Sunday, 18 December 2016

Câu chuyện âm nhạc: Số 5 – Hà Anh Tuấn

“Điều đặc biệt nhất trong đêm nhạc 10 năm của Hà Anh Tuấn là phần lớn khán giả trong khán phòng như được sống lại 10 năm của chính mình” – Quỳnh Nguyễn (Báo Tuổi trẻ)

Tôi không phải là fan của Hà Anh Tuấn, chỉ dừng lại ở mức khán giả có thiện cảm với ca sĩ. Với tôi, Hà Anh Tuấn vẫn luôn là “kẻ ngoại đạo”, là anh Kĩ sư Hóa đi hát, dù tôi cũng chẳng tưởng tượng ra chân dung của chàng kĩ sư Tuấn sẽ như thế nào. Ngày Sao Mai Điểm Hẹn (SMĐH) 06 tôi thích Phương Linh. Chị tôi thích Tuấn. Run rủi thế nào 2 ông bà này hát đôi với nhau, thế nên chúng tôi thích cả hai. Có 2 3 lần tôi nhấc máy bàn bấm 09 bầu chọn cho chị Linh thì cũng tiện gọi thêm 1 cuộc bầu cho anh “kĩ sư số 12”, rồi lại nhắm mắt đoán bừa “Có bao nhiêu người có cùng lựa chọn giống bạn”. Sau Đan Trường – Cẩm Ly bị lứa 8x trong nhà “đầu độc”, thì có lẽ, Phương Linh – Hà Anh Tuấn là cặp đôi duy nhất kết nối tình yêu âm nhạc của anh chị em 9x nhà tôi.

Tôi thích, và có phần mặc định hình ảnh Tuấn của “Dấu phố em qua” trong mình. Hình ảnh chàng thư sinh bảnh bao, đầu chôm chôm, mặc sơ mi xanh chuối (nhưng hát không hề chuối), hát mộc với guitar trong SMĐH vẫn luôn là những gì đẹp nhất tôi nhớ về anh. Cái lãng tử, bồng bềnh, phong trần, không toan tính của “trai mới lớn” đó đốn tim bao nhiêu cô gái ngày ấy nên anh dẫn đầu bình chọn từ đầu chương trình cho tới 2 tuần trước chung kết cơ mà. Nên giờ tìm lại bản live “Dấu phố em qua” trong sáng như thế khó lắm. Đến khán giả còn đã lớn phổng lớn phao, thành ông bố bà mẹ bỉm sữa rồi, thì sao vẫn yêu cầu ca sĩ hát vẹn nguyên như 10 năm trước được.

Tuấn có sự nhạy cảm và chân thành của một người nghệ sĩ thực thụ. Nhưng anh cũng không thể phủ nhận được sự chính xác, lý tính của anh kĩ sư Hóa trong mình mấy năm trở về đây. “Chàng sơ mi” với sự trong trẻo trong SMĐH, sự hoạt bát trong “Sài Gòn Radio” được thay bằng sự chín chắn, chỉn chu trong các bộ suit lịch lãm với nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến. Ừ thì đương đại đấy, nhưng cứ thấy thiếu thiếu cái mộc mạc đời đầu của anh ấy.

Đêm qua, trong liveshow Café-in-concert phiên bản Nâu nóng tại Hà Nội, khán giả đã được thưởng thức đủ đầy những cung bậc cảm xúc trong âm nhạc Hà Anh Tuấn 10 năm qua. Tuấn hát và chiều khán giả với hơn 20 bài hát có cả hits, bài xưa, bài mới vừa, mới toanh, và cả bài hiếm hát. Khán giả được quay về Tuấn của 10 năm trước với “Vài lần đón đưa”, “Khúc hát chim trời”, của lúc đỉnh cao với “Buổi sáng ở Ciao Café”, của 2 3 năm về đây với “Chuyện của mùa đông”, “Cứ thế”, và của mấy tháng vừa rồi với “Tháng tư là lời nói dối của em”, “Người con gái ta thương”. Cũng hơi bất ngờ khi anh ấy hát ít R&B, nhưng có lẽ vì khán giả Hà Nội thích những gì lắng đọng, nên R&B trẻ trung sẽ dành cho “Sữa đá” với khán giả Tp.HCM.

