng dễ hiểu.
Nói chung, GHV mùa 3 đến vòng liveshow rồi mà vẫn hay, hấp dẫn, thu hút hơn rất nhiều 2 mùa trước, làm em thức khuya, xem không xót 1 tập, bỏ cả người tình Idol là quá thành công rực rỡ rồi!!

(22/07/2015)

Bình luận văn nghệ: Liveshow 1 Giọng Hát Việt

Có thể đều là người rời xa thành phố mình lớn lên từ năm 13 14 tuổi nên mình luôn dành một sự thiện cảm và đồng cảm đặc biệt với giọng hát và sự lựa chọn bài hát của cô, cho bản thân hay cho học trò.
Cả 7 bài hát đội Thu Phương mình thấy hay tuốt! Giai điệu đẹp, lời ca sâu sắc, người thể hiện cũng tốt! Nói chung cứ đội nào hát Tiếng Việt là em đã thấy ăn điểm hơn rất nhiều!
Tổng kết sau liveshow:
-Mở đầu: cứ như đùa. ĐVH vào sai nhịp, TH hát sai lời:-www. Được mỗi 2 HLV nữ!
-Tiết mục xuất sắc nhất: Tuổi thơ con – Khánh Linh. Cái status về bố hôm qua một phần cũng từ đây mà ra đây!!
-Bài hát mới nghe thấy vào nhất: Đường về - Anh Duy
-Tiết mục hay nhất đội Tuấn Hưng: Sẽ không còn nữa – Đăng Quang
-Thí sinh bị loại tiếc nhất: Thu Hòa – hát Mẹ tôi cảm xúc như thế mà bị loại phí quá :(((
-Thí sinh bị loại ‘xứng đáng’ nhất: Trần Lan – Sao ta lặng im. Thích chị này từ bài Anh, rồi Nơi ấy bình yên mà bài này hát như con mèo hen!!
-Tiết mục non nhất: Hà Nội niềm tin và hy vọng – Hạ Vy. Giọng chị tốt nhưng em rất tiếc, chị phá gần hỏng bài hát rất hay về thành phố của em.
-Phần thể hiện thảm họa nhất: MC Linh Sunny


Bình luận văn nghệ: Giọng Hát Việt

Tập 1 Vòng Đối đầu

Lại giở giời!!!!!
Hôm trước Hà Nội hôm nay Sydney. Lại mưa!!
Mưa thì ta nghe Liên khúc Mưa ru ngủ vậy.
The Voice hôm qua ấn tượng với mỗi câu đá xoáy bá đạo của thần tượng và màn trình diễn này!! Giọng hát không phê lắm nhưng mà lên ý tưởng và hòa âm phối khí được 4 bài thế này thì đã đủ làm em thích rôi!!
(16/06/2015)

Bình luận văn nghệ: Vietnam Idol và The Voice

Chắc chớt quá à: Idol có cô Bống còn The Voice có cô Sếu!!
Mượn lời MC Phan Anh: “Nhiều khi em còn thần tượng những câu trả lời của chị hơn cả những bài hát chị hát!!”
Thế nên là “Papa” hay “Cô gái đến từ hôm qua” xếp sau hết lời ăn tiếng nói của 2 nữ giám khảo này!! Nhận xét quá khéo mà không trượt đi đâu được!!
...…
Luôn dành một tình yêu đặc biệt cho Idol vì chất lượng thí sinh quá tốt: hát rất hay và phong cách rất hiện đại. Và giám khảo dù quá chất nhưng luôn chỉ làm nền cho thí sinh tỏa sáng. 1 vote cho Trọng Hiếu!
The Voice - “không phải dạng vừa đâu”: Nếu như ở mùa 1, Thu Minh lọt giữa một rừng toàn giải trí, mùa 2 anh Đàm lọt giữa một rừng toàn Nhạc viện, thì hi vọng sự cân bằng trong dàn huấn luyện viên mùa này mình sẽ được nghe từ “Chắc ai đó sẽ về thôi” đến “Trên đỉnh Phù Vân” nhỉ!!
Giọng hát và bài hát thích nhất trong The Voice tập 3 - Vòng giấu mặt: Mùa yêu đầu!!

