Monday, 29 August 2016

Có 1 thế giới ảo nhưng rất thật

Trong tất cả các ngành cơ bản của Khoa Kinh doanh – Kinh tế, từ ngành thực sự lắm số như cái ngành tôi đang cày, cho đến ngành lắm chữ như Luật thương mại (Commercial Law), thì phải nói, tôi thiếu thiện cảm nhất với ngành Marketing, và nếu ở mặt nghề nghiệp thì sẽ có thêm công việc Sales (Bán hàng) nữa. Bởi cũng phải thú nhận, tôi vẫn luôn có định kiến với những nhà tiếp thị - 1 cách hiểu truyền thống về người làm Marketing. Mấy ông bà tiếp thị phải nói họ có khả năng ăn nói ‘ngọt như mía lùi’, nên vì vậy tôi vẫn gọi vui họ là trưởng ban ‘chót lưỡi đầu môi’, chuyên ‘ăn tục nói phét’, tâng bốc những điều rất tệ để được việc.

Đương nhiên cùng với sự phát triển của công nghệ gắn liền với đời sống, Marketing không chỉ đơn giản là ‘tiếp thị truyền miệng’ như mấy bà đi bán thuốc tẩy thông tắc bể phốt gõ cửa từng nhà như xưa. Nó còn là quảng cáo giấy: in ấn tờ rơi, áp phích, bảng hiệu. Và đặc biệt là quảng cáo trên mạng, với đủ thể loại ảnh tĩnh, ảnh động, video, tương tác bình luận, tin nhắn, v.v

Bị dí ngay cái chân này, cũng chỉ vì đồng bọn nó thấy “sống thật” trên tường nhà quá mà. Thế là cái thứ tôi ghét nhất thì tôi lại làm, chỉ khác, thay vì ‘ăn tục nói phét’ ngoài đời thật, tôi đi ‘chém bão ảo’, trên mạng ảo. Rõ thật là!! Rồi cũng mò mẫm tìm hiểu, thấy cái mạng xã hội, vốn trong tư tưởng chỉ là thứ yếu (tôi ghét ai làm việc, dặn dò quan trọng gì với tôi qua facebook lắm nhé), là nơi lăng nhăng những thứ rất cá nhân, cuối cùng lại thành nơi có những khuôn khổ rất đáng yêu cho ngành quảng cáo truyền thông. Việc quản lí 1 trang facebook cho 1 tổ chức, hay nói dễ hiểu ra là: đăng gì hôm nay, tuần sau viết gì?, tưởng như trò đùa mà lại thành bài toán hóc búa. Viết hay mà dài đã khó, giờ bắt viết vừa ngắn, vừa đủ, vừa thu hút đòi hỏi cả 1 level khác. Viết cho sinh viên 1 giọng, viết quảng cáo cho nhà tài trợ lại 1 giọng khác. Còn chuyện đăng bài giờ nào để thu hút nhiều tương tác nhất cũng thuộc về hên xui, mà làm nhiều vẫn trật:)). May là đây không ai ép chỉ tiêu với tôi cả!!

Rồi từ cái nho nhỏ về câu chữ ấy, tôi biết thêm về PR (Public Relations – Quan hệ công chúng). Cái ngành gì đâu mà cứ phải ‘chim lợn’, cứ tự viết, tự like (thích) trên tường nhà mình trước. Rồi tự share (chia sẻ) về các page (trang) khác, về các group (nhóm) nhỏ mà mình là thành viên, tự comment (bình luận) các vai, các chuyện để bài mình lên top. Gì đâu mà tự sướng thấy ớn! Rồi có hôm ở đâu ra mục viết thông cáo báo chí, đương nhiên là báo người Việt ở Úc thôi, nhưng thấy cũng ‘bốc phét’ dễ sợ, tự chém gió luôn về những điều mình không hài lòng!

