Sunday, 14 January 2018

Actuarial Studies - Lối rẽ định cư cho khối ngành Kinh tế tại Úc

Với số điểm định cư ngành Kế toán (Accounting) đang ngày một tăng cao, bạn trăn trở không biết còn ngành nào về Kinh tế kinh doanh định cư “dễ thở” hơn để mình theo học.
Hãy thử tìm hiểu về ACTUARIAL – ngành học kết hợp giữa Kinh tế và Toán, rất có thể là 1 lựa chọn bạn đang tìm kiếm đấy!

** Actuarial là gì?
Actuarial Studies/Actuarial Science, hay Định phí (bảo hiểm), là ngành học sử dụng các phương pháp Toán và thống kê để đánh giá rủi ro trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, hay các lĩnh vực khác (Wikipedia).
Actuary – những chuyên gia Định phí thường làm việc trong các công ty bảo hiểm nhân thọ (bảo hiểm con người, sức khỏe, tai nạn, v.v.) và phi nhân thọ (bảo hiểm xe, nhà cửa, cháy nổ, v.v.), ngân hàng, quỹ đầu tư, hay cả những lĩnh vực tưởng chừng không liên quan như Y tế, Quân đội.
Một ví dụ về công việc của Actuary, dựa vào số liệu về độ tuổi lái xe, thông tin tai nạn, lịch sử lái xe của từng nhóm tuổi, từng giới tính, họ chính là người tính ra mức phí bảo hiểm bạn phải đóng khi mua bảo hiểm cho ô tô của mình.

** Triển vọng về nghề Actuary?
Tại Mỹ, Actuary đứng trong top 10 ngành tốt nhất dựa trên 4 yếu tố: môi trường làm việc, lương thưởng, triển vọng nghề và áp lực.
Tại Úc, theo PayScale, mức lương trung bình của Actuary dao động ở $99,000/năm. 1 sinh viên ngành Actuarial Studies mới tốt nghiệp có mức lương khởi điểm khoảng $55,000/năm.
Tại Việt Nam, Actuarial là 1 ngành còn mới mẻ, chưa có trường Đại học đào tạo nên số lượng Actuary còn ít, nhất là khối ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Các bạn du học ngành Actuarial khi về nước đều rất dễ dàng kiếm việc.

** Chương trình học Actuary?
Để được công nhận là Actuary (qualified), bạn cần vượt qua các kì thi của 1 hiệp hội Định phí được công nhận, như hội Định phí Úc (Actuaries Institute).
Chỉ có 7 trường Đại học ở Úc đào tạo ngành này. Sau khi học xong bằng Cử nhân/Thạc sĩ và vượt qua yêu cầu về điểm số với những môn học Định phí, bạn sẽ được exemption (miễn giảm) từ hiệp hội.

Có 3 phần thi để trở thành 1 qualified Actuary của hiệp hội Úc:

- Phần 1 tương đương với bằng Cử nhân Định phí 3 năm (Bachelor of Actuarial Studies), bao gồm 8 môn Core Techniques. Chương trình học Cử nhân trong trường Đại học đặt nặng vào Toán và Xác suất thống kê trong 1 năm rưỡi đầu tiên, sau đó bạn sẽ áp dụng những kiến thức này để áp dụng vào những môn chuyên ngành: bảo hiểm, đầu tư, tài chính sau đó. Với những môn quan trọng là nền tảng cho ngành học sẽ có những yêu cầu về điểm để đảm bảo bạn có thể học tiếp, nếu bạn không đủ điểm sẽ phải học lại môn đó hoặc chuyển ngành.
Ví dụ tại Đại học Macquarie, môn Thống kê kì 1 năm 1 các bạn học Actuarial cần đạt Credit (65+) để có thể đăng kí học tiếp môn Xác suất cho năm 2.

- Phần 2 của kì thi Actuarial bạn có thể học trong trường Đại học thông qua việc học 2 bằng Cử nhân – double degrees (Cử nhân Định phí và Tài chính, Định phí và Khoa học, v.v.) hoặc học Thạc sĩ.

- Phần 3 dự thi kì thi bên ngoài với hiệp hội Định phí.

** Cơ hội định cư
Actuary nằm trong danh sách ưu tiên định cư. Do đặc thù ngành học khó nên số lượng tốt nghiệp ngành này ít hơn so với các ngành Kinh tế khác (khoảng 50-70 bạn tốt nghiệp cả Cử nhân và Thạc sĩ, x 7 trường trên toàn quốc), trong đó chỉ tiêu định cư của Bộ Di trú cho ngành này hàng năm rơi vào khoảng 1,000, nên bạn sẽ có ít cạnh tranh hơn, nhân cao cơ hội định cư.