(27/05/2015)

Nhật ký Sydney - Thẩm Dương (phần 3)

Ngày 17 (15/07): Úc “nhà quê”

Úc thường bị đánh giá “nhà quê” hơn so với các nước nói tiếng Anh nói riêng và các nước phát triển phương Tây nói chung. Ví dụ điển hình nhất, 10h sáng chưa thèm mở cửa và 5h chiều tất cả các cửa hàng, trung tâm mua sắm vui chơi đã đóng cửa từ đời tám hoánh. Nhưng với nhiều người, như mình chẳng hạn, thích Úc vì sự “nhà hê” của hắn: an ninh/an sinh xã hội tốt, đời sống tương đối yên bình.

Ở Úc cũng một thời gian rồi mà mình vẫn không hết ngạc nhiên về đất nước này. Có những ngạc nhiên tốt thì luôn học hỏi, nhưng lần này, sự ngạc nhiên chẳng biết nên đánh giá theo chiều hướng nào!

Câu chuyện 1: Quả măng cụt
Tuần đầu tiên ở Trung Quốc, một số bạn (đương nhiên có mình) mua măng cụt. Mình rất rất ngạc nhiên khi phải đến năm sáu đứa lần đầu tiên nhìn thấy quả măng cụt, và đương nhiên, cũng là lần đầu tiên thưởng thức loại quả này. Là Tây hẳn đi thì còn không thắc mắc, đây toàn một loạt Tàu, Tàu đặc Tàu, nhà cửa thì toàn ở khu Á châu ở Sydney bán thừa các loại quả thế này, mà chưa bao giờ ăn thử.
Thế này là tại bố mẹ không chịu mua lằng nhằng cho con ăn?
Tại mình ăn như heo nên nghĩ ai cũng dễ ăn như mình? 
Hay tại chúng nó lười cập nhật nên tự biến mình thành “nhà quê” đến mức mặt mũi rặt châu Á mà không biết đến quả măng cụt?
Một bất ngờ không hề nhỏ!!

Câu chuyện 2: Bài bạc “Tiến lên”
Sáng nay có chút bất ngờ nhỏ khi biết các ban Úc cũng chơi tú lơ khơ, đánh tiến lên giống mình. Chúng nó cũng có chơi bộ đôi, ba, tứ quý, dây, chặn 2, này nọ, v.v tương đối giống. Mỗi tội luật chơi so với Tiến lên kiểu Việt Nam đã lược giản đi rất nhiều: không quan tâm đến cùng chất, cùng màu, cứ đánh cao hơn là được, cứ ghép lung tung 4 chất thành dây thành bộ theo thứ tự lớn dần bất chấp màu sắc :-www!!
Đúng là Úc “nhà hê”, lười suy nghĩ, ưa thích đơn giản!!
Chả thế mà cả tỷ năm nay không chơi Tiến lên mà vẫn thắng được 2 ván với cái luật giời ơi thế này. Cũng cứ phải gọi là sướng đi!!

Nhật kí Sydney - Thẩm Dương (phần 2)

