Khi cảm xúc của người
yêu, người vợ, và người mẹ được thăng hoa tột cùng….
Sau Thanh Lam thì Mỹ
Linh là ca sĩ ta thấy xứng đáng với danh hiệu Diva: giọng hát nội lực, thần
thái choáng ngợp, âm nhạc có tầm ảnh hưởng, và đặc biệt, mẫu mực trong cuộc sống
gia đình.
Mỹ Linh mở màn, quá khỏe, quá đằm, và quá vang, chắc phải 5 bài liên tục, những bài hát như tâm sự của một cô gái đang yêu. Tạm gọi đấy là phần 1 - những bài hát tương đối “mới” đối với người quý mến (nhưng không phải fan) giọng hát cô ấy. “Mới” vì nó chưa đủ làm người ta thuộc lòng như cái thời “Hương ngọc lan”, nhưng vẫn hay tuyệt vời. Rồi chuyển qua một loạt ca khúc khát khao, mong muốn được yêu và được gần người mình yêu như “Gửi anh”, “Để mãi được gần anh” – bài hát chủ đề của đêm nhạc. Phần 3 của đêm nhạc dành cho khách mời, dù hơi ngắn, với những ca khúc về gia đình, những khúc hát ru con dào dạt. Giờ ta mới biết “Chị tôi” (Trọng Đài) và “Trên đỉnh Phù Vân” cũng để hát ru (???) Thiếu mỗi “Hà Nội đêm ‘phải’ gió” là đủ bộ ba “bất hủ” của nàng.
Đỉnh điểm của đêm diễn
là ở phần cuối, khi tình yêu, hạnh phúc gia đình đã trọn vẹn thì là lúc Mỹ Linh
dành thời gian để nhìn lại mình và được trở lại là Mỹ Linh của thời “Tóc ngắn,
mắt bồ câu rất hiền”. Một chùm những “Hương ngọc lan”, “Trưa vắng”, “Em mơ về
anh”, “Chuyện tình” được cất lên, như một phần không thể thiếu khi nhắc đến cái
tên Mỹ Linh.
Liveshow hoàn hảo từ
phần âm thanh đến hình ảnh. Ban nhạc Anh em chơi quá hay và bốc gấp tỉ lần show
Hồng Nhung tháng trước. Nhưng đôi khi hoàn hảo quá ta lại thấy thèm một chút “quá”
trong cá tính nghệ sĩ của "người mẹ hai con". Một chút bốc đồng của mợ Lam, một chút nhí nhảnh hài
hước của mợ Bống, một chút quái quái của mợ Hà, hay kể cả một chút tự kỉ sướt
mướt của mợ Phương; chắc chắn nếu có, Mỹ Linh sẽ làm cho đêm nhạc của mình giàu màu
sắc hơn. Tất cả các bài hát trong đêm nhạc đều mang giai điệu nhẹ
nhàng, phù hợp và xuyên suốt chủ đề, nhưng chính cái “vòng kim cô” đó lại khiến
ta hồ nghi liệu cô ấy còn có khả năng bứt phá trên con đường âm nhạc của mình,
như cách ta thấy Hà Trần làm với Bản Nguyên. Với Mỹ Linh thì lại càng không thể
yêu cầu nàng nhảy múa, nên sân khấu chỉ thực sự “mềm mại” khi có sự xuất hiện của
Tùng Dương.
Nói về khán giả của Mỹ
Linh, phần lớn là người trưởng thành, chứ không thể là thiếu niên 14 15 tuổi được.
Nhất là khi khán giả có thể mua vé ở Nhà hát Lớn thì chắc chắn phải là người có
kinh tế, nên toàn người đứng tuổi. Vì thế cô ấy đã hơi khó khăn khi kêu gọi
khán giả vỗ tay, hay bật đèn flash theo bài hát của mình. Không phải họ không
yêu ca sĩ, chỉ đơn giản họ không có thói quen cổ vũ như thế. Những tràng
pháo tay giòn giã khi kết thúc mỗi phần trình diễn là cách họ tiếp sức và cảm
ơn người ca sĩ mình yêu.
No comments:
Post a Comment