Monday, 14 October 2019

Bông hồng cài áo - tình mẫu tử thiêng liêng


Không phải mùa Vu Lan mà đi xem “Bông hồng cài áo”, chủ đề nhạy cảm vậy là đương nhiên khóc trong không gian câu chuyện ấy 😊
“KHÔNG BAO GIỜ CÓ HẠNH PHÚC CÁ NHÂN KHI HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH CHƯA TRỌN VẸN”
Xuyên suốt 3 tiếng của vở kịch, có lẽ đây là thông điệp ám ảnh nhất với mình. Câu chuyện về tình mẫu tử, về 2 đứa con trớ trêu tên Hiếu và Thảo của dì Tư, chạy theo sự danh giá của gia đình đằng nội mới về nhận máu mủ mà rời bỏ bà mẹ nghèo bán tàu hũ một mình nuôi 2 anh em từ nhỏ. Có lẽ, bi kịch lớn nhất của “Bông hồng cài áo” là người giàu hay người nghèo ở đây đều khóc trong những cố gắng đi tìm hạnh phúc của chính mình. Bi kịch giai cấp hiện lên rất rõ trong kịch, bên cạnh tình mẫu tử thiêng liêng của các bà mẹ.
Ấn tượng nhất trong vở kịch này là diễn xuất của cô Ái Như, một mình cô cân cả 2 vai: người mẹ chính (dì Tư) và người mẹ bị tâm thần của cô giáo Nga. Cảnh xúc động nhất là cảnh cô giáo dắt người mẹ tâm thần về nhà, một người có dung mạo giống hệt với dì Tư, trong sự ngỡ ngàng của Hiếu và Thảo. 2 đứa con ngỡ như mẹ mình sống lại, nhưng không, đấy là một người hoàn toàn khác. Mình thích cô Ái Như trong vai người mẹ tâm thần hơn chút, không cần thoại gì nhiều, chỉ cần những cử chỉ run run, nửa tỉnh nửa mê, luôn miệng gọi tên 2 đứa con bị mất trong tai nạn giao thông của bà (chị em của cô giáo Nga). Câu hỏi của cô giáo Nga với Hiếu: “Môt người mẹ bị mất con và một người mẹ bị con ruồng bỏ, ai sẽ đau đớn hơn?” cũng là 1 câu thoại rất ám ảnh. Người mẹ nào của Ái Như cũng làm người xem đau đáu, bởi trong nghịch cảnh nào, chia xa con cái cũng làm trái tim mẹ đau đớn.
Đi xem để thấy mình may mắn khi còn mẹ, và để yêu mẹ tôi hơn nhiều nhiều lần <3<3<3

(Ảnh: FB Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh)



Monday, 5 August 2019

Regression là gì thế, có mài ra ăn được không?

-Viết vài dòng nhân lúc lười học-
Mình học Đại học bằng Cử nhân Định phí, đại loại là cũng được dạy dỗ cẩn thận lắm, nhưng nhìn lại mấy năm Đại học cũng chả nhớ học cái gì. Học với tinh thần chống chế, toàn đi ca múa kịch cơn, tốt nghiệp được là mừng như trúng động đắc. Hàng ngày đi học thao thao đủ các loại phân phối tới xác suất ông chồng bà vợ mua chung gói bảo hiểm mà có 1 người lên đường sớm thì nhận được cái gì, tính thì tính thôi mà tư tưởng rằng mấy thứ này là gì thế, giúp ích gì được cho xã hội không. Thắc mắc tới ngày ra trường vẫn chưa thực sự hiểu ngành mình đang học có thể làm được những gì.
Cũng may trường bắt học 2 môn ngoài chuyên ngành về giao tiếp con người với khoa học, mình còn thấy hóa ra Đại học cũng dạy mình những thứ thiết thực. Như là cái môn khoa học chọn học về IT & Đời sống chẳng hạn, nửa đầu dạy cho ít code Notepad++, xong bắt làm 1 cái website đơn giản, mình nhìn ngay ra được rằng ờ mình đang học vỡ lòng thì sản phẩm mình tạo ra nó được vậy thôi, học cao siêu hơn thì thứ mình làm ra sẽ là những trang web đẹp lộng lẫy có ích cho nhiều người cần tới nó.
Chắc vì vậy nên mình thấy mình thuộc tuýp học hành “thực dụng”, phải hiểu cái mình học sẽ dùng vào việc gì mới có hứng thú để học tốt được.
Như ngày đó học tính mấy cái xác suất sống chết để dựng lại cái bảng mort của nước Anh, cảm thấy vô bổ vãi chưởng. Đang sống ở Úc, người thì Việt Nam, nước Anh ảnh hưởng gì tới tôi mà phải học. Vậy mà giờ đây, ngày ngày vẫn lôi văn mẫu của cố nhân ra giải đắp thắc mắc cho quý vị gần xa rằng hệ số quyền lợi abc phụ thuộc vào hằng hà sa số tỉ lệ sống khỏe mạnh của quý vị và tỉ lệ này thay đổi theo ngần này thứ. Rằng số 1 nó đánh trên đầu số tuổi hay trên đầu số năm là 2 thứ hoàn toàn khác nhau, để cho chữ A đứng yên hay gạch thêm cái thanh trên đầu nó cũng rất ảnh hưởng. Ảnh hưởng vào ngay tài chính của những người rất gần gũi xung quanh giống như gia đình mình, những người đã tin tưởng mua 1 sản phẩm nhân văn để bảo vệ và chi trả cho những lúc không may nhất của đời người.
Vậy thực ra học có thừa không. Chắc là không rồi đó. Có thể chưa thấy nó liên quan gì tới cuộc sống của mình, nhưng vài năm sau đó, như cái cách mình đang nhìn lại ACST255 và 355 mấy năm trước, có lẽ các thầy cô và sách vở đã không dạy cái gì là thừa cả.
Ok, vậy là regression có và sẽ mài ra ăn được hen! Đi học bài tiếp vậy : )))

