Cảm nhận Liveshow Dòng sông lơ đãng của nhạc sĩ Việt
Anh sau khi đã cày xong đống video online.
“Em chẳng là ai… nếu như không có… Việt Anh”
Như nhạc Trịnh Công Sơn có Khánh Ly, Việt Anh (VA) và
Thu Phương (TP) tạo nên 1 cặp đôi nhạc sĩ-ca sĩ hiếm hoi vẫn còn làm việc cùng
nhau 20 năm nay. “Người thì viết, người
thì hát”: nhạc sĩ viết lời bay thấy ớn, và ca sĩ hát thấy muốn hờn. Nhạc VA chỉ có nghe được từ TP hát; và TP, dù cũng đã kết hợp với những
nhạc sĩ khác, thì cô hát nhạc VA vẫn là chuẩn nhất.
Liveshow thực sự không như sự chờ đợi kì vọng, nhưng vẫn
có những điểm sáng nhất định. Có 2 người hát nhạc VA hay nhất để mở và kết thúc
đêm nhạc thì đều có bài dở. Ông Quang Dũng thì dở tuốt, thiệt tình hát “Hoa có
vàng nơi ấy” với “Chiều biển vắng thênh thang” vô hồn lắm luôn! (hay tại video
chất lượng kém?) Mợ Phương đợt này hát “Chưa bao giờ” tanh bành! Còn “Dòng sông
lơ đãng”, “Đêm nằm mơ phố” đã được nghe bản hát với dàn giao hưởng rồi, dù chưa
thuận tai lắm, và với ý kiến cá nhân là nhạc VA không cần bê giao hưởng, thính
phòng vào thì nó cũng vẫn sang trọng. Bản phối nhẹ nhàng đã đủ hay rồi. Nhưng nếu
đó là lựa chọn của nhạc sĩ thì vẫn ủng hộ.
TP vẫn là người hát hay nhất, vì trong số các ca sĩ của
đêm nhạc, cô ấy vẫn là người biết nhấn nhá, biết bỏ nhỏ, thì thầm những chỗ cần
thiết để tạo cảm xúc cho khán giả, dù thực sự lối hát lần này mình không thích.
Cũng 1 phần vì dàn dây, bản phối, đội hợp xướng đằng sau đều có gì đó mang tính
giao hưởng nên ca sĩ cứ phải hát cuồn cuộn, sang sảng để tương xứng. Điểm sáng lớn nhất của mợ Phương ở liveshow này
là mợ đã bớt khóc, và nói, kể chuyện đủ duyên. 1 lí do tại sao mình thích TP vì
lúc nào hát cũng rất thật, rất cảm xúc, luôn thiếu 1 điều gì đấy thuộc về sự kiềm
chế, nên vì thế trong giọng hát ấy mình thấy sự chân thành. Hát là hát hết
mình, hát đúng cảm xúc của mình, không có kìm bớt gì hết. Còn người khác cho là
cô ấy kịch và diễn thì cũng là tùy vào cảm nhận. Và đúng là, TP là cái bóng quá
lớn trong nhạc VA mà các ca sĩ khác rất khó vượt qua. Nếu như mình mong muốn 1
dấu ấn gì đó của Nguyên Thảo trong “Những mùa hoa bỏ lại”, “Và câu chuyện bắt đầu”,
thì lần này, cô ấy chưa làm được điều gì, chỉ dừng ở mức tròn vai, dù giọng hát
rất hay. Hoàng Bách, Uyên Linh, Trung Quân là những gương mặt mới, thể hiện sự
tiếp nối trong âm nhạc của VA, nhưng có thể vì khán giả theo dõi liveshow này với
tâm thế tìm về những bản tình ca 1 thời, nên họ chưa để lại dấu ấn gì cả. Có
khác, Trung Quân hát “Nơi mùa thu bắt đầu” theo kiểu đớt đớt của anh ấy, nhưng
vẫn giữ được cái hồn của tác phẩm. Điểm trừ là rất nhiều người hát sai lời, vào sai nhạc (cái thiệt tình!!) và
với người tương đối thuộc nhạc VA như mình, thì nghe cứ như cắn phải cục sạn to
đùng. Còn “anh thợ hát số 1 Việt Nam” thì khỏi nói rồi, phần của ông Đàm là ca
nhạc tạp kĩ. Nát 1 nửa bài hát bất hủ “Không còn mùa thu”, và nát hết “Khoảnh vắng
em chờ”, “Ngày không tên”. Chán lắm! Chưa kể có mấy bài đội múa thấy rườm rà thừa thãi sao sao!
Được cái sân khấu trông lãng mạn ghê.
Có bài hát này hay nhất cả show nè:
EM SẼ
CHẲNG LÀ AI
Em chẳng là ai nếu như anh không còn bên em
Những cơn mưa luôn bay về phía em ngồi
Và cô đơn, giây phút ấy mới thật là em!
Có mong manh như là anh nghĩ không anh?
Giấu bên trong riêng cho từng phút đợi chờ
Vì em biết... vì em biết một ngày anh sẽ ra đi
Bầu trời xanh quá lớn lao, vòng tay em bé nhỏ.
Và anh hãy mang theo ngày xưa yêu dấu
Biết đâu thời gian giữ cho ngọt ngào đọng lại
Rồi em sẽ đi đâu tìm nơi yên ấm?
Lắng nghe hoàng hôn, lắng nghe từng lời vụng dại.