Thôi thì cũng cảm ơn về trải nghiệm… rất mới và rất khác này. Tôi đã có được những va chạm đầu tiên về nhánh ngành Marketing online, về những thứ mà mình vẫn cho là không bao giờ nhúng tay vào, là ‘sướng thế, làm việc gì suốt ngày được lên mạng chat’. Còn là những thứ mà nếu không làm, tôi sẽ vẫn nghĩ ‘à không ai rồ đâu nhé, bỏ ra vài trăm nghìn cho cái quảng cáo mười mấy giây trên facebook’ thì giờ đã hiểu tại sao người ta có cả 1 nghề hacker chuyên đi hack like, hack share, hack view, hack thứ tự bảng xếp hạng, hack lượt bình chọn, lượt nghe bài hát trên mạng xã hội. Rồi từ lúc nào cũng sướng phát điên khi Facebook báo về 2 3 tuần liên tiếp page toàn màu xanh, hay tiu nghỉu khi nhìn thấy màu đỏ vì sụt giảm tương tác. Hi vọng những tâm huyết của tôi dành cho công việc mới này sẽ được nhận lại 1 điều gì đó vui vẻ, được thể hiện bằng kết quả thực tế trong vài tuần nữa thôi.

Có 1 sự rất lo nhưng lạc quan ghé qua ta…

Hôm nay, 1 ngày bận vừa phải!

P/S: May quá, sau 2 tuần xuất hiện màu đỏ, tuần này lại xanh rồi :)))


Thursday, 25 August 2016

Hiệu ứng Diva

Có vẻ như sau chương trình The Master of Symphony, hiệu ứng show nhạc Diva vẫn là 1 đề tài chưa bao giờ nguội. Bằng chứng là các nhà tổ chức nghệ thuật ngoài Bắc quyết tâm tổ chức bằng được 2 shows nhạc Diva: Divas’ Night - Ngày xanh – chương trình tri ân khách hàng cuối năm của VP Bank, và mới nhất có “Gặp gỡ mùa thu” – sân khấu lần đầu tiên chỉ với 4 giọng ca Divas có bán vé cho công chúng.

Bàn về cái show Symphony ‘khai mạc’ cho trào lưu này trước. Nói thẳng ra, nếu không vì sự góp mặt ‘dư thừa’ trên khía cạnh nghệ thuật của Thu Phương trong dàn ca sĩ (dù mặt quảng cáo thì hoàn toàn cần thiết) và nhờ cú ngã ‘thần thánh’ của cô, kèm với 1 câu trả lời người hâm mộ rất kém tinh tế của Trần Thu Hà trên trang mạng châm ngòi cho cuộc cãi vã không hồi kết về danh xưng Diva kéo dài trên báo cả vài tuần sau đó, thì quả là hiệu ứng của chương trình mang lại là gì không biết thật? Dù có dàn ca sĩ đáng mơ ước thế kia, vậy nhưng bố cục chương trình chỉ đơn giản là các mợ xếp hàng lần lượt ra hát như văn công thời xưa, và cứ 2 mợ một hát một bài song ca. Hết!

Mặc dù có cái chưa hoàn thiện, nhưng show Symphony vẫn là hay nhất trong tất cả 3 show Diva. Cũng không muốn phân biệt vùng miền làm gì đâu, nhưng tư duy làm nghệ thuật trong Nam, ở 1 khía cạnh nào đấy, họ vẫn hiện đại hơn ngoài Bắc. Mà cái hiện đại trước tiên là ở thẩm mĩ và sự nhận thức được việc phải đẹp. Có thể thấy ngay, sân khấu Nhà hát Hòa Bình đã cho khán giả thấy (dù chỉ xem qua video) là nó có được đầu tư trang trí ở 1 mức độ nhất định: có lấp lánh cườm sao, ánh sáng chiếu thành vạt thành chùm tôn lên người nghệ sĩ (dù có cái bông hoa đại trông như hoa giả hàng Tàu vẫn cắm ban thờ to lù giữa sân khấu rất 'có duyên'). Thế nên ở show Ngày xanh mới có báo ‘chơi khăm’ các mợ, đặt cái tít bài: “Không có Thu Phương, 4 Diva rủ nhau hát ở sảnh cưới”. Chả là cái show VP Bank Ngày xanh kia vào giờ chót phải chuyển từ sân khấu Trung tâm hội nghị Quốc gia to chà bá về cái sảnh cho thuê đám cưới trong cung Việt Xô, chứ nào đâu được hát bên trong rạp Việt Xô. Còn cái sân khấu “Gặp gỡ mùa thu” hôm rồi cũng vậy, chỉ có cái phông nền hiệu ứng chạy ảnh, ban nhạc, nhóm bè ngồi vật vờ ngay sau ca sĩ, ánh sáng cũng chỉ loang lổ vài màu cơ bản trên nền sân khấu, trông rõ chán!