Sunday, 26 May 2019

Ams2 và những cảm nhận

Bạn biết bạn thực sự đã là người lớn khi người thân hỏi ý kiến bạn về chuyện học hành của trẻ con trong nhà.

Sáng nay, chị hỏi cho cháu học cấp 2 ở đâu là tốt.
“Ams chị nhé” – mình trả lời ngay và luôn, không phải suy nghĩ gì cả.

Mình lớn lên ở Ams nên có tình yêu bất dịch với thương hiệu ấy, dù có những phân tích và cả kinh nghiệm của cháu chắt lứa sau trong nhà học Ams cấp 2 cũng không phải toàn tốt đẹp như mình.
Môi trường học tập của cấp 2 Ams là yếu tố quan trọng đầu tiên mình rất yêu. Học sinh muốn chuyên sâu môn nào, ngay từ cấp 2, tha hồ dành thời gian nhiều cho nó mà không bị thầy cô ép uổng gì. Đặt điều kiện này trong giáo dục Việt Nam khi cấp 2 vẫn học 13 14 môn và tinh thần học đều các môn thì đây là điều tốt. Tới đầu lớp 9 là các bạn đã xác định được mình muốn thi chuyên gì vào trường cấp 3 nào rồi nữa, thầy cô không cần nói gì quá nhiều, chủ yếu là đi bên cạnh định hướng hỗ trợ.

Nói về thầy cô thì mình yêu hết các giáo viên cấp 2 ở Ams. Đương nhiên về mặt chuyên môn giảng dạy, không phải ai mình cũng thấy hợp vì còn phụ thuộc vào sở thích bản thân học trò thích môn này môn khác, nhưng mặt bằng chung là thầy cô nào cũng thấy dạy hay. Cách dạy của thầy cô mình tại thời điểm đấy, mình đã thấy sáng tạo hơn bạn bè mình ở các trường khác. Khi các bạn học tiếng Anh chỉ là đọc hội thoại từ mới trong sách giáo khoa thì mình đã có bài tập thuyết trình theo chủ đề bằng tiếng Anh, dùng slideshow trình chiếu. Có các bạn học cả 2 năm cuối cấp 2 không được thí nghiệm lí hóa lần nào thì mình đã được lắp mạch điện rồi đổ dung dịch hóa chất nhiều lần. Nhưng cuối cùng những điều mình học được ở thầy cô trường Ams không hẳn là kiến thức, nó nhiều hơn là những kĩ năng trong cuộc sống đến từ những chuyện nho nhỏ.

Đầu tiên là chuyện học tiếng Anh. Hồi trước mình ghét tiếng Anh lắm vì nghĩ rằng không có khiếu với ngoại ngữ nên bỏ vậy, học được bao nhiêu thì học, suốt ngày Toán Lý Hóa thôi. Nhưng 2 năm cuối cấp 2 học cô PL là câu chuyện khác. Trên lớp cô hay kêu đọc bài, kêu trả lời, kêu đóng kịch, kêu thuyết trình, kêu tóm tắt, v.v. đủ thứ cả, dù muốn hay không cũng phải tham gia vào vì có chấm điểm mà. Dần dần mình cũng thấy không phải là mình dốt ngoại ngữ gì, chỉ là đầu mình cứ nghĩ là không học được nên sợ, không đầu tư cho nó. Câu chuyện 2 năm ấy vượt ra chuyện học tiếng anh, nó là chuyện xây dựng kĩ năng và sự hiểu biết rằng có những thứ dù mình ghét nhưng phải học, và khi mình có tập trung thì mình sẽ làm được. Chuyện này cô PL không bao giờ biết, nhưng mình cảm ơn thật sự 2 năm lớp 8 9 học tiếng Anh cô dạy trên lớp, nơi mà về mặt kiến thức không được xem trọng như chuyện học thêm, lại có ảnh hưởng lớn tới cách mình tiếp cận các vấn đề sau này. Sẵn nhắc chuyện học tiếng Anh, các phụ huynh mà thấy con mình kêu cô giáo tiếng Anh trên lớp phát âm không chuẩn thì cũng nên có vài lời với con. Thầy cô là những người bình thường thôi, họ cũng giống các con đang học 1 ngoại ngữ khác, không phải ai cũng phát âm chuẩn được. Chuyện học ngoại ngữ nó còn là học kĩ năng, học 1 nền văn hóa mới, chứ đừng để ý quá tới chuyện thầy cô đọc sai đôi ba từ, con sẽ không thấy được các kiến thức hay ho khác thầy cô truyền tải.  