Em chẳng là ai nếu như anh không còn bên em
Chúng ta đi qua bao ngày tháng tuyệt vời
Dù tình yêu, giây phút ấy có trở lại đâu
Những thanh âm cho một ngày mới vang lên
Chuyến xe đêm qua không đợi ánh mặt trời
Chỉ thời gian và bóng tối đi cùng.
Đã bước sang năm thứ 4. Với con, giờ là những kỉ
niệm.
Con chẳng mấy khi cho bố lên sóng. Bố vẫn xuất hiện
đâu đó trong những sự đề cập của con, nhưng không quá nhiều như mẹ,
như chị. Đến bây giờ, với người lạ, hay người-chưa-phải-là-thân, mỗi
lần nhắc đến gia đình trong những cuộc nói chuyện, con vẫn phải mất
2 giây để định hình, câu sau con sẽ dùng từ “bố mẹ”, “mẹ” hay “nhà em”
để tiếp tục câu chuyện. Chẳng sao cả, vì con thích sự trọn vẹn, và
với con, bố là 1 phần không thể thiếu của cái sự trọn vẹn ấy.
_____________________
Kí ức trong con về bố là 1 ông bố của tổng hòa
nhiều thứ. Tức là bố biết làm, nhưng không xuất sắc ở bất cứ lĩnh
vực gì. Trong 6 ông con trai của bà, có bác có khả năng nói chuyện, có
bác khéo tay, có bác thông minh lanh lợi trong việc sáng kiến cải tạo
cuộc sống, có bác cục mịch, ít nói nhưng cái gì cũng biết sửa, v.v
thì bố là tổng hòa của tất cả 5 ông anh trên bố. Bố ăn nói được, biết
may vá, biết đi chợ buôn bán, biết chẻ rau, biết đánh đàn và suýt
thành nhạc công, biết sửa điện sửa nước nhưng không bao giờ đụng vào,
toàn gọi các bác :)))
Kí ức trong con về bố là 1 ông bố “ngoại giao” giỏi
nhất nhà. Bố nói chuyện cực duyên, “1 tấc lên giời” không ai biết, và
không hề điêu. Và vì mẹ con nói được 5 câu thì mất tiếng nên những
lúc phải đi gặp người này người kia, hay kể cả đi gặp thầy cô của
các con, mẹ toàn đẩy bố đi để bố còn nói chuyện thay. Nên con cũng
không bất ngờ khi bà kể chuyện tình sử của bố, có cô Như suốt ngày
đứng gốc cây đợi bà vào nghỉ trưa để được tâm sự với anh Chiến. Với
khả năng nói chuyện của bố như vậy, không có cô theo mới là lạ. Nhưng
cô nào cũng thua hết cô Mạc Thị Lùn :))))
Kí ức trong con về bố là 1 người biết thể hiện tình
yêu cho người khác, đặc biệt với người thân. Mỗi lần bố đi đâu
về, phi con xe máy màu ghi to đoành vào nhà (đầu con không bao giờ biết
xe cộ loại gì hết), câu đầu tiên sẽ là “Bà đâu con?” và câu thứ hai
sẽ hát loạn lên “Phương ơi, Phương ơi, Phương đâu rồi?”. Con toàn bị cả
nhà chửi vì cái tội ngồi tối và để bà ngồi tối. Nên nói chung, bố
về nhà là đèn điện sẽ được bật sáng choang như có tiệc.
Đặc biệt, từ lúc con biết nhận thức xung quanh, con
chỉ nhớ bố mẹ cãi nhau đúng 2 lần. Cãi nhau to, và để các con thấy,
còn bao nhiêu lần khuất trong phòng ngủ thì con chịu. Rồi con khóc như
mưa ở mâm cơm (trời mùa hè, dọn mâm ra ngồi cái cửa giếng trời cho
mát), mẹ thì dỗ dành con “Bố mẹ tranh luận thôi mà con”. Còn một
lần ở nhà cũ, lúc đó con vẫn còn đi mẫu giáo, bố dỗi mẹ 2 3 hôm
không về làm. May là Mạc Thị Lùn nhà mình cũng không giận dỗi ai lâu
được, xuống nước xin lỗi anh Béo trước, thế là bát đũa lại thẳng
hàng. Đây là con chỉ được nghe tường thuật lại sau này, còn hồi đó
con thấy sau mấy hôm cơm canh lại ngọt thì con cũng biết ổn rồi :))).
Nhìn vào cặp bác Dậu dỗi nhau đến cả chục lần từ ngày con lớn,
thì con ngưỡng mộ bố mẹ kinh khủng!!
Kí ức trong con về bố là 1 ông bố hết mình với tất
cả mọi người. Nên bố có rất nhiều bạn, mà nhiều khi mẹ con cũng
chả biết ông anh, bà chị này quan hệ thế nào với bố. Còn với gia
đình, bố là người chu toàn với cả nhà. Cả nội, cả ngoại. Cả Kim
Liên, cả Hải Dương. Mà vì chu toàn quá nên một phút không chu toàn
là thành có chuyện.
Kí ức trong con về bố là 1 ông bố cực thoáng với
các con. Nói chung là rất chiều. Con thích sách truyện gì, điện
thoại loại gì, máy tính thế nào, là bố mua ngay. Mua ngay, không cần
suy nghĩ. Chỉ vì lúc đó, con chưa thấy sự cần thiết của việc phải
dùng điện thoại xịn, hay nhà phải có máy tính, nên con không đòi.
