Monday, 13 November 2017

Thu Phương, Bolero và The Master of Symphony 2017

Lâu rồi không viết gì về Phương, không hẳn là vì chán Phương, mà bởi mình qua giai đoạn cuồng nặng rồi =))

Mình không còn nghe Phương hàng ngày, nhưng những lúc cần sâu, cần tĩnh nhất, mình luôn vô thức bật ngay những “Dòng sông lơ đãng”, “Chưa bao giờ”, “Đêm nằm mơ phố”, v.v. 1 list những bài của Việt Anh mà Phương hát để nghe và chỉ nghe Phương hát Việt Anh cả ngày. Cái giọng nữ trầm khàn không theo khuôn khổ nào cố định, ngắt nghỉ, luyến láy tùy hứng, lên cao đôi khi căng nhưng lại tạo được ưu thế cảm xúc. Phương vẫn luôn dùng thế mạnh cảm xúc trong giọng hát của mình để chinh phục khán giả. Giọng Phương cứ cất lên là thấy cả 1 câu chuyện về cuộc đời gập gềnh trong ấy, kể cả trước khi đi Mỹ, từ ngày ấy “Cô gái đến từ hôm qua” đã buồn rồi. Nghe Phương hát không thể sướng về những sáng tạo, những phá cách mới như Hà hay Dương, cũng không thể lanh lảnh, tròn vành rõ vang sáng từng chữ như Nhung hay “xôi thịt” như Lam như Linh, mà nghe để cảm nhận về câu chuyện đằng sau mỗi bài hát, mỗi thân phận và rồi tìm thấy mình đâu đó trong những ca khúc ấy.

Phương không phải là chưa bao giờ hát nhạc vàng, nhưng mình đã rất bất ngờ khi thấy Phương cất giọng “Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề…”, vì đoạn hát chay khúc đầu nghe tưởng bài nhạc nhẹ nào mới. Trong chương trình có cô Hương Lan, Lệ Quyên, tại sao không để các ca sĩ này hát đúng bài sở trường của họ, mà lại để Phương? Phương mà hát bolero thì để bà ấy luyến cho nát bét cái bài ra. Tuy nhiên trái lại với suy nghĩ của mình, chuỗi chương trình lần này Phương lại rất vừa phải, tiết chế mọi sự nức nở, luyến láy sến sẩm, nhấn nhá vừa đủ để làm mới bài hát mà vẫn rất đặc trưng Thu Phương. Ai quen nghe bolero mềm mại mượt mà thì không thể yêu được kiểu hát này, nhưng mình thích nhạc nhẹ nên mình thích hát bolero kiểu nhạc nhẹ thế này, bài hát bớt sầu thảm, não nề. Mình vẫn đánh giá cao Phương trong các ca sĩ hải ngoại mới sang sau này (Trần Thu Hà không phải ca sĩ hải ngoại với mình nhé), vì Phương chịu khó thay đổi hình ảnh bản thân, không để thị hiếu khán giả hải ngoại làm mất đi những sự tìm tòi trải nghiệm dòng nhạc khác cho mình. Như Bằng Kiều chẳng hạn, 3 4 năm nay show nào anh cũng hát đúng ngần đấy bài (Liên khúc nhạc Pháp, “Em là tất cả”, “Nơi tình yêu bắt đầu” là kiểu gì cũng có màn đèn flash điện thoại), anh cũng có ra bài mới nhưng khi đi show trong ngoài nước và kể cả hát những chương trình nghệ thuật lớn trong nhà hát, nơi đủ bao dung để chịu nghe ca sĩ thử nghiệm bài hát mới, anh vẫn trung thành với những ca khúc bất hủ mà chẳng khi nào mang bài mới của mình lên sân khấu. Thế nên ở show lần này mình thích Phương lắm, vì thấy ít nhất Phương khác so với cô ấy, hát lạ tai, nói vừa phải, duyên dáng dẫn chuyện và lịch thiệp với đồng nghiệp.