Tính mình cũng hay nhớ lâu nên có những chi tiết nho nhỏ hồi ở Ams 2 mình nhớ lắm. Năm lớp 9, thằng bạn mình học thi chuyên Hóa mà nên nó giở Hóa ra làm trong giờ Địa, vào số đầu bài. Tới tiết Hóa cô H thấy thế chỉ gọi lên nói nhẹ nhàng, cô biết nó thích Hóa nhưng cần tôn trọng giờ dạy của các thầy cô khác. Chỉ có 1 câu đấy của cô H thôi mà mình nhớ tới giờ, nó là sự tôn trọng cần có đối với người xung quanh, nhất là những người ấy lại còn là tiền bối của mình.

Hay như thằng quỷ sứ ngồi cạnh, đợt cuối năm lớp 9 cô T có bắt cả lớp làm đề thi thử vào lớp 10 2 môn Toán Văn rồi nộp cô, hàng tuần cô nhờ người chấm rồi vào điểm theo dõi điểm từng tuần sát sao lắm. Nó thốt ra 1 câu mình cũng giật mình: “Tao nói thật chúng mày phải thấy không ai chủ nhiệm có tâm như bà này. Không ai rảnh đi nhờ vả chấm bài cho bọn mình thế này được.” Có lần mình kể cô T cũng ngạc nhiên, hồi đó mà các con cũng biết nói được vậy là cô quá mừng. Mình học được sự trách nhiệm trong công việc, nhất lại là liên quan tới trẻ em, từ những người đi trước như vậy. Còn nhiều giáo viên khác lắm, thầy cô nào cũng hay, mỗi người đều để lại ảnh hưởng nhất định tới suy nghĩ và cách ứng xử của mình sau này.

Dù sau này mình có nghe, nhận xét từ phụ huynh lứa cháu mình cách mình khoảng vài năm sau kêu là giáo viên cấp 2 ở Ams không phải xuất sắc như phụ huynh mong đợi, không sâu sát với học sinh. Nhưng mình thì lại nghĩ tính chất ở Ams không phải là môi trường mà thầy cô ngồi cạnh tận nơi chỉ tay học hành hay lấy tỉ lệ học sinh đỗ cấp 3 vào các trường top là thước đo. Ở đó là môi trường cởi mở, nuôi dưỡng và định hướng cách học sinh tự học và tự tìm ra sở thích của mình, trong quá trình đó có thầy cô và bạn bè đồng hành cùng rất tích cực, chứ không phải kèn cựa, ghét bỏ gì nhau cả. Đương nhiên là ở trường Ams, đặt trong bối cảnh chung của giáo dục Việt Nam, vẫn phải theo những chuẩn nhất định để học sinh có thể thi cử các kì thi chung đạt điểm cao, nên có 1 vài thứ học sẽ thấy không hấp dẫn, không hiệu quả. Như chuyện học Lý Hóa, tới năm lớp 11 ở Úc mình học tới chương về phân tử của nước cứ nối đơn nối đôi gì đó, là mình mất hết kiên nhẫn với Hóa. Tới lúc đó mình hiểu là vì lúc học Hóa ở nhà là mình học Toán nhiều hơn là Hóa, mình giải quyết các vấn đề cụ thể trước mắt như tôi có ngần này kí bột hòa vào ngần này lít nước ra ngần này khí. Đó là Toán, không phải Hóa. Về bản chất phương trình ấy nguyên tử phân tử kết hợp với nhau sao để tạo thành chất mới thì mình không có nhu cầu để hiểu, như vậy không phải là mình thích khoa học. Hay như cách học Văn cô cứ tự phân tích 1 tác phẩm có những ý này, ý kia, học sinh chép, mình không hiểu lí do tại sao phải học tác phẩm ấy. Nhưng thôi đấy là vấn đề vĩ mô của cả nền giáo dục rồi chứ không phải là điểm tệ của trường Ams.

Môi trường học rất quan trọng tới sự phát triển của đứa trẻ. Môi trường, trường học nào cũng có điểm được chưa được nhưng cuối cùng là ở cách đứa trẻ thích nghi thôi và nó học được những gì trong quá trình thích nghi đó. Vậy thôi, chúc cháu tôi và các cháu khác thi tốt và chúc các bố mẹ có con chuyển cấp yên tâm chọn trường :D

