Tuesday, 24 November 2015

THE MASTER OF SYMPHONY - Khi đẳng cấp hội tụ

Lâu lắm rồi nhạc Việt mới có 1 chương trình chất lượng như vậy. 5 ca sĩ, 5 danh ca có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới nhạc nhẹ Việt Nam thế hệ đầu: Thanh Lam, Hồng Nhung, Thu Phương, Mỹ Linh, Trần Thu Hà. Nói theo ngôn ngữ dân dã thì là: Đừng có đùa với các mợ “lại gạo”. Trẻ trung, tươi mới, các cô cậu thanh niên 20 hẵng cứ phải xách dép chạy theo còn mướt.

** Liên khúc Hoa mở màn: https://www.youtube.com/watch?v=iwSgh7dHqSA
** Đánh thức tầm xuân: https://www.youtube.com/watch?v=xKHGLijgDCs

Trần đời không có cái gì vững mà 5 chân cả. 4 cái đỉnh thì vẫn mãi là 4 cái đỉnh. Vậy nên hãy cứ nhìn nhận đơn giản, đây là sự gặp gỡ, hội tụ của 5 người bạn cùng thời. Đừng thắc mắc tại sao không phải là ca sĩ này, ca sĩ kia. Cũng phải có lí do tại sao nhà sản xuất đặt tên chương trình là THE MASTER OF SYMPHONY (tạm dịch là Bậc thầy của giao hưởng) mà không đả động 1 chữ nào về những danh xưng. Vì về cơ bản, một bài hát, giọng hát "hay" ở nhiều thời điểm vẫn được khán giả đón nhận hơn là một bài hát, giọng hát "tốt". Ca sĩ được "chọn mặt gửi vàng" cũng đều là những vị có gang có thép trong nghề. Danh hiệu để làm gì khi mà có khối khán giả (đến giờ này) vẫn tuyên bố thẳng thừng rằng, bật vô tuyến mà thấy cô này là tôi chuyển kênh ngay; chuyên gia phá hoại ca khúc; hay cô này dạo này hát hò kiểu gì mà mồm mở cứ như luyện thanh opera, trông chán chết! Xét cho cùng các “Đi-ra”, “Đi-vô”, hay ông hoàng, bà chúa nhà mình, đã có ai thực sự vươn ra được cái “ao làng” Đông Nam Á, chứ chưa muốn nói là tạo ra được trào lưu thế giới. Cũng may là các đương sự nhà ta đều biết địch biết ta, họ chưa bao giờ vỗ ngực tự nhận những danh xưng đó, hoặc ngúng nguẩy đùn đẩy cho người này người kia.

“Người xinh trong mắt kẻ si tình”. Yêu ai sẽ gọi họ là Diva của lòng mình.

4 cái đỉnh vẫn luôn có 1 cái đỉnh sáng nhất. Khi 5 người họ hội tụ, ta vẫn cảm nhận một phần nhỉnh nào đó. Và phần nhỉnh đó xứng đáng dành tặng cho Diva của các Diva - NSƯT Thanh Lam. Giọng hát vẫn vang rền như thuở đôi mươi. Trình diễn lúc nào cũng rực lửa, bùng cháy, làm ta băn khoăn không biết nguồn năng lượng ấy ở đâu. Mẹ đã từng một lần chia sẻ: "Thanh Lam mà không rên ư ử thì cô ấy là nhất". Chính xác luôn, khi cô ấy "thăng" có kiểm soát, sẽ chẳng có ai hát "Hoa sữa", "Giọt nắng bên thềm" hay hơn Thanh Lam. Người đàn bà ấy cũng đã kiềm chế (dù chắc phải vất vả lắm) để phối hợp đầy tinh tế, nâng đỡ đồng nghiệp của mình trong các phần song ca. Hãy nghe "Vẫn hát lời tình yêu" (Thanh Lam - Hồng Nhung) và "Mây" (Thanh Lam - Trần Thu Hà) thì rõ. Và các cô ấy lại để lại một khoảng trống không thể khỏa lấp trong lòng khán giả rằng, biết bao giờ chúng tôi mới lại được nghe những phần song ca đẳng cấp như thế này nữa?

** Giọt nắng bên thềm: https://www.youtube.com/watch?v=sCHC01NXUgQ
** Ôi quê tôi: https://www.youtube.com/watch?v=MTNQYjBm4CE
** Vẫn hát lời tình yêu: https://www.youtube.com/watch?v=Ozrc0saIS4k
** Mây: https://www.youtube.com/watch?v=I0I7W7OKnqg

Hồng Nhung - vẫn cứ mãi là Bống à, Bống ơi. Luôn ngưỡng mộ cái duyên của nàng ấy trên sân khấu và trong các bài phỏng vấn. Nhiều người thấy Hồng Nhung "cưa sừng làm nghé", điệu từ bề ngoài đến cả cách hát. Nhưng điệu thì sao! Khán giả đã cười, một nụ cười rất mãn nguyện khi nghe cô ấy cười nấc lên hát Cho em một ngày, bên cạnh tiếng đàn guitar dào dạt của nghệ sĩ Dũng Đà Lạt. Hơn 40 tuổi, Hồng Nhung mộc mạc y xì như thuở ban đầu, không ồn ào và trong vắt. Và đương nhiên, "Cho em một ngày", đố ai hát được dễ thương như cô ấy!

** Cho em một ngày: https://www.youtube.com/watch?v=Vqm4q0jhzlE
** Đóa hoa vô thường: https://www.youtube.com/watch?v=d-G94xr40U0

Mỹ Linh - lý trí và tròn trịa, nên có lẽ bởi vậy, cô ấy có hạnh phúc viên mãn nhất trong tất cả. Vốn không phải là fan ruột của nàng, chỉ là những "Trưa vắng", "Hương ngọc lan", một dạo nghe thấy đỡ nhức đầu hơn mấy bài xìteen nên nghe và có cảm tình thôi. Nhưng phải nói là giọng Mỹ Linh đẹp, đẹp vô cùng đẹp, nghe cô ấy hát Hương ngọc lan trong đoạn mở đầu mà tưởng có thể vỡ loa bất cứ lúc nào. Và với "Trên đỉnh Phù Vân", ta đã biết thể loại này là chống chỉ định nghe buổi đêm, thế mà lại dại dột đêm khuya để nàng ấy ám ảnh vào giấc ngủ: "Mênh mênh mang mang Phù Vân Yên Tử. Vi vi vu vu Trúc Lâm Thiền Tự..." Phải nói là rụng rời, và thế là lại thao thức... chỉ vì nàng ấy đã dọa ma xuất thần!

** Trên đỉnh Phù Vân: https://www.youtube.com/watch?v=5hbbdnm712Q 

Riêng Trần Thu Hà, vì hát nhạc film cho 2 bộ film truyền hình mình mê mệt một thuở là Phía trước là bầu trời (bài Lời chưa nói) và Của để dành (bài Lời ru cho con) nên nhớ, chứ chưa bao giờ thích, không nghe và không theo dõi. Nói về Trần Thu Hà thì quan điểm từ trước đến nay không đổi là, luôn chỉ được đường tiếng. Nhưng cái giới văn nghệ sĩ là thế, xấu đẹp đôi khi không quan trọng bằng cá tính lạ. Nàng ấy biến hóa, sáng tạo, hát cái gì cũng ổn, nhưng khổ là chưa bao giờ cảm được nàng. Ấn tượng đêm diễn với nàng có lẽ nhiều hơn ở phần bè, khi khán giả mù nhạc như mình còn nghe ra nàng bè cao hầu hết các bài. Hát bè còn khó hơn hát chính, nhất lại toàn giọng khủng thế kia, nên rất khâm phục kỹ thuật và con đường âm nhạc cô ấy theo đuổi.

** Sắc màu: https://www.youtube.com/watch?v=GHOUq_sZG8I
** Phố nghèo: https://www.youtube.com/watch?v=0xAvCvmZVPo
** Tình ca: https://www.youtube.com/watch?v=UKW1EnvT00o

Thu Phương - người duy nhất không là Diva. Nói về nàng thì khó lòng công tâm lắm, khi mà nàng đã chiếm trọn tâm hồn âm nhạc của những đứa hay nhớ nhung như mình. "Chưa bao giờ", đúng như cái tên của nó, mỗi lần nghe lại 'hồn siêu phách lạc' như bài hát mới toanh. Phương lặp đi lặp lại câu chuyện của những được mất, của sự ra đi để trở về, của mối duyên trong đời sống. Đặc biệt đối với những người "đã rất xa để đủ nhớ", họ luôn nhạy cảm với những gì thuộc về quá khứ, về hai tiếng "ngày xưa". Vậy nên khi được kích động để họ nói về cái dây thần kinh "đơ" đó, đừng bất ngờ khi thấy người ta cứ nói, cứ hát là khóc, và cũng đừng cho là kịch, là diễn sâu, tội nghiệp họ. Nỗi nhớ về tình yêu, về phố cũ, về chính những gì bản thân đã đi qua, Phương truyền đạt lại tất cả trong những tiếng thở, những thổn thức, nức nở mỗi lần cô ấy hát. Công bằng là kĩ thuật của nàng so với 4 cô kia là dưới cơ, nhưng vấn đề về cảm xúc, về độ phổ cập trong giọng hát, có khi cả 4 cô kia cộng lại không bằng nàng. Riêng mặt âm sắc, Phương hát người ta có thể cảm thấy được cả dấu nặng, dấu ngã, nàng hát mà phát âm chuẩn như đọc chính tả vậy. Những "Cô gái đến từ hôm qua", "Đêm nằm mơ phố", "Trăng dưới chân mình", "Bang bang", nàng đã "đóng đinh" rồi, các ca sĩ khác hát lại người ta chỉ có thể khen tươi mới, chứ không thể so về chiều sâu với nàng. Thế nên có còn quan trọng chuyện Diva hay không khi nàng luôn có lượng khán giả "đủ" và "đúng" của mình bao nhiêu năm nay. Người ta chê Phương mang phong cách phòng trà, không văn minh, hát sướt mướt trên sân khấu mang tính "hàn lâm" tương đối cao so với mặt bằng chung của nhạc nhẹ đương thời. Nhưng cũng chẳng ai dám phủ nhận Phương hát cực kì cảm xúc, có sức nặng trong giọng hát, biết xử lí ca khúc tinh tế để mỗi lần cất tiếng là thu hút khán giả ngay lập tức. Họ xúc động với giai điệu lời ca, có khi còn khóc luôn theo nàng. Không phải ca sĩ nào cũng làm được điều đó, và nàng đã làm thành công rất nhiều lần. Mà cũng phải công bằng, trong 5 cô, nàng là "chuẩn" nhất, vóc dáng chuẩn, hình ảnh chuẩn, sang trọng, không "cưa sừng làm nghé" quá trớn, ngoại hình đúng lứa tuổi, giọng hát nồng nàn. Bấy nhiêu yếu tố đó thôi đã đủ để ghi điểm trong lòng công chúng rồi. Thật chứ chưa thấy ai số long đong như nàng. Từ giữa năm đến giờ có lẽ cô ấy là thuộc dạng nhiều scandal nhất showbiz, mà hầu hết toàn "tai bay vạ gió". Nàng chưa đòi hỏi mình là ông này bà nọ trong làng nhạc, truyền thông cứ tung nàng lên tận mây xanh rồi lại bầm dập người ta không thương tiếc. Vậy xin hãy cứ để Thu Phương là ca sĩ Thu Phương, như thế với khán giả, hay với bản thân người nghệ sĩ, đã là một sự tôn trọng dành cho họ. 

** Chưa bao giờ: https://www.youtube.com/watch?v=Z-FIvlaGLNM
** Cô gái đến từ hôm qua & Trăng dưới chân mình: https://www.youtube.com/watch?v=58mTcQJ3u5U
** Bang bang: https://www.youtube.com/watch?v=cxqk5Pv3O9Q
** Đêm nằm mơ phố: https://www.youtube.com/watch?v=CJUmjgMj0fI

Những bài hát trong chương trình đều là các bài hát cũ. Ta nghe, có thể lẩm nhẩm hát theo, nhưng tuyệt nhiên là những thanh âm mới chứ không phải là món ăn hâm lại. Ban nhạc, đặc biệt là dàn nhạc dây ngồi sau, âm thanh, ánh sáng, sân khấu đã làm nên những phút giây thăng hoa nhất cho 5 người nghệ sĩ. Và khi 5 cô vẫn hừng hực sung sức như vậy mà chỉ có 2 cô chịu ra đĩa định kì, ta tự hỏi liệu có phí quá không những tài năng âm nhạc có một không hai thế này? Nhưng dù gì, 5 cô, mỗi cô một vẻ, mỗi cô một cá tính, một sắc hương, không thể hòa lẫn vào nhau được. Hoa sữa, hoa hồng, hoa vàng, hoa gạo, hoa lan; hoa nào cũng đẹp, hoa nào cũng thơm. Mà hoa đã thơm thì có cần thiết những tranh luận ngoài lề, nhất là khi trên sân khấu ấy, ta đã thấy không chỉ có âm nhạc, mà còn là tình bạn, tình đồng nghiệp. Không biết sẽ còn có lần nào 5 bông hoa này lại đứng chung sân khấu để tỏa sắc 1 lần nữa, thế nên chúng ta hãy cứ chìm đắm và trân trọng những thanh âm giai điệu đầy cảm xúc mà họ đã mang lại thôi, chớ nên nói nhiều.

Lại tiếp tục bồi hồi và ngẩn ngơ với các mợ... 






Wednesday, 11 November 2015

Bài dự thi “Âm nhạc trong tôi” - THE MASTER OF SYMPHONY

Câu chuyện âm nhạc: ca sĩ Thu Phương

Cả bố và mẹ đều thích, nghe và hát nhạc Thu Phương. Phải chăng vì nhạc của cô đồng hành với thời "thầm thương trộm nhớ" và rồi hoàn thiện bản thân với một mái ấm gia đình của hai người những năm 90?
Câu chuyện âm nhạc của bố mẹ trải đều từ những bài ca nhạc vàng, rồi thời đầu nhạc nhẹ với 3 cô diva, dần đến lứa "đàn em" thế hệ 200x. Và đương nhiên: Thu Phương! Trong trí nhớ của một đứa trẻ lên 3 lên 4 vẫn còn hình dung rất rõ khoảng thời gian mẹ bật “Dòng sông lơ đãng” với “Có phải em mùa thu Hà Nội” hàng ngày. Nó nhớ đến mức mà dù mẹ có nghe rất nhiều các thể loại nhạc, đủ các ca sĩ cả Tây cả Ta, cả hải ngoại lẫn trong nước; nó luôn nhớ rằng, Thu Phương là ca sĩ duy nhất mẹ nói từ THÍCH!
Như một điều tự nhiên, tình yêu đó lây lan cả sang cả thế hệ F2. Với tôi, ca sĩ duy nhất hát làm tôi ‘run bần bật’ là Thu Phương với “Hà Nội 12 mùa hoa” (và cũng từ bài hát này mà tôi có cảm tình đặc biệt với cô ca sĩ từ thời thế hệ bố mẹ). Có thể vì tôi nghe bài hát này đúng thời điểm (mùng 5 Tết khi ở nước ngoài), nhưng không thể phủ nhận là lâu lắm rồi mới có 1 bài hát đẹp, giản dị, nhẹ nhàng đúng chất Hà Nội đến vậy. Tôi yêu giọng hát Thu Phương cũng chỉ đơn giản ở lối hát đầy tự sự da diết của cô. Hát như nói, không cần phải biến tấu, chỉ cần cất giọng lên là đã thấy đầy sự khắc khoải, nhớ thương trong đó. Ở một phần nào đấy, tôi và người ca sĩ đều đã xa nhà, xa thành phố mình sinh ra từ năm 13 14 tuổi, và giờ là xa cả đất nước; tôi tìm được sự đồng cảm trong giọng hát và trong cả sự lựa chọn bài hát của cô.

"Tri kỉ" trong âm nhạc, cũng như "tri kỉ" trong đời sống, ai cũng nên có một người.

Và khi đã là “tri kỉ”, nợ nần nhau cảm xúc qua một thứ thanh âm, chúng tôi luôn dõi theo và cầu chúc những điều tốt đẹp nhất tới người nghệ sĩ của lòng mình. Và lại mong chờ, háo hức cho sự trở về có một không hai của cô ấy trong THE MASTER OF SYMPHONY. Khi hai “người đàn bà hát” Thanh Lam, Thu Phương được đặt cạnh sự tròn trịa của cô Bống, sự chỉn chu của cô Linh, sự tinh quái của cô Hà; tất cả sẽ bùng nổ và làm nên một dấu ấn lịch sử trong âm nhạc Việt đương đại.


Wednesday, 4 November 2015

Lời của gió

Tình ca của những người yêu nhau qua nhiều thế hệ:
“Gió hãy nói rằng tôi yêu em
Gió hãy nói rằng tôi yêu anh
Gió hãy nói rằng ta yêu nhau
Thế thôi”