Nhưng rồi lớn thì con cũng biết, đụng đến tiền phải hỏi bố. Xin
tiền tiêu vặt xin bố sẽ được tiền trăm, xin mẹ chỉ có tiền chục. Tiền
điện thoại toàn bố nạp. Đồ công nghệ của con toàn bố mua, bố đổi,
đến mức cái điện thoại Nokia hồng hồi đó đã trở thành thương hiệu
của con vì bàn phím bấm cực thích, 3G chạy rất nhanh, bạn bè toàn
mượn bắn Mobi Army và vào Facebook. Lúc nào trong ví con, trong điện
thoại của con chả có tiền, nhiều là đằng khác, nhưng không ai biết. 1
phần vì con cũng “chân đất mắt toét” lắm, và vì môi trường trường
Ams toàn đứa ngoan nên không có chuyện ăn cắp, ăn trộm gì. Giờ thì
chị Linh chịu trách nhiệm đổi và sửa điện thoại, máy tính cho con,
thay bố. Và con toàn bị bà ấy chửi vì dùng như phá, mỗi năm đổi 1
cái máy điện thoại mới. Hờ hờ :)))
Rồi con đi Úc. Kỉ niệm con nhớ là năm đầu tiên con
về, tối đó đang nằm chơi lăn lộn ở giường bà. Bố đi làm về vỗ mông
con dịch vào cho bố ngồi. Rồi bố bảo: “Kì này về đang nhiều người
nợ tiền bố, không bố đã cho cầm thêm tiền đi.” Với tính chất công
việc của bố mẹ, chuyện có người nợ tiền, hay nhà mình là con nợ
của ai đó không phải là 1 điều quá nghiêm trọng với con, nên con chỉ
cười. Và giờ, hình như đó là 1 trong những câu nói của bố con nhớ nhất.
Cũng trong năm đầu tiên con ở Úc về, bố đưa con xuống trường Ams nhận giải bài viết về cô Thủy. Thực ra, trước hay sau khi con đi Úc, bố chưa bao giờ nói chuyện riêng với con, chưa bao giờ dặn dò con riêng tư (mà không có mặt mẹ) trước những quyết định lớn trong cuộc sống của con. Hôm đó, trong xe, bố có nói: "Bố chẳng có gì phải lo về con cả". Và con luôn cố gắng độc lập, để bố mẹ không phải đắn đo gì về cô công chúa út cả.
Rồi ám ảnh khác trong con, về bố, là cái dáng ngồi
xem TV đầy thất vọng trong giai đoạn chị Linh “ẩm ương”. Đôi khi con
nghĩ cái câu hát “Buồn kia còn trong dáng ngồi” sao có thể đúng
thế!! Thật tình, con cũng thấy những giây phút thất vọng của người
ta và của cả bản thân con rồi. Nhưng cái dáng ngồi và khuôn mặt của
bố lúc đó để lại trong con ấn tượng sâu lắm. Sâu đến mức con tự dặn
mình, sau này con cái con mà để bố chúng nó thất vọng như thế, con
quật chết không thương!
Con nhớ nữa, là cả cái ánh mắt nhìn con lúc con về
thăm bố lần cuối. Con ngồi trên giường bóp chân tay cho bố, và bố cứ
ngắm con mãi. Cái ánh mắt tuyệt vọng của người cha thương con vô bờ nhưng biết
là mình không thể tiếp tục đồng hành được cùng con, nó ghê lắm. Bố
khóc, con cười, một nụ cười mỉm rất nhẹ nhàng. Con không thích khóc
trước mặt người khác, nhất là với người thân … và nhất là với bố. Với
con, bố là người trông thì to tác nhưng thực ra bên trong, bố rất mềm.
Nên nhiều khi, con nghĩ cái sự tỉnh táo, bình tĩnh đến sắc nét của
con chỉ có thể là lây từ mẹ. Mẹ con là người phụ nữ “nhỏ mà có võ”. Nội
cái chuyện một mình lên gặp bác sĩ nghe thông báo về bệnh tình của chồng mà vẫn có thể đi xe từ viện về nhà không bị lạc đường (mẹ con là cái người không bao giờ đi quá bán kính 2 cây số từ khu An Dương), thì thần
kinh cũng thuộc dạng thép không rỉ.
Nên con cũng đã rất bình tĩnh khi mẹ gọi điện báo bố ốm,
và cũng đã hoàn toàn như không có gì xảy ra khi 5h sáng hôm ấy, con
đọc được tin nhắn của anh gửi: “Em ơi. Bố Chiến mất rồi.”, con vẫn đi học, mặt mũi bình thường như bao ngày. Ngày hôm
đó con có tiết sớm từ 8h, và ‘má’ con (cô Sun – giáo viên dạy tiếng
Trung), đã lôi con ra phòng riêng ôm con rõ chặt. Thầy Alex (giáo viên
dạy Toán) lo con bé không tập trung được nên dạy Toán nâng cao hôm đó rất
chậm. Thầy Adam (dạy Kinh tế) thì sợ con bé tâm lí bất ổn nên đặt
hẹn cho con đi gặp chuyên gia tâm lí. Cái xứ này trẻ con là trên hết mà, hở ra có chuyện gì ảnh hưởng đến tâm sinh lí trẻ nhỏ là thầy cô bắt đi gặp chuyên gia ngay. Còn ông Gauld hiệu trưởng cũng lo, nhìn con như vật thể lạ, hỏi thăm rất ân cần âu yếm, không như ngày thường. Vì hồi cấp 3 con VIP lắm, nên con có làm
sao thì là tâm điểm của cả trường. Nhưng cũng phải cảm ơn thầy cô, vì không có họ ở bên theo sát 'nhất cử nhất động' của học trò, thì con đã không có 1 năm 2012 thành công trong học tập, ngoại khóa và tâm lí vẫn ổn định như vậy.