Sunday, 12 May 2019

Văn Mai Hương - "họa mi cung thiếu nhi" trưởng thành

Mấy cô ca sĩ nữ, cô nào cứ trải qua hôn nhân tan vỡ, lận đận tình duyên là y rằng hát hay hơn hẳn, tiếng hát nghe sâu ngay. Có mấy cô nhạc nhẹ mình hay nghe: Thanh Lam, Hồng Nhung, Thu Phương, Thanh Hà, Hồ Ngọc Hà, bà nào hát nhạc tình cũng hay… và cũng hơn 1 đời chồng. Tội dễ sợ!
Văn Mai Hương thì chưa có chồng nhưng vừa trải qua 1 cuộc chia tay có vẻ là sâu sắc theo như lời tâm sự của người trong cuộc, bảo sao hát “Anh cứ đi đi” quá hay luôn!!!
---------
Mình biết tới tên Văn Mai Hương từ hồi nàng ấy vẫn còn tết tóc 2 bên đeo khăn đỏ. Các chương trình ca nhạc dành cho thiếu nhi và những chương trình truyền hình trực tiếp cần sự xuất hiện của thiếu nhi trên VTV thế hệ mình lúc đó có mỗi 2 câu lạc bộ thiếu nhi chia nhau diễn, đó là CLB Họa Mi của Cung Thiếu nhi và Nhà văn hóa Ba Đình. Thỉnh thoảng sự kiện đặc biệt thì có CLB của NSND Tường Vy vì CLB ấy dạy âm nhạc cho các bạn bị khuyết tật. Văn Mai Hương sinh hoạt ở đội Họa Mi của Cung, cùng với Thảo My Idol (top 5 VN Idol mùa Yasuy, Hoàng Quyên). Cùng lứa đó bên Nhà văn hóa Ba Đình có Hoàng Yến Chibi, giờ cũng có chút tên tuổi trong showbiz.
Năm 2010 Hương thi Idol, là thí sinh nhỏ tuổi nhất của cuộc thi (mới 16 tuổi) và tiến sâu tới tận chung kết. Hương để lại ấn tượng với 1 giọng hát trong trẻo, cao vút và có kỹ thuật, tuy nhiên chưa rõ ràng tính cách. Hương không có phần trình diễn nào bùng nổ hay để lại ấn tượng mạnh như “Đường cong”, “Chỉ là giấc mơ” của Uyên Linh, nhưng với từng tuần ổn định, Hương cứ từ từ tiến vào chung kết, chứ Uyên Linh có 1 tuần suýt bị loại do bình chọn thấp nhất may mà có 1 thí sinh xin dừng cuộc thi. Mình nhớ năm đấy có bình luận đại loại là chẳng qua Uyên Linh hay quá nên thắng xứng đáng rồi, chứ Văn Mai Hương cũng không kém cạnh gì đâu.
Sau cuộc thi, Hương xây dựng hình ảnh cho mình là 1 cô ca sĩ mới lớn trẻ trung năng động nhưng không phải kiểu teenpop. Nhạc của Hương sôi động và tràn đầy năng lượng, thứ năng lượng tích cực của tuổi trẻ chứ không bi lụy kiểu “Anh muốn em sống sao!”. Năm 2011-2012 Hương có 1 loạt hit “Nếu như anh đến”, “Ngày chung đôi”, “Chuyện tình nhà thơ”, làm mưa làm gió trên Zing, đi quán xá nào cũng thấy bật, nghe riết nghe hoài không chán, hình như phát cả trên máy bay Vietnam Airlines. Sau đó Hương ra “Tìm” với Trúc Nhân, “Thời thanh xuân sẽ qua” với Phạm Hồng Phước, Hương thay đổi hình ảnh và cả giọng hát của mình từ 1 cô gái teen mới lớn yêu đời thành cô gái trưởng thành, sợ chia xa, thích ngắm hoàng hôn với người mình yêu. Âm nhạc của Hương giờ cũng trưởng thành và nữ quyền như chính cô ấy nhưng vẫn tiệm cận công chúng, mấy bài mới Mona Lisa, Beautiful giai điệu khá bắt tai. Nói chung Idol năm ấy đến giờ có Văn Mai Hương, Trung Quân và Bích Phương, họ nhanh chóng xác định rõ con đường của mình, có thị phần khán giả riêng và sở hữu những bài hit có tầm ảnh hưởng. Mình rất thích nhận xét của 1 người bạn mình về Hương: “Uyên Linh có lợi thế về giọng hát, cách xử lí bài dễ gây cảm xúc cho người nghe nhưng cá tính âm nhạc, con đường lựa chọn của Văn Mai Hương đã giúp cho cô ấy thành công.”

