Thursday, 28 March 2024

Chuyện Đại học

Dạo này có vài chuyện liên quan tới Úc châu, rồi mấy người hỏi chuyện thời Đại học của mình, những hình ảnh của 3 năm rưỡi miệt mài ở Đại học Macquarie (MQ) được tua lại trong đầu, thật chậm rãi...
Sau khi thi tốt nghiệp lớp 12, mình cân nhắc nghiêm túc giữa 3 nguyện vọng: học Định phí ở MQ, học bằng đôi Kinh tế & Sư phạm Toán ở Đại học Công giáo Úc (ACU), hoặc học Khoa học Thống kê ở Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Hỏi mẹ thì mẹ bảo học ngành nào ngắn nhất, thêm 1 năm là không biết sẽ xảy ra những chuyện gì; cộng với chút ‘lý trí’ của đứa trẻ chưa 18 trong thời điểm quan trọng ấy, mình cắp cặp tít lên khu vực phía bắc Sydney để đi học Định phí ở MQ. Khái niệm về Định phí với mình là học xong đi làm ngồi tính phí bảo hiểm, hoặc vào ngân hàng phòng đầu tư ngày ngày xem bảng điện chứng khoán/giá vàng/giá ngoại tệ rồi mua thấp bán cao. Đơn giản vậy thôi!
Ấn tượng về thời học Đại học của mình tóm gọn ở 1 chữ KHÓ. Môn quái gì cũng khó, khó lắm, học hành tối ngày không có thời gian trống nhiều để đi làm, đi chơi. Sinh viên Định phí có cái khổ là ngoài chuyện thi đủ 50% để qua môn trong trường, mà còn phải thi được 65% (điểm Credit trở lên) để được miễn trừ (exemption) cho chứng chỉ đi làm cấp bởi Hiệp hội Định phí Úc. Mấy môn bổ trợ ngoài chuyên ngành chính, học cùng cả khoa nên không phải môn khó, ví dụ như Toán cao cấp, Kinh tế vĩ mô vi mô, v.v. cũng phải học đàng hoàng. Tới mấy môn tự chọn không liên quan như IT, bài luận cuối kì đòi viết tới 7,000 – 8,000 chữ, mà viết văn ở Đại học có chém bừa được đâu, luận điểm dẫn chứng đủ các thể loại nguồn rồi kiểm tra xem có bị đạo văn, đang học giải trí tới lúc làm bài cuối môn nhức hết cả đầu.
3 kì học đầu tiên (1 năm rưỡi đầu) trôi qua tương đối êm ả, mình thi đủ điểm miễn trừ mấy môn đầu tiên của Định phí như Xác suất, Toán tài chính, với mấy môn hỗ trợ như Kinh tế, Tài chính, Kế toán, không có gì khó khăn. Êm ả với mình thế thôi, mà mình để ý cứ hết mỗi kì lại thấy rụng mất vài gương mặt quen. Hỏi ra mới biết mấy kì đầu tiên đối với những môn của Định phí hay mấy môn để xây dựng kiến thức nền rất quan trọng như Xác suất, Thống kê; nếu sinh viên thi không đủ 65%, điểm tổng kết cả kì tầm 2.5/4.0 thì hẳn là nhận được mail của ông thầy chủ nhiệm kêu chuyển ngành đi, học hành thế không theo được Định phí đâu. Thế là bạn bè cứ rụng dần rụng bớt, đi học ngày một thưa thớt.
Công cuộc học hành ở Đại học thực sự khó khăn từ kì 2 năm 2, khi người ta bắt đầu dạy tới những thứ như Phân tích phương sai (ANOVA), Phân tích hồi quy (Regression) của môn Thống kê, và Chi trả ngẫu nhiên phần 1 (Contingent payment 1) của Định phí. Phong cách dạy học từ lúc này trở đi là trên giảng đường (lecture) và lớp nhỏ (tutorial/tute) chỉ dạy lý thuyết và làm bài tập củng cố lý thuyết, còn tới lúc đi thi là ứng dụng lý thuyết vào bài toán thực tế. Đề thi nó không còn đọc lên một phát là biết áp dụng công thức nào thay số vào là xong. Nhớ học quả chi trả ngẫu nhiên kia bắt đầu hiểu được lý thuyết về xác suất còn sống, xác suất tử vong, số lượng còn sống đầu kì cuối kì, bắt đầu biết diễn giải ý nghĩa đằng sau các biểu thức xác suất sống với chả chết thì chương trình học nó đã nhảy tới A lớn a nhỏ (dòng tiền trong tương lai, chiết khấu về hiện tại có bao gồm xác suất tử vong), xác suất tử vong trên tập có chọn lọc với không chọn lọc rồi. Chưa kể kì đó còn học 1 môn kinh điển của sinh viên Định phí là môn Xác suất Tổ hợp (Combinatorial Probability). Môn này rất đáng sợ vì bài nào cũng làm được, cách mình suy nghĩ thấy logic rồi mà đọc đáp án cũng thấy đáp án đúng, xong cũng không biết mình sai ở đâu. Ông thầy theo style là tụi bay không biết như thế là đúng hay sai thì đừng cố đấm ăn xôi, viết lung tung trong bài thi sai lệch hẳn kiến thức cơ bản là thầy trừ điểm, tính điểm âm. Làm xong không ghi ra cách kiểm tra lại đáp số xem có hợp lí chưa cũng trừ điểm. Chuyện âm điểm là bình thường khi học môn này. Ngay từ trong trường đã dạy cho các cháu Định phí viên tương lai không được giấu dốt và hết sức thận trọng như thế đấy. Hết năm 2 là thi trượt thêm 1 mớ nữa, chính thức ‘chốt sổ’ được khoảng 30 gương mặt Định phí trẻ tiềm năng cung cấp cho thị trường lao động. Tới đây là mình còn vớt nốt được đủ điểm miễn trừ cho môn Xác suất (nửa sau môn FM và môn VEE Maths Stats), còn lại môn Chi trả ngẫu nhiên phần 1 kia là chỉ đủ qua thôi, không đủ điểm miễn trừ.