Mẹ con có 1 quan điểm dạy con tương đối tân thời,
là ngoài chuyện đạo đức, để ý dạy con những điều lớn lao hơn. Ví
dụ, mẹ dạy cách muốn xin giấy tờ gì sẽ phải ra phường gặp ai gặp
ai. Còn về những chuyện nhỏ bé hơn, như chuyện nữ công gia chánh của
con gái, mẹ quan điểm, trăng sẽ tự rằm. Tức là đến tuổi rồi nó tự
biết làm, không phải ép. Con nghĩ quan điểm này không sai, nhưng nó
chỉ đúng khi áp dụng với tùy đứa trẻ. Và con nghĩ, ít nhất,
mẹ áp dụng đúng với con, nên mẹ rất nhàn. Vì con đã quen và có thể tự thân
vận động, nên đến lúc con đủ tuổi ra riêng ở 1 mình, con hoàn
toàn bình thường. Con cũng phải biết các món ăn để cải thiện và biết
quán xuyến cuộc sống của bản thân: cả việc học lẫn việc sinh hoạt
chi tiêu, sắp xếp chợ búa cơm nước. Con có thể không quá khéo, nhưng
chắc chắn không chết đói, không hết tiền trước tháng, và quan trọng
là không ảnh hưởng việc học.
Vì thế từ ngày con 18, mẹ rất chú ý đến những
việc lớn lao của con gái, như chồng con, sự nghiệp. Mẹ cũng có cái
nhìn, mà con cho là rất “hâm”, rằng con gái học hết cấp 3, là bất
cứ lúc nào, kể cả ngay ngày mai, nó bảo muốn lấy chồng, cũng là
chuyện bình thường. Nên mẹ luôn kể về câu chuyện của 2 người, như là
sự chuẩn bị những kĩ năng “người lớn” cho con. Từ chuyện chăm sóc,
dạy dỗ con cái ra sao, chuyện chi tiêu tài chính của 1 gia đình, đến
chuyện gìn giữ tổ ấm, tình cảm với chồng thế nào, mẹ dạy con hết.
Và đương nhiên, con cũng hiểu nhiều thêm về bố mẹ, trên góc nhìn của
1 người chưa-lớn-nhưng-không-còn-quá-bé-không-hiểu-gì, về những điểm xấu tốt của
bố, của mẹ, và rút kinh nghiệm cho bản thân mình.
________________________
Mẹ chẳng mấy khi hỏi con về bố, sau khi bố mất. Mẹ cũng
chẳng hỏi con cảm thấy sao, con có nhớ bố không. Đúng ra cả 3 mẹ con
chưa bao giờ đề cập với nhau về việc này. Vì con nghĩ, ai cũng cần
không gian riêng cho những khoảnh lặng của bản thân và đơn giản là… “nỗi
đau ta nhận riêng mình”. Và cũng có những điều, mẹ làm cho bố, con
không hoàn toàn đồng ý. Tiếng Anh nó có cái câu gì nhỉ: “Đối với
người tin thì không cần giải thích. Nhưng đối với người không tin thì không
thể giải thích được.” Nhưng con
không bao giờ tham gia, vì nếu nó thuộc về văn hóa, tín ngưỡng của mỗi người thì
con tôn trọng tất cả. Ai cũng phải có niềm tin vào 1 điều gì đó thì cuộc sống sẽ màu sắc hơn. Quan trọng hơn hết, đó là việc gì từ trái tim
sẽ đến với trái tim.
Và trái tim con nói rằng:
“NHƯ CHƯA TỪNG CÓ NHỮNG PHÚT LÌA XA
Dẫu gương mặt trên vai anh khóc òa
Những con đường anh đi, rồi cũng đưa anh về bên em”
…..
Con thích bài Chân tình, cũng là vì với con, bố là
người hát bài ấy hay nhất!
Thu Phương là 1 “ca khó” của làng nhạc, bởi khó có thể xếp
cô vào diện ca sĩ nào. Bảo cô là ca sĩ hạng Diva thì không phải, vì chẳng Diva
nào đi hát “Kiếp đỏ đen” với “Cầu vồng khuyết” cả. Bảo cô là ca sĩ giải trí
cũng không đúng, vì “Dòng sông lơ đãng”, “Đêm nằm mơ phố”, và mới nhất có “Giữ
lại hạnh phúc”, cái thứ nhạc văn hoa ẩn dụ thế thì thách đố người ta chứ giải
trí nỗi gì.
Còn nói cô là ca sĩ đi lên từ scandal thì cũng oan. Vì cái
thời cô làm mưa làm gió thì chưa có những thứ công nghệ như bây giờ, ca sĩ nổi
tiếng đều là những người có thực lực đàng hoàng. Còn nói cô là ca sĩ “sạch” thì
càng sai. Vì nguyên cái scandal to nhất của cô thì các em các cháu bây giờ có
đóng film sex hay nude vài trăm lần cũng chưa đủ sức tạo scandal kinh thiên động
địa vậy.