Về mặt nghệ thuật, đồng ý rằng với các show thế này, khán giả tìm đến là để nghe lại được những bài hát một thời đã làm nên tên tuổi của các mợ. Vì thế, việc “món ăn hâm lại” không thành vấn đề, nhưng “hâm lại” như thế nào thì phải tìm cách phù hợp. Và có lẽ, Hoài Sa là người thành công nhất trong việc “chế biến lại” những “đặc sản” một thời của các mợ. Hay bởi vì là lần đầu tiên được hát chung với chị em, trên 1 sân khấu xứng với đẳng cấp của mình, các mợ đã hát như ‘thần sầu lên đồng’. Chỉ biết là ngày hôm đó, mợ Linh xuất thần với “Trên đỉnh Phù Vân”, mợ Lam, mợ Phương đã bừng lên rất vừa phải với “Ôi quê tôi”, “Bang bang”, mợ Bống tươi mới vừa đủ để không bị người ta nói cô đang ‘bán mai’ với “Cho em một ngày”, còn mợ Hà hát “Phố nghèo” và các phần bè trong các tiết mục hát chung đều vô cùng cảm xúc.

Còn đâu 2 shows sau đó, ngoài liên khúc Hà Nội mở màn show Ngày xanh hay tuyệt vời, còn lại gì cho người ta nhớ? Vẫn là những bài hát ấy, bản phối có khi không hay bằng, các mợ lại dính phải hôm đau ốm. Thế là hát hò như ….!! Chưa kể hát sai lời, đảo lời tùm lum, đãng trí vào nhạc nhanh vài chỗ, nếu nghe tinh các bài hát tốp ca trong cả 3 chương trình đều lộ ra có chỗ 4 mợ hát không khớp lời với nhau. Phải người thuộc những bài hát ấy, mà toàn bài cũ nhé, không ít người không thuộc đâu, nghe tụt cảm hứng dễ sợ!! Còn trang phục diễn :-www. Mợ Linh dù có yêu anh Đỗ Mạnh Cường vô cùng thì cũng phải chọn cái váy nào hợp hợp một tí chứ lại! Còn mợ Hà thì vẫn luôn cần 1 stylist thực sự có tâm!

Mỗi mợ Diva đều là những màu sắc riêng rất khác biệt. Như chị tôi nói, nhìn 4 cô hôm ấy trên sân khấu, mỗi cô mặc 1 màu, lại còn hát bài Sắc màu, sao mà nó trùng hợp với bài hát thế! Mà 4 màu đặc trưng thế này, cần lắm 1 người họa sĩ tài ba trên cả trình 4 cô để hòa hợp nó tạo nên 1 bức tranh tuyệt đẹp. Vietvision, VP Bank hay Media Max dù đã rất cố gắng, nhưng chưa thể mang đến cho khán giả 1 tổng thể chương trình tương xứng với tầm vóc và sức ảnh hưởng của 4 mợ. Nói theo ngôn ngữ của thanh niên bây giờ, khá là ‘đắng lòng’ khi khán giả sau đêm Gặp gỡ mùa thu nhận xét: “Ừ chương trình xem cũng được à con. Giải trí vui vui!!”




Friday, 19 August 2016

Sau tất cả...mình đã có

Sau tất cả... mình đã có 1 ngày sinh nhật tưởng chừng rất bình lặng… nhưng đã có những điều chấm phá đặc biệt.

1. Sáng mở mắt dậy thấy ông anh đăng status báo: 1 bà già bị tàu đâm, nên tất cả các chuyến tàu trong nội thành Sydney bị đình trệ. Rồi xong, lại phải tính xem giờ giấc đi đứng thế nào. Tính toán lắm rồi cuối cùng vẫn đi học muộn 3 phút :-ww!