Ngày 2 (30/06): Chuyện cái tên và ấn tượng Thẩm Dương

Thầy u nhà mình, hay kể cả các bác, cũng chẳng để ý đến việc đặt tên con cái theo một ý nghĩa gì. Đại loại là cứ đặt một cái tên dễ nghe và phổ biến. Riêng thầy u em ngày xưa đi học căm thù việc kiểm tra miệng (mặc dù không phải học kém nhất lớp), nên quyết định đặt tên con cái thế này:
  1. Không đặt tên con đầu sổ hay cuối sổ. Đặt tên con giữa sổ. Để con không phải làm ‘chuột thí mạng’ đầu tiên hay thi cái gì cũng đợi mãi không đến lượt mình.
  2. Đặt tên con “sáng sủa”, nhưng không lạ, không độc, không kêu để tránh bị gọi lên bảng vì lí do “tên đẹp”.
Thế nên dự định lúc đầu nàng lớn là Ngọc Linh, còn nếu có nàng bé sẽ tên là Ngọc Minh. Xong rồi sửa lại thành Thùy Linh cho nàng lớn thùy mị (cuối cùng thì sản phẩm ngược hẳn với tên). Thế tại vì nàng lớn là Thùy Linh rồi nên nàng bé đành phải thành Thùy…. Dung!! May sao có bác góp ý ngay: đặt thế rồi sau này nó điệu chảy nước ra rồi ai chịu được (tại hồi đấy có cô ca sĩ Thùy Dung nổi tiếng điệu đà).
Cuối cùng thì em nó thành Thu Hương… với lí do lãng xẹt: u thấy tên đó nghe cũng hay đó!!?
Em biết tên em cũng thuộc dạng sáng sủa, nhưng không đến mức như chuông kêu. Cơ mà chẳng bao giờ nghĩ tên em thuộc dạng rất đặc biệt, đến mức ai nghe tên em lần đầu tiên đều bật cười!!!
…….
Lần đầu tiên học tiếng Trung, khi dịch tên em, các cô cũng có giải thích qua ý nghĩa của tên. Em thấy cũng bình thường, đại loại là tên của 1 nhân vật trong thơ văn Trung Quốc xưa. Nhưng vì tên tuổi khi dịch ra tiếng Trung cũng thuộc dạng hiếm và lạ, nên lần đầu tiên ai đọc tên… cũng cười rất thích thú!  
Hôm nay mỗi người phải nói vài phút quan điểm của bản thân về Trung Quốc. Trước khi em nói, cô giáo không quên giới thiệu nguồn gốc tên tuổi của em, và thế là cả lớp được 1 trận cười vì tên em … lạ quá! Lần đầu tiên được cả lớp cười… vì tên mình … làm em cũng có 1 chút ngạc nhiên không hề nhỏ! Chiều có lớp thư pháp, thầy giáo hỏi tên để viết tên… và thế là thầy lại cười… vì tên ngộ thế!! Các chị đi cùng khi bàn luận về những cái tên, cũng không quên nhấn nhá: “Những cái tên ngộ như em…” – “Tên tiếng Việt thật của em đấy.” – “Kể cả thế, vẫn lạ!”
Khổ lắm, trong khi thầy u đặt tên con chả nghĩ ngợi nhiều… và giờ nó thành thế này!!
…..
Ở Thẩm Dương ngày thứ 2, ấn tượng chỉ có duy nhất 1 điều: “Sao giống Hà Nội thế??” Từ cái sân bay đi về khách sạn đã cảm thấy 1 cảm giác rất thân quen. Đến cái quang cảnh sân bay cũng làm em băn khoăn: “Phải chăng ngày xưa cũng nhà đầu tư Trung Quốc xây Nội Bài hay sân bay Thẩm Dương copy sân nhà mình?” Chỉ được mỗi cái to hơn, rộng hơn, còn đâu thì rất giống, mà giống nhất là cái cảnh: đi đâu cũng đào, đục, khoét, suốt ngày; xe máy, xe đạp đang dưới lòng đường lao lên vỉa hè làm bạn với người đi bộ, đang trên vỉa hè lại lao xuống lòng đường hòa vào với dòng ô tô. Và trong dòng ô tô 6 làn đường đấy, đâu đó lấp ló bóng dáng của vài anh chị thanh niên thích thử vận mình dài ngắn ở dải phân cách với ô tô. Có thể ngày xưa em cũng đầy lần liều mình như thế, và đương nhiên liều mình thành công, nhưng giờ thì... thôi thì an toàn làm trọng!!
Lâu lắm rồi cũng mới có cái cảm giác được dạo phố 8 9h tối mà đường phố, cửa hàng vẫn sáng đèn! Sáng chưng, vẫn đông người, chứ không tối om từ 5h chiều như anh Úc nhà em…
Qua mấy ngày ở Trung Quốc thì em cũng nhận ra: không thể lấy kinh tế làm thước đo cho đời sống. Cũng nghĩ rằng Trung Quốc kinh tế phát triển như thế, ít nhất đời sống của người dân cũng phải khá hơn Việt Nam. Nhưng đến cái taxi vẫn còn có kiểu đi chung thì … vẫn còn giống nhau lắm bác hàng xóm ạ, muốn học giống “con nhà người ta” còn cần rất nhiều thời gian!!

Nhật kí Sydney - Thẩm Dương (phần 1)

Ngày 0 (27/06/2015): Những “lần đầu tiên” và ác mộng Thượng Hải

Lần đầu tiên được đi nước ngoài… trừ sang Úc … mà đi một mình.

