Sunday 12 May 2019

Trượt tốt nghiệp khi đi du học - Bình tĩnh, rồi sẽ ổn!

Năm 2016 đúng ra là năm cuối ĐH của mình (mình học Cử nhân 3 năm). Nhưng đó lại là năm mình fail nhất trong việc học, vì thi cái gì cũng trượt đầu nước, và vì trượt nên dẫn tới hệ lụy sau đó ngoài tầm kiểm soát của mình.
Ngày có điểm kì cuối thực sự sợ, khóc như mưa. Lúc đó là cả ngàn câu hỏi hiện lên trong đầu. Giờ thi trượt môn này mà kì hè không có, kì 1 năm sau cũng không có cho mà học lại. Học cái ngành thì cả bang có 2 trường dạy, tìm cả trường hàng xóm xem có môn nào tương tự ngay kì 1 sang năm không để đăng kí học luôn thì trường kêu bên đó dạy dễ lắm, mang về đây không công nhận nhé. Tìm cả dưới Melbourne cũng không có. Rồi tất cả những môn có thể học thay cho môn trượt này rơi vào kì 2, thì kì 1 làm gì. Học cái gì nữa, đủ tín chỉ rồi, chỉ tốn tiền. Mà về VN thì làm cái gì nửa năm, ăn ở không ở nhà ai nuôi trời.
Nghĩ tiếp hệ quả, mà cái này nghĩ đến thôi là sợ run luôn. Mẹ chỉ chuẩn bị cho đi học có 3 năm, tự dưng giờ thi trượt phải học thêm nửa năm nữa tiền đâu ra đóng học. Vẫn biết rằng bà Lùn không phải tuýp người nước đến chân mới lo, chuyện nào cũng quên chứ chuyện học phí của con là bà rất nhớ và căn ngày rất chuẩn để chuẩn bị, nhưng cũng không phải dư dả gì. Giờ như vậy biết nói với mẹ sao? Đấy còn chưa kể đến chuyện gia hạn visa, sinh hoạt ăn ở cho nửa năm chỉ để học có 1 môn còn nợ.
Trên tất cả những vấn đề ấy là sự mất hết tin tưởng vào khả năng bản thân mình. Tại sao người ta tốt nghiệp được Đại học mà mình đã làm cái gì để mà không tốt nghiệp đúng hạn được? Và vì như thế mình kéo theo cả gia đình phải cố gắng thêm 1 năm nữa vì mình có đáng không? Đã không tốt nghiệp được đúng hạn thì chớ, lại còn trượt thêm cả cái học Thông dịch viên. Thiếu đúng 1% nó mới đau xót, thà nó điểm kém hẳn đi. Coi như cả 1 năm có 2 việc chính phải làm, thì tạch cả 2!!
Lúc đó thật sự chán!!! Nhưng dù vấn đề lớn nhỏ của bản thân như thế nào cũng phải chia sẻ. Nói với ai cũng được, phải nói ra. Và rất quan trọng, phải nói với người mà mình sợ phải thông báo những vấn đề này nhất. Mình thì không sợ bà Lùn mắng, nhưng mình thương thật sự. Bà Lùn lúc đó tiếp nhận tin này như một tin bình thường hàng ngày, dù mình biết thừa trong lòng cũng rối như tơ vò những vấn đề y hệt mình đang nghĩ. Mẹ con nhà này đủ thân để đồng điệu cả suy nghĩ của nhau. Lúc đó mẹ chỉ nói mỗi câu: "Thôi không sao. Coi như 6 tháng con về với mẹ." Cuối cùng là 6 tháng tít mít trong Nam, có thèm về với bu đâu. Rồi đến lúc quay lại học thì như huyền thoại cho cả lứa VN ở trường, thi trượt không tốt nghiệp đúng hạn không sao, có cái Hương nó vẫn cười phớ lớ kia kìa ) Bởi từ sau chuyện này mình mới thấy, có đúng có sai gì cũng phải nói với bố mẹ. Người lớn vẫn luôn bình tĩnh và tâm lí ổn định hơn chúng ta nhiều. Mình lớn rồi, sớm muộn cũng sẽ tự tìm ra giải pháp cho mình, nhưng vai trò của bố mẹ rất quan trọng, ít nhất trong những lúc rối như canh hẹ, bố mẹ đảm bảo được sự bình tĩnh cần thiết cho những đứa trẻ của mình.
Bởi thế về mặt bố mẹ, đừng bao giờ cho con đi du học nếu như đứa trẻ chưa ý thức được về bản thân, về xung quanh và tâm lí sẵn sàng. Còn các bạn đi du học, có vấn đề gì cũng phải nói ra, không được giữ cho riêng mình, vì để lâu dài rất nguy hiểm vì mình chỉ sống một mình. Nói mới giải tỏa được tâm lí bản thân, để rồi mới suy nghĩ tích cực lên được.
Không việc gì phải tự tử, chết chỉ có thiệt mình!!
"“In five of these 10 deaths, the deceased feared parents discovering the failure. In three of the deaths, the failure appeared to have implications for the student’s visa eligibility,” the prevention unit found." - 5 trong 10 bạn tự tử vì lí do thi trượt, sợ bố mẹ phát hiện ra. 3 trong số 10 cái chết này có lí do visa bị ảnh hưởng. Hey ya, một nửa số lượng tự tử vì thi trượt!! Báo động đỏ luôn!!
(Tp.HCM 15/01/2019)

No comments:

Post a Comment