Ảnh: Internet

Monday, 8 January 2018

Câu chuyện âm nhạc: Số 7 - VTV Bài hát tôi yêu

Hôm qua hỏi 1 em gái có nghe AC&M không chị cho đĩa, em nói không biết nhóm này. Hỏi tiếp có biết bài “Chuyện chàng cô đơn” không, em nói không biết nữa. Cảm thấy mình già quá, dù mình hơn em nó có 1 tuổi =))))))))

Trước năm 2010 cuộc sống không có Internet, giải trí chỉ có chiếc TV làm bạn, xem đúng 5 kênh từ kênh 1 tới kênh 5 là hết cả tuổi thơ =)). Kênh 1 (VTV1) 8h tối xem trực tiếp ca nhạc Bài ca dâng Đảng mỗi dịp lễ Tết và xem phim bộ nước ngoài, “Trái tim mùa thu” hay “Giày thủy tinh” đấy. Kênh 4 (đài Hà Nội) xem các chương trình về Hà Nội. Kênh 5 (đài Hà Tây) xem các bộ phim truyện Việt Nam chiếu lại và Tây du kí. Kênh 3 (VTV3) thì mặc định cầm vào cái điều khiển là ấn số 3 rồi, kênh 3 không có gì xem thì mới chuyển kênh khác. Còn khi cả 4 kênh này không xem được nữa thì ta chuyển kênh 2 (VTV2) xem tạm bạn của nhà nông hay học tiếng Anh trên truyền hình =))) Sau này có chảo hay đầu kĩ thuật số phải lên phòng bố mẹ bật đầu máy mới xem được thì danh sách thêm được HTV7 (hay 9 ấy nhờ) có “Vui cùng Hugo” hay “Thay lời muốn nói”. Ấn tượng trong mình về 1 giọng nữ miền Nam chính là giọng MC Quỳnh Hương, sau này gặp các mẹ Xì Gòn tông giọng toàn hơn mình 1 quãng 8 không à. Sau nữa thì có thêm VCTV2 cũng để xem lại các phim Việt xưa (toàn phim hay không à), VTC xem “Sao online” với anh Phan Anh đẹp giai, VTV4 đồng bào xa Tổ quốc khi mà ta quên không xem cái gì ở kênh 3 thì mấy hôm sau xem lại ở VTV4, và tới năm 09 hay 10 gì đó mới có VTV6 dành cho giới trẻ. Mình xem TV rất nhiều mà vẫn học được nhỉ =)))

Quay lại với VTV3, phương tiện giải trí duy nhất của mình, dán mắt xem đắm đuối các chương trình ca nhạc lớn nhỏ. Mình thuộc và có kiến thức về nhạc Việt cũng hoàn toàn nhờ vào V3. Mở màn những năm đầu 2000 (2002-2004) có VTV Bài hát tôi yêu, mỗi mùa có khoảng 10 video ca nhạc tham dự. Từ các chị đại như Thanh Lam, Hồng Nhung tới các ca sĩ đại chúng hơn như Phương Thanh, Lam Trường, Đan Trường và những gương mặt mới giai đoạn đấy như Quang Dũng, Lệ Quyên, Mỹ Tâm, Tuấn Hưng cũng có sản phẩm trên VTV Bài hát tôi yêu. Hồi đó video quay đơn giản gì đâu nhưng thu hút truyền cảm lắm, giờ xem lại vẫn thấy hay. Chị Tâm có cái cầu thang xoắn xoắn ngoài bờ biển này (bài “Nhé anh”), Minh Quân với “Nếu phải xa nhau” ông cứ đứng ở ga tàu xoay qua xoay lại cũng thành một em-mờ-vê ca nhạc, Quang Dũng dắt cái xe đạp đi vòng quanh đồi thông với bạn gái trong “Còn ta với nồng nàn” như ngôn tình, bà Bống “Một ngày mới” chạy bộ tập mấy động tác khởi động chả mất tí sức nào mà thấy sáng bừng sức sống. Mình ấn tượng nhất với 2 video, 1 là bài “Sói con ngơ ngác của tôi” của Kasim Hoàng Vũ, cả video có mỗi cái bể nước xanh lè xong tương phản ánh sáng trắng đen để thể hiện nội dung bài hát về các em mồ côi. Và bài “Đêm nằm mơ phố” do Nghi Văn hát, có mỗi cô gái bên đèn dầu leo lét hát “Tay em lạnh mùa đông ngoài phố” cộng với những khung hình tranh phố cổ mà thấy có 1 Hà Nội mùa đông lạnh lẽo đơn côi đến vậy. Tham gia VTV Bài hát tôi yêu còn có 1 loạt các nhóm nhạc, sau này những MV bài hát của mấy nhóm này thành bài tủ karaoke hết, như “Sóng tình” - MTV, “Ngày gió và cánh diều” – Trio 666, “Hãy hát lên” – Nhịp Điệu. Những bài hát này thỉnh thoảng mình cũng được nghe lại ở những chương trình văn nghệ hải ngoại, thuộc top nhạc trẻ.

