Saturday, 23 July 2016

“Như chưa từng có những phút lìa xa”

Đã bước sang năm thứ 4. Với con, giờ là những kỉ niệm.

Con chẳng mấy khi cho bố lên sóng. Bố vẫn xuất hiện đâu đó trong những sự đề cập của con, nhưng không quá nhiều như mẹ, như chị. Đến bây giờ, với người lạ, hay người-chưa-phải-là-thân, mỗi lần nhắc đến gia đình trong những cuộc nói chuyện, con vẫn phải mất 2 giây để định hình, câu sau con sẽ dùng từ “bố mẹ”, “mẹ” hay “nhà em” để tiếp tục câu chuyện. Chẳng sao cả, vì con thích sự trọn vẹn, và với con, bố là 1 phần không thể thiếu của cái sự trọn vẹn ấy.
_____________________

Kí ức trong con về bố là 1 ông bố của tổng hòa nhiều thứ. Tức là bố biết làm, nhưng không xuất sắc ở bất cứ lĩnh vực gì. Trong 6 ông con trai của bà, có bác có khả năng nói chuyện, có bác khéo tay, có bác thông minh lanh lợi trong việc sáng kiến cải tạo cuộc sống, có bác cục mịch, ít nói nhưng cái gì cũng biết sửa, v.v thì bố là tổng hòa của tất cả 5 ông anh trên bố. Bố ăn nói được, biết may vá, biết đi chợ buôn bán, biết chẻ rau, biết đánh đàn và suýt thành nhạc công, biết sửa điện sửa nước nhưng không bao giờ đụng vào, toàn gọi các bác :)))

Kí ức trong con về bố là 1 ông bố “ngoại giao” giỏi nhất nhà. Bố nói chuyện cực duyên, “1 tấc lên giời” không ai biết, và không hề điêu. Và vì mẹ con nói được 5 câu thì mất tiếng nên những lúc phải đi gặp người này người kia, hay kể cả đi gặp thầy cô của các con, mẹ toàn đẩy bố đi để bố còn nói chuyện thay. Nên con cũng không bất ngờ khi bà kể chuyện tình sử của bố, có cô Như suốt ngày đứng gốc cây đợi bà vào nghỉ trưa để được tâm sự với anh Chiến. Với khả năng nói chuyện của bố như vậy, không có cô theo mới là lạ. Nhưng cô nào cũng thua hết cô Mạc Thị Lùn :))))

Kí ức trong con về bố là 1 người biết thể hiện tình yêu cho người khác, đặc biệt với người thân. Mỗi lần bố đi đâu về, phi con xe máy màu ghi to đoành vào nhà (đầu con không bao giờ biết xe cộ loại gì hết), câu đầu tiên sẽ là “Bà đâu con?” và câu thứ hai sẽ hát loạn lên “Phương ơi, Phương ơi, Phương đâu rồi?”. Con toàn bị cả nhà chửi vì cái tội ngồi tối và để bà ngồi tối. Nên nói chung, bố về nhà là đèn điện sẽ được bật sáng choang như có tiệc.

Đặc biệt, từ lúc con biết nhận thức xung quanh, con chỉ nhớ bố mẹ cãi nhau đúng 2 lần. Cãi nhau to, và để các con thấy, còn bao nhiêu lần khuất trong phòng ngủ thì con chịu. Rồi con khóc như mưa ở mâm cơm (trời mùa hè, dọn mâm ra ngồi cái cửa giếng trời cho mát), mẹ thì dỗ dành con “Bố mẹ tranh luận thôi mà con”. Còn một lần ở nhà cũ, lúc đó con vẫn còn đi mẫu giáo, bố dỗi mẹ 2 3 hôm không về làm. May là Mạc Thị Lùn nhà mình cũng không giận dỗi ai lâu được, xuống nước xin lỗi anh Béo trước, thế là bát đũa lại thẳng hàng. Đây là con chỉ được nghe tường thuật lại sau này, còn hồi đó con thấy sau mấy hôm cơm canh lại ngọt thì con cũng biết ổn rồi :))). Nhìn vào cặp bác Dậu dỗi nhau đến cả chục lần từ ngày con lớn, thì con ngưỡng mộ bố mẹ kinh khủng!!

Kí ức trong con về bố là 1 ông bố hết mình với tất cả mọi người. Nên bố có rất nhiều bạn, mà nhiều khi mẹ con cũng chả biết ông anh, bà chị này quan hệ thế nào với bố. Còn với gia đình, bố là người chu toàn với cả nhà. Cả nội, cả ngoại. Cả Kim Liên, cả Hải Dương. Mà vì chu toàn quá nên một phút không chu toàn là thành có chuyện.

