Chả hiểu ăn ở như nào mà ngay từ khi ở nhà, mình đã hay được các phụ huynh hỏi chuyện thầy cô, học hành. Bố mẹ hỏi thì ít mà toàn phụ huynh khác hỏi ý kiến nhận xét thì nhiều. Các bác ấy chả bảo “Thu Hương nói năng gãy gọn bác còn biết đường mà liệu” nên cũng khổ thân tôi lắm cơ. Khoảng 1 năm trở lại đây mình có cơ hội được tiếp xúc với mấy mẹ đã và đang có con học cấp 3 ở Úc, được nghe những băn khoăn trăn trở của họ mà mình cũng chả biết nên như nào mới tốt, vì cơ bản hồi mình học cấp 3 ở Úc thì không thế và trẻ con thì chả đứa nào giống đứa nào nên không áp dụng đứa này vào đứa kia được.
Mình vẫn luôn ủng hộ 200% việc cho trẻ đi du học từ cấp 3, càng sớm càng tốt (đương nhiên gia đình phải đảm bảo tài chính ổn định trong thời gian dài, cỡ 7-10 năm, vì học phí cấp 3 trường thường với Đại học "chỉ" khoảng gấp đôi nhau thôi, nhất là đi Úc nữa thì đừng mơ học bổng, cũng đừng kì vọng gì vào chuyện con sẽ kiếm được tiền, dù ở Úc được đi làm, không thiếu việc và lương không thấp. Cấp 3 thì đứa nào cũng mài đít trong mấy quán ăn nhanh MacDonalds với KFC thôi, tuổi gì mới tới Úc đã được làm văn phòng, vào nhà hàng bình dân người ta cũng không nhận đâu). Mình đi từ lớp 10 đã được xếp vào dạng sớm, nhưng mình có thể cảm nhận được sự khác nhau cũng rõ ràng trong khả năng Anh văn, sự hòa nhập và cách suy nghĩ của bạn sang từ lớp 9, lớp 10 và lớp 11 (ở bang NSW thì không được vào thẳng lớp 12), nên tốt nhất là sang càng sớm càng tốt.
Sang sớm có cái lợi đầu tiên là chắc chắn khả năng Anh văn sẽ tốt hơn (đương nhiên tùy vào đứa trẻ có mạnh dạn giao tiếp không nhưng nhìn chung là tốt hơn). Không chỉ tốt về mặt ngôn ngữ (đúng chính tả, nói trôi chảy) mà kiến thức về văn hóa nội địa cũng chắc hơn, thông qua việc học hành ở trường. Lớp 9 lớp 10 môn Anh văn chương trình học là chung cho cả học sinh bản địa lẫn nước ngoài, trẻ con được học văn học Anh/Úc qua các thời kì, học làm văn, làm thơ, sáng tác truyện. Rồi học Lịch sử, Địa lý, Mỹ thuật, nghe nhạc, xem thời trang, v.v. của Úc nhiều hơn. Từ những kiến thức đó mà trẻ nó hòa nhập rất nhanh, nó có chuyện để tán gẫu với các bạn học cùng nên bản xứ quốc tế nó chơi được hết, không bị lẻ loi một mình. Rồi thời gian ở lâu hơn cũng sẽ hiểu biết về hệ thống xã hội, trước mắt là cái chuyện học hành của nó, lên lớp 11 là tự biết chọn môn này môn kia, lớp 12 tự biết đăng kí thi cử ngành gì trường nào, rất rõ ràng, bố mẹ thầy cô khó can thiệp lắm. Tức là công tác hướng nghiệp định hướng cho mấy đứa sang từ lớp 9 lớp 10 sẽ nhẹ nhàng hơn cho mấy đứa lớp 11 mới sang. Bạn mình nhiều người lớp 11 vừa sang chưa biết gì đã bị chọn môn, cứ quen kiểu Việt Nam học combo Toán Lý Hóa Sinh xong đến lúc học bên này thì ngồi khóc thét. Cứ kêu học cấp 3 ở nước ngoài nhẹ, đến năm 12 thi Đại học cũng cày như trâu khác gì đâu.
