Trong khoảng một thập kỉ trở lại đây, nhạc Việt bùng nổ
với sự ra đời của các cuộc tri hát theo format truyền hình thực tế. Mở đầu là “Sao
Mai Điểm Hẹn” (SMĐH), rồi “Thần tượng âm nhạc” (Vietnam Idol), “Giọng hát Việt”
(The Voice), “Nhân tố bí ẩn” (X-Factor) v.v nối tiếp nhau ra đời. Và với mỗi
phiên bản của người lớn thì ta cũng dễ dàng nhận ra phiên bản dành cho trẻ em sẽ
xuất hiện ngay sau đó. Việc hàng loạt cuộc thi âm nhạc thực tế nối tiếp nhau
lên sóng đã khiến nhiều người trong nghề và khán giả quan ngại rằng: truyền
hình thực tế liệu có đang “phá” nhạc Việt bởi việc “đốt cháy giai đoạn” với các
tài năng trẻ. Thực sự, tình hình có xấu như vậy?
Truyền hình thực tế giúp rất nhiều bạn trẻ có đam mê
ca hát tỏa sáng hoàn toàn “miễn phí”. Đã tổ chức cuộc thi thì mục đích cuối
cùng vẫn là tìm ra những gương mặt sáng giá nhất, những thế hệ kế cận của làng
nhạc. Thí sinh có thể không phải là người chiến thắng cuối cùng, nhưng chắc chắn
họ đã có hành trang để bước vào nghề. Thời điểm diễn ra cuộc thi, các thí sinh như
đang ở trong “tâm bão” của truyền thông, nhất cử nhất động của họ đều được bàn
luận, được chú ý. Vì vậy, nó như một bệ phóng vững chãi để các thí sinh “một bước
thành sao”, những điều mà đàn anh đàn chị của họ có khi phải mất đến cả mươi, mười
lăm năm mới có được vị trí như bây giờ. Ở trong những “lò luyện” đó, ít nhiều họ
được học thanh nhạc, học giải phóng hình thể, vũ đạo, được học cách tiếp xúc với
truyền thông, những kĩ năng không thể thiếu khi hoạt động nghệ thuật chuyên
nghiệp. Và không thể phủ nhận, nửa cuối thập niên 2000, các chương trình truyền
hình thực tế đã sản xinh ra một lứa thế hệ ca sĩ trẻ đầy triển vọng cho nhạc Việt
như Tùng Dương, Hà Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Anh, Phương Linh, Phương Vy, Uyên
Linh, Văn Mai Hương. Họ được xem như thế hệ F1 F2 của các cuộc thi truyền hình
thực tế, là những người có thực tài, ghi dấu ấn trong lòng công chúng bởi lối
hát văn minh và lối sống tương đối “sạch”.
Với độ phủ sóng dày đặc trên vô tuyến, truyền hình thực
tế giúp chúng ta nhìn ra được mặt bằng chung trong việc thưởng thức âm nhạc của
khán giả phổ thông. Không phải tự nhiên dòng nhạc Bolero bất ngờ hot trở lại
trong một năm trở về đây với chương trình “Solo cùng Bolero”, “Tình Bolero”, và
“Thần tượng Bolero” đã chính thức lên sóng “giờ vàng” Đài quốc gia VTV trong
năm 2016. Việc một dòng nhạc đã lâu được hâm nóng trở lại cho thấy, khán giả,
sau một thời gian hội nhập âm nhạc với bốn phương láng giềng, lại có chiều hướng
quay trở về với những gì xưa cũ. Bolero là một dòng nhạc phổ biến ở miền Nam từ
thời chiến, vì vậy việc đưa dòng nhạc này lên truyền hình cũng là cách giới thiệu
và quảng bá một nét văn hóa đặc sắc vùng miền đến khán giả trẻ khắp cả nước, những
người không lớn lên và không biết nhiều về giai điệu này. Ở một khía cạnh khác,
những sản phẩm âm nhạc được sản xuất trong khuôn khổ các cuộc thi đều đã một phần
nào đó đã định hướng thẩm mĩ âm nhạc cho giới trẻ. Những sáng tác của ca/nhạc
sĩ trưởng thành từ cuộc thi Giọng hát Việt như Vũ Cát Tường, Hoàng Tôn, Yến Lê,
Hoàng Dũng được giới chuyên môn đánh giá cao về mặt giai điệu ca từ và nhanh
chóng được giới trẻ đón nhận, vì bản thân tác giả đang sống và mang tư duy của thế
hệ trẻ vào tác phẩm của mình.
Trong khái niệm của nhiều người, truyền hình thực tế đi
kèm với thị phi. Không phủ nhận, những scandal tình ái, dàn xếp kết quả, trò tố
thầy, đã khiến các cuộc thi âm nhạc trở nên xấu xí trong mắt công chúng. Nhưng ngược
lại, hãy nhìn theo hướng tích cực, cuộc thi cũng phản ánh chân thực cuộc sống
thường ngày diễn ra trước mắt chúng ta, có điều tốt và cả điều xấu. Những khó
khăn, thị phi là một bước chuẩn bị tâm lí tốt để tôi luyện bản lĩnh cho thí
sinh, vì thực ra con đường nghệ thuật sau này của họ có thể bấp bênh hơn như thế
nhiều lần. Người trong cuộc, thí sinh, người nhà, và cả ngoài xã hội cũng sẽ có
cái nhìn toàn diện hơn về ngành giải trí. Đằng sau sự hào nhoáng, những bộ
cánh, đôi giày lấp lánh trên sân khấu là những giọt mồ hôi, nước mắt, sự phấn đấu
kiên trì, bền bỉ; nhưng oan ức vẫn cứ xảy ra. Đôi khi chỉ vì một sự hiểu lầm, một
sự lỡ lời trên trang cá nhân tưởng chừng vô hại cũng khiến mọi cố gắng xây dựng
hình ảnh của các bạn ca sĩ trẻ trở về số 0 tròn trĩnh.Vì vậy, truyền hình thực
tế đã góp sức trong việc giúp các bạn trẻ, những người đang ở trước ngưỡng cửa
quyết định nghề nghiệp, có được hiểu biết thực tế hơn về việc hoạt động nghệ
thuật chuyên nghiệp.
Âm nhạc, xét cho cùng cũng là để phục vụ người nghe,
giúp khán giả thư giãn sau một ngày mệt mỏi. Người sản xuất các chương trình, các
cuộc thi âm nhạc trên truyền hình, thực tế đã làm đúng bổn phận của họ là cung
cấp những lựa chọn giải trí tới khán giả. Đừng kì vọng họ sẽ tạo được một điều
gì mới mẻ, vì đó không phải trách nhiệm của họ. Ca hát cũng là một nghề mà ở đó
cần những người hoạt động chuyên nghiệp và bền bỉ. Chúng ta đừng quá kì vọng
vào một lứa thí sinh trưởng thành từ các cuộc thi sẽ trở thành nghệ sĩ trong
thoáng chốc, vì họ cần thời gian để “chín” như bao ngành nghề khác. Đừng đặt nặng
hay hiểu nhầm vai trò của truyền hình thực tế đối với nhạc Việt. Hãy cứ thưởng
thức các chương trình ca nhạc ấy như một món ăn giải trí bình thường, như thế, chúng
ta sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều.
No comments:
Post a Comment