Sang tới năm 3 là thôi không còn biết đang học cái gì nữa rồi, cộng với thời điểm đó mình không nhìn ra được ứng dụng của những kiến thức đã học trong thực tế, nên học hành rất chống đối, xác định chỉ học đủ điểm qua môn còn ra trường thôi. Học đủ các loại rủi ro với mô hình, mô hình tài sản công nợ, mô hình chuyển tiếp, mô hình nhiều trạng thái, lý thuyết trò chơi, rồi tính tuổi theo năm đã qua (Age Last Birthday) hay năm sắp tới (Age Next Birthday) vẽ mấy cái sơ đồ rồi di chuyển qua lại đang qx thành q(x+1/2), thầy làm như đi chơi mà tới mình làm thì như chơi sổ xố đoán bừa, v.v. học đủ mọi thứ mà chả hiểu dùng làm gì. Tới năm 3 này môn nào đi thi cũng cho mang tài liệu vào, nhẹ thì mang 1 tờ A4 tới nặng thì muốn mang bao nhiêu sách vở thì mang, vẫn trượt như rạ. Tiếp nối truyền thống từ năm 2, giáo viên chỉ dạy lý thuyết, còn lúc thi là áp dụng lý thuyết vào bài toán thực tế. Ví dụ chỉ dạy tính ra xác suất ràng buộc 2 người nhưng vào thi là xác suất ràng luôn cả gia đình, rồi có cả dòng tiền nhận được nếu người này ‘tèo’ trước người kia rồi di chúc chia lại cho 2 con theo xác suất còn sống của 2 đứa con. 1 bài trong đề thi cuối kì toàn có từ câu a tới câu p câu q, làm tới câu f câu g là hồn vía bay tứ tung hết rồi nên thi cử điểm kém lắm.
Đỉnh điểm là mình trượt 1 môn về dự phòng bên Phi trong kì cuối cùng của năm 3, tài liệu học từng tuần đọc thì hiểu, bài tập trên lớp cũng đọc hiểu được, mà bài thi thì không biết làm, không ngọ nguậy được tí nào. Trượt đúng kì cuối nên khỏi tốt nghiệp đúng hạn, nên thành ra 3 năm rưỡi mới học xong. Trong cái rủi có cái may, năm thứ 4 đó nửa đầu năm về đi làm ở Sài Gòn, lại được vào đúng “trường Đại học bảo hiểm” ở Việt Nam thay tạm cho 1 chị nghỉ sinh. Nửa năm ở Pru đó giúp ích rất nhiều cho mình trong việc nhìn thấy hoạt động thực tế của 1 Công ty bảo hiểm, nhìn ra phần nào những thứ xác suất và chiết khấu dòng tiền học trong trường là thứ cơ bản phải hiểu để sử dụng trong công việc sau này. Bên cạnh đó còn là bước chân đầu tiên vào ngành bảo hiểm, là những mối quan hệ mà các anh chị đã rất có tâm dạy cho những kiến thức, những thói quen ban đầu đã giúp định hình cách tiếp cận công việc của mình sau này. Nếu không có 6 tháng ở Pru năm ấy, mình chịu không biết học xong có tự xin vào đúng khối Định phí của công ty nhân thọ nào được sau khi tốt nghiệp không với cái kết quả học hành thế kia. Sau 6 tháng hợp đồng ở Pru quay lại trường học nốt môn cuối, lần này chọn học phần 2 của cái môn Chi trả ngẫu nhiên kia (Contingent Payment 2) vì thấy cần thiết nếu làm mảng nhân thọ. Đúng là nhìn được thực tế rồi nên quay lại học hành hiểu hơn hẳn, lại có thời gian học tập trung 1 môn thôi nên thi đủ điểm được miễn trừ cơ, mỗi tội phần 1 không đủ điểm nên trung bình môn này vẫn chưa được miễn, tiếc lắm.
Lắm lúc mình cũng nghĩ nếu ngày đó không chọn học Định phí mà đi học Sư phạm Toán thì giờ khéo mình đang là cô giáo làng ở một vùng quê hay đô thị nào của nước Úc rồi nhỉ. Cũng không tưởng tượng ra. 3 năm rưỡi học Đại học ngành Định phí dù không thành công về mặt học hành, nhưng cũng nên cơm nên cháo về mặt thành người, thành nghề. Việc học hành khó khăn ấy rèn luyện nên sự cẩn thận, khiêm tốn, bớt ảo tưởng về khả năng của bản thân, kiên nhẫn tìm hiểu vấn đề, bên cạnh những kiến thức chuyên ngành. Đó là những đức tính và kĩ năng cần có để làm việc và làm được việc trong ngành bảo hiểm. Và mình vẫn cảm ơn Đại học Macquarie, chuyên ngành Định phí về tất cả những điều ấy.