Nếu có gì tiếc thì tôi tiếc về bố cục chương trình với 3 khách mời. Đương nhiên cả 3 nữ ca sĩ đều đã hát rất hay và tiết chế (à không trừ cô Bống ra, hát “Phố à phố ơi” vô hồn lắm), bổ trợ và mang đến những cảm xúc riêng cho đêm nhạc. Là cảm xúc của khán giả Hà Anh Tuấn khi được hát với thần tượng từ nhỏ là Hồng Nhung, những nhớ nhung xa cách của chàng du học sinh tên Tuấn khi hát với Thu Phương, và cuối cùng được bay nhảy lãng mạn của tuổi trẻ với Phương Linh. Nhưng rõ ràng phần hát với Phương Linh quá ít so với dấu ấn của cô ấy trong con đường âm nhạc của anh. Lựa chọn “Bốn chữ lắm” và “Thiên đường gọi tên” là lựa chọn đủ mới mẻ và an toàn để đảm bảo sức khỏe cho Tuấn hoàn thành đêm nhạc trọn vẹn, nhưng là fan ruột của cặp đôi này, tôi vẫn hi vọng được nghe 2 anh chị song ca nhiều hơn trên sân khấu 10 năm của anh. Những “Cơn mưa tình yêu”, “Qua đêm nay”, “Biển và ánh trăng”, v.v. sẽ không biết đến bao giờ khán giả mới được nghe lại chính chủ hát. Và tôi cũng không thật sự thích khi Tuấn thể hiện sự khôn khéo, đẩy triết lý âm nhạc của mình để phản ánh xã hội, có pha chút chính trị trong liên khúc Người về vấn đề chiến tranh hòa bình, và rồi làm chưa tới (vì sợ hết giờ) để kéo người nghe về Ciao Café.

Tuấn là người truyền cảm hứng rất lớn tới thế hệ 9x như tôi. Không ít anh chị em bạn bè, và ngay cả tôi, tìm được thấy những điều hứng khởi từ âm nhạc, và cả những gì anh chia sẻ trên mạng xã hội. Rất khó để một ca sĩ giữ vững được hình ảnh “sạch”, “nói không với scandal” và Tuấn đã làm rất tốt nhiệm vụ truyền tải cảm xúc âm nhạc của người ca sĩ từ lúc anh bắt đầu. Và với riêng tôi, Hà Anh Tuấn vẫn luôn là hình mẫu của “ca sĩ trí thức” rất hiếm của làng nhạc Việt bây giờ. 

Photo: Dai Ngo
Link liveshow Nâu nóng 17/12/2016: https://www.youtube.com/playlist?list=PLHA5JPzzBQav3M58ID4BvICTquGGdVMCl


Friday, 9 December 2016

Câu chuyện âm nhạc – Số 4: Bên em là biển rộng

Tại hôm qua con bé Angel lại khơi lên kỉ niệm quá đẹp của năm nay, mình lại nhớ tới bài hát này.

Đã hơi bất ngờ khi được anh Âm nhạc kiêm nhiều thứ khác của vở kịch kể chuyện đang hơi lưỡng lự dùng bản của ca sĩ nào hát bài này để cho vào phần âm nhạc. Và còn được anh screenshot cho đọc cả đoạn chat với nhạc sĩ Bảo Chấn khi nhạc sĩ đồng ý cho mấy đứa trẻ du học sinh “èo uột” sử dụng ca khúc bất hủ của ông vào một phân đoạn trong kịch.

Đó là cái đoạn duy nhất mà mình có xem lúc tập, xem chưa hết cảnh đã thấy muốn khóc là xách ba lô về luôn, chẳng thèm để ý đến xấp vé trong cặp =)). Giọng ông Thuận trai Sài Gòn đọc thư vọng lại ngọt như mía lùi, bà Nhung thì diễn cảnh ngồi đọc lại thư người yêu ở phương xa gửi về xong cái mặt chờ đợi trong mòn mỏi đúng tội, chưa kể giọng bà này cũng nhão nhoét, vừa nghe vừa nhìn 1 lúc là không chịu được. Lại thêm giọng bà Lam thì cứ vang vang: “Khi em xa anh sóng thôi không xô bờ - Khi anh xa em đá chơ vơ”, đúng cái bản phối tiếng sóng biển làm nền này. Xem cái cảnh mà khóc cả dòng sông ở cái phòng tập ECA.

Rõ bực là hôm diễn thật thì đến cảnh này tôi phải xử lí mấy ông bà đi muộn không có vé ở ngoài, thế là bỏ lỡ đúng cảnh yêu nhất cả vở kịch. Nhưng cũng được đền bù cảnh Happy birthday lúc cuối cũng khóc ngon lành!

Với “Bên em là biển rộng” thì Hồng Nhung hay Thu Phương cũng rút số xếp hàng sau thôi, mợ Lam hát bài này là nhất rồi, không ai bì được!

“Tình ơi sao đi mãi nên sông dài mênh mông
Bàn tay ôm nỗi nhớ xôn xao biển rộng”
….



Tuesday, 6 December 2016

Câu chuyện âm nhạc – Số 3: Dòng sông lơ đãng - “bài hát tiềm thức”

Ở đâu đó tôi có nói, tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ. Đương nhiên, trong đó có âm nhạc. Bà là người một nốt nhạc bẻ đôi không biết, nhưng nghe nhạc rất nhiều, và biết rất nhiều bài hát. Mẹ dạy tôi nhiều bài hát hơn bất cứ cô giáo dạy nhạc nào. Từ trong nước tới hải ngoại. Từ nhạc sến tới nhạc đỏ. Từ nhạc già tới thiếu nhi. Từ nhạc có lời tới không lời, hòa tấu nhạc cụ.