Gặp người Hà Nội tại Sydney

Nói gì thì nói em đôi lúc vẫn có tính chuộng hình thức của Bắc bộ, ví dụ thấy người ta ở Nguyễn Chí Thanh thì auto ngay nhà này hoặc quyền uy lắm, chắc CoCC, hoặc là cực giỏi giang mới được thế. Chứ thật ra thì thấy người trong cuộc ở làng Láng thì em cũng biết rồi, vẫn còn nhiều thứ “phép vua thua lệ làng” lắm )
Nên thật ra với bạn bè Hà Nội mới, khi tiếp xúc sau này, em thỉnh thoảng vẫn bị tâm thế của kẻ underdog sau khi biết được danh môn gia quyến. Hà Nội thì Hà Nội thôi, chứ Mã Mây với mấy cái Hàng nó vẫn ở level khác, Đống Đa vẫn cứ phải hơn và bét nhất có Thụy Khuê thì vẫn là chùm. Dân bờ sông nhà em chưa có cửa sánh với mấy chỗ đấy. Kiểu bà con Liverpool bên này nhìn North Sydney với con mắt thèm thuồng, chứ biết đâu trên đấy khối ông “trọc phú” ). Btw, mới biết cái dân phố cổ có học hành gì đâu, toàn con buôn kẻ chợ gia truyền. Thực ra giờ để ý hơn nên em thấy cũng có đặc tính khu vực phết, ví dụ lứa vào Ams 2 năm em lấy 180 cháu thì riêng trường Kim Liên đỗ 54 bạn, còn nếu cả quận Đống Đa chắc chiếm luôn 50% số lượng lol; Tây Hồ 10 bạn (tính theo địa bàn trường thôi chứ 1 nửa số này là uống nước Ba Đình); Hoàn Kiếm nhớ mỗi 1 bạn học cùng còn cả khối chả biết ai; còn đâu số lượng còn lại các quận kia chia nhau.
Đại loại sáng nay đang ngoài bến thấy 1 cặp vợ chồng trung niên loay hoay táp lên táp xuống không được cái thẻ tàu, lại thấy lồ xồ tiếng Việt với nhau, em biết ngay là diện ông bà sang chăm bà đẻ lần đầu rồi ). Em thì vẫn kêu là mật độ người Việt dạo này sang Úc tăng chóng mặt, nhưng ở khu nhà em mà nghe thấy tiếng Việt thì em vẫn xúc động bồi hồi như 6 năm trước thôi, chưa bao giờ giảm )). 2 bác già có người giúp sướng quá, bắt chuyện từa lưa. Mà người ta tinh lắm, nghe giọng phát biết ngay đồng hương, hỏi luôn ở Hà Nội nhà cháu ở đâu, chứ không bình thường câu đầu tiên sẽ là “Cháu người ở đâu?”. Hehehe ok good, Hà Nội với nhau thì 2 bên style cởi mở, chứ khác vùng là Hà Nội trẻ này cũng lại auto ý nhị, lịch thiệp, style kiểu sang chảnh chứ không nói chuyện 10 phút như thế ))
Hỏi thăm nói chuyện thì 2 bác này ở Hàng Bún, em kiểu ối giồi, xong, địa bàn nhà mình mà thế hệ này là người ta biết rõ hang ổ rồi. Đang “tung tích mờ ám” không ai biết nó quen, nhưng thôi kệ )
"Cháu ở An Dương ạ, bác chắc biết khu này?” – em vẫn tỉnh nhưng nói chung là cũng vui đi
“Biết quá chứ, tuổi thơ của tôi xuống đó nghịch cát ngoài bờ sông đấy.”
“Nhà cháu ở chỗ trường Tài chính à?” – bác trai hỏi tiếp, câu này không chuẩn lắm nhưng cũng không sai
“Dạ không chỗ đó Nghĩa Dũng bác ạ, nhà cháu An Dương là ở dưới nữa” – may là thân mẫu nhà tôi suốt ngày nhắc kỉ niệm học trò nên em cũng còn biết biết.
“Thế chắc nhà cháu ở chỗ khách sạn Thắng Lợi rồi.” Hahaha thế xịn quá bác ơi!
“Dưới đó thì thoáng đãng, chắc nhà cháu phải rộng lắm. Dưới đó ngày xưa không ai thèm thôi, chứ giờ là ĐẤT VÀNG rồi.” – đại ca lại còn bồi thêm câu này ))
Vàng thì không phải rồi, chứ cháu đây ở Úc cũng gọi là có “thâm niên” đôi chút trong lứa học sinh, lần đầu tiên, ở Úc, có người tường tận về “nguồn gốc xuất xứ” của cháu thế thì còn quý hơn vàng ấy chứ )
Bác nói “gặp được người Việt, lại còn người Hà Nội tại Úc nữa bác rất xúc động!”, còn cháu xúc động gấp 10 lần bác ạ!
P/S: Nghe “tiếng chuông“ này hát giữa hồ Gươm, bài hát loa phường nữa là chuẩn cho 1 ngày nhỉ!
(Sydney 29/11/2017) 

"Những giấc mơ dài"

Mỹ Linh 20 năm nay vẫn luôn hát những bài hát cũ, cả năm chỉ nghe đôi lần, nhưng có thể nghe từ năm này sang năm khác không chán.
"Những giấc mơ dài" có rất nhiều phiên bản, nhưng bản hát cho nhạc phim trong bộ phim cùng tên vẫn là bản da diết nhất Mỹ Linh từng hát.
Những năm 04 05 phim văn nghệ chiều chủ nhật phim nào cũng hay, cũng chất lượng. "Những giấc mơ dài" kể về câu chuyện vụng trộm của Mạnh Cường và Kiều Thanh, 2 người được coi là thành đạt trong xã hội, nhưng trở thành 1 người ngoại tình và người kia là người thứ 3 phá vỡ hạnh phúc của 1 gia đình đang yên ấm. Tầng lớp nào của xã hội cũng có những oan trái của riêng họ!
Nhớ lại ít nhiều về nội dung phim, rồi đọc lời thì thấy bài hát "Những giấc mơ dài" quá hợp! Thay lời muốn nói cho uớc mơ của Kiều Thanh trong phim, ước mơ ấy không nên thành sự thật:
"Và rồi từng đêm em mơ em mơ
Giữa những đắm say bên nỗi đau
Vẫn biết rằng tình yêu đến không như giấc mơ
Vẫn muốn bên anh, bên anh ấm nồng
Tựa như một giấc mơ dài có nhau"
...
(Tp.HCM 17/09/2018)