Kí ức trong con về bố là 1 ông bố cực thoáng với các con. Nói chung là rất chiều. Con thích sách truyện gì, điện thoại loại gì, máy tính thế nào, là bố mua ngay. Mua ngay, không cần suy nghĩ. Chỉ vì lúc đó, con chưa thấy sự cần thiết của việc phải dùng điện thoại xịn, hay nhà phải có máy tính, nên con không đòi. Nhưng rồi lớn thì con cũng biết, đụng đến tiền phải hỏi bố. Xin tiền tiêu vặt xin bố sẽ được tiền trăm, xin mẹ chỉ có tiền chục. Tiền điện thoại toàn bố nạp. Đồ công nghệ của con toàn bố mua, bố đổi, đến mức cái điện thoại Nokia hồng hồi đó đã trở thành thương hiệu của con vì bàn phím bấm cực thích, 3G chạy rất nhanh, bạn bè toàn mượn bắn Mobi Army và vào Facebook. Lúc nào trong ví con, trong điện thoại của con chả có tiền, nhiều là đằng khác, nhưng không ai biết. 1 phần vì con cũng “chân đất mắt toét” lắm, và vì môi trường trường Ams toàn đứa ngoan nên không có chuyện ăn cắp, ăn trộm gì. Giờ thì chị Linh chịu trách nhiệm đổi và sửa điện thoại, máy tính cho con, thay bố. Và con toàn bị bà ấy chửi vì dùng như phá, mỗi năm đổi 1 cái máy điện thoại mới. Hờ hờ :)))

Rồi con đi Úc. Kỉ niệm con nhớ là năm đầu tiên con về, tối đó đang nằm chơi lăn lộn ở giường bà. Bố đi làm về vỗ mông con dịch vào cho bố ngồi. Rồi bố bảo: “Kì này về đang nhiều người nợ tiền bố, không bố đã cho cầm thêm tiền đi.” Với tính chất công việc của bố mẹ, chuyện có người nợ tiền, hay nhà mình là con nợ của ai đó không phải là 1 điều quá nghiêm trọng với con, nên con chỉ cười. Và giờ, hình như đó là 1 trong những câu nói của bố con nhớ nhất.

Cũng trong năm đầu tiên con ở Úc về, bố đưa con xuống trường Ams nhận giải bài viết về cô Thủy. Thực ra, trước hay sau khi con đi Úc, bố chưa bao giờ nói chuyện riêng với con, chưa bao giờ dặn dò con riêng tư (mà không có mặt mẹ) trước những quyết định lớn trong cuộc sống của con. Hôm đó, trong xe, bố có nói: "Bố chẳng có gì phải lo về con cả". Và con luôn cố gắng độc lập, để bố mẹ không phải đắn đo gì về cô công chúa út cả. 

Rồi ám ảnh khác trong con, về bố, là cái dáng ngồi xem TV đầy thất vọng trong giai đoạn chị Linh “ẩm ương”. Đôi khi con nghĩ cái câu hát “Buồn kia còn trong dáng ngồi” sao có thể đúng thế!! Thật tình, con cũng thấy những giây phút thất vọng của người ta và của cả bản thân con rồi. Nhưng cái dáng ngồi và khuôn mặt của bố lúc đó để lại trong con ấn tượng sâu lắm. Sâu đến mức con tự dặn mình, sau này con cái con mà để bố chúng nó thất vọng như thế, con quật chết không thương!

Con nhớ nữa, là cả cái ánh mắt nhìn con lúc con về thăm bố lần cuối. Con ngồi trên giường bóp chân tay cho bố, và bố cứ ngắm con mãi. Cái ánh mắt tuyệt vọng của người cha thương con vô bờ nhưng biết là mình không thể tiếp tục đồng hành được cùng con, nó ghê lắm. Bố khóc, con cười, một nụ cười mỉm rất nhẹ nhàng. Con không thích khóc trước mặt người khác, nhất là với người thân … và nhất là với bố. Với con, bố là người trông thì to tác nhưng thực ra bên trong, bố rất mềm. Nên nhiều khi, con nghĩ cái sự tỉnh táo, bình tĩnh đến sắc nét của con chỉ có thể là lây từ mẹ. Mẹ con là người phụ nữ “nhỏ mà có võ”. Nội cái chuyện một mình lên gặp bác sĩ nghe thông báo về bệnh tình của chồng mà vẫn có thể đi xe từ viện về nhà không bị lạc đường (mẹ con là cái người không bao giờ đi quá bán kính 2 cây số từ khu An Dương), thì thần kinh cũng thuộc dạng thép không rỉ.