All reactio

Sunday, 3 December 2023

Câu chuyện âm nhạc: Số 9 - Nhạc sĩ Xuân Phương

 Mấy nay báo chí đưa tin Nhạc sĩ Xuân Phương mất, tiktok lại thấy những trích đoạn của phim "Của để dành", với bài hát chủ đề phim "Lời ru cho con" ("Mãi mong cho con, ấm êm một đời ..."), 1 sáng tác của nhạc sĩ Xuân Phương, được ca sĩ Trần Thu Hà thể hiện rất thành công. Giờ lâu lâu mợ Hà vẫn hát lại bài này, lần gần nhất hát trên "Cuộc hẹn cuối tuần" hay kinh lên được.

Những năm cấp 1, mình xem phim truyền hình Việt Nam trên VTV thường qua chương trình Điện ảnh (chiều) Thứ 7 và Văn nghệ (chiều) Chủ nhật. Có mấy vị nhạc sĩ chuyên làm nhạc phim truyền hình ngày ấy, nhạc sĩ Vũ Thảo với series Cảnh sát hình sự, nhạc sĩ Trọng Đài hay thấy làm mấy phim nông thôn, và nhạc sĩ Xuân Phương làm mấy phim về chủ đề phố phường, học sinh.
Có mấy bài hát nhạc phim của nhạc sĩ Xuân Phương vượt ra khỏi khuôn khổ bộ phim, được khán giả yêu thích như yêu bộ phim vậy. "Lời ru cho con" trong "Của để dành", "Lời chưa nói" trong "Phía trước là bầu trời", 2 bài này đều là Trần Thu Hà hát; hay "Nếu phải xa nhau" Minh Quân hát nữa nhưng quên tên phim rồi, phim có ông diễn viên Cao Đức Cẩm đóng. "Mong ước kỉ niệm xưa" cũng là nhạc phim nhưng của thế hệ trước, mình không rành. Bài mình đánh giá thành công nhất của nhạc sĩ ở giai đoạn mình có khái niệm về nhạc Việt thì là bài "Anh" do Hồ Quỳnh Hương thể hiện, "Và em muốn hét lên cho thỏa nỗi nhớ" đấy, người ta quên luôn bài hát này cũng xuất phát từ nhạc phim.
Còn bài hát "Người đàn bà thứ hai" này so với mấy bài kể trên thì không nổi tiếng bằng, cũng không có đời sống riêng. Mình có ấn tượng rất mạnh về lời ca của bài này, đúng là nhạc phổ thơ, lời hát ám ảnh luôn:
"Mẹ đừng buồn vì anh ấy bên con suốt cuộc đời
Nhưng có thể chia tay ngay trong ngày mai
Nhưng anh ấy mãi luôn yêu mẹ
Dẫu thế nào, con cũng chỉ... là người thứ hai"