2. Lướt Facebook buổi sáng thấy ngay 2 bài báo có chữ “Việt Nam” trong tiêu đề, đã thấy nghi nghi. Lịch sử vẫn luôn rất thú vị, và thú vị hơn nữa khi ngày sinh tháng đẻ của bạn lại trùng với những sự kiện đặc biệt của đất nước quê cha đất tổ hay nơi bạn đang sinh sống. Hóa ra là cái trận đánh ấy, không nhớ là học Sử ở nhà có nhắc tới không, còn lớp 10 học Sử bên này cái chương chiến tranh Việt Nam là nhắc đến nhiều lắm. Trận duy nhất quân đội Úc và New Zealand đánh trực tiếp với quân Giải phóng miền Nam trong thời gian tham chiến tại Việt Nam mà! Và đánh thắng vẻ vang, gan dạ, dù ít người hơn hẳn – tỉ lệ 1:10 hay 1:18 gì đó. Nhưng báo chí Úc vẫn luôn cãi nhau về trận đánh này vì cho rằng không có gì đáng tự hào cả, khi đây là trận chiến quân đội Úc đã tham gia 1 cách vô nghĩa (vì Việt Nam vốn dĩ chẳng phải kẻ thù của Úc, vì Úc nghe lời Mỹ như 1 con rối) và được trang bị vũ khí tối tân hơn hẳn đối phương. Còn vụ hôm qua thì 2 bên đều có những lí do riêng. 1 bên thì nên thông cảm và bớt cằn nhằn đi, bạn đến đất nhà người ta thì chủ nhà luôn có quyền tiếp hay không tiếp, dù lí do họ đưa ra có vô lí cỡ nào. Nếu năm nào cũng có khoảng 100 người Nhật thôi (chưa nói đến 1,000 người Úc đến Vũng Tàu như năm nay) xuất hiện ở Darwin tổ chức tưởng niệm thì chắc Úc cũng để yên quá. 1 bên thì thời hiện đại rồi nha, cứ chơi bài “sáng nắng, chiều mưa” thì không ai yêu được!

Chiến tranh vốn luôn tàn nhẫn với tất cả mọi người. Các chiến sĩ đã hi sinh, dù ở bên nào, đều xứng đáng được ghi nhận!

Có 1 điều thú vị, những lời bình luận trên báo bên này luôn có những ý kiến trái chiều. Có người bênh, có người chửi; người khen, người chê, người trung lập, đủ cả. Và rất nhiều ý kiến từ người Úc, chửi dân Úc là nên ngưng đòi hỏi về việc tưởng niệm liệt sĩ Úc tại nơi họ thiệt mạng ở nước ngoài. Mình thấy lạ, vì đó là đất nước, chiến sĩ của họ mà họ không tạo thành 1 làn sóng bênh vực trên mạng, trái lại lại nghĩ cho cả 2 phía. Và có rất nhiều bình luận nói Chính phủ Việt Nam làm đúng! “Bình đẳng”, “tôn trọng sự khác biệt” là những giá trị cơ bản trong xã hội Úc, và mình thấy điều đó rất rõ trên cái thế giới ảo này, khi ai cũng có quyền phát ngôn mà chẳng sợ bị “ném đá”.