Nhớ mang máng năm 6 tuổi, trong lúc đọc báo có tin Thu
Phương, Bằng Kiều, Huy MC bị cấm biểu diễn, phát hành băng đĩa trong nước vì có
phát ngôn nhạy cảm, bố than thở với mẹ: “Nhà nước mình cứ nghĩ nó là con công
con phượng nên chiều quá.” Tôi tin là những khán giả yêu nhạc như bố mẹ tôi chẳng
ghét bỏ gì ca sĩ cả, họ cũng chẳng quan tâm gì đến những chuyện động trời ấy
(nhà cận nghèo lo chạy gạo ngày 2 bữa chẳng xong), chỉ đơn giản họ tiếc sẽ
không còn được nghe những giọng ca đã gắn với tuổi trẻ của mình thôi.
Theo dòng chảy của đời sống, có cầu ắt có cung, hay đến 1 thời
điểm nhất định thì “lá phải rụng về cội”, mật độ ca sĩ hải ngoại về nước tăng
cao, và ca sĩ trong nước cũng đi hát ở nước ngoài như đi chợ. Cũng đã có những
va chạm, tai nạn từ 2 phía những ngày đầu chập chững làm quen, đến mức Như Quỳnh
phải “chạy trốn” truyền thông để về Mỹ trước dự định khi cô bị báo chí trong nước
chê bai nhan sắc một cách phũ phàng. Hay Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, cũng đã không
khỏi bàng hoàng trước những biểu ngữ có ảnh mình với dòng chữ “đả đảo văn công
cộng sản” tại hải ngoại. Nhưng chắn chắn, cả 2 phía đã đều mở cửa, mở lòng để đón nhận những
tinh hoa từ phía bên kia mang lại.
Trở lại với trường hợp của Thu Phương. Năm 2015, cô chính thức
đánh dấu sự trở lại của mình trong làng nhạc Việt với vai trò Huấn luyện viên của
chương trình Giọng hát Việt. Được cũng nhiều, mất cũng không ít, đến mức người
ta nói số cô ca sĩ này “ra đi nhiều tai tiếng, trở về nhiều tiếng tai”. Nhưng
việc cô ấy được cấp phép để xuất hiện trên Đài Quốc gia VTV3 mỗi buổi tối Chủ
nhật là cả 1 sự nỗ lực lớn của êkíp Cát Tiên Sa, và hơn hết là 1 bước tiến
trong cơ chế quản lí văn hóa của nước nhà. Bởi những ca sĩ có “phốt” to như thế,
cấp phép cho cô hát trở lại đã là tiến bộ trong tư duy quản lí rồi, còn cấp
phép cho cô xuất hiện trên truyền hình to đoành như VTV thì là điều, ừm, cũng
không ai nghĩ tới đâu.
Lại còn bất ngờ hơn nữa, khi năm vừa rồi, trên chuyến bay
Vietnam Airline từ Sydney về Sài Gòn, tôi đã có chút giật mình khi thấy đĩa nhạc
của cô trong chương trình giải trí của hãng hàng không. Ừ thì Giọng hát Việt là
chương trình xàm xí, Cát Tiên Sa muốn mời ai là việc của mấy ông bà làm giải
trí. Nhưng hãng hàng không là bộ mặt của quốc gia, chuyện đâu đùa được. Vậy mà họ
chọn đĩa “Phía nào đến chân trời” để cho vào chương trình của hãng, chọn nguyên
cả đĩa nhạc, và không cắt xén bài nào. Chứng tỏ là thoáng lắm rồi. Còn những vị
khách như tôi, cũng đã có 1 chuyến bay có cảm giác thú vị, êm ru hơn trên đường
về nhà :)))
Và hôm nay, lại được thêm 1 lần bất ngờ nữa khi thấy Thu
Phương xuất hiện trong chương trình Giai điệu tự hào tháng tới – 1 chương trình
mang đậm tính truyền thống cách mạng ca ngợi Tổ quốc. Thiệt tình, nếu Giai điệu
tự hào đã mời Thu Phương về hát, đã làm hẳn 1 số về nhạc sĩ Phạm Duy, thì tôi
có dám mơ về 1 ngày bà Khánh Ly hát trên truyền hình, hay ông Ngạn về Việt Nam dẫn
VTV không nhỉ?
Có gì đâu mà không dám mơ, vì nghệ thuật là phi chính trị, âm
nhạc là không biên giới mà.
Người ta nói Mỳ Tôm thì không bổ béo gì. Nhưng đôi khi cần gì ăn đồ bổ, đồ bình dân cũng đủ làm người ta hạnh phúc rồi.
Đã qua lâu rồi cái thời nhà nhà người người bật nhạc Mỹ Tâm. Và cũng 1 thời gian tương đối em cũng chả để ý đến sản phẩm mới của chị, sau album Trở lại với bài Cô gái đến từ hôm qua.Trong cái môi trường làng nhạc nhiễu nhương, ca sĩ cứ phải thay đổi mốt nọ mốt kia để chiều khán giả thì Mỹ Tâm vẫn vậy. Mặc cho báo chí, công chúng kêu giời kêu đất rằng chị 1 màu, rằng sản phẩm sau của chị còn tệ hại hơn sản phẩm trước, rằng chị mãi chả chịu “chống lầy”, rằng gu thời trang của chị thảm họa, rằng chị quá kém duyên trên ghế nóng; nhưng những điều đó chẳng làm cho fan chị bớt đông và cứ cái gì liên quan đến Mỹ Tâm chưa bao giờ hết sốt.