Friday, 22 September 2023

Câu chuyện âm nhạc: Số 8 – Phương Linh

Tôi biết tới Phương Linh từ cuộc thi Sao Mai hay tên đầy đủ là Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 2005. Đó là năm đầu tiên Sao Mai chia theo khu vực 3 miền và 3 dòng nhạc, vì tôi nhớ trước đó năm 2003 thi ở Tuần Châu không có phân biệt gì. Phương Linh đại diện miền Trung thi dòng nhạc nhẹ, lọt top 3 cùng với Nguyễn Ngọc Anh (Quảng Ninh) và Vương Dung (Hải Dương). Trong cuộc thi đó tôi chú ý tới Phương Linh và Ngọc Anh hơn cả vì các phần thi của hai chị đúng gu nhạc nhẹ mình thích nên rất vào tai. Ngọc Anh để lại một dấu ấn bùng nổ trong 1 đêm thi với bài “Anh yêu em” của NS Vũ Quang Trung mà tới giờ tôi chỉ nghe bài này Ngọc Anh hát chứ không cả nghe Hà Trần. Nhưng tổng thể cả cuộc thi thì tôi thích Phương Linh hơn nhiều vì trong cách hát có những nhấn nhá đặc trưng, hát rất tròn trịa, đầy tình cảm ẩn sau một vẻ ngoài ‘lạnh’. Ấn tượng về sự kiêu kỳ từ giọng hát tới ngoại hình của tôi về cô thí sinh người Thanh Hóa này giống như báo chí đã nhận xét – một vẻ lạnh lùng khiến người ta muốn nghe thêm, ngắm thêm chứ không khiến người ta bỏ đi. Chung cuộc, Vương Dung giải nhất với dân gian đương đại khác biệt, Phương Linh và Ngọc Anh ballad trữ tình chia nhau giải nhì.

Xong Sao Mai, ngay sau đó một năm tức năm 2006, cả hai chị được đặc cách thi tiếp Sao Mai Điểm Hẹn (SMĐH). SMĐH trẻ trung, thời thượng hơn Sao Mai, và là sân chơi, là bệ phóng cho những giọng ca trẻ ngày đó. Tôi đánh giá SMĐH 2006 là mùa giải thành công nhất của thương hiệu SMĐH, cho ra mắt công chúng nhiều gương mặt mới rất chất lượng cả đường tiếng đường hình như Hoàng Hải, Hà Anh Tuấn, Phạm Anh Khoa, Minh Thư, Phương Linh, Ngọc Anh. Năm đó tôi mê xem SMĐH lắm, cũng tham gia bình chọn vài lần, giờ vẫn nhớ MSBC của mấy vị, 08 Ngọc Anh, 09 Phương Linh, và 12 Hà Anh Tuấn. Trong cuộc thi này, Phương Linh tiếp tục để lại ấn tượng với một giọng hát cao đầy kỹ thuật, chuyên trị nhạc nhẹ, nhạc chậm nhạc nhanh đều hát tốt. Đơn cử như bài “Mưa” (Quốc Bảo), không ai nghĩ “Mưa” ngày đó lại trong suốt pha lê thế! Hay “Mong anh về” (Dương Cầm) chính Mỹ Linh còn không có gì phải phàn nàn, là một phần trình diễn chuyên nghiệp chứ không còn là thí sinh đi thi rồi. Và đương nhiên là phải khen xinh, giám khảo Huy Tuấn và cả MC Anh Tuấn đều có câu bất hủ “Linh ơi, hôm nay em lại xinh rồi!” Bước ngoặt của Phương Linh, và cả Hà Anh Tuấn năm đó, chính là đêm gala kết thúc giai đoạn 1 của cuộc thi, mở đường cho thanh xuân hát đôi của cả 1 thế hệ lứa tôi và trên tôi một chút. 2 anh chị song ca “Yêu em” tình quá, thật quá, rồi tất yếu là hay quá. Hình ảnh chị Linh váy trắng bồng bềnh công chúa và anh Tuấn đầu chôm sơ mi trắng vest nâu phong trần tình tứ hát bài ca thanh xuân vườn trường đấy là kỉ niệm đẹp của rất nhiều khán giả, trong đó có tôi.

Bước ra khỏi cuộc thi SMĐH, từ phần trình diễn “Yêu em” ấy, cặp đôi Phương Linh – HAT cho ra mắt thành công album vol 1 Ngày hát đôi tạo tiếng vang với nhiều bài hát đôi trở thành “quốc ca karaoke” như “Cơn mưa tình yêu”, “Thiên đường gọi tên”, và cả những bài đơn làm nên thương hiệu của anh chị như “12 giờ”, “Mưa”, v.v. Trong album này thực ra bài hát đôi tôi thích nhất lại là “Biển và ánh trăng” (Dương Cầm) mà 2 anh chị rất hiếm hát, một bài hát đẹp cả giai điệu lẫn ca từ, tình yêu trong không gian thiên nhiên có biển xanh, sóng vỗ, ánh trăng hiền hòa êm dịu; nhưng có hát từ đầu mới biết nó cao chót vót, không thể hát karaoke được nên không nổi bằng mấy bài của Mạnh Quân. Rồi Ngày hát đôi 2 ra đời 5 6 năm sau đó, gai góc, yêu đương sóng gió hơn Ngày hát đôi 1. Ngày hát đôi 2 không bùng nổ như Ngày hát đôi 1, nhưng đủ để fan quạt của cặp đôi chìm đắm với những “Giấc mơ anh và em”, “Con tim tan vỡ”, “Qua đêm nay”.