"Điều gì đến sẽ đến"


Nhà đông người, trẻ con lứa nào cũng có nên tôi một phần cũng biết được nhạc trẻ qua từng thế hệ. ƯHP và PQA rơi vào lứa đầu 9x, nhà này cũng nhiều fangirl fanboy cặp này lắm. Thời buổi Làn Sóng Xanh đã hạ nhiệt mà các nhóm nhạc MTV, Biển Xanh, 1088, v.v. cũng không có bài gì hay, ƯHP, mà đứng sau đó là Wepro của Quang Huy, mở ra 1 trào lưu hát nói. Ca khúc thì bớt vẽ mây vẽ trăng lãng mạn, tình yêu là cứ cụ thể, nói sao hát vậy, điệp đi điệp lại, kiểu "Người ta cứ nói đừng quá yêu" rồi "Thà như thế thà rằng như thế" của ƯHP, "em yêu anh tới từng tế bào" của PQA. Nói chung là nghe rất kì và gây tranh cãi. Bỏ qua mấy chuyện âm nhạc lời ca không hoa mỹ thì sức hút của dàn ngôi sao Wepro thời đó khá kinh khủng, oanh tạc bao nhiêu sân khấu lớn nhỏ, CD DVD làm to như quyển album ảnh mà bán ra kinh dị. Theo như nhận định của bà chị 9x yêu quý của tôi thì không khác gì Sơn Tùng bây giờ.
Với bài hát mới này của 2 người, không phải tôi bồi hồi vì thấy tuổi thơ gì cả (vì hồi đó tôi bị "ép nghe" cặp này chứ không có thích lắm), mà thấy thời gian trôi qua nhanh thật. Sau hơn chục năm, ƯHP hay PQA không còn là thần tượng tuổi teen của một lứa thế hệ nữa, họ song ca không còn giận hờn oán trách "Nợ ai đó cả thế giới" hay "Anh không muốn bất công với em" mà màu sắc MV cũng chả tươi vui nhảy tưng tưng như mấy cái MV hồi xưa. Họ đã rất khác, đủ để khán giả của họ thấy được sự từng trải và điềm tĩnh trong giọng hát để chấp nhận "Điều gì đến sẽ đến".
P/S: Các ca sĩ nữ sau đổ vỡ hôn nhân cô nào hát cũng đằm, cũng cảm xúc hẳn lên. PQA như đang hát câu chuyện của chính mình vậy.

(Tp.HCM 30/09/2018)

https://www.youtube.com/watch?v=71iYz7kkh4Q&utm_source=Facebook_PicSee&fbclid=IwAR2CQHIGG1hbO_zKfUVEgw6CDk75UXnJdgUMtunpW5n_e4eoOjvzSugb6_g

Anh Khang - hát hay & hát tốt

Anh Khang, Thùy Chi, M4U, 3 cái tên ấy coi như là tóm tắt hoàn hảo cho một thế hệ điên cuồng đọc Hoa học trò và nghe đĩa 2!.
Lần đầu nghe Anh Khang trên sân khấu Tuổi đời mênh mông, cùng với Tạ Quang Thắng, 2 học sinh trường Héc-man Gờ-mai-nơ (vẫn chưa bao giờ phát âm đúng được tên trường này, mà giờ trường này còn tồn tại không ấy nhỉ?), mang đến bài ca "Đi học" đệm guitar mộc như một quả bom tấn cho nhiều lứa học sinh ngày ấy. Sau đó là hàng loạt bản cover dân ca Bắc Bộ, "Bèo dạt mây trôi", "Hoa thơm bướm lượn", "Cò lả", và kể cả những bài tươi vui hơn sau này của Khang tự sáng tác như "Anh mơ", "Ngày mai nắng lên anh sẽ về", chúng tôi vẫn thường nghe cho đến bây giờ, vẫn khen hay và vẫn nghêu ngao như cả mười năm trước. Và tự hỏi, giọng mái đặc biệt ấy giờ đâu rồi nhỉ?
Cùng thế hệ, nhưng Khang không chịu thầm lặng hút người nghe online như Thùy Chi. Theo cô chị Ngọc Anh, chàng trai ấy giờ đi Mỹ, thi Vstar tới 2 lần và đã chiến thắng để "danh chính ngôn thuận" đầu quân cho Thúy Nga. Như một khuôn mẫu, ca sĩ đi hải ngoại buộc lòng phải chiều khán giả nơi đó, không thể không hát nhạc xưa. Khang hát thính phòng Ngô Thụy Miên, Lam Phương, hát bolero vẫn kiểu luyến láy ấy, lạ tai, nhưng thấy thợ và chuyên nghiệp quá, hát thôi, không còn thấy tâm tư như trước nữa.
Hát tốt với hát hay, khác nhau mà!!