Nói đôi chút về chương trình The Master of Symphony của Masteri Thảo Điền, mình vẫn đánh giá đây là chương trình đại nhạc hội của nhãn hàng có đầu tư nghiêm túc, vừa đảm bảo được mặt âm nhạc, vừa thu hút được khán giả ở mọi lứa tuổi, cả ở trong Nam ngoài Bắc đều có thiện cảm với chương trình. So với các đại nhạc hội thường niên khác của các ngân hàng (VIB, VP Bank), kịch bản của The Master of Symphony không theo chủ đề rõ ràng, không có MC dẫn truyện, giao lưu với ca sĩ khán giả, mà để ca sĩ tự kiêm luôn MC. Chương trình cố gắng để theo 1 phong cách xuyên suốt (mùa 1 “Bắc bộ học”, mùa 2 “Tây học”, mùa 3 “Nam bộ học”) nên vì thế ca sĩ tham gia năm nào cũng thấy thừa 1 vài cái tên không cần thiết trên phương diện nghệ thuật. Ví dụ với 2 lần tham gia chương trình của Phương, mình đều thắc mắc về sự có mặt của cô ấy trong mùa 1 và mùa 3. Mùa 1 “Bắc bộ học” với 4 Diva đã là quá đủ thì có thêm Phương, Phương cũng nhạc nhẹ thật đấy nhưng về giọng hát, về phong cách thì như “bia kèm lạc”, Phương bị mờ nhạt khi xuất hiện bên cạnh 4 bà và chẳng làm cho chương trình thêm điểm nhấn gì cả, ngoại trừ tranh cãi không dứt trên mặt báo sau đó. Lần này màu sắc trữ tình bolero, dàn ca sĩ đã có Hương Lan, Ý Lan, Cẩm Vân, Lệ Quyên là đủ rồi, vẫn không hiểu có cô Bống và Thu Phương – 2 ca sĩ chuyên nhạc nhẹ vào để làm gì, dù lần này cả 2 nàng đều hay. Còn mùa 2 đã khá “hải ngoại” tình ca với Tuấn Ngọc, Ý Lan, Bằng Kiều, lại chen thêm Tùng Dương và Trần Thu Hà hát “Con cò” và “Dệt tầm gai” ?! Vì thế nếu The Master of Symphony bớt tham mời nhiều tên tuổi hot mà tập trung lại mời đúng người cho đúng màu, chương trình sẽ hợp lí hơn hẳn.

Gọi là đàm đạo 1 chút cho 1 mùa thi có âm nhạc chất lượng đồng hành!