Về album cá nhân, Phương Linh có 2 đĩa đơn đều thuộc hàng cực phẩm. Album Pha Lê vol 1 pop ballad nhẹ nhàng, trẻ trung, trong đó có bài hát “Cơn gió lạ” của NS Mạnh Quân trở thành thương hiệu của chị. Nghe album này cảm thấy không trực diện chủ đề tình yêu, mà nhiều hơn là câu chuyện của người phụ nữ tìm kiếm tình yêu. Có mấy bài của NS Lưu Thiên Hương như “Bông hoa trắng”, “Sương mai” nghe rất tươi mới, hay NS Vũ Văn Hà với bài “Lời em sẽ hát”, “Quán cũ” buồn hơn mà tôi không thấy ủ rũ tí nào. Từ vol 1 Pha Lê tới vol 2 Tiếng hót từ bụi mận gai là một bước tiến lớn của chị, thay đổi trong hình ảnh và cả giọng hát, gói gọn trong 2 từ “dịu dàng” và “nồng nàn” như lời của nhạc sĩ Dương Thụ. Lấy hình ảnh loài chim cất lên tiếng hót lần cuối, cả album như nỗi niềm người phụ nữ luôn cô đơn và khắc khoải trong tình yêu. Đó là 1 album không dễ nghe với đại chúng, nhưng tôi cảm giác giọng hát Phương Linh phải tới album này mới bộc lộ hết tất cả những gì đẹp nhất và đúng ‘đô’ nhất của chị. Album này có bài “Trái tim lang thang” (Thuận Yến) phối lại có đoạn đàn tranh rất hay, nên sau khi nghe Phương Linh hát thì tôi không có nhu cầu nghe bản của Hà Trần xa xưa nữa. Và có bài “Lời cuối cho anh” lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai nữa, một bài hát chưa từng nghe chưa từng thấy bao giờ với lời bài hát khá ám ảnh, Phương Linh cũng chỉ hát trong CD này chứ không mang đi trình diễn bao giờ.

Ra mắt thành công 2 album hát đôi và 2 album cá nhân, chị gái ấy lặn luôn, lặn mất tăm, không hay đi diễn, không ra sản phẩm, để lại nhiều nhớ thương, và cả dấu hỏi trong lòng người hâm mộ. Tôi chỉ còn gặp chị trên những chương trình Chào Xuân VTV, trong liveshow của HAT từ năm 2016, trong chương trình event hội nghị khách hàng mà fan chị rơi rớt đăng lên mạng.

Rồi Phương Linh đột ngột xuất hiện lại, rần rần trên các mặt trận mạng xã hội từ show Lululola tháng 5 năm nay. “Cơn gió lạ” cất lên vẫn là thanh xuân của bao người, một giai điệu đẹp đánh thức nhiều hoài niệm của mỗi người nghe nhạc. Chị ấy lại chăm quá, tháng nào cũng đi hát, fan chưa kịp nguôi cảm xúc show cũ đã thấy clip show mới tràn trề. Vẫn là giọng hát đó, nắn nót, tròn trịa từng chữ, ngắt nghỉ hợp lí, đặc trưng. Cảm giác ca sĩ đã trải qua tương đối thăng trầm trong cuộc sống riêng để hát được như thế, các bài hát cũ hầu như đã hạ tông, không có những nốt cao ăn tiền như năm xưa, mà đi vào sự nồng nàn, tự sự. Giờ chị cũng chịu khó giao lưu với khán giả, cảm thấy chị dễ gần hơn, không còn là Phương Linh lạnh lùng trên sân khấu những năm nào. Cũng đã có những trục trặc về tương tác khán giả, với tôi thì hình ảnh chị trên facebook cá nhân và hình ảnh chị trên sân khấu không liên quan gì tới nhau. Hình ảnh Phương Linh trong sản phẩm âm nhạc của chị luôn chỉn chu và chưa có gì đi quá giới hạn, giống như cái cách chị nắn nót từng câu hát. Đương nhiên, tôi cũng có sự không hài lòng về ca sĩ yêu thích của mình trong những show gần đây khi chị nhìn văn bản hát hơi nhiều do bài hát mới không thuộc lời. Trên khía cạnh khán giả thưởng thức, việc ca sĩ trình diễn không thuộc lời làm ảnh hưởng cảm xúc của bài hát lẫn thiếu đi kết nối với khán giả rất nhiều. Nhưng tôi cũng thông cảm trên khía cạnh người có biết chút âm nhạc, học thuộc trong âm nhạc khó vào đầu lắm vì nó còn là tổng hòa cả 1 phần trình diễn giai điệu, nhịp phách, lời ca; thuộc vài bài thì được, thuộc chục bài như li như lau khó lắm. Thôi thì vì yêu quá nên cũng bỏ qua, bài nào nhìn lời mà hát vẫn hay thì nghe làm audio chứ không vừa nghe vừa xem nữa.