Còn 1 điều tốt nữa mà mình thấy từ bản thân, việc đi du học sớm có làm thay đổi quan điểm sống và cách nhìn nhận của đứa trẻ về Việt Nam, theo chiều hướng tích cực. Việc này thì chưa kiểm chứng số đông nhưng có 1 vài người bạn của mình đi Úc từ cấp 3 đến giờ đều không còn quá tôn thờ Úc, không còn quá thiết tha máu me chuyện ở lại Úc, bắt đầu cũng nghĩ đến những lựa chọn đất nước khác và cũng nhìn nhận Việt Nam khá tích cực chứ không chỉ đăm đăm vào toàn chuyện xấu ở quê nhà (ô nhiễm, tham nhũng, thực phẩm bẩn, blah blah). Như mình rời Việt Nam từ năm 14-15 tuổi, bây giờ với mình Việt Nam lại là 1 điều gì mới mình không biết nhiều (mà trẻ thì thích khám phá trải nghiệm mới), mình nhìn thấy ở đó nhiều cơ hội phát triển, đời sống vui vẻ, sôi động hơn hẳn ở Úc. Mình cũng có sự so sánh nữa chứ, ở Việt Nam đi làm thấy còn mua được nhà được xe, ở Úc giờ đến dân của nó còn kêu ầm lên không có nhà mà ở. Rồi ở nước ngoài phần lớn là vì thế hệ sau thôi nhưng trẻ con Úc, tố chất chúng nó cũng bình thường vừa vừa, đã thế lười chẩy thây, cứ nghĩ mình nói được tiếng Anh giỏi, mọi thứ đầy đủ rồi xong không chịu phấn đấu. So với các anh chị Đại học hay Thạc sĩ mới đi du học (dân đi học Tiến sĩ lại style khác nhé), những người có tiếp xúc với Việt Nam lâu hơn, thì các bạn đi nước ngoài từ cấp 3 giữ được cái lạc quan và sẵn sàng hòa nhập các thể loại môi trường sống hơn, bao gồm hòa nhập trở lại quê hương bản xứ.
Đi du học sớm có nhiều điều tốt là điều nhìn thấy được nhưng có những hệ lụy cũng rất nguy hiểm. 14-15 tuổi vẫn là trẻ con, còn non lắm nên nếu xa bố mẹ, xung quanh không có người sát sao kèm cặp, định hướng tốt, thì dễ sa đà vào lối sống buông thả của phương Tây, không phù hợp với văn hóa Việt. Thường học sinh từ Việt Nam sang sẽ khó vào được trường công chất lượng của Úc lắm, cũng chỉ học những trường công nhàng nhàng thôi, hay là trường tư kiểu 99% học sinh quốc tế như mình (kiểu như Ams cấp 2 thì không nhận, Trưng Vương, Giảng Võ thì xét lên xét xuống, mà nếu có vào thì cũng chỉ học lớp thường của nó thôi chứ lớp chọn thì không nhận học sinh quốc tế đâu). Như mình đi học ở Úc mà cứ ngỡ học trường quốc tế Việt Nam, cả khối 12 có 15 mạng thì 10 mạng Việt, giờ Anh văn thì đã không học chung với 2 đứa bản xứ rồi nên có mỗi cô giáo là tóc vàng hehehe. Những môi trường học này không phải là ưu tú gì nên các bạn học cùng, nếu chịu học thì là may mắn, còn không thì hên xui. Ví dụ trường cấp 3 của mình, mấy đứa bản xứ toàn thể loại đánh nhau bị đuổi học trong trường công, chơi với bạn xấu trong trường công không học hành gì bố mẹ sợ quá nên chuyển qua trường tư lởm khởm tít xa cho tách khỏi bạn xấu, bố mẹ li hôn chả quan tâm gì đến con nên cho nó học trường tư ít học sinh thì ít nhiều giáo