Lần đầu tiên bay một chuyến… mà dài hơn 8 tiếng.

Lần đầu tiên… sau một thời gian đã quen với việc “ngược với cả thế giới”… thì cũng sẽ có 1 lần được trở về làm người bình thường… có nghĩa là được hưởng mùa hè của tháng 7.

Lần đầu tiên sẽ phải vận dụng hết nội công… để giao tiếp bằng ngôn ngữ khác Việt – Anh.

Và lần đầu tiên đi nước ngoài … mà cảm thấy không lo lắng, không nôn nao, không hồi hộp, không hồ hởi, mà cũng chẳng háo hức. Chúng nó nói mình “vô cảm” kể cũng không sai. Đến tối trước ngày đi mà vẫn chưa nhớ hôm sau bay mấy giờ, và mấy giờ đến nơi.

Thực sự ngưỡng mộ tất cả các bạn bay đi Mỹ. Bình thường bay 8 tiếng, thêm 2 tiếng về đến Hà Nội, với mình đã là quá lâu. Lần đầu tiên bay 10 tiếng, ngồi mà cứ nhìn đồng hồ liên tục. “Bao giờ kim dài mới quay hết 1 vòng??” Đúng là mình chẳng đi đâu xa quá được Hà Nội – Sydney. Thời tiết đẹp, máy bay êm. Mỗi tội giải trí chẳng có gì, thức ăn thì chán, làm 10 tiếng càng thêm dài, ngủ 3 giấc dậy vẫn chưa đến nơi.

Ai cũng biết Trung Quốc đông dân, mà Thượng Hải lại còn là thành phố đông dân nhất của Trung Quốc. Vì thế nên bây giờ mình mới được trải nghiệm thế nào là ‘chốn đông người’. Thời tiết xấu, hàng loạt máy bay nội địa bị hủy. Hãy tưởng tượng: số lượng người vào xếp hàng kí gửi hành lí phải đi qua 5 hàng dây căng sẵn, mà đứng kín, CHẬT KÍN. 3 khu kí gửi đều chịu chung 1 tình trạng. Vì hầu như ai cũng phải đổi vé, rời chuyến, nên ở ngoài 3 quầy vé người người nhà nhà cũng xếp 3 hàng dài ra đến tận cửa ra vào của sân bay. Đông, phải nói là RẤT ĐÔNG, rất nhộn nhịp. Sự kiên nhẫn của tất cả mọi người từ trẻ đến già được kiểm tra đến trình độ cao nhất. May mà có mấy bác nam mồm to bắt mấy ông bà chen ngang xếp hàng nên thôi mình cũng chưa thành cái bánh giò.

Nhưng điều mình bất ngờ hơn cả là dù trong tình trạng người đông như quân Nguyên, nhân viên sân bay làm việc rất từ tốn, tác phong rất khoan thai. Người đứng xếp hàng dài dằng dặc chỉ có 2 quầy mở cửa, trong khi 22 quầy còn lại thì không một ma nào phục vụ. Người đổi vé đợi cả tiếng đồng hồ, cũng chỉ 2 nhân viên làm việc, và cứ lúc ẩn lúc hiện như ma. Ừ thì không tươi cười cũng được, nhưng miễn sao giải quyêt cho người ta. Thế mới biết, cứ cái vùng nào có tí bóng Tây thì tác phong làm việc nó cũng khác hẳn. Chả nói đâu xa, cứ như Tân Sơn Nhất nhà mình chẳng hạn. Lần nào mình làm thủ tục nhập cảnh/xuất cảnh dù không nhanh, nhưng được việc, xếp hàng rất trật tự (cả Tây Ta xếp lẫn lộn), mà thỉnh thoảng còn được mấy bác gái giọng Nam mỉm cười ngọt sớt hỏi thăm “Con từ đâu về thế?”. Kể cả Nội Bài thân yêu, dù mấy anh hải quan cứ như ‘vừa bị vợ bỏ’, lần nào cũng độc 1 câu “Nhà ở đâu?”, nhưng chí ít là các anh ấy cũng được việc, cũng không bắt khách chạy sồng sộc cả cái sân bay để hỏi thăm và đợi cả tiếng đồng hồ không gửi được hành lí. Và nhân viên mình thôi thì ít nhất dù không giỏi, nhưng nói Tiếng Anh cũng tương đối dễ nghe, và giúp đỡ khách đến nơi đến chốn. Tóm lại là có được đi thêm 1 nơi nữa thì ít nhất mình cũng thấy trân trọng 2 cái sân bay nhà mình vì dù sao, nhân viên làm được việc.