Phương Linh trở lại rồi thì mong chị chăm đi hát, chăm làm show, chăm ra sản phẩm nữa thì càng tốt, để những khán giả lâu năm như tôi vẫn còn được bồi hồi, chìm đắm trong không gian âm nhạc của giọng hát ấy, như những ngày đầu tiên tôi nghe chị trên VTV3 năm nào!

Monday, 18 September 2023

Thế hệ trước với thời đại số

Hôm qua nhà hết thức ăn nên đi ăn ngoài, tiện đi lượn mua đồ chuẩn bị cho vài sự kiện tháng này tháng sau. Cái TTTM to đùng gần nhà đó, khi thực sự cần mua bán, mình sẽ đi vào tối trong tuần cho vắng. Cuối tuần thì… xếp hàng thử cái áo nó cũng dài như xếp hàng đi ẻ vậy, toàn người là người.

Như mọi quán ăn trên đất Mã này, mình phải quét mã QR để gọi đồ, và nếu xịn nữa thì có thể thanh toán luôn từ ví điện tử. Sau khi thao tác order cho mình xong, mình ngẩng lên thấy bàn bên cạnh có 1 bà bác người Hoa tầm trên dưới 60 tuổi, đi 1 mình. Thấy bác vẫy tay nhân viên ra hỏi quán này món gì phổ biến nhất, cháu giúp cô gọi đồ nhé, mình thấy hình ảnh mẹ mình hay rất nhiều cô dì chú bác xung quanh mình đâu đây. Ở thế hệ đó, họ giải quyết khâu chọn đồ nhanh lắm, đi ăn quán thì cứ cái gì đặc trưng nhất của quán, phổ biến nhiều người ăn thì gọi thôi. Không cần coi menu cũng được. Không quan tâm QR code để trước mặt với dòng chữ rất rõ ràng “Please scan this to order” (Vui lòng quét mã để gọi món). Đố nhân viên dám không ghi order mà bắt khách lấy điện thoại ra quét QR cho đúng quy trình đấy. QR là thứ cho người trẻ thôi.
Ăn xong quay ra đi Uniqlo lại thấy điều lạ nữa, mới có hơn tháng không tạt vào thôi đã dẹp hết quầy thanh toán rồi. Giờ cửa hàng chỉ để mỗi 1 quầy đổi trả, nhận yêu cầu sửa chữa và thanh toán tiền mặt, còn lại chẳng còn nhân viên nào đứng tính tiền nữa. Khách hàng mua nhiêu món tự ra máy mà thao tác thanh toán. Chuyện self check out này mình đã có khái niệm từ 10 năm trước khi đi siêu thị bên Úc, mình chuyên cân nải chuối với cân cam cân quýt nhanh lắm. Ở Mã bây giờ cũng đã có những quầy self check out ở trong siêu thị, nhưng phải là siêu thị lớn, mà chỉ cho quét hàng có mã thôi, hoa quả rau dưa vẫn phải có nhân viên cân trước. Nay dùng máy Uniqlo thấy choáng phết, vừa để hết đồ lên bàn xong đã thấy màn hình quét ra đúng số lượng ra luôn tiền. Mất chắc chưa đến 2 phút là mình thanh toán xong, trải nghiệm không vấp khâu nào. Không phải chờ đợi, không phải xếp hàng, 5 cái máy thanh toán để đó phục vụ quý khách. Xịn phết. Người trẻ thì sử dụng máy móc này quá đơn giản. Không biết người Mã tầm 50+ tuổi trở lên sẽ thích ứng thế nào khi ra quầy tính tiền không thấy 1 bóng nhân viên nào như này, chắc giờ mỗi lần đi siêu thị phải mang kính lão theo mà còn đọc màn hình cái chỗ táp thẻ.
Việt Nam chắc chỉ 2 3 năm nữa thôi, những chuyện này sẽ đi vào đời sống hàng ngày. Như Hà Nội tháng rồi mình về đã thấy thanh toán QR code khắp nơi. Các ông bà ở chợ dân sinh/chợ truyền thống không theo không được, khách chuyển khoản còn hơn khách nợ. Mình khá ấn tượng mấy cảnh dán QR code ở sạp thịt hay dán ở trên tường đằng sau đôi quang gánh đấy.
Nhớ câu chuyện Tết vừa qua khi mẹ nói chuyện với cô bạn của mẹ, 2 bà bạn dạy nhau cách dùng internet banking trên app điện thoại rất thú vị.
- Cô bạn: Thanh niên giờ động tí là chuyển khoản, 2 chục 3 chục rửa xe cũng chuyển khoản. Tôi phải mượn tài khoản của hàng café bên cạnh rồi cuối ngày 2 bên thanh toán. Chứ tài khoản con cái nó có ngồi ở đây đâu mà kiểm tra cho mình tiền khách chuyển vào chưa.
- Mẹ: Bà phải mở ngay cái tài khoản, mấy bước chân ra ngân hàng ngay đây. Xã hội như nào mình phải theo. Ngay khu nhà mình có 2 chi nhánh ngân hàng, bà ra mở 2 cái tài khoản ở 2 ngân hàng đó cho tôi, có gì quên mật khẩu, quên không biết làm này làm nọ còn chạy ra mà hỏi cho nhanh. Mở 2 tài khoản, rồi cứ chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản kia cho nó nhớ cách dùng. Tôi phải làm phương án đó, chứ tuổi mình giờ mấy cái máy móc nói trước quên sau ngay.
Tuổi nào rồi cũng phải bắt nhịp với xu hướng xã hội và không để mình lạc hậu thôi, đó là quy luật tất yếu.

