Tuesday, 19 July 2016

Âm nhạc và chính trị

Thu Phương là 1 “ca khó” của làng nhạc, bởi khó có thể xếp cô vào diện ca sĩ nào. Bảo cô là ca sĩ hạng Diva thì không phải, vì chẳng Diva nào đi hát “Kiếp đỏ đen” với “Cầu vồng khuyết” cả. Bảo cô là ca sĩ giải trí cũng không đúng, vì “Dòng sông lơ đãng”, “Đêm nằm mơ phố”, và mới nhất có “Giữ lại hạnh phúc”, cái thứ nhạc văn hoa ẩn dụ thế thì thách đố người ta chứ giải trí nỗi gì.

Còn nói cô là ca sĩ đi lên từ scandal thì cũng oan. Vì cái thời cô làm mưa làm gió thì chưa có những thứ công nghệ như bây giờ, ca sĩ nổi tiếng đều là những người có thực lực đàng hoàng. Còn nói cô là ca sĩ “sạch” thì càng sai. Vì nguyên cái scandal to nhất của cô thì các em các cháu bây giờ có đóng film sex hay nude vài trăm lần cũng chưa đủ sức tạo scandal kinh thiên động địa vậy.

Nhớ mang máng năm 6 tuổi, trong lúc đọc báo có tin Thu Phương, Bằng Kiều, Huy MC bị cấm biểu diễn, phát hành băng đĩa trong nước vì có phát ngôn nhạy cảm, bố than thở với mẹ: “Nhà nước mình cứ nghĩ nó là con công con phượng nên chiều quá.” Tôi tin là những khán giả yêu nhạc như bố mẹ tôi chẳng ghét bỏ gì ca sĩ cả, họ cũng chẳng quan tâm gì đến những chuyện động trời ấy (nhà cận nghèo lo chạy gạo ngày 2 bữa chẳng xong), chỉ đơn giản họ tiếc sẽ không còn được nghe những giọng ca đã gắn với tuổi trẻ của mình thôi.

Theo dòng chảy của đời sống, có cầu ắt có cung, hay đến 1 thời điểm nhất định thì “lá phải rụng về cội”, mật độ ca sĩ hải ngoại về nước tăng cao, và ca sĩ trong nước cũng đi hát ở nước ngoài như đi chợ. Cũng đã có những va chạm, tai nạn từ 2 phía những ngày đầu chập chững làm quen, đến mức Như Quỳnh phải “chạy trốn” truyền thông để về Mỹ trước dự định khi cô bị báo chí trong nước chê bai nhan sắc một cách phũ phàng. Hay Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, cũng đã không khỏi bàng hoàng trước những biểu ngữ có ảnh mình với dòng chữ “đả đảo văn công cộng sản” tại hải ngoại. Nhưng chắn chắn, cả 2 phía đã đều mở cửa, mở lòng để đón nhận những tinh hoa từ phía bên kia mang lại.

Trở lại với trường hợp của Thu Phương. Năm 2015, cô chính thức đánh dấu sự trở lại của mình trong làng nhạc Việt với vai trò Huấn luyện viên của chương trình Giọng hát Việt. Được cũng nhiều, mất cũng không ít, đến mức người ta nói số cô ca sĩ này “ra đi nhiều tai tiếng, trở về nhiều tiếng tai”. Nhưng việc cô ấy được cấp phép để xuất hiện trên Đài Quốc gia VTV3 mỗi buổi tối Chủ nhật là cả 1 sự nỗ lực lớn của êkíp Cát Tiên Sa, và hơn hết là 1 bước tiến trong cơ chế quản lí văn hóa của nước nhà. Bởi những ca sĩ có “phốt” to như thế, cấp phép cho cô hát trở lại đã là tiến bộ trong tư duy quản lí rồi, còn cấp phép cho cô xuất hiện trên truyền hình to đoành như VTV thì là điều, ừm, cũng không ai nghĩ tới đâu.  

Lại còn bất ngờ hơn nữa, khi năm vừa rồi, trên chuyến bay Vietnam Airline từ Sydney về Sài Gòn, tôi đã có chút giật mình khi thấy đĩa nhạc của cô trong chương trình giải trí của hãng hàng không. Ừ thì Giọng hát Việt là chương trình xàm xí, Cát Tiên Sa muốn mời ai là việc của mấy ông bà làm giải trí. Nhưng hãng hàng không là bộ mặt của quốc gia, chuyện đâu đùa được. Vậy mà họ chọn đĩa “Phía nào đến chân trời” để cho vào chương trình của hãng, chọn nguyên cả đĩa nhạc, và không cắt xén bài nào. Chứng tỏ là thoáng lắm rồi. Còn những vị khách như tôi, cũng đã có 1 chuyến bay có cảm giác thú vị, êm ru hơn trên đường về nhà :)))

Và hôm nay, lại được thêm 1 lần bất ngờ nữa khi thấy Thu Phương xuất hiện trong chương trình Giai điệu tự hào tháng tới – 1 chương trình mang đậm tính truyền thống cách mạng ca ngợi Tổ quốc. Thiệt tình, nếu Giai điệu tự hào đã mời Thu Phương về hát, đã làm hẳn 1 số về nhạc sĩ Phạm Duy, thì tôi có dám mơ về 1 ngày bà Khánh Ly hát trên truyền hình, hay ông Ngạn về Việt Nam dẫn VTV không nhỉ?

Có gì đâu mà không dám mơ, vì nghệ thuật là phi chính trị, âm nhạc là không biên giới mà.

“Có từ bao giờ hàng me xanh ngát
Mà nay đứng đó cho em làm thơ
Con đường ta qua đến nay bao tuổi
Em qua trăm buổi, em lại nghìn lần
Mà sao bối rối khi cầm tay anh”

-Thành phố, tình yêu và nỗi nhớ-

https://www.youtube.com/watch?v=d5Ww-lzuuHg

No comments:

Post a Comment