Và thế đấy, bắt đầu cuộc hành trình ở Trung Quốc là bị hủy máy bay và phải ngủ lại Thượng Hải….

Sẽ không được dự tiệc Chào mừng của trường, và không được xem The Voice đúng giờ. Thôi thì đành ngồi hi vọng, tối này mưa gió vừa phải thôi nhé, để em nó bay được yên bình!!

Bệnh (thích) thành phố

*Nhân kỉ niệm Sydney kỉ lục mưa bão*

Cách suy nghĩ và hành động của con cái đương nhiên chịu ảnh hưởng rất lớn từ bố mẹ. Theo như cảm nhận của bản thân, mình chịu ảnh hưởng rất lớn về mặt hướng nội, cách đối xử với gia đình, họ hàng, bạn bè, từ bố; và những vấn đề hướng ngoại từ mẹ. Có thể vì bố không thể đồng hành với khoảng thời gian tìm hiểu những vấn đề lớn hơn của mình, nên mẹ có ảnh hưởng trong suy nghĩ của mình với những vấn đề xã hội. Và một trong những vấn đề đó là "bệnh (thích) thành phố".

Mình rất may mắn khi được sinh đẻ, lớn lên ở Hà Nội, trưởng thành ở Sydney - 2 thành phố thuộc dạng trung tâm bậc nhất của cả 2 đất nước. Và nó có nghĩa là cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nhiều với đây đủ cơ sở hạ tầng và những tiện nghi tối ưu của đất nước. Ở toàn trung tâm sướng quá hỏa rảnh, thế mới có chuyện, năm lớp 12, mình mong được đi "đào mỏ" ở Tây Úc, đã được Đại học Curtin ở Perth nhận học đúng ngành rồi. Rất hớn hở gọi khoe mẹ, thì được u cho 1 tràng thế này: "Con hâm à, đang ở Sydney trung tâm thì chui về đấy làm gì. Ở đâu ở đấy đi!"

Lúc về nhà đợt Noel, mình hay có bạn ở các nơi khác về ngủ lại 1 đêm để đi thi Tiếng Anh, đi khám sức khỏe. Mẹ lại được thể: "Con thấy đấy, ở ngoài này, Hải Phòng cũng là 1 thành phố sầm uất, đầy đủ mọi thứ mà các bạn con làm gì cũng vẫn sẽ phải ra đây hết. Thế nên đang ở thành phố rồi là cấm đi đâu. Sẵn cái gì cũng có, mà có làm sao thì mình cũng sẽ ít bị ảnh hưởng nhất."

Mấy hôm vừa rồi Sydney có trận mưa bão kỉ lục: ngập lụt, đổ cây, mất điện, cắt nước, v.v, đủ cả!! Mẹ xem TV thấy lo quá định gọi thì con gọi về trước. Sau khi miêu tả rất cụ thể cảnh bão lụt, mẹ lại 'bổn cũ soạn lại': "Thế nên khi con thuê nhà con phải xem khu vực nào tử tế hẵng ở, nó phải an toàn trên mọi khía cạnh và phải đầy đủ tiện nghi. Tóm lại cứ chỗ nào trung tâm mà thuê cho đời sống mình đảm bảo."

Thế nên mình rất tự hào về khu vực nhà mình ở Hà Nội. Dù không phải trung tâm kiểu 'đối diện hồ Gươm', hay thuộc loại dân trí cực cao như Ngọc Hà, nhưng khu nhà mình thuộc dạng 1 bước ra chợ, 2 bước đến trường, 3 bước xuống công viên, 4 bước xuống Lăng Bác, và bước thứ 5 đặt chân đến cửa đủ các loại bệnh viện. Và đặc biệt, chả bao giờ phải "bắt cá trong nhà" như năm 2008, mang tiếng ngay sát bãi sông Hồng. 