Như “Nắm lấy tay anh” hay “Tình yêu màu nắng” của năm 2014, “Lời của gió” đã từng len lỏi vào mọi nhà trong thập niên trước, hay cả trước nữa, khi tôi chắc mới ra đời. Tôi nhớ rằng, hồi mình còn be bé, có thời điểm, Tết nhất hay ngày thường; từ trong nhà, ra ngoài ngõ, ra đến cả ngoài quán, đi nhà nào thấy hát karaoke là kiểu gì cũng nghe thấy bài này, chưa kể còn hát đúng trên nền màn hình là vợ chồng Huy MC-Thu Phương đang nhảy múa luôn. Thỉnh thoảng trên tivi, kênh Hà Nội (kênh 4) còn hay phát lại bài này song ca của cô Bống Hồng Nhung và ca sĩ Quang Vinh – tác giả của bài hát Sea Games 22, người mà lúc đó tôi cứ tưởng chính là nhạc sĩ Duy Thái, tác giả của ca khúc.
Một bài hát giản dị trong cả ca từ lẫn giai điệu, nhưng như người ta vẫn nói: “Đơn giản là đỉnh cao”. Tôi vẫn hay “chê” những bài này, vì cũng cũ rồi, mà cũng một phần bị bố mẹ và các bác “tra tấn” nhiều quá. Nhưng không thể phủ nhận, những “Lời của gió” , “Bên em là biển rộng”, “Chia tay hoàng hôn”, “Hoa sữa”, v.v ; tuy không còn hiện đại, nhưng lời ca, giai điệu vẫn rất hay và sống mãi trong trí nhớ của bao nhiêu người.
Không phải cái gì mới cũng là hay, mà không phải cái gì cũ cũng là dở.
Một bài hát đặc biệt, nhân 1 ngày đặc biệt.
P/S: Cô Bống trả lời hay hơn cả hoa hậu!


Tuesday, 3 November 2015

Trời sinh voi, trời sinh cỏ?

Câu cửa miệng của bà với các bác và bố mẹ: “Tao đây 8 đứa thì chả sao, chúng mày chỉ có 2 đứa cũng không xong.” Thế hệ bố mẹ còn được 2 3 đứa, giờ 1 đứa thôi chắc cũng đủ chết.
Trẻ con lúc bé: lo ăn, lo ngủ, lo ốm, khổ 1 kiểu. Đến tuổi nó đi học lại là bài toán khác.
Mình cũng thuộc diện hay thắc mắc, nên đã từng hỏi mẹ rất nhiều lần: “Tại sao con không học cấp 1 An Dương giống mọi người?” Và với đứa trẻ 7 8 tuổi, mẹ đã có một lời giải thích hết sức dễ thương: “Cho con học gần nhà thì ai cũng là bạn con hết. 1 năm có 365 ngày con đi sinh nhật cả 365 ngày thì thời gian đâu ra mà học. Mà toàn hàng xóm, mẹ không cho con đi không được, mà cho đi thì học vào giờ nào?”. Đương nhiên sau này đã được giải thích lí do sâu xa hơn là vì môi trường chứ không phải bố mẹ chê thầy cô trường làng không giỏi.
Thế đấy, ở nhà có kiểu đạp cổng trường để xin học cho con. Ở Úc, bố mẹ muốn con học trường điểm cũng lo sốt vó lên tìm nhà, rồi chuyển nhà ra đối diện cái cổng trường để cho con được học “đúng tuyến” trường điểm. Mà phải lo chuyển nhà từ lúc nó 3 tuổi, xếp hàng đến lúc nó 6 tuổi mới có xuất đi học vỡ lòng trường tuyển nha. Còn đâu với nhà trẻ, em đã bị dọa từ năm ngoái rồi, sau này có con, đẻ ra 1 phát là phải ra nhà trẻ xếp hàng vào danh sách chờ ngay, đợi đến lúc nó 2 tuổi còn có chỗ gửi con cả ngày mà đi làm!
Thật chứ, mình hâm mộ tất cả các cặp “bác sĩ bảo cưới” vì quyết tâm giữ sản phẩm, hay các cặp “đến tuổi rồi, phải cưới thôi” để ổn định và có sản phẩm. Cứ nhìn ở nhà có thằng cu con mùng 1 Tết đi viện và 1 tháng nằm viện 20 ngày; nhìn bên này thấy anh chị lo chuyển nhà vì chuyện trường lớp của con bé 2 tuổi; đi dạy thì được (hay bị?) tiếp xúc với mấy đứa bị chứng “chậm tiếp thu” mà thấy … !! Chả nhẽ thôi, khỏi đẻ!!
Trẻ con mà cứ chỉ mãi lon ton thì tốt nhỉ!!
Thôi thì vì tương lai con em chúng ta, đặt mục tiêu, nếu lương chưa được đầu 10 (nếu ở Việt Nam), hoặc chưa được đầu 7 (nếu ở Úc) thì không con cái gì hết sất!! Không ai nuôi được!!