Thursday, 7 July 2016

Sự “để ý” của người lớn

Hơn 5 năm ở Úc, em Hương có những 3 năm rưỡi ở với 2 gia đình khác nhau (vì mãi mới đủ 18 tuổi mà). Ở với 2 bác người Mã-lai gốc Quảng Đông suốt 2 năm rưỡi cấp 3, rồi Đại học bay lượn chán chê giờ lại rúc về ở với 2 bác, dù nhà xa trường vãi linh hồn, mà riết rồi cũng quen. Ở với cô chú người Tàu Đại lục – Quảng Đông nửa năm đầu năm nhất Đại học, vì vẫn dưới 18 tuổi và trường bắt chuyển ra khỏi nhà 2 bác (chả hiểu sao số tôi toàn liên quan đến người gốc Tàu, đi làm cũng làm cho 2 mẹ con người Mã-lai-Phúc Kiến), 

Vì thế nên em bị “dưới tầm ngắm” cũng nhiều. Mà em vốn vô tư, hồn nhiên, để rồi nhiều lúc khá bất ngờ khi thấy người lớn “để ý” tới con bé cũng khiếp.

Chuyện là:

1.  Hồi xưa ở nhà có dịch gia cầm, nên từ đó nhà em hầu như không ăn trứng ốp-lếp hay trứng trần. Trứng tráng hay trứng thả vào bún, vào mì là phải chín đàng hoàng. Ở với 2 bác rất hay ăn trứng trong bữa cơm, bác để ý mỗi lần bác làm ốp-lếp hay trứng trần, con bé lúc nào cũng húp lòng đỏ ở giữa trước. Rồi khi nó để lòng đỏ tràn ra đĩa, ra bát mì, nó sẽ chép miệng hay đưa mắt tiếc nuối. Thế là bác mặc định: làm trứng cho cái Hương là phải làm chín, nó không thích trứng còn lòng đỏ “đang chạy”. Mà thật ra đó chỉ là thói quen thôi chứ em đâu có ghét bỏ trứng tái đâu :)))

2.  Nhà em rất ít ăn cà-ri, nếu không muốn nói là không bao giờ nấu. Từ ngày ở với 2 bác Mã-lai em mới có hình dung về màu sắc, mùi vị món ăn ấy, vì các bác người Mã-lai thì có khi 1 tuần ăn đến 4 5 bữa cà-ri là chuyện bình thường. Nói chung là em cũng không mê mẩn gì món này lắm, vì ít rau, lắm nước, và nóng. Nhưng em vốn có biệt danh là “thùng nước gạo” nên cái gì em chẳng ăn. Mà các bác thấy mỗi lần ăn cà-ri em cứ tập trung vào đĩa cơm hổ lốn trước mặt, không nói năng gì, ăn xong là đứng dậy, nên cũng mặc định nó không thích cà-ri luôn. Chỉ là riêng vụ này thì con bé không thích thì kệ nó, bác vẫn nấu bình thường J))

3.  Khoảng thời gian ở với cô chú là lúc em nói được tiếng Tàu (tiếng Bắc Kinh) trôi chảy nhất. Vì chú không nói được tiếng Anh, còn cô nói tiếng Anh cũng ở mức vừa phải đủ đi chợ và điền giấy tờ đơn giản, nên ở nhà em nói chủ yếu là tiếng Tàu với 2 người lớn, còn nói tiếng Anh với 2 đứa trẻ con. Công việc chính của cô là ở nhà chăm con, và chăm cái lũ học sinh thuê nhà, nên hoàn toàn dễ hiểu khi cô có đầy đủ những đặc điểm của các bà nội trợ. Tiếc là ở Úc không có thói quen và không dễ để mở 1 quán nước như nhà bác Dung Thực, các bạn bè của cô đều ở cách cô ít nhất là 500m, nên khi bức xúc chuyện trong nhà, lại vớ được 1 con bé hiểu chuyện mới đến ở, cô như tìm được 1 người để trút bầu tâm sự.

Chuyện là, có thằng bé học sinh Hàn Quốc ở với mẹ nó tuần đầu dưới nhà dưới. Chẳng hiểu thế nào mẹ con nhà ấy làm tắc cống, nước dâng tràn khỏi cabin tắm, vào cả cái tủ âm đựng đồ cọ rửa.  Thế là cô phải gọi thợ sửa mất mấy trăm đô, rồi mất cả ngàn đô để sửa lại cái tủ, mà mẹ con nó không chịu đưa cô đồng nào. Cô bực mình trong bữa ăn xổ ra 1 tràng với con bé. Rồi cô nhấn nhá: “Đứa nào tắm xong mà cũng biết vứt đống tóc tai, ‘tóc nách’ rụng ra ở cống đi như con thì cô đã không mất tiền những chuyện vớ vẩn thế này” (vì trong lũ học sinh có mỗi nó là con gái tóc dài nên có gì của con gái thì chỉ là nó vứt). Con bé thì ngồi ậm ừ cho xong chuyện, còn trong đầu nó thì băn khoăn lắm: “Ô thế cô đổ rác mà cũng soi cả trong rác có những gì cơ à!”

Có những chuyện rất đơn giản, thuộc về thói quen, mình không để tâm đến nhưng những người xung quanh lại tự động cho vào bộ nhớ của họ, một cách tương đối nghiêm túc. Rồi những thứ nhỏ nhặt ấy lại là cái mình để lại ấn tượng rõ nét với những người đồng hành cùng mình trong cuộc sống. Người lớn, luôn có cái nhìn của người lớn, biết hết mọi thứ dù con trẻ không nói ra, hay không nghĩ là người lớn lại để tâm những chuyện rất vớ vẩn ấy. Ở với họ sẽ bị “soi” và có những gò bó nhất định, nhưng với cá nhân em thì ở với họ vẫn được lợi hơn ở một mình!

No comments:

Post a Comment