Nhưng có 1 điều chắc chắn rằng, người bình thường như em đi hát karaoke vẫn cứ phải nghêu ngao “Mỗi khi chiều về, em ngồi hát bên dòng sông…” hay “Ước gì, anh ở đây giờ này…” trong nhiều nhiều năm nữa. Và em biết, nếu em muốn nghe chị hát, Mỹ Tâm vẫn luôn mang đến cho em cảm xúc hồn nhiên, mộc mạc của cái thời Nhé anh chỉ cần cái cầu thang quay quay ngoài bờ biển.
Giờ chị chán “tóc nâu môi trầm” đổi thành “tóc tím thủy chung” rồi :))
“Giờ em biết con tim người thay đổi rồi
Một hình bóng nay đã khác xưa
Không còn là anh, người em vẫn mơ.
Giờ em biết cuộc tình mình hết thật rồi
Và khoảng trống giữa những ngón tay
Giờ sẽ không có anh đan vào nữa.”
...........
Hơn 5 năm ở Úc, em Hương có những 3 năm rưỡi ở với 2 gia đình
khác nhau (vì mãi mới đủ 18 tuổi mà). Ở với 2 bác người Mã-lai gốc Quảng Đông suốt
2 năm rưỡi cấp 3, rồi Đại học bay lượn chán chê giờ lại rúc về ở với 2 bác, dù
nhà xa trường vãi linh hồn, mà riết rồi cũng quen. Ở với cô chú người Tàu Đại lục
– Quảng Đông nửa năm đầu năm nhất Đại học, vì vẫn dưới 18 tuổi và trường bắt chuyển ra khỏi nhà 2 bác (chả hiểu sao số tôi toàn liên quan đến
người gốc Tàu, đi làm cũng làm cho 2 mẹ con người Mã-lai-Phúc Kiến),
Vì thế nên em bị “dưới tầm ngắm” cũng nhiều. Mà em vốn vô
tư, hồn nhiên, để rồi nhiều lúc khá bất ngờ khi thấy người lớn “để ý” tới con
bé cũng khiếp.
Chuyện là:
1. Hồi xưa ở nhà có dịch gia cầm, nên từ đó nhà em
hầu như không ăn trứng ốp-lếp hay trứng trần. Trứng tráng hay trứng thả vào bún, vào
mì là phải chín đàng hoàng. Ở với 2 bác rất hay ăn trứng trong bữa cơm, bác để
ý mỗi lần bác làm ốp-lếp hay trứng trần, con bé lúc nào cũng húp lòng đỏ ở giữa
trước. Rồi khi nó để lòng đỏ tràn ra đĩa, ra bát mì, nó sẽ chép miệng hay đưa mắt
tiếc nuối. Thế là bác mặc định: làm trứng cho cái Hương là phải làm chín, nó
không thích trứng còn lòng đỏ “đang chạy”. Mà thật ra đó chỉ là thói quen thôi
chứ em đâu có ghét bỏ trứng tái đâu :)))
2. Nhà em rất ít ăn cà-ri, nếu không muốn nói là
không bao giờ nấu. Từ ngày ở với 2 bác Mã-lai em mới có hình dung về màu sắc,
mùi vị món ăn ấy, vì các bác người Mã-lai thì có khi 1 tuần ăn đến 4 5 bữa
cà-ri là chuyện bình thường. Nói chung là em cũng không mê mẩn gì món này lắm,
vì ít rau, lắm nước, và nóng. Nhưng em vốn có biệt danh là “thùng nước gạo” nên
cái gì em chẳng ăn. Mà các bác thấy mỗi lần ăn cà-ri em cứ tập trung vào
đĩa cơm hổ lốn trước mặt, không nói năng gì, ăn xong là đứng dậy, nên cũng mặc
định nó không thích cà-ri luôn. Chỉ là riêng vụ này thì con bé không thích thì
kệ nó, bác vẫn nấu bình thường J))
3. Khoảng thời gian ở với cô chú là lúc em nói được
tiếng Tàu (tiếng Bắc Kinh) trôi chảy nhất. Vì chú không nói được tiếng Anh, còn
cô nói tiếng Anh cũng ở mức vừa phải đủ đi chợ và điền giấy tờ đơn giản, nên ở
nhà em nói chủ yếu là tiếng Tàu với 2 người lớn, còn nói tiếng Anh với 2 đứa trẻ
con. Công việc chính của cô là ở nhà chăm con, và chăm cái lũ học sinh thuê
nhà, nên hoàn toàn dễ hiểu khi cô có đầy đủ những đặc điểm của các bà nội trợ.
Tiếc là ở Úc không có thói quen và không dễ để mở 1 quán nước như nhà bác Dung
Thực, các bạn bè của cô đều ở cách cô ít nhất là 500m, nên khi bức xúc chuyện
trong nhà, lại vớ được 1 con bé hiểu chuyện mới đến ở, cô như tìm được 1 người
để trút bầu tâm sự.
Chuyện là, có thằng bé học sinh Hàn Quốc ở
với mẹ nó tuần đầu dưới nhà dưới. Chẳng hiểu thế nào mẹ con nhà ấy làm tắc cống,
nước dâng tràn khỏi cabin tắm, vào cả cái tủ âm đựng đồ cọ rửa. Thế là cô phải gọi thợ sửa mất mấy
trăm đô, rồi mất cả ngàn đô để sửa lại cái tủ, mà mẹ con nó không chịu đưa cô đồng
nào. Cô bực mình trong bữa ăn xổ ra 1 tràng với con bé. Rồi cô nhấn nhá: “Đứa
nào tắm xong mà cũng biết vứt đống tóc tai, ‘tóc nách’ rụng ra ở cống đi như
con thì cô đã không mất tiền những chuyện vớ vẩn thế này” (vì trong lũ học sinh
có mỗi nó là con gái tóc dài nên có gì của con gái thì chỉ là nó vứt). Con bé thì
ngồi ậm ừ cho xong chuyện, còn trong đầu nó thì băn khoăn lắm: “Ô thế cô đổ rác
mà cũng soi cả trong rác có những gì cơ à!”