3. Rồi cùng ngày ở quê, miền núi vốn yên bình nay dậy lên 1 đợt sóng kinh thiên động địa. Ở miền xuôi, người ta trích dẫn lại 1 đoạn văn trong Chí Phèo của Nam Cao. Độ thâm thúy của dân Bắc Kì nhà ta, dù qua bao thế hệ, vẫn cứ “hổ phụ sinh hổ tử”, thấy người ta đăng mà cũng tự dưng giật mình. Mới thấy, cuộc sống cứ ngày càng hiện đại lại càng lộ rõ vẻ nguyên thủy sơ khai mà ông cha ta đã đúc kết được từ lâu rồi:
“Cả làng Vũ Ðại nhao lên. Họ bàn tán rất nhiều về vụ án không ngờ ấy. Có nhiều kẻ mừng thầm, không thiếu kẻ mừng ra mặt! Có người nói xa xôi: "Trời có mắt đấy, anh em ạ!" Người khác thì nói toạc: "Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc! Rõ thật bọn chúng nó giết nhau, nào có cần phải đến tay người khác đâu". Mừng nhất là bọn kỳ hào ở trong làng. Họ tuôn đến để hỏi thăm, nhưng chính là để nhìn lý Cường bằng những con mắt thỏa mãn và khiêu khích. Ðội Tảo, không cần kín đáo, nói toang toang ngay ngoài chợ, trước mặt bao người: "Thằng bố chết, thằng con lớp này không khỏi người ta cho ăn bùn". Ai chả hiểu "người ta" đó là chính ông. Bọn đàn em thì bàn nhỏ: "Thằng mọt già ấy chết, anh mình nên ăm mừng". Những người biết điều thì hay ngờ vực, họ chép miệng nói: "Tre già măng mọc, thằng ấy chết, còn thằng khác, chúng mình cũng chẳng lợi tí gì đâu..." (Nam Cao)

Chẳng biết nói sao, xin chia buồn cùng với Yên Bái!

-----------------------------------------------------
Còn cá nhân mình, luôn là những khoảng lặng ‘bất khả xâm phạm’ dành cho bản thân.

4. Sinh nhật là dịp mình tiêu tiền. Quần áo, giày dép, sách truyện, đĩa nhạc, 1 khi đã máu là quất hết. Và hôm qua, tự tặng sinh nhật mình 2 quyển truyện, đọc dần. Vì dạo này nhạc nhẽo chán chết nên mua truyện vậy. Có bao nhiêu tiền chỉ tốn vào sách thôi, nên mỗi lần chuyển nhà, vali quần áo thì nhẹ mà sách truyện thì cứ phải đóng thùng!

5. Cả ngày điện thoại với facebook réo liên tục, nóng hết cả đùi :-ww. Vì lí do: giọng nói chững chạc, thái độ nói chuyện điện thoại rất cứng, nên được “chọn mặt gửi vàng” làm việc đó. Thực ra làm ‘điệp vụ bí mật trong bóng tối’ khá thú vị, vì mình được làm chị của thiên hạ hết :)). Mà bị réo nhiều quá nên chán không thích sờ vào điện thoại nữa, chui vào thư viện ngồi, không có sóng nên điện thoại khỏi reo, được 2 tiếng nghe nhạc, đọc báo, và xem những gì mình thích 1 cách yên ổn không bị ai quấy!!

6. Tiết học cuối cùng trong ngày cũng đã bất cần đời, xung phong làm “chuột bạch” đầu tiên để cả lớp nhận xét bài viết của mình. Ừ thì trước giờ toàn chém gió tầm phào về văn hóa văn nghệ Việt Nam bằng tiếng Việt, chứ đâu dám viết tiếng Anh hay tự nhận là ở 1 mức độ chuyên nghiệp gì đâu. Được mấy bạn bên khoa Văn nhận xét, cho lời khuyên về bài viết, rồi được ông Giáo sư trời rét chết người vẫn cứ mặc quần cộc đi dạy học sửa bài cho, cảm thấy cái đoạn viết làng nhàng của mình được đưa lên 1 tầm cao mới. Nói chung là cái dạng amateur được ai đó có chuyên môn sửa chữa cái gì cho thì sướng lắm! Đã thế cuối ngày còn được thầy giáo động viên: “Đừng nghĩ mình bên khoa Toán là khi viết văn bị thiệt thòi hơn với các bạn khác”! Yêu thế chứ lại :xxx

7. Cứ đúng ngày sinh nhật thì mình lại thường về nhà rất đúng giờ và ít ra đường. Vì để đi chơi gộp tuần sau cùng với sinh nhật 1 đứa bạn thân nữa, và cũng vì muốn dành thời gian ở nhà với người thân. Các bác cứ im im thế thôi xong kiểu gì cũng sẽ có gì đó cho mình. Và đúng như dự đoán. Cả nhà vẫn vào bữa cơm, vẫn sinh hoạt như ngày thường, 2 bác với chị cũng cứ tỉnh như không. Xong bữa thì bác gái đợi mình rửa hộp cơm đàng hoàng, quay ra đang định đi vào phòng thì bác gọi lại, cả nhà chúc mừng sinh nhật, tặng quà rồi hẹn hò cuối tuần bác cho đi ăn. Oh yeah! Đó, sinh nhật cũng chỉ cần đơn giản, ấm cúng vậy thôi!

