Dạo này có vài chuyện liên quan tới Úc châu, rồi mấy người hỏi chuyện thời Đại học của mình, những hình ảnh của 3 năm rưỡi miệt mài ở Đại học Macquarie (MQ) được tua lại trong đầu, thật chậm rãi...
Sau khi thi tốt nghiệp lớp 12, mình cân nhắc nghiêm túc giữa 3 nguyện vọng: học Định phí ở MQ, học bằng đôi Kinh tế & Sư phạm Toán ở Đại học Công giáo Úc (ACU), hoặc học Khoa học Thống kê ở Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Hỏi mẹ thì mẹ bảo học ngành nào ngắn nhất, thêm 1 năm là không biết sẽ xảy ra những chuyện gì; cộng với chút ‘lý trí’ của đứa trẻ chưa 18 trong thời điểm quan trọng ấy, mình cắp cặp tít lên khu vực phía bắc Sydney để đi học Định phí ở MQ. Khái niệm về Định phí với mình là học xong đi làm ngồi tính phí bảo hiểm, hoặc vào ngân hàng phòng đầu tư ngày ngày xem bảng điện chứng khoán/giá vàng/giá ngoại tệ rồi mua thấp bán cao. Đơn giản vậy thôi!
Ấn tượng về thời học Đại học của mình tóm gọn ở 1 chữ KHÓ. Môn quái gì cũng khó, khó lắm, học hành tối ngày không có thời gian trống nhiều để đi làm, đi chơi. Sinh viên Định phí có cái khổ là ngoài chuyện thi đủ 50% để qua môn trong trường, mà còn phải thi được 65% (điểm Credit trở lên) để được miễn trừ (exemption) cho chứng chỉ đi làm cấp bởi Hiệp hội Định phí Úc. Mấy môn bổ trợ ngoài chuyên ngành chính, học cùng cả khoa nên không phải môn khó, ví dụ như Toán cao cấp, Kinh tế vĩ mô vi mô, v.v. cũng phải học đàng hoàng. Tới mấy môn tự chọn không liên quan như IT, bài luận cuối kì đòi viết tới 7,000 – 8,000 chữ, mà viết văn ở Đại học có chém bừa được đâu, luận điểm dẫn chứng đủ các thể loại nguồn rồi kiểm tra xem có bị đạo văn, đang học giải trí tới lúc làm bài cuối môn nhức hết cả đầu.
3 kì học đầu tiên (1 năm rưỡi đầu) trôi qua tương đối êm ả, mình thi đủ điểm miễn trừ mấy môn đầu tiên của Định phí như Xác suất, Toán tài chính, với mấy môn hỗ trợ như Kinh tế, Tài chính, Kế toán, không có gì khó khăn. Êm ả với mình thế thôi, mà mình để ý cứ hết mỗi kì lại thấy rụng mất vài gương mặt quen. Hỏi ra mới biết mấy kì đầu tiên đối với những môn của Định phí hay mấy môn để xây dựng kiến thức nền rất quan trọng như Xác suất, Thống kê; nếu sinh viên thi không đủ 65%, điểm tổng kết cả kì tầm 2.5/4.0 thì hẳn là nhận được mail của ông thầy chủ nhiệm kêu chuyển ngành đi, học hành thế không theo được Định phí đâu. Thế là bạn bè cứ rụng dần rụng bớt, đi học ngày một thưa thớt.
Công cuộc học hành ở Đại học thực sự khó khăn từ kì 2 năm 2, khi người ta bắt đầu dạy tới những thứ như Phân tích phương sai (ANOVA), Phân tích hồi quy (Regression) của môn Thống kê, và Chi trả ngẫu nhiên phần 1 (Contingent payment 1) của Định phí. Phong cách dạy học từ lúc này trở đi là trên giảng đường (lecture) và lớp nhỏ (tutorial/tute) chỉ dạy lý thuyết và làm bài tập củng cố lý thuyết, còn tới lúc đi thi là ứng dụng lý thuyết vào bài toán thực tế. Đề thi nó không còn đọc lên một phát là biết áp dụng công thức nào thay số vào là xong. Nhớ học quả chi trả ngẫu nhiên kia bắt đầu hiểu được lý thuyết về xác suất còn sống, xác suất tử vong, số lượng còn sống đầu kì cuối kì, bắt đầu biết diễn giải ý nghĩa đằng sau các biểu thức xác suất sống với chả chết thì chương trình học nó đã nhảy tới A lớn a nhỏ (dòng tiