Monday 14 November 2016

Thu Phương – ca sĩ khóc nhiều nhất Việt Nam

“Thôi Phương hãy về, cứ yên lòng rồi giông tố sẽ qua…”

Thu Phương không phải là ca sĩ hát đúng. Hầu như bài nào cô cũng phải hát khác đi ít nhất 1 nốt nhạc so với bản gốc của nhạc sĩ, hay luyến láy theo cách rất đặc trưng của bản thân. Nhưng Thu Phương là ca sĩ hát hay. Cái hay của cô ấy nằm ở âm sắc đặc biệt, trầm khàn, lại phả chút màu sắc của thời gian, của tâm hồn gãy đổ, nên bài hát càng có sức nặng. Mà với những khán giả không thông tỏ lý-sáng-chỉ, hát hay vẫn luôn hay hơn hát tốt.

Thu Phương cứ đi rồi lại về. Năm nay về nhiều hơn mọi năm, và chắc là sẽ về nhiều như thế này trong vòng 1 2 năm nữa, khi ở hải ngoại người ta đang tẩy chay cô tương đối gay gắt. Lần nào về cũng khóc. Có những bài hát, cứ hát là khóc. Vì lí do gì, chỉ mình cô ấy hiểu. Thu Phương cứ mặc kệ cho người ta nói cô ấy diễn, cô ấy nói nhiều hơn hát, Phương vẫn cứ hát, cứ tự sự, cứ khóc đúng với những gì trái tim cô nói. Và cô vẫn tìm thấy khán giả của riêng mình, những người luôn theo dõi, đồng hành với Cô gái mùa thu rất nhiều năm qua.

Liveshow Mùa thu của Phương năm nay đặc biệt, vì nó kỉ niệm tròn 30 năm cô bước vào nghệ thuật, lại được tổ chức ở Nhà hát Tuổi trẻ (NHTT) - nơi chắp cánh và nuôi dưỡng cho tiếng hát của Thu Phương. Đêm nhạc mang đúng tính chất tri ân khi được thực hiện trong 1 không gian nhỏ (khoảng 500 ghế), khán giả phần lớn là thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp của nhân vật chính đến chung vui. Và vì tính chất tri ân này nên Phương có lí do chính đáng để được khóc trên sân khấu ấy.

Thực tế thì Phương đã kiềm chế cảm xúc của mình khá tốt trong đêm nhạc. Phương hát “Chưa bao giờ”, “Thành phố tình yêu, nỗi nhớ”, “Trở về dòng sông tuổi thơ” đã bớt cái nức nở thường thấy. Các bài hát đều được truyền tải trọn vẹn nội dung, lời ca và tràn đầy cảm xúc. 3 khách mời đều đã hoàn thiện tốt vai trò của mình, những ca khúc song ca, mash up, hay hát chung với piano đều rất hay và có điểm nhấn. Nếu như Hoàng Dũng mang đến khía cạnh chiều sâu, nội tâm phức tạp của cô giáo Thu Phương, thì Quang Linh mang Thu Phương trở về thời hồn nhiên nhí nhảnh để làm “chim sáo nhỏ”, và tiếng đàn của nhạc sĩ Việt Anh cùng giọng hát Thu Phương đưa khán giả trở về thời kì đẹp nhất của cặp đôi này, với những bản tình ca buồn quá đỗi lãng mạn.

Trong đêm nhạc có nhiều khoảnh khắc thật đẹp. Là khoảnh khắc khi nhạc sĩ Việt Anh đệm piano và Thu Phương đứng dựa vào đàn, cất lên những bản tình ca làm nên tên tuổi hai người. Những “Chưa bao giờ”, “Đánh rơi bên hồ”, “Phía nào đến chân trời” và bài hát mới về Nam Phương Hoàng Hậu, Thu Phương đã hát hay hơn, thăng hoa và cảm xúc hơn rất nhiều khi được chính tri kỷ âm nhạc của mình đệm đàn. Là khoảnh khắc Thu Phương hát cùng với ca sĩ Hoài Phương (Đồng hồ báo thức), 2 chị em, 2 người bạn thân sau ban nhiêu năm chờ đợi để lại được đệm đàn hát cho nhau nghe như thuở còn 15 16. Là giây phút nhạc sĩ Tường Văn – người em, người bạn thân khóc vì thương cho tiếng hát, cho những truân chuyên và vỡ òa khi lại được thấy người chị gái ấy trở về trong vòng tay của thầy cô, bè bạn. Và còn rất nhiều những chi tiết khác nữa, tất cả đã làm nên 1 đêm nhạc rất xúc động.

Thu Phương là ca sĩ chịu thay đổi. Đêm nhạc rồi cô hát nhiều bài hát trong album Hội Trăng mới của mình. Dân gian đương đại của Lê Minh Sơn hay Lưu Hà An không phải là thế mạnh của Phương, nhưng cô vẫn hát để mang đến cho khán giả 1 hình ảnh mới (so với Phương), thoát khỏi sự nồng nàn quen thuộc của những bài hát thương hiệu “Đêm nằm mơ phố”, “Dạ khúc cho tình nhân”, “Trăng dưới chân mình”, v.v. Thu Phương cũng “liều” thử sức với hát Xẩm, dù có thể chưa đạt nhưng cũng đã mang đến sự mới mẻ nhất định.

Đạo diễn Cao Trung Hiếu của Vietvision vẫn luôn trung thành với minimalism (tối giản hóa) và trên sân khấu có 1 cái khung tròn treo trên cao để hiện hình ảnh minh họa. Yếu tố này được anh sử dụng lặp lại từ liveshow Hoàng Quyên, Hồng Nhung và giờ là Thu Phương. Sân khấu, ánh sáng tối giản, đẹp, hợp lí, ấm cúng, nhưng không có yếu tố mới mẻ. Đêm nhạc sẽ tròn trịa hơn nếu Thu Phương thuộc lời bài hát kĩ để tránh hát sai lời nhiều chỗ khá lộ. Âm thanh nghe qua trực tuyến lúc to lúc bé, có nhiều lúc ngỡ tưởng ông keyboard bấm nhầm cái nút tiếng kèn đám ma nên nghe khá khó hiểu. Và với cá nhân mình thì vẫn luôn mong được nghe ca khúc “Dòng sông lơ đãng” phiên bản không lên tông, và cô ca sĩ hát trọn vẹn “Hà Nội 12 mùa hoa” không cần nhờ đến nhóm bè, như cái phiên bản xuất thần trong đĩa Thúy Nga làm người ta phát sốt lên năm 2014.

Trên tất cả thì điều quan trọng nhất là “Mùa thu của Phương” đã truyền tải trọn vẹn tất cả những mong muốn, khát khao của Thu Phương tới những người đã dạy bảo, nuôi dưỡng để có được ca sĩ Thu Phương của ngày hôm nay. Những cái ôm, cái hôn, cái cách thầy cô, bạn bè lau nước mắt cho cô bé Thu Phương là những điều đáng trân trọng nhất sau một đêm nhạc đúng nghĩa tri ân, kỉ niệm. Ra đi để trở về, và Thu Phương đã trở về, và yên tâm để tiếp tục trở về. 


Ảnh: Google

No comments:

Post a Comment