Có những chuyện rất đơn giản, thuộc về thói quen, mình không để tâm đến nhưng những người xung quanh lại tự động cho vào bộ nhớ của họ, một cách tương đối nghiêm túc. Rồi những thứ nhỏ nhặt ấy lại là cái mình để lại ấn tượng rõ nét với những người đồng hành cùng mình trong cuộc sống. Người lớn, luôn có cái nhìn của người lớn, biết hết mọi thứ
dù con trẻ không nói ra, hay không nghĩ là người lớn lại để tâm những chuyện rất vớ vẩn ấy. Ở với họ sẽ bị “soi” và có những gò bó nhất định,
nhưng với cá nhân em thì ở với họ vẫn được lợi hơn ở một mình!
Từ hôm được nghỉ đến nay mới có 1 ngày đầu tiên đúng chất là được nghỉ. Không phải làm gì cả, không phải ra đường, không phải học, không phải quan tâm tới những công việc xã hội khác.
Chào buổi sáng (lúc 5h) bởi 1 đoạn hội thoại rất thú vị với 1 người đặc biệt. Rồi từ đó cả ngày chỉ đọc báo, nghe đài, xem chương trình thực tế, nghe nhạc của những ca sĩ mình thích.
Yêu lắm 1 ngày Chủ nhật được dành cho những sở thích và khoảnh lặng của bản thân.
P/S: Mình có thể cũng hơi cực đoan 1 chút trong việc nghe nhạc. Những bài hát viết riêng cho ai đó thì tốt nhất hãy để 1 mình người đó trình diễn. Ca sĩ khác cũng đừng hát lại (chưa nghe ai hát 3 bài Bống của cô Bống cả, hay có ai hát "Tóc ngắn" của Mỹ Linh đâu) vì họ không phải là nhân vật chính, không đủ thấu để hát lên câu chuyện bài hát. Và "Chưa bao giờ" cũng không phải là 1 ngoại lệ. Lần đầu tiên nghe "Chưa bao giờ" là nghe Đông Hùng hát trong Vietnam Idol với piano, mà nghe xong Mỹ Tâm thì cười sặc sụa, còn mình thì cũng thấy trôi tuồn tuột.
Việc hát đôi bài này làm cho bài hát đỡ 'ảm đạm' hơn nhiều lắm. Hà Anh Tuấn đứng ngoài cuộc, dẫn dắt, làm nền, kể lại cuộc đời đàn chị với những sự cảm thông chia sẻ, nên bản này ta sẽ không cảm thấy sự 'sóng gió', 'chông chênh', 'run rẩy' thường có trong những phần trình diễn của Thu Phương. Nhưng những đoạn quan trọng thì nhân vật chính vẫn phải kể, để không mất đi cái hồn ca khúc. Chàng sơ mi "Dấu phố em qua" phải 'ép chín' mình thêm 10 tuổi, để cân xứng với câu chuyện, với nhân vật mà anh đang làm người dẫn dắt, giới thiệu tới khán giả.
Mà việc nghe nhạc và cảm nhạc nó cũng tùy hứng lắm, như sông có lúc vậy. Khi nào đang hâm thì sẽ nghe cô ấy độc thoại thổn thức bản "Chưa bao giờ" trong The Master of Symphony (vẫn là phiên bản hay nhất mọi thời đại nhé). Còn lúc tươi thì nghe bản này thôi cho đỡ nặng đầu.
"Bây giờ em biết vì sao
Gặp nhau biển xô sóng trào
Ngồi nghe chiều im gió lặng
Giữa muôn vàn hoa
Đi về đâu cũng là thế
Buồn kia còn trong dáng ngồi
Thiên đường xưa khép lại
Từ muôn năm rồi"
.............
Lần đầu tiên tôi biết tới nhạc sĩ Việt Anh chắc từ bài “Tình
yêu tôi hát” được phát trên VTV Bài hát tôi yêu, còn ca sĩ nào hát trong video
thì cũng không nhớ nữa. 1 bài hát tình yêu đẹp, nhẹ nhàng, lãng mạn, mà chẳng hề buồn:
“Anh nhớ em buồn vui nơi đó
Anh nhớ em từng đêm gió về
Bao ước mơ một đời thiếu nữ
Theo lá rơi con sông mùa thu”
Nhưng thực ra từ 1 2 năm trước đó, tôi đã được nghe nhạc Việt
Anh, đủ nhiều, đủ lâu (chắc vậy), để rồi một cách vô thức, con bé 2 3 tuổi vẫn
nhớ như in 1 điều cho tới giờ: “Mẹ cháu thích nghe Thu Phương hát ‘Dòng sông lơ đãng’ lắm"! Trí nhớ, như 1 phép nhiệm màu, đến 1 lúc
bất chợt tự động bật ra 1 góc phần nhỏ của kí ức tưởng chừng đã không còn tồn tại,
sau chắc phải hơn 10 năm không hề nghe lại bài hát ấy dù chỉ 1 lần:
“Từng ngón tay khép như nụ hoa trắng
Bỏ lại hàng cây, ngơ ngác sau lưng”
………….