viên sẽ để ý tới nó hơn trường công, hoặc nhẹ nhàng nhất thì cũng vì nó có learning disabilities (bị khó khăn trong học tập do bệnh tật, khuyết tật gì đó) nên không theo kịp trong trường công v.v. Mà các lớp bé lớp 9 10 thì phần nhiều là học sinh bản xứ (học sinh quốc tế Việt Nam, Trung Quốc phải lớp 11 mới sang đông), mà bản xứ toàn thể loại thể kia mà con mình không tỉnh táo tập trung thì hỏng. Học thì không học, cứ suốt ngày rủ nhau đi bar với club, hút thuốc, uống rượu, có khi chúng nó ngủ với nhau lúc nào không hay (sẽ không đến mức “bác sĩ bảo cưới” đâu vì chúng nó biết bảo vệ hết nhưng mình cổ lỗ sĩ nên quan điểm chuyện này không chấp nhận được ở trẻ con dưới 18). Chả thế mà chú giám hộ của mình có lần giật nảy mình vì 1 em gái Việt lớp 8 cùng trường mình, cũng chú làm giám hộ, sinh nhật nó tổ chức đâu ngoài sảnh khách sạn to lắm, xong nó uống rượu say bét để mấy thằng lớp lớn đưa về đâu như 1 2h sáng.
Thế nên giờ hỏi cho con đi du học từ lớp mấy là vừa thì cháu/em cũng chịu, không đưa ra lời khuyên cho các phụ huynh được. Càng sớm càng tốt, nhưng cũng nên là khi đứa trẻ đã cứng cáp. Ví dụ như là ở nhà nó đi học 1 mình mà xe cộ hỏng giữa đường, hay là nó lỡ đi đâu lạc đường nó biết tự xử lí được chứ không mở cái điện thoại ra gọi bố mẹ ơi cứu con. Trông thế thôi chứ mình có nghe chuyện rồi nhé, bạn mình ở homestay nhà ở khu cũng đồi núi, đi từ trạm xe buýt vào nhà cũng lên dốc rồi đi băng qua rừng này nọ, bị lạc đường xong đi gọi điện về cho mẹ ở Việt Nam. Và lúc đó anh ấy học lớp 11 rồi đấy. Còn về chuyện học hành thì đứa trẻ cần tự giác, cả năm phụ huynh không đụng gì vào sách vở của con mà đến lúc họp phụ huynh thầy cô không phàn nàn gì, tổng kết năm mà điểm của con vẫn cứ ở đúng sức học của con thì hẵng cho đi du học. Chứ không phải trường học nào ở nước ngoài cũng ổn ạ. Trường cấp 3 của mình, giáo viên thì vừa mới ra trường, hoặc vừa mới đến Úc được 1 2 năm, chưa có kinh nghiệm gì, điểm vào Đại học tính sao có khi còn chưa hiểu rõ đã bị quăng vào dạy lớp 12, ổng chả biết cái mô tê khỉ gió gì hết, thầy dạy run đằng thầy, trò học run đằng trò. Những trường hợp như thế mà đứa trẻ không tự giác học được thì chết dở. Cộng với môi trường nếu không lành mạnh, ảnh hưởng xấu tới con mình, thì lúc đó là thành mớ bòng bong luôn. Cho con về lại Việt Nam thì sợ ảnh hưởng tâm lí trẻ nhỏ, nó lại tự ti rụt rè thành trầm cảm cũng chết, còn cho nó ở Úc 1 mình không ai quản lí cứ lông bông thế cũng lo sốt vó lên.
Đấy nên ra các bậc phụ huynh liệu cơm mà gắp mắm! Nghĩ kĩ rồi hẵng cho con đi du học ạ!
Còn mình tẹo nữa phải phỏng vấn mẹ đây: sao hồi đấy lại liều thả cửa cho đi sớm thế nhờ?
P/S: Các bác thông cảm, chia sẻ hơi dài, sáng ra có tí nhập đồng )
No comments:
Post a Comment