Sunday, 16 July 2023

Chuyện tử vi

Tôi quên mất người Mã hay người Sing gốc Hoa, họ không lạ lẫm gì về tử vi, bát tự, các thể loại bói toán tâm linh. Và còn hơn thế...

Đầu năm nay trong lần sang Sing họp kickoff, khi đi ăn với sếp tổng của cả thị trường, ông chú kể chuyện cuối tuần rồi đăng kí đi coi thôi miên với ông thầy gốc Hoa, câu chuyện nằm thấy những gì những gì, thực lòng tôi cũng không vào đầu lắm, mà không khí bữa ăn hấp dẫn lạ lùng.

Độ này văn phòng có chị lãnh đạo hàng xóm đang đi học lớp tử vi. Chị gái là người Mã Lai nhưng "phượt thủ" các nước cả gần hai chục năm nay, cũng thuộc diện tới KL một mình đi làm, nên 2 chị em tôi hay sáp lại nói chuyện đời sống. Bả kể các câu chuyện ở lớp học tử vi, rồi các ca bả đã tư vấn cho những người xung quanh. Tôi với bản tính "ít nói" nên cũng tham gia không thiếu một lời, kể chuyện ở Việt Nam chúng em thì sẽ như này như kia, rất rôm rả.

Nói chuyện tử vi, có 1 lần hồi tôi học Đại học, u tôi và các bác gái ra Tết có đi xem cho 1 loạt trẻ con trong nhà. U xem xong về chỉ tóm tắt cho tôi mấy ý chính. Nói chung cứ liên quan tới mình thì tôi nghe để biết, còn tới lúc quyết định chuyện gì vẫn lấy tờ giấy ra kẻ 2 cột được-mất và quyết định theo tờ giấy trước mặt.

Với những điều kiểm chứng được thì thấy tử vi nói nét căng. U kể thầy bảo con bé này nhà chị đi xa đấy, không ở gần chị đâu. Từ năm 2011 tới giờ, điều này chắc không cần nói thêm. Thứ hai, thầy nói con không có số làm quan. Sau 1 vài năm đi làm, tôi thấy điều này không sai, nó hợp với tính cách của mình. Tôi có những trải nghiệm, những bài học và những sự may mắn trong công việc có thể là đặc biệt hơn so với các bạn đồng trang và xin cảm ơn những anh chị đi trước đã dìu dắt, tạo cơ hội cho rất nhiều. Nhưng về đường quan lộ theo định nghĩa thì không, tuyệt nhiên không. Và tôi cũng chưa một lần phàn nàn về việc này cả. Vẫn thấy đủ ăn chưa đói hôm nào, thế là hạnh phúc rồi! Còn một ý nữa về gia đình, cái này để sau này kiểm chứng.

Tôi đã gửi ngày sinh giờ sinh cho chị bạn. Đợi thầy Mã Lai phán xem có gì khác lạ tôi chưa biết về mình không nhé. Thầy là qualified actuary nữa cơ. Nghĩ cũng hay, khi người ta học hành xong hết và đạt được những điều nhất định, tới lúc đi thỏa thích khám phá bản thân và cuộc sống xung quanh.

Thế là hết ngày Chủ nhật! Hết luôn 1 năm ở Mã!