8. Đã nhận đầy đủ yêu thương từ tất cả mọi người – từ người thân, người quen, người mới quen, đến người mà cả năm chẳng nói với nhau câu nào. Thì triệu người quen có mấy người thân. Có ít hay nhiều mà có của riêng mình đã là tốt rồi. Người càng thân lại càng ngắn gọn, có khi chỉ 1 câu chúc mừng duy nhất. Chẳng sao cả, vì bản thân mình cũng chưa bao giờ dài dòng với họ. Những người như vậy luôn không bao giờ nói gì vào những dịp đặc biệt, vì những mối quan hệ ấy với người trong cuộc thuộc vào diện “Những chúng ta có đâu cần lời nói. Những môi hôn, những đôi môi cười”. Có những lời chúc tuổi, chúc đời, chúc mà vẫn kèm theo ‘đá xoáy’ từ cái lũ tiểu yêu rất dễ thương mà mình có may mắn được biết và làm việc cùng các em. Cũng chẳng biết nói gì hơn tới mọi người, chỉ biết dành tặng 1 câu hát mà mình rất thích “Chỉ cần ta nhớ về nhau, có bao giờ tiếc nuối!”

------------------------------------

Thế là xong 1 quãng. Giờ là bắt đầu 1 quãng mới nhiều thử thách hơn. Thôi thì cứ tự chúc bản thân lỡ có thích mưa hơn thích nắng thì vẫn cứ phải khỏe và lạc quan, yêu đời như mình luôn luôn như vậy.

Vậy thôi! Happy birthday to me!

"Sau tất cả... mọi khó khăn cũng chỉ là thử thách
Vì trái tim ta luôn luôn thuộc về nhau"







Wednesday, 17 August 2016

Hưởng ứng trào lưu #firstsevenjobs - 7 công việc đầu đời!

#firstsevenjobs. 7 công việc đầu tiên trên đất Úc kiếm ra tiền.

1. Gia sư cho trẻ con nhà cô chú. Lúc đó mới sang Úc được vài tháng, mới thoát được lớp tiếng Anh, vào lớp 10 được vài tuần, được cô nhờ dạy Toán và Tiếng Việt cho em nhà cô đang học lớp 7. Em bé thông minh, học không hề kém môn Toán và có cá tính nhất định, nên dạy em ấy cũng là 1 kỉ niệm vui. Và điều mình nhận ra sau khoảng thời gian tiếp xúc với mấy đứa trẻ nhà cô chú đó là, trẻ con gốc Việt ở Úc, dù gia đình có thuộc diện ngăn nắp quy củ và tương đối truyền thống hơn so với mặt bằng chung, các em vẫn có những sự mạnh bạo tiềm ẩn nhất định của người Tây phương mà bố mẹ các em hay mình không có.

2. Trông hàng cho nhà bà – tức nhà mẹ của cô. Tháng đó ông đi Việt Nam và cuối tuần anh ở nhà bà mải đi đá bóng nên bà bảo xuống trông và bán hàng cho bà. Ngồi mốc cả ngày ngoài cửa hàng bán được vài cái thẻ nạp điện thoại với thẻ sim rẻ gọi điện về Việt Nam. Hôm nào may thì bán được 2 3 cái điện thoại, loại Nokia cục gạch. Chán chết! Chỉ mong mỗi bữa trưa bữa tối bà nấu món gì giống ở nhà, và được xem VTV3 vì nhà bà lắp cáp có đài VTV. Xong cứ đang xem được 1 tẹo thì lại mất tín hiệu khi máy bay bay qua:-ww

