Sunday, 12 June 2016

Nhật kí đi bác sĩ

Trong tất cả các ước mơ về nghề nghiệp, từ làm cô giáo, nhà ngôn ngữ học, nhà phiên dịch, chuyên gia tâm lí, nhân viên kế toán, kiểm toán, định phí, tới luật sư, v.v, tui chưa bao giờ mơ làm bác sĩ. Vì cứ nhìn thấy bác sĩ là thấy 1 đống bệnh. Vì sau khi gặp bác sĩ là tự nhiên lo sốt vó lên, phải uống 1 đống thuốc. Vì lớn đi học học rất dốt môn Sinh nên biết là không thi Y được. Tui vẫn không hiểu, tại sao 1 người có thể học được cả Toán Lý Hóa như tui mà lại cực kém môn Sinh. 4 năm cấp 2 học Sinh không hiểu 1 chữ nào, trừ mấy thứ A lớn a nhỏ đầu năm lớp 9. Tui không thể phân biệt được tại sao máu trong người phải chạy theo đường như thế như thế; tại sao cây này phải chiết cành, cây kia lại mang phận tầm gửi; tim con này lại có ngần đấy cái vách ngăn, v.v. May mà ở nhà các cô toàn kiểm tra kiểu chép lại vở ghi, và ngày xưa ngồi xung quanh tui có tất cả các loại chuyên, mỗi đứa giỏi ít nhất 1 môn, nên thi cử không thành vấn đề gì.

May mắn là 5 năm ở Úc đang tuổi bẻ được sừng trâu nên tui không ốm 1 trận nào to đến mức phải đi bác sĩ, vì vậy cũng chưa biết cái bệnh viện ở Úc mặt ngang mũi dọc ra sao. Có hắt hơi, sổ mũi, hâm hấp sốt thì cứ ngủ 1 giấc dậy là tự động hết. Năm nay chỉ vì 2 cái mũi tiêm cuối mà tui phải đi gặp bác sĩ cho đàng hoàng.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa y tế của 2 nước đó là: người dân đi đến các phòng khám (tui không thích gọi là phòng mạch, nghe như lang băm) tư nhân nhỏ, trước khi đi bệnh viện lớn. Lấy máu, tiêm chủng, khám toàn thân mọi chỗ cũng thực hiện luôn tại các phòng khám này. Trừ nặng nề cấp cứu, tai nạn, mổ xẻ mới phải đi bệnh viện. Chẳng như ở nhà, nhỏ to thế nào cũng đi bệnh viện lớn, đâm thành quá tải. Mà thiệt tình, cái phòng khám của bác sĩ gì đâu, mang tiếng là bác sĩ ở Úc, trông tôi tối, be bé, hun hút, không bằng 1 góc mấy cái phòng khám Hoa Hồng, Hoa Cúc cho các mẹ trên phố Hàng Cót. Chẳng phải vì đó là khu người Việt, khu người Tàu, Ấn Độ cũng vậy. Tui mặc kệ, mình cũng chả bệnh tình nặng nề gì, đơn giản đi tiêm có mấy mũi phổ thông thì bác sĩ nào làm chẳng được. Chắc chắn là bác sĩ của Úc đào tạo, kể cả có là người Việt, thì không có chuyện kê nhầm thuốc hay chết người được rồi. Bác sĩ tui được giới thiệu từ người quen là người Bắc di cư vào Nam (đoán thế), có cái giọng kiểu như giọng của ca sĩ Khánh Ly, Tuấn Ngọc, chả phân biệt được giọng vùng nào, dễ nghe hơn giọng người Nam nhưng từ ngữ sử dụng vẫn đặc sệt là của người Nam. Bác sĩ thấy có treo bằng chuyên về trẻ nhỏ đâm được huấn luyện nói năng nhỏ nhẹ, thỏ thẻ như con gái, câu trước câu sau một điều "Bác sĩ cho con" thế này, "Bác sĩ hướng dẫn con" thế kia. Tui đã mê mệt cái cách nói chuyện của người Nam từ trước rồi, gọi "con" rõ âu yếm trìu mến, nói rất chậm rãi từ tốn, không bắn liến thoắng như Bắc kì nhà tui. Bác sĩ làm ăn đàng hoàng, hướng dẫn đi mua thuốc tiêm, bắt phải tiêm 2 mũi cách nhau 2 ngày, không cho tiêm chung ngày như ở nhà sợ sốc thuốc, rồi còn dặn phải đến kiểm tra lại, dặn nhớ 'đòi tiền' bảo hiểm cho đỡ phí, tiêm cũng nhẹ nhàng, nói chung là hết sức cẩn thận; và mặt mũi luôn tươi cười.

Tổng kết lại là ấn tượng đi bác sĩ cũng không đáng ghét như tui nghĩ! Dù rõ mất thời gian, tiêm đủ mũi vẫn bị bắt đến thử máu kiểm tra lại. Cẩn thận quá!


No comments:

Post a Comment