Nên con cũng đã rất bình tĩnh khi mẹ gọi điện báo bố ốm, và cũng đã hoàn toàn như không có gì xảy ra khi 5h sáng hôm ấy, con đọc được tin nhắn của anh gửi: “Em ơi. Bố Chiến mất rồi.”, con vẫn đi học, mặt mũi bình thường như bao ngày. Ngày hôm đó con có tiết sớm từ 8h, và ‘má’ con (cô Sun – giáo viên dạy tiếng Trung), đã lôi con ra phòng riêng ôm con rõ chặt. Thầy Alex (giáo viên dạy Toán) lo con bé không tập trung được nên dạy Toán nâng cao hôm đó rất chậm. Thầy Adam (dạy Kinh tế) thì sợ con bé tâm lí bất ổn nên đặt hẹn cho con đi gặp chuyên gia tâm lí. Cái xứ này trẻ con là trên hết mà, hở ra có chuyện gì ảnh hưởng đến tâm sinh lí trẻ nhỏ là thầy cô bắt đi gặp chuyên gia ngay. Còn ông Gauld hiệu trưởng cũng lo, nhìn con như vật thể lạ, hỏi thăm rất ân cần âu yếm, không như ngày thường. Vì hồi cấp 3 con VIP lắm, nên con có làm sao thì là tâm điểm của cả trường. Nhưng cũng phải cảm ơn thầy cô, vì không có họ ở bên theo sát 'nhất cử nhất động' của học trò, thì con đã không có 1 năm 2012 thành công trong học tập, ngoại khóa và tâm lí vẫn ổn định như vậy.  
__________________________

Còn bây giờ, kí ức trong con, về bố, đến từ những chia sẻ của mẹ.

Mẹ con có 1 quan điểm dạy con tương đối tân thời, là ngoài chuyện đạo đức, để ý dạy con những điều lớn lao hơn. Ví dụ, mẹ dạy cách muốn xin giấy tờ gì sẽ phải ra phường gặp ai gặp ai. Còn về những chuyện nhỏ bé hơn, như chuyện nữ công gia chánh của con gái, mẹ quan điểm, trăng sẽ tự rằm. Tức là đến tuổi rồi nó tự biết làm, không phải ép. Con nghĩ quan điểm này không sai, nhưng nó chỉ đúng khi áp dụng với tùy đứa trẻ. Và con nghĩ, ít nhất, mẹ áp dụng đúng với con, nên mẹ rất nhàn. Vì con đã quen và có thể tự thân vận động, nên đến lúc con đủ tuổi ra riêng ở 1 mình, con hoàn toàn bình thường. Con cũng phải biết các món ăn để cải thiện và biết quán xuyến cuộc sống của bản thân: cả việc học lẫn việc sinh hoạt chi tiêu, sắp xếp chợ búa cơm nước. Con có thể không quá khéo, nhưng chắc chắn không chết đói, không hết tiền trước tháng, và quan trọng là không ảnh hưởng việc học.   

Vì thế từ ngày con 18, mẹ rất chú ý đến những việc lớn lao của con gái, như chồng con, sự nghiệp. Mẹ cũng có cái nhìn, mà con cho là rất “hâm”, rằng con gái học hết cấp 3, là bất cứ lúc nào, kể cả ngay ngày mai, nó bảo muốn lấy chồng, cũng là chuyện bình thường. Nên mẹ luôn kể về câu chuyện của 2 người, như là sự chuẩn bị những kĩ năng “người lớn” cho con. Từ chuyện chăm sóc, dạy dỗ con cái ra sao, chuyện chi tiêu tài chính của 1 gia đình, đến chuyện gìn giữ tổ ấm, tình cảm với chồng thế nào, mẹ dạy con hết. Và đương nhiên, con cũng hiểu nhiều thêm về bố mẹ, trên góc nhìn của 1 người chưa-lớn-nhưng-không-còn-quá-bé-không-hiểu-gì, về những điểm xấu tốt của bố, của mẹ, và rút kinh nghiệm cho bản thân mình.  
________________________

Mẹ chẳng mấy khi hỏi con về bố, sau khi bố mất. Mẹ cũng chẳng hỏi con cảm thấy sao, con có nhớ bố không. Đúng ra cả 3 mẹ con chưa bao giờ đề cập với nhau về việc này. Vì con nghĩ, ai cũng cần không gian riêng cho những khoảnh lặng của bản thân và đơn giản là… “nỗi đau ta nhận riêng mình”. Và cũng có những điều, mẹ làm cho bố, con không hoàn toàn đồng ý. Tiếng Anh nó có cái câu gì nhỉ: “Đối với người tin thì không cần giải thích. Nhưng đối với người không tin thì không thể giải thích được.”  Nhưng con không bao giờ tham gia, vì nếu nó thuộc về văn hóa, tín ngưỡng của mỗi người thì con tôn trọng tất cả. Ai cũng phải có niềm tin vào 1 điều gì đó thì cuộc sống sẽ màu sắc hơn. Quan trọng hơn hết, đó là việc gì từ trái tim sẽ đến với trái tim.

Và trái tim con nói rằng:

“NHƯ CHƯA TỪNG CÓ NHỮNG PHÚT LÌA XA
Dẫu gương mặt trên vai anh khóc òa
Những con đường anh đi, rồi cũng đưa anh về bên em”
…..
Con thích bài Chân tình, cũng là vì với con, bố là người hát bài ấy hay nhất!




   

No comments:

Post a Comment