Tuy bà nghe nhiều loại nhạc và biết rất nhiều ca sĩ, nhưng trong trí nhớ của con trẻ, Thu Phương là ca sĩ duy nhất mẹ dành từ THÍCH. Từ lúc chắc tôi mới 3 4 tuổi cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa nghe thấy mẹ tuyên bố chắc nịch về bất cứ ca sĩ nào khác như vậy. Và một lần nữa, trong trí nhớ non nớt của đứa trẻ lên 3 lên 4 vẫn nhớ mãi tên 1 ca khúc gắn liền với ca sĩ ấy mà mẹ cứ bật suốt: Dòng sông lơ đãng – bài hát có giai điệu thật từ từ nhẹ nhàng mà tôi chỉ nhớ mỗi 2 câu hát đầu tiên, đọc lên đã thấy lãng đãng rồi:
“Từng ngón tay khép như nụ hoa trắng
Bỏ lại hàng cây ngơ ngác sau lưng”

Giờ thì em bé 3 4 tuổi ấy cũng đã lớn để cảm nhận được nhiều hơn hình ảnh dòng sông, hàng cây, bến bờ trong bài hát. Có 1 điều cứ phải nhắc lại, cả bài hát ấy không có lấy một chữ “buồn”, một chữ “nhớ”, một chữ “thương”, một chữ “yêu”, hòa chung với bản phối như dòng sông phẳng lặng, cứ khẽ khàng chảy qua những góc tĩnh lặng nhất trong tâm hồn mỗi người, để vẽ lên những sự tiếc nuối, những nỗi buồn thật đẹp.  

F1 dù vô tình nhưng đã truyền lại 1 tình yêu, 1 ấn tượng quá lớn về “dòng sông” ấy với F2. Để rồi nhiều khi, nó thách đố sự nhẫn nại khiến F2 cũng không dám nghe quá nhiều “bài hát tiềm thức” này.

Một bài hát thực sự đẹp.




Sunday, 4 December 2016

Câu chuyện âm nhạc - Số 2: Bài hát "ăn bột"

Cũng không nhớ rõ là được nghe bài này từ khi nào. Chỉ nhớ là hồi đó nhà có cái đĩa có bài này và bé Hương đến lúc biết bật đầu đĩa là cứ chỉ tua đến đúng bài này để nghe.
Bài hát "ăn bột" của một vài thanh niên 9x nhà tớ đấy.
"Đường vào tìm em ôi băng giá
Trời mùa đông mây vẫn hay đi về"
.....


Câu chuyện âm nhạc - Số 1: Nhạc sĩ Giáng Son

Câu chuyện âm nhạc là những mảnh ghép nho nhỏ góp phần làm cho đời sống tinh thần của bạn Hương phong phú hơn mỗi ngày.
----------------------
4 Huấn luyện viên của Sing My Song – Bài hát yêu thích năm nay đều là nhạc sĩ và mỗi người đều mang trong mình 1 phong cách sáng tác riêng. 1 người thì lúc nào cũng như vừa “uống thuốc lắc” vừa viết nhạc. 1 ông đầu trọc thì viết nhạc theo phong cách thất tình nhão nhoét. 1 ông kia là con ông “Dàn đồng ca mùa hạ” nên ông con cứ con trâu, giếng nước, sân đình, nói chung là chủ đề VAC cũng thành “vua 1 xứ”.

Còn cô nữ giám khảo duy nhất, người tôi biết đến và ngưỡng mộ từ khi chương trình Bài hát Việt ra đời và phát sóng những số đầu tiên, vẫn luôn thể hiện sự nữ tính, dịu dàng của mình trong những sáng tác “không giống ai”. Ai đâu liệt kê 12 loài hoa cũng thành bài hát khiến người dân Hà Nội phát sốt lên, đếm được 4 chiếc lá rơi cũng thành bài hát mùa thu mà các thí sinh sử dụng chinh chiến khắp các cuộc thi hát lớn nhỏ từ trong nước tới hải ngoại. Cô ấy còn có cái album nhạc Jazz mới được giải Cống hiến mà giai điệu, lời ca cứ như đang “ép buộc” người nghe phải đủ tĩnh, đủ lắng để thấu hiểu đến từng câu chữ. Và tôi thì chưa yêu nên nghe mãi vẫn chưa thể cảm được tận cùng của những cung bậc sắc thái cảm xúc.

Vì thế sự đằm thắm, nhẹ nhàng trong các bài hát của Giáng Son cũng không phải là thuận tai số đông. Ngay cả trong bài hát đầu tiên trình làng công chúng này, để mơ được “giấc mơ trưa” với nhạc sĩ, chắc hẳn người nghe cũng đã phải thả mình trôi dạt vào 1 dòng sông miên man kỉ niệm.

“Em nằm em nhớ
Một mùa trong veo, một mùa nghiêng nghiêng
Cánh đồng xa mờ, cánh cò nghiêng cuối trời”
…..