Còn đây là bài hát tiền thân cho Hội những người FA nhé, từ ngày đó FA đã được miêu tả chỉ biết chơi với mèo rồi, mà vẫn vui tươi 😊

Friday, 5 January 2018

Ngọc Anh 3A: "Cô là ai?"

Cứ mỗi lần văn nghệ sĩ nào có lùm xùm trên truyền thông là y rằng ở dưới phần bình luận lại có vài thành phần vào hỏi: “Cô cậu này là ai?”. Mệt ghê, người ta đã chiếm được trang nhất mặt báo thì về cơ bản cũng là thú dữ rồi, không biết mà quan tâm thì google đi, cứ show cái dốt ra thiên hạ để nhiều comment khác a lô sô vào bình luận kiểu “Trẻ giờ chỉ biết Tùng núi chứ đâu còn biết ai với ai”. Rảnh, cả 2 phía đều rảnh ghê gì đâu!
Mấy hôm nay có cô ca sĩ Ngọc Anh (3A) dính phốt cát-xê với nhạc sĩ ruột Phú Quang. Cô này muốn hiểu rõ, đánh giá sức hút được thì phải để các nhà báo tầm 6x 7x của bố mẹ, chứ trẻ thì chỉ biết thôi chứ không ở thời đấy. Ngọc Anh cùng lứa với Mỹ Linh, nhưng khi còn ở trong nước thì không nổi tiếng bằng, chứ chưa nói tới chuyện so được với Thanh Lam, Hồng Nhung, dù giọng hát trầm khàn của cô cũng được xếp vào của hiếm của làng nhạc. Hỏi khán giả thì như mẹ mình chả nhận xét rồi, Ngọc Anh 3A chứ gì, hôm chả biểu diễn ở “Âm vang sông Hồng” đấy thôi, hát chả hay, Minh Anh – Minh Ánh mẹ còn thấy hay hơn. Tức là từ ngày ở trong nước, Ngọc Anh cũng không phải cái tên thuộc hàng top. Sau khi tách khỏi Tam ca 3A, âm nhạc của Ngọc Anh gắn liền với nhạc sĩ Phú Quang cho đến ngày đi hải ngoại. Những bài hát của ông đều rất tự sự, không đến mức triết lý như nhạc Trịnh nhưng lời ca đều chất chứa tâm trạng, cộng với giọng nữ trầm của Ngọc Anh, nghe lúc thì u uất, lúc thì lãng đãng, rất hợp. Công chúng đều công nhận, Ngọc Anh là người hát nhạc Phú Quang hay nhất.
Bây giờ ở hải ngoại, Ngọc Anh chuyên hát nhạc tình ngày trước hay thính phòng của bậc tiền bối như nhạc sĩ Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Lam Phương. So với các danh ca như Tuấn Ngọc, Ý Lan, hay cũng nhìn nhận khách quan là Bằng Kiều – Thu Phương, 2 người được đánh giá là “mang lại làn gió mới cho âm nhạc ở hải ngoại” và vài cô như Thanh Hà, Minh Tuyết bận về VN kiếm ăn rồi, thì Ngọc Anh dẫn đầu ở hải ngoại trong nhạc tình thật, sô chậu lớn ở các nước lúc nào cũng thấy mặt. Mình cũng đã được nghe nàng live trong 1 chương trình tour của Thúy Nga sang Úc. Đêm ấy trừ bên nhạc quê hương có Mai Thiên Vân không nói, trừ luôn cả ông Kiều ra (cũ lắm cơ mà cất giọng lên “Hỏi đá xanh rêu…” là cả rạp vỗ tay rầm rầm) thì Ngọc Anh hát hay nhất trong dàn còn lại. Hôm đấy hát 2 bài, 1 bài nhạc ngoại và “Triệu đóa hồng”, thì bài “Triệu đóa hồng” hay nhất phần nhạc tình. Chương trình ca nhạc ở hải ngoại luôn thập cẩm dòng nhạc, khán giả chú ý nghe và chọn được 1 bài thấy hay là cả 1 vấn đề 😊
Công nhận có những ca sĩ ở Việt Nam dù có thực lực nhưng chưa thật sự nổi, như Ngọc Anh, Đình Bảo, Huy MC, sang hải ngoại thì 1 phát thành sao xịn ngay.
Ngọc Anh hát Phú Quang thì nhiều, giờ nghe Ngọc Anh hát “Giết người trong mộng” – bài hát chính thức mang cô tới khán giả hải ngoại, đến nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn còn khen hay!