3. McDonalds. Thanh niên nào đi du học từ lúc dưới 16 tuổi mà không từng đi làm ở mấy quán ăn nhanh thì thuộc của hiếm đó. Tính mình vốn ưa sự chính xác, nên mình ghét McDonalds thậm tệ ở cái trò, xếp lịch cho nhân viên làm lúc 11h trưa, nhưng toàn để đến 12h mới cho bắt đầu. Vì nó đợi bữa trưa đông nó mới cần đủ người. Chiều đúng lịch, ví dụ 5h mới hết ca, 4 rưỡi thấy vắng nó kêu vào tắt đồng hồ đi về. Hôm nào đông quá thì nó kêu ở lại thêm tới 7h tối đi. Giờ giấc chả bao giờ làm đúng như ca nó xếp. Đứng ngoài lấy order của khách cũng phải vừa chạy vừa sắp nước, sắp khoai, xong gặp phải mấy thể loại bớt rau, thêm 2 miếng thịt, 3 miếng trứng, combo đã vậy xong cứ hỏi linh tinh đổi loạn xạ lên nhức hết cả đầu. Nên ở McDonalds sướng nhất là được đi lởn vởn dọn bàn, đổ rác, và dọn nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh tiếng thế cũng sạch và thơm chán, vào chỉ lau qua cái sàn rồi xịt xịt cái bệ. Tóm lại sau 1 tháng ở McDonalds thì mình biết cách lau sàn không để lại vết giày, và luyện cách nhịn khách và mấy ông bà quản lí, vì mặt mũi họ dù có đâm lê cỡ nào thì mặt mình cũng cứ phải như Thị Nở.

4. Đời sinh viên của mình may mắn gắn với mỗi việc dạy thêm. Đầu tiên là dạy học 1-1 tại trung tâm. Phải cảm ơn bác Kevin Tran đã tạo điều kiện cho mình đặt bước chân đầu tiên vào cái ngành dạy thêm-học thêm trên đất Úc. Hồi đó cũng hâm lắm cơ, mất 1 tiếng rưỡi ngồi tàu từ trường xuống khu đó dạy học được 1 tiếng, rồi lại mất 1 tiếng nữa đi vừa tàu vừa xe buýt về nhà. Học sinh là 1 thằng bé lớp 10 đến nhân chia phân số vẫn còn làm sai, dạy nó lộn ruột lắm! Cũng may là sau khi học mình được 2 tháng, điểm thi cuối kì của nó tăng được từ 47-51%, cũng coi bõ công đi lại.

5. Sau đó đăng kí với 1 trung tâm môi giới gia sư, giới thiệu cho được 1 em gái lớp 11, đang học trường điểm nên học khá ổn. Em nó học thêm môn Toán nâng cao vì bạn bè ở lớp đều học thêm và biết trước kiến thức, nên em sợ quá muốn học trước. May là em gái này ở gần trung tâm trên, kết hợp đi lại chung 1 buổi. Thế là toàn dạy xong em trai lớp 10, chạy hộc tốc 7 phút ra ga tàu để kịp chuyến lên nhà em gái cách có 2 3 trạm cho đúng giờ. Đang dạy cái đứa học kém sang dạy đứa học nâng cao sướng hẳn lên. Em gái này chỉ học có 1 tháng cho lấy lại sự tự tin trong môn học, chứ khả năng của em không cần đến học thêm, nên mình cũng tiếc lắm.

6. Chán dạy học nên 1 tháng nghỉ đông năm nhất, mình xin đi làm phỏng vấn viên theo dự án, qua điện thoại lẫn trên đường phố (phone/street interviewer). Đại loại là ở khu dân cư nhiều người Việt, Ủy ban phường, xã cần hỏi ý kiến người dân về dịch vụ này kia, họ giao cho 1 công ty thầu chuyện đi lấy số liệu, khảo sát ý kiến từ người dân, và công ty nó cần người nói được tiếng Việt nên thuê mình. Lương thì cao, mà mình không mặn mà gì cả. Vì cái khảo sát dài đến cả 5 trang giấy, gọi điện cho người ta gặp phải người Việt thích kể chuyện dài dòng, nói cả nửa tiếng đồng hồ mới xong 1 cái khảo sát. Người ta tiếp chuyện còn là lịch sự. Có người người ta nghe thấy tiếng Việt còn dập luôn bụp cái điện thoại: “No Asian” (Không nói tiếng châu Á). Rồi đi lại cả 8 tiếng đồng hồ trên phố để hỏi người dân ý kiến về cái dự án xây dựng đường xe điện trên không (2 năm rồi từ ngày mình làm khảo sát này, vẫn đang xây chưa xong kìa). Gặp phải mấy ông bà tốt bụng, sẵn sàng bỏ 5 10 phút dừng lại làm khảo sát thì như mở cờ trong bụng, không thì đi rã rời mới gặp được 1 người. May là làm có 2 tuần là xong việc thời vụ này, tiền lương vẫn nhận đủ và kịp thời ngay tấp lự. Sướng mỗi thế!