All reactio

Sunday, 4 June 2023

Chia tay MBAL

 30.05.2022.

Thank you MBAL. It has been a crazy ride with you.
Cảm ơn BQP đã cứu vớt 1 tâm hồn đang mỏng manh suy nghĩ chỗ tiền dự phòng đủ sức mua bao nhiêu mảnh đất từ Quận 1 tới Thủ Đức nhỉ, để trở về nghĩ những vấn đề thật đời thường kiểu trả lời cách tính lãi kép thế nào vừa nhẹ nhàng vừa ý tứ vừa không nói kỹ thuật. Tôi đã nghĩ may quá, thế là 2h sáng không có cảnh mở mắt dậy thấy run fail rồi thì chuyển qua cảnh 1 tuần 3 buổi chiều chưa đủ tới luôn 12h đêm chúng ta cùng vào zoom chốt văn bản với mấy anh Ấn Độ nào, và thế là tan ca chiều hôm sau chị tôi chạy xe kiểu mở mắt thấy mình cách đuôi xe trước 20 cm vậy. Ahihi. Rồi từ ngày thấy cứu được quả phút chót lúc 6h sáng, tôi lại được khai sáng thêm khả năng thức đêm của mình có thể để làm được những việc có ích như "sát thủ bảng minh hoạ", chứ không phải chỉ để xem cung đấu Trung Hàn như ngày còn đi học. Các anh trai không thích tôi typing lúc 2 3h sáng chơi ma sói hô cả làng thức giấc, nhưng biết sao được, cuộc sống mà, chuyện xui rủi đâu ai muốn :))
Đại loại là đã có rất nhiều những trải nghiệm mới, những kinh nghiệm, những kỹ năng mới về mặt công việc. Trên hết là những người anh chị em bạn dì đã luôn tin và yêu thương như em gái trong nhà. Cảm ơn những lời chúc rất tình cảm và những món quà của mọi người rất nhiều.
Cảm ơn 1 hành trình đẹp và mong các đồng chí BQP luôn nhiều sức khỏe để chơi game giỏi, cày game trâu.
Hẹn gặp lại!

Xuất khẩu lao động

18.07.2022

Lần đầu xuất khẩu lao động.
Đã hơn 5 tháng kể từ cuộc gọi như cháy nhà chết người, và cái gật đầu đồng ý bạn gửi CV mình đi đi. Linkedin đã làm thật tròn vai, kết nối mọi người trên khắp mọi nơi: Việt Nam, Philippines, Hong Kong, Sing, Malay.
Tôi bước vào câu chuyện này với tâm thế "thử cho biết", xem Việt Nam có đang làm gì khác quá so với các bạn Đông Nam Á ngay cạnh, chứ tại thời điểm đó chưa có dự định gì cả. Tháng rưỡi gặp gỡ n vòng với 7749 câu hỏi sát sườn, hỏi thực là hỏi để đi làm, tôi cảm giác mình quay lại thời sinh viên vật lộn thi qua từng vòng các chương trình Graduate Program của rất nhiều công ty. Ngày đó sợ sệt nên chuẩn bị kĩ lắm thì trượt bằng sạch, lần này chuẩn bị được câu giới thiệu bản thân và lí do nộp (mà chủ yếu là chém) thì lại đi hơi xa. Tôi nghĩ mình may mắn là người được chọn, chắc vì lần gặp cuối tôi hỏi thăm lãnh đạo nhà hàng xóm tham gia phỏng vấn cùng điểm không hài lòng với đội này hay với khách hàng. Câu đó có lẽ ghi điểm ở sự chân thực muốn cùng nhau làm việc nên lãnh đạo nhà hàng xóm tâm sự như chị em bạn dì chứ quên mất mình đang phỏng vấn ứng viên.
1 quá trình dài lê thê nhưng khi qua hết rồi thì thực sự cảm thấy vui, mừng, bất ngờ, như là đã hoàn thành xong 1 điều mà mình chưa từng nghĩ đến sẽ xảy ra vậy.
Cảm ơn Mẹ đã bằng cách nào đó, tư duy rất tinh tế rằng em bé đang đi học nâng cao nghiệp vụ chứ không phải đi làm, và vì thế ủng hộ lựa chọn của con. Cảm ơn Hà Nội đã luôn là nơi thật bình yên để trở về. Hẹn thành phố khi nghề nghiệp phát triển tiệm cận hơn sẽ luôn ưu tiên hàng đầu để chúng ta có thể là nhiều phần đậm nét của nhau. Cảm ơn các đầu cầu Sài Gòn và có liên quan tới Sài Gòn, đầu cầu Sydney vẫn luôn dõi theo và thương em hết mực.
Hẹn sớm gặp lại Việt Nam!