Tuesday, 28 June 2016

"Màu" của giấc mơ

Giấc mơ về 1 vùng đất mới, cơ bản là toàn màu buồn...

Hôm thứ 6 nọ mình phải đi dự 1 buổi Orientation (buổi định hướng cho học sinh mới) ở 1 trường ngôn ngữ, vì mình bị khùng, đi học thêm cái bằng Trung cấp Thông dịch viên Việt ngữ (phải áp dụng văn phong của miền Nam ngay).

Câu chuyện sẽ không có gì nếu các ông bà nhân viên chỉ giới thiệu chung chung về khóa học và nhà trường. Kết thúc phần giới thiệu của mình, ông Trưởng ban ‘chót lưỡi đầu môi’ (xin tạ lỗi các cụ phát minh ra ngành ‘Tiếp thị’ ạ!) có nói 1 câu tự dưng choán lấy mạch suy nghĩ của mình cả ngày hôm đó:
“Các bạn học, nói thẳng ra chỉ để lấy 5 điểm định cư, rồi có cái thẻ thường trú nhân, rồi ổn định gia đình. Xong rồi sao nữa? Hãy cố gắng học đừng chỉ vì cái 5 điểm, hãy học để có thêm 1 khả năng nữa cho mình, 1 cơ hội nghề nghiệp mới và đừng quên sử dụng nó sau này. Vì ngành này (phiên dịch) vẫn đang phát triển, nhất là khi Úc và Việt blah blah blah….”

Tự dưng mình bị giật mình, ờ, cứ coi như là mình may mắn, đạt được ước mơ, có thẻ xanh thẻ đỏ xong thì sao nhờ. Đi làm thì sẽ làm gì, ừ thì có bằng Đại học, chuyên ngành ngành đàng hoàng hẳn hoi, nhưng có phải thực sự là công việc mình muốn theo đuổi đến lúc ‘6 tấm đóng lại’. Rồi còn gia đình riêng, con cái sinh đẻ ở nước ngoài dạy dỗ đâu phải chuyện đơn giản. Có 1 câu bình luận trên diễn đàn du học sinh ở bên này mà mình khá thích, dù nó thẳng thắn đến cực đoan: "Đời mình coi như vứt đi rồi, cố kiếm cái quốc tịch để cho thế hệ sau được nhờ thôi." Nhưng thực sự, thế hệ sau được lớn lên ở nước ngoài đã là 1 điều tốt cho những đứa trẻ ấy. Bố mẹ trong nước dạy con đã oằn xà lằn thì bố mẹ Việt ở nước ngoài còn thêm cả vấn đề văn hóa, môi trường và những kì vọng không tên. Mà gia đình ở nước ngoài, gặp 10 cặp thì 9 cặp bỏ nhau, cả Tây cả Ta. Đã được nghe, được chứng kiến, nặng thì mẹ tố bố buôn lậu bố đi tù, cháu nội được 2 tuổi rưỡi ông nội mới đến thăm 2 lần, mẹ đến thăm con trai thì con trai đi bêu xấu mẹ cho hàng xóm; nhẹ thì “chiến tranh lạnh” với bố mẹ, sinh nhật mẹ con không thèm về, v.v.v. Có thằng bé con ngày xưa mình ở cùng, em người Úc gốc Quảng Đông, em học trường chuyên của bang, như ngày xưa mình học Ams vậy, thi chất lượng khối xếp thứ 110/120. Mẹ đi họp được giáo viên Toán (chứ không phải giáo viên Thể dục) mời vào nói chuyện nghiêm túc. Khổ thân thằng bé, về bị bố mẹ nói cả bữa ăn, rồi nói cả buổi tối, nó đi ngủ cứ thút thít trong phòng. Nó thông minh, chỉ bị mỗi cái lười của con trai, cũng học thêm học nếm rồi bơi lội cả tuần. Sao thấy giống mình ngày xưa thế, cũng bị cái mác trường chuyên mà phải chăm hơn các bạn đồng trang, học cái gì cũng phải học khó hơn. Chỉ có cái là ông Chiến bà Phương chả bao giờ ca cẩm về chuyện con xếp nửa trên hay nửa dưới của lớp cả, nên mình không bị áp lực, cứ tận hưởng và phấn đấu hết mình trong 4 năm ở trường chuyên.

Có ông anh làm cho 2 sếp, hầu như cứ 2 3 tuần anh lại cập nhật tình hình số lượng đơn mời thẻ xanh của Bộ Di trú cho những ngành nghề tiêu biểu (Kế toán, Y tá, Kĩ sư các loại và Công nghệ thông tin-IT) trên cái “chợ” cộng đồng du học sinh NSW. Comment (bình luận) mà mình thấy đúng nhất của 1 chị: “Cứ lần nào thấy đăng tin là thấy depress (buồn ghê gớm)”. Câu chuyện làm người di dân chẳng bao giờ dễ, kẻ khóc là chính, có mấy ai đóng vai "người cười". Mà đã cười rồi thì còn cả 1 chặng đường dài trên mảnh đất mới, liệu vẫn còn được cười? Chồng đi làm từ 7h sáng tới 11h đêm, vợ ở nhà chăm con, lủi thủi quanh 4 bức tường, rồi cãi nhau, rồi chửi nhau, nhục mạ nhau, lôi bố mẹ họ hàng 2 bên ra xỉa, lôi cái quốc tịch ra móc, rồi có cái TV là tài sản đáng giá nhất của 2 vợ chồng trong căn nhà đi thuê cũng định lôi dao phay ra phang …. Chỉ là những thứ điển hình về dân nhập cư được nghe trên đất nước được đánh giá là “yên bình” nhất trong các nước Tư bản.

Bố chưa bao giờ dặn mình nên lựa chọn như thế nào. Đúng ra là 2 bố con chưa bao giờ nói chuyện riêng với nhau về việc đi nước ngoài của mình, cho đến lúc ông đi xa mãi. Ngoài 1 lần duy nhất ông nói đầy yên tâm rằng: "Bố chẳng có gì phải lo về con cả." Nhưng có 1 câu nói vu vơ của bố mà mình nhớ: "Ở đây khổ quá thì làm sao phải túm 5 tụm 3 với nhau. Cũng như ở bên kia khó khăn quá thì sao cứ phải ở. Tóm lại phải biết linh động." Thôi thì những quyết định quan trọng trong cuộc đời mỗi con người phải được cấu thành từ sự chín muồi của thời gian và không gian, của khách quan và chủ thể, dù điều đó đôi khi cũng chỉ là hên xui. Còn khi thấy mình còn non giữa biển cả mênh mông thì cứ dặn mình, hãy cứ cố gắng tạo ra thật nhiều cơ hội cho bản thân để ít ra, ở 1 xác suất nào đấy có thể xác định được, mình vẫn hơn người ngồi bên cạnh ngoài công viên ở điểm, tôi được quyền lựa chọn.

"Đố em nỗi buồn có bao nhiêu màu
Màu của..., màu của..., màu của..., hay màu của...?
Vì sao em buồn
Vì thấy bé nhỏ, trong cuộc đời thật lớn lao"
.....

No comments:

Post a Comment