Vì toàn áp dụng những tiêu chí như trên nên mình rất 'ỏng ẹo' trong việc chọn khu vực, nhưng lại rất xuề xòa trong việc chọn nhà tại Sydney, nên toàn 'lẻ loi một bóng', bị các anh chị em bạn bè nói suốt vì lặn mất tăm!!

** Ước mơ của mình là mua được cái nhà quay mặt ra cầu cảng và nhà hát Opera Sydney. Chẳng hiểu sao mình luôn rất thích những gì liên quan đến hồ nước, sông ngòi, biển, chắc vì khung cảnh thơ mộng. Giờ mới biết mình mạng Thủy, chắc đều tại ngày mẹ đẻ em nó đúng ngày nước ngập mênh mông. Ngày xưa đi học ở Bưởi lúc nào cũng phải làm 1 vòng hồ Tây trước khi về nhà. Cơ mà sau vụ mưa bão này chắc từ bỏ ước mơ quá, nhà ở gần biển mấy hôm nay sóng đánh vào tận sát mép, trông video đã thấy hết hồn!! **

(22/04/2015)

Vẫn còn 1 tháng (2014)

Mòn mỏi chờ mong còn một tháng
Mười hai mùng sáu, em sẽ về
Hà Nội ngày đó liệu đã lạnh?
Đón em trở về với phố quê.

Về với u em, về với bà
Về với anh chị; ngõ xóm ta
Năm nay nhà mình thêm người mới
Cuối năm hi vọng có tin mừng.

Ai bảo Đại Học học là sướng?
Thời đại hoàng kim làm bá vương
Chăm chơi, chăm làm, chăm ngoại khóa
Cày ngày, cày đêm để qua môn.

Năm nay em vừa tròn mười tám
Dọn ra ở riêng được tự do
Thức khuya dạy sớm chẳng ai quản
Đi học? Ở nhà? Ai đắn đo?

Cơ mà ở riêng rất muốn "cười"
Đầu tắt mặt tối, có thấy người
Cơm ngày ba bữa, gạo có đủ?
Rau có đầy tủ, thịt có tươi?

Nên giờ mới hiểu: người lớn khổ!
Tự do đi kèm khối chuyện "vui"
Nhưng mà nếu được lựa chọn lại
Em vẫn chọn em: của bây giờ.

(06/11/2014)

Cuộc trò chuyện hàng tuần giữa bé Hương và người quản lý học sinh ở trường (2014)

Mãi mà chẳng thoát được kiếp "tình si" 
Một tuần hai lần, gặp hoài không chán
Kanchan, cháu biết cô cũng ngán lắm
Nhưng là luật nên mình đành phải theo.

Ngày nào gặp, cũng chỉ bấy nhiêu chuyện:
"Tuần vừa rồi, cháu học hành thế nào?"
Cháu đáp rằng: "Thưa cô, cháu vẫn sống
Vẫn chưa trượt, nên cháu vẫn cười tươi."

Với cái lũ, mặt chỉ cắm vào sách
Xong được bài là cháu mừng hết trơn
Nhảy khắp phòng, trẻ con nó mất ngủ
Sáng nó dạy, nó hỏi chị làm sao.

Cô lại hỏi: Nhà ở như thế nào?
Vẫn bất tiện, tàu xe ngày vài chuyến
Muốn chuyển lắm cơ mà không chuyển được
Chẳng nỡ rời, "chim hót ve sầu ca".

Cô chú tốt, chăm sóc cháu nhiệt tình
Ngày ba bữa, ăn xong, học, rồi ngủ
Chỉ có điều, hôm nào cô lười nấu
Cháu lại "được", ăn cá lẫn với rau.

Cô hỏi tiếp, ở nhà mẹ có khỏe?
Bà ra răng, và chị cháu thế nào?
Cháu thưa rằng: "Cả nhà cháu vẫn khỏe.
Tuần hai lần, cháu gọi về hỏi thăm".

Nửa tiếng gặp, câu chuyện chỉ có vậy
Thế mà cũng qua được cả một kì
Thôi chỉ còn có được ba tháng nữa
Hoàn thành xong, cô cháu lại được cười. 

(05/06/2014)