7. Rồi cuối cùng ổn định với công việc trợ giảng ở 1 trung tâm học chương trình cá nhân trong suốt 2 năm liên tiếp. Nghĩa là tổ chức giáo dục đó có chương trình học riêng của họ, học sinh tự đọc bài, tự làm, ở mức độ phù hợp, được xây dựng để các em có thể tự học mà không cần sự trợ giúp, giảng dạy của giáo viên. Việc của mình chỉ có mỗi chấm bài, bài trên lớp lẫn bài về nhà, và vào điểm. Thỉnh thoảng cuối tháng thì ngồi đếm giấy tờ, phiếu bài phát ra, thu lại rồi nhập báo cáo cho chị để in ấn thêm. Đây là công việc mình yêu nhất, tâm huyết nhất trong tất cả mọi thứ đã làm, vì nó phù hợp với sở thích, tính cách của mình. Và đây cũng là nơi mình hiểu rõ nhất cái câu: “Muốn người ta yêu mình thì mình phải yêu người ta trước”. Trung tâm của chị xa cũng gần chết, đi xe buýt nửa tiếng từ trường đến trạm chung chuyển, rồi đi bộ từ trạm xe buýt vào đến trung tâm cũng phải mất gần nửa tiếng nữa. Mình toàn học xong ở trường là đi làm luôn nên thành ra đi làm sớm. Chị quý, làm xong chị toàn đưa ra bến xe buýt. Xong đợt chị nghỉ “chống lầy”, bác gái - mẹ chị xuống quản trung tâm thay. Bác cũng quý lắm, lúc về còn chở luôn ra bến tàu, bắt tàu về thẳng nhà, khỏi phải nhảy xe buýt. Rồi bác cho thuê căn hộ riêng của bác lúc mình mới ở Việt Nam sang lại sau Tết, hôm nào bác nấu cái gì ngon bác sai chị mang sang cho ăn (tại căn hộ cũng gần nhà bác), rồi bác xếp lịch cho đi làm ở trung tâm của bác (bác cũng mở trung tâm dạy học y hệt). Tại mình cũng biết điều à, nên ra lúc xin nghỉ ôn thi, nghỉ 3 tháng cuối năm về nhà, bác với chị lúc nào cũng cười tươi vui vẻ, lúc sang nhắn 1 cái tin là tuần sau lại đi làm bình thường. Yêu kinh khủng. Rồi 2 trung tâm của bác với chị sát nhập để bác nghỉ hưu, chị cho mình toàn quyền dạy bọn trẻ lớn (trình độ từ biết làm phân số đổ lên), vì lí do em super soi chấm phẩy ghê quá, mấy đứa bé vỡ lòng nó sợ lắm. Thế là tự nhiên được coi như lên chức, hết làm trợ giảng, lên làm cô giáo, cũng vui lắm! Mà rồi phải dừng, vì mình cảm thấy 2 năm cũng là vừa xinh và đầy đủ cho 1 mối duyên. Giờ là thời gian để mình khám phá những điều mới thử thách hơn. Nhưng công việc này vẫn mãi là công việc yêu thích nhất của mình!

------> Bài học rút ra từ 7 công việc đầu đời là: mình phù hợp với những công việc ít nói và cần sự chính xác,nhẫn nại; và những công việc cần nhiều tới sự ăn nói, giao tiếp hơn, như sales (bán hàng) với mình là muôn đời ca bài “Chúng ta không thuộc về nhau”.