Wednesday, 8 November 2017

An Dương mùa nước lên

Sớm qua nói chuyện với em gái Đà Nẵng về miền Trung bão lụt, chợt nhận ra mình cũng có 6 năm đầu đời biết đôi chút về lụt. Gọi lụt thì hơi quá đáng, đại loại là mỗi mùa hè nước sông Hồng dâng lên là ngập nguyên khu vực quanh sông. Chương Dương Độ, Phúc Xá, Nghĩa Dũng, An Dương, cứ theo thứ tự mà ngập từ từ. Nhà kể năm em Hương sinh ngập to, mẹ khệ nệ trèo lên xuồng tự chế để đi từ nhà ra ngoài triền đê, rồi xuống hộ sinh Hàng Bún đẻ em. Nếu đến thăm bạn bè người thân ở khu vực này, bạn cần biết dân An Dương ghét nhất hẹn hò hay miêu tả địa điểm kiểu “đang ở trên (bờ) đê”, bởi “đê” có thể là đường đôi Yên Phụ, là con đường gốm sứ, là đường 5m Hồng Hà, là cửa khẩu An Dương, là dốc chợ Yên Phụ, là Honda Tây Hồ, bởi thế không nói cho đàng hoàng là muốn oánh lộn )
Nói là 6 năm thế chứ mình chỉ nhớ nhất mỗi vụ hè năm 2002, không biết nước lên chắc cũng cao quá đáng thế nào mà trẻ con được cho đi vào phố sơ tán hết. Mình với các anh chị vào Pháo Đài Láng ở nhà bác, khi nào nước rút bớt thì về, chả nhớ ở bao lâu. Trẻ con vào ở với bác trước, xong bà nội vào, còn người lớn lo ở nhà trông nhà. Hè năm đó chuẩn bị vào lớp 1, sách vở mẹ nhờ cô Hồng mua giúp cho đầy đủ rồi, mang về bác đè ra bọc giấy, dán nhãn viết tên từng quyển rất cẩn thận. Đến giờ mỗi lần về nhà, trèo lên tầng 4 cất va li vẫn thấy cái hộp phấn nắp hồng từ năm lớp 1 bác dán tên “Trịnh Thu Hương – Lớp 1Đ” viết hoa kiểu uốn lượn chéo ngang giữa hộp. Sáng đi học hè ở Chu Văn An (lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất đi học hè ở trường trước khi khai giảng), chiều tối về nghịch, nô đùa với các anh chị (trẻ con cả nhà nội tụ tập hết ở đấy nên đông vui). Năm đó bác còn làm nhà, sỏi đá, cát, xi măng từa lưa, tha hồ nghịch. Với mình, nếu như anh chị bên ngoại là bạn hơn là anh chị (tại sàn sàn bằng tuổi, tâm sự với nhau kiểu chị em thần tượng anh này đẹp giai chị kia mặc cái mốt mới) thì anh chị bên nội đúng nghĩa là anh chị, thương em, chiều em, chăm em nhưng cũng ra dáng người lớn dạy em. Mình nhớ anh chị rảnh là chở em đi lung tung này, có buổi tối mùa hè nóng quá anh chị dắt ra bãi cỏ giữa đường Nguyễn Chí Thanh ngồi hóng gió này. Nhớ nhất là lần sinh nhật em Hương 6 tuổi, anh chị em cả nhà liên hoan bày bánh kẹo hoa quả ra hành lang tầng 2 nhà bác ngay trước cửa phòng chị rất vui, chị Huyền còn tặng mình cái đồ bày bàn cô gái Tây làm xiếc trên 1 bánh xe, giờ vẫn trưng trên giá sách ở nhà. Có những kỉ vật nhiều khi mình cũng giật mình là còn giữ lâu thế.
Năm sau nữa (2003) nước vẫn lên, An Dương lại ngập, lần này ngập từ khi mình còn chưa xong lớp 1. Hôm đó đi thi HSG cấp trường, mình ngồi thuyền từ cửa sau nhà, xuyên cái ngõ tương đối bé phi ra dốc chợ để đi xuống trường. Mang tiếng 2 phường cạnh nhau mà Thụy Khuê nó khô cong còn An Dương thì 4 bề mênh mông đi thuyền đi xuồng vui lắm cơ!!! Ngày hôm ấy mình nhớ vì là ngày em Hương đã để lại huyền thoại giả thuyết Toán học “1 con gà có 4 chân” và cứ thế ung dung giải bài cho đến khi về nhà. Đương nhiên năm đó mình không có giải rồi, và kèm theo lời nhắn nhủ hôm bế giảng của cô Thảo “Cô đã kì vọng Hương được giải”. Con xin lỗi cô ạ! Rồi những năm sau con “phục thù” rồi cô ơi, 2 năm giải 3, 1 năm giải nhất cấp trường và kết lại là nhất quận. Năm lớp 5 thật mình như VIP của trường, cô Mười hiệu trưởng chiều lắm, lên phòng hội đồng ngồi làm bài thi học kì 2 mà cô Mười vào bật điều hòa cho ngồi mát ghê.
Giờ thì An Dương xịn rồi, mưa gió bão bùng thoải mái cả thành phố có ngập thì An Dương khô ráo sạch sẽ. Mình hay đọc báo nghe đài thấy bão gọi về thì luôn được mẹ hồi đáp rằng “Nước thoát hết ra sông rồi con, ngập làm sao được”. An Dương với người ngoài thì có thể vẫn còn có myth kiểu “con muỗi to bằng cổ tay” hay “chuột chạy ầm ầm trong nhà chán không muốn đuổi” nhưng tình yêu của mình với An Dương thì thuộc diện khó nói, khó miêu tả. Câu chuyện có về An Dương ở hay không, chắc còn lâu nữa mới trả lời, nhưng Hương biết, Hương có đi chán đi chê, ở khắp mọi nơi thì không nơi nào yêu Hương nhiều như An Dương được.
Vậy là được rồi!
P/S: xem xong video muốn đạp xe 1 vòng từ nhà Mai vàng ra Ông và cháu, xuyên bên hông Nhà Văn hóa ra chợ ghê!
-Credit: Tút này được inspire bởi tình yêu bên Nhật Bổn kèm cô sinh viên trường Báo sinh trước đúng nửa năm. Credit cho đàng hoàng, chả gì cũng là chị em con chấy cắn đôi lại còn tạo cảm hứng cho mình mà-