Du học - chuyện về hay ở

Hôm nay đi dự Open Day cho trường, thấy các bạn các anh chị, quan tâm bên cạnh chuyện du học còn là chuyện định cư muôn thuở.
Đại diện nhà trường chỉ trả lời mỗi câu: "Mọi quyết định đều mang tính thời điểm". Mình thấy không thể chuẩn hơn!
Nhớ hồi mình chuẩn bị về hẳn, có anh chị quen mình lâu rồi nghe tin inbox riêng hỏi thăm , tưởng nói đùa. Có anh còn nhắn hỏi mình hẳn hoi, không logic được sao em ở Úc một thời gian tương đối rồi, học cái ngành không mấy người học, bằng cấp đầy đủ, ngành thuộc diện "không cạnh tranh", thừa suất, đường hoàng có trong danh sách ở lại mà em không ở lại )
Mình không phải là đi ngược chiều gì, mình là người bình thường trong cộng đồng ấy, mọi câu chuyện và những thay đổi liên quan xung quanh đời sống di trú mình nhảy dựng lo sốt vó nhiều lần rồi, dù người ngoài nhìn vào thì xếp nó thuộc diện không care ). Nhưng chuyện ở lại hay đi về, không phải cứ muốn là được. Có những thứ chỉ là lượng sức, chưa đủ tuổi đủ điểm, thì mình không muốn quanh năm đi đổi mấy cái visa tốt nghiệp với visa học sinh, đăng kí học ma, chỉ để ở lại đi làm chờ thời. Mình không lên án, nhưng không lựa chọn vậy thôi. Mình muốn có một cái nghề chính để xây dựng cuộc sống từ nó, không muốn làm 2-3 jobs và đổi liên xoành xạch chỉ để kiếm sống. Quyết định đi về của mình lúc đó là tổng hòa của rất nhiều yếu tố như chán Úc, muốn thay đổi môi trường khác, sợ ở lâu một chỗ hay ở một môi trường đã bão hòa rồi người ngợm ì ạch, chưa đủ khả năng để đường hoàng ở lại, gia đình không nuôi ăn học để thành bà Tiến sĩ được, thấy nhiều người cuộc sống chỉ xoay quanh chuyện định cư không còn quan tâm tới những thứ khác thì không muốn mình như thế, v.v. Thế nên đi về thôi. Và về rồi, thấy chả có gì phải ngại cả, cuộc sống, công việc, mọi thứ đều tốt. Còn tương lai, vẫn luôn không đảm bảo, du học sinh mấy nước dễ định cư hơn như Úc hay có tính lo xa lắm, lo xa quá bể xô hết, nên thôi nghĩ ngắn, lo ngắn ngắn thôi cho nhẹ đầu.
Tóm lại, "mọi quyết định chỉ mang tính thời điểm". Thấy hợp lí với mình tại thời điểm ấy là làm!
(10/11/2018)

Film Người bất tử

Phim "Người bất tử" có khá nhiều gương mặt diễn viên gạo cội của truyền hình, NSND Bùi Bài Bình, NSUT Chiều Xuân, NSUT Kim Xuân và "Giám đốc" Hòa (nghệ sĩ Văn Báu - cảnh sát hình sự). Mỗi người một nhân vật phụ và xuất hiện không nhiều trong phim, không có điểm nào để nhớ ở cả 4 nhân vật. Chưa kể sạn trong lời thoại của NSUT Kim Xuân "Cô đang được triệu hồi" nghe cứ "nghịch nhĩ" sao sao, không Việt lắm. Và tự dưng cuối film ông cảnh sát đi tìm Madame Nhung (NSUT Chiều Xuân) vào căn biệt thự làm đủ trò. Madame Nhung là bà giúp việc ngày xưa thấy cậu Khang nhảy lầu hả hay ai vậy? Mình không hiểu lắm dụng ý mời tới 4 gương mặt kinh điển trong 1 bộ phim thương mại ra rạp thế này.
Phim không dở, quay đẹp, cảnh đẹp, nhưng xem xong không hiểu lắm. Chê cũng không dám chê, nhưng chắc chắn không thể khen được. Thấy vô duyên nhất đoạn đang rượt đuổi trốn thoát trên núi tự dưng "Tôi đi thắp nén nhang những ngày đầu năm." Liên quan ghê luôn thật sự!!
Thích mỗi đoạn anh Hùng chị Duyên ra thung lũng đùa giỡn rồi lồng nhạc "Ngày chưa giông bão" vào này:
"Ta yêu sai hay đúng,
Còn thấy đau là còn thương
Khi bão qua rồi biết đâu sẽ đi tới nơi của ngày đầu..."
Nhạc của Quỳnh, nhưng Bùi Lan Hương hát nên nó đỡ "ngắn lưỡi", phát âm rõ ràng cảm xúc hơn hẳn!

(Tp.HCM 11/11/2018)

Trượt tốt nghiệp khi đi du học - Bình tĩnh, rồi sẽ ổn!