Rồi ‘mùa hoa’ ấy bỏ lại, bỏ lại đằng sau 1 sự nghiệp đang
lên để đi tìm kiếm bản ngã của chính tâm hồn mình – 1 tâm hồn luôn rung động với
những nỗi buồn miên man. Và từ nơi phương xa xôi, người nhạc sĩ ấy đã gom góp tất
cả những nỗi nhớ của 1 người con Hà Nội xa quê trong “Đêm nằm mơ phố” – 1 Hà Nội
buồn ‘vừa phải’ nhưng gây thương nhớ dữ dội trong trái tim của người con trai Hà thành
nhạy cảm:
“Đêm đêm nằm mơ phố
Trăng rơi nhòa trên mái
Đi qua hoàng hôn ghé thăm nhà
Đâu hay mùa thu gió
Đêm qua mặc thêm áo
Tay em lạnh mùa đông ngoài phố
Sương giăng Hồ Tây trắng
Đâu trong ngày xưa ấy
Tôi soi tình tôi giữa đời anh”
…………..
Rất khó để chọn ra 1 bài hát hay nhất, hay bài hát tôi thích
nhất trong âm nhạc Việt Anh. Nhưng chắc chắn, ca sĩ hát nhạc Việt Anh mà tôi,
hay như rất nhiều khán giả của anh thích nhất, chỉ có thể là Thu Phương – người
mà đến tận bây giờ, anh mới thực sự gọi cô ấy là ‘nàng thơ’ của mình. Thu Phương
tâm sự trong liveshow Mùa thu của Phương 2013 của cô ấy, rằng “Không biết những
mùa thu, những mùa hoa mà Việt Anh viết dành cho ai, nhưng tôi mặc định nó là
mình. Tôi không bao giờ hỏi nhạc sĩ Việt Anh viết cho ai, đúng ra chúng tôi
chưa bao giờ nói với nhau về điều đó.” Thu Phương ‘sẽ chẳng là ai’, nếu như thiếu
đi những bản tình ca của Việt Anh. Hình như, bài nào của anh cô ấy hát, có thể
không phải quá xuất sắc, nhưng với những khán giả đồng hành cùng 2 người suốt 1
chặng đường dài, họ mặc định rằng, chẳng ai hát nhạc Việt Anh thay thế được Thu
Phương. Như 1 mối nhân duyên không thể tách bỏ, lúc tận cùng của đỉnh cao Thu Phương
‘làm mưa làm gió’ với hàng loạt bài hát của anh, và lúc tận cùng của nỗi đau,
cô ấy cũng vịn vào bài hát của anh, bài hát anh viết dành tặng riêng cho 'người tình
âm nhạc’ của mình. Những điều “Chưa bao giờ” ấy, sau tất cả những sóng gió, có
lẽ người trong cuộc cũng đã ‘ước chi mình lơ đãng’, để ‘thiên đường khép nguồn
cơn’:
“Đi về đâu cũng là thế
Buồn kia còn trong dáng ngồi
Quên được không những điều đã bao giờ qua
Quên được mỗi sáng mùa đông, nhìn ra ngoài sương giá về
Quên được không những điều
Ta chưa… bao giờ”
…………………….
Chẳng hiểu sao lại có 1 vị nhạc sĩ lạ lùng vậy, 1 người
chuyên viết nhạc tình nhưng dường như không có dáng dấp của tình yêu đôi lứa
trong những cái tựa bài hát “Hoa có vàng nơi ấy”, “Đánh rơi bên hồ”, “Mưa phi
trường”, “Màu của lãng quên”, v.v. Nhạc Việt Anh một khi đã mê thì sẽ thành
nghiện, vì mê đắm cái sự nhẹ nhàng, thơ mộng, buồn nhưng không ảm đạm trong cả
giai điệu lẫn lời ca.
Và vì thế, trong liveshow sắp tới của nhạc sĩ, có 1 mong ước
nhỏ nhoi rằng đó là liveshow riêng của nhạc sĩ và ‘nàng thơ’, vì thực sự họ thuộc
về nhau trong âm nhạc. Mơ ước họ hát live nguyên cả album “Điều cuối cùng đợi
chờ” và kèm thêm những bài hát từ thời Làn Sóng Xanh, cũng đã đủ cho 1 liveshow hoàn hảo. Mong lắm chứ, nhưng biết rằng điều ấy chỉ là khoa học viễn tưởng…
Nhưng vẫn kì vọng trong liveshow ấy: Quang Dũng sẽ hát “Hoa
có vàng nơi ấy”, “Chiều biển vắng thênh thang” chậm rãi đi vào lòng người. Uyên
Linh bùng nổ với bài hát mới dành riêng cho cô ấy. Lần đầu tiên “Và câu chuyện
bắt đầu” được hát live bởi ca sĩ ‘xịn’ Nguyên Thảo. Trung Quân (Idol) đừng làm quá
“Nơi mùa thu bắt đầu”. Hoàng Bách hãy trẻ lại vài tuổi, như cái ngày vẫn còn
trong AC&M để hát thật trong sáng “Mưa phi trường”. Và ‘thợ hát số 1 Việt
Nam’ cũng đừng phá hỏng bài hát bất hủ “Không còn mùa thu” nha. Còn với Cô gái,
hãy cứ chông chênh, cứ nồng nàn như mỗi lần nàng xuất hiện, sẽ hoàn thành trọn
vẹn phần cuối cùng cho chương trình.