https://www.youtube.com/watch?v=-6s_eRHYqVM

Sunday, 5 November 2017

"Bài hát của Linh" - Uyên Linh

Hôm qua bàn chuyện Diva rồi, hôm nay nghe thế hệ tiếp nối đây.
Uyên Linh là người đầu tiên mình nghĩ đến khi nhắc đến lứa ca sĩ kế tiếp diva của nhạc nhẹ Việt sau 4 bà Lam-Nhung-Linh-Hà. Mình cũng rất thích giọng Linh, 1 giọng hát nội lực, hát tình cảm và kĩ, vuốt câu hay luyến láy đều nghe mượt mà, lựa chọn bài hát của Linh cũng đều là những bài tình ca có câu chuyện, lời ca hay.
Linh thuộc thế hệ ca sĩ đời giữa của truyền hình thực tế. Mùa năm đó Idol hay nhất trong tất cả các mùa, Linh đăng quang xứng đáng, thuyết phục, và là quán quân thành danh nhất của Idol cho đến thời điểm hiện tại. Năm đó còn có cả Văn Mai Hương (ối giời “Nếu như anh đến”, “Ngày chung đôi”, 1 thời của tôi), Trung Quân Idol, Bích Phương, toàn những người sở hữu không thiếu bản hit cho mình. Tính ra sau cuộc thi, Linh là quán quân nhưng lại ít hit hơn các thí sinh top 10. Linh đi show giờ vẫn hát lại các bài cũ như "Chỉ là giấc mơ", "Sao chẳng về với em", những bài đã giúp cô tạo hiệu ứng từ Idol, đấy là có bài "Đường cong" bị chế Minh cấm rồi chứ không thì chắc vẫn hát đấy. Mình còn chả nhớ Linh có bài gì mới ngoài “Người hát tình ca” và “Mượn” của Lưu Thiên Hương. Đến năm ngoái bị đầu độc “Ước muốn phai tàn” thì mới ồ lên, hóa ra Linh cũng ra album đó hả.
Có vài tuần năm ngoái mình nghe Linh hát Việt Anh, nghe “Xin giữ em cho hoàng hôn”, “Em sẽ chẳng là ai”, “Đánh rơi bên hồ” và thậm chí cả “Dòng sông lơ đãng”. Nghe Linh một phần vì thích nhạc sĩ Việt Anh, thích ca từ vẽ mây vẽ trăng trong sáng tác của ổng, 1 phần vì dạo này Phương hát nhạc Việt Anh cứ thích lên tông đoạn giữa mình thấy chẳng hay. Nghe Linh hát Việt Anh thấy được sự trầm ổn, nhẹ nhàng, sự tình đang vào độ chín của 1 cô gái sắp thành phụ nữ, nhưng để có điểm nhấn như Phương thì chưa. Linh vẫn tròn trịa, vẫn cảm xúc, nhưng không ép phê đủ dạt dào “biển xô sóng trào”, đủ cô đơn khi hỏi “Em sẽ chẳng là ai nếu như…”, hay là đủ tha thiết níu kéo “xin giữ em vì đâu biết có những ban mai lần nữa”.
Ca sĩ có khi chỉ cần 1 bài hát để đời thì Linh đã có “Cảm ơn tình yêu”, chắc chắn bài này không ai hát hay hơn Linh được. Nhưng vẫn kì vọng ở Linh 1 sự bứt phá hơn nữa trong nghề nghiệp. Linh hát lại những bài của ca sĩ đi trước có hay, nhưng Linh cũng cần có những bài hát mới mà ở đó, Linh tạo được cảm xúc, được hiệu ứng như với “Chỉ là giấc mơ” thì âm nhạc của Linh sẽ có dấu ấn hơn hẳn.
Còn giờ share ủng hộ Linh cho ca khúc mới có đoạn điệp khúc khá “ăn tiền” và sự kết hợp với 1 tiếng nói của thế hệ mình đây 
“Em cứ ngân nga một bài hát của người ta
Bài hát của em là tình ca buồn thương lắm
Bài hát của em là lời yêu vùi trong sương
Bên những thơ ngây ngày xưa xa vắng”