Năm 2016 đúng ra là năm cuối ĐH của mình (mình học Cử nhân 3 năm). Nhưng đó lại là năm mình fail nhất trong việc học, vì thi cái gì cũng trượt đầu nước, và vì trượt nên dẫn tới hệ lụy sau đó ngoài tầm kiểm soát của mình.
Ngày có điểm kì cuối thực sự sợ, khóc như mưa. Lúc đó là cả ngàn câu hỏi hiện lên trong đầu. Giờ thi trượt môn này mà kì hè không có, kì 1 năm sau cũng không có cho mà học lại. Học cái ngành thì cả bang có 2 trường dạy, tìm cả trường hàng xóm xem có môn nào tương tự ngay kì 1 sang năm không để đăng kí học luôn thì trường kêu bên đó dạy dễ lắm, mang về đây không công nhận nhé. Tìm cả dưới Melbourne cũng không có. Rồi tất cả những môn có thể học thay cho môn trượt này rơi vào kì 2, thì kì 1 làm gì. Học cái gì nữa, đủ tín chỉ rồi, chỉ tốn tiền. Mà về VN thì làm cái gì nửa năm, ăn ở không ở nhà ai nuôi trời.
Nghĩ tiếp hệ quả, mà cái này nghĩ đến thôi là sợ run luôn. Mẹ chỉ chuẩn bị cho đi học có 3 năm, tự dưng giờ thi trượt phải học thêm nửa năm nữa tiền đâu ra đóng học. Vẫn biết rằng bà Lùn không phải tuýp người nước đến chân mới lo, chuyện nào cũng quên chứ chuyện học phí của con là bà rất nhớ và căn ngày rất chuẩn để chuẩn bị, nhưng cũng không phải dư dả gì. Giờ như vậy biết nói với mẹ sao? Đấy còn chưa kể đến chuyện gia hạn visa, sinh hoạt ăn ở cho nửa năm chỉ để học có 1 môn còn nợ.
Trên tất cả những vấn đề ấy là sự mất hết tin tưởng vào khả năng bản thân mình. Tại sao người ta tốt nghiệp được Đại học mà mình đã làm cái gì để mà không tốt nghiệp đúng hạn được? Và vì như thế mình kéo theo cả gia đình phải cố gắng thêm 1 năm nữa vì mình có đáng không? Đã không tốt nghiệp được đúng hạn thì chớ, lại còn trượt thêm cả cái học Thông dịch viên. Thiếu đúng 1% nó mới đau xót, thà nó điểm kém hẳn đi. Coi như cả 1 năm có 2 việc chính phải làm, thì tạch cả 2!!
Lúc đó thật sự chán!!! Nhưng dù vấn đề lớn nhỏ của bản thân như thế nào cũng phải chia sẻ. Nói với ai cũng được, phải nói ra. Và rất quan trọng, phải nói với người mà mình sợ phải thông báo những vấn đề này nhất. Mình thì không sợ bà Lùn mắng, nhưng mình thương thật sự. Bà Lùn lúc đó tiếp nhận tin này như một tin bình thường hàng ngày, dù mình biết thừa trong lòng cũng rối như tơ vò những vấn đề y hệt mình đang nghĩ. Mẹ con nhà này đủ thân để đồng điệu cả suy nghĩ của nhau. Lúc đó mẹ chỉ nói mỗi câu: "Thôi không sao. Coi như 6 tháng con về với mẹ." Cuối cùng là 6 tháng tít mít trong Nam, có thèm về với bu đâu. Rồi đến lúc quay lại học thì như huyền thoại cho cả lứa VN ở trường, thi trượt không tốt nghiệp đúng hạn không sao, có cái Hương nó vẫn cười phớ lớ kia kìa ) Bởi từ sau chuyện này mình mới thấy, có đúng có sai gì cũng phải nói với bố mẹ. Người lớn vẫn luôn bình tĩnh và tâm lí ổn định hơn chúng ta nhiều. Mình lớn rồi, sớm muộn cũng sẽ tự tìm ra giải pháp cho mình, nhưng vai trò của bố mẹ rất quan trọng, ít nhất trong những lúc rối như canh hẹ, bố mẹ đảm bảo được sự bình tĩnh cần thiết cho những đứa trẻ của mình.
Bởi thế về mặt bố mẹ, đừng bao giờ cho con đi du học nếu như đứa trẻ chưa ý thức được về bản thân, về xung quanh và tâm lí sẵn sàng. Còn các bạn đi du học, có vấn đề gì cũng phải nói ra, không được giữ cho riêng mình, vì để lâu dài rất nguy hiểm vì mình chỉ sống một mình. Nói mới giải tỏa được tâm lí bản thân, để rồi mới suy nghĩ tích cực lên được.
Không việc gì phải tự tử, chết chỉ có thiệt mình!!
"“In five of these 10 deaths, the deceased feared parents discovering the failure. In three of the deaths, the failure appeared to have implications for the student’s visa eligibility,” the prevention unit found." - 5 trong 10 bạn tự tử vì lí do thi trượt, sợ bố mẹ phát hiện ra. 3 trong số 10 cái chết này có lí do visa bị ảnh hưởng. Hey ya, một nửa số lượng tự tử vì thi trượt!! Báo động đỏ luôn!!
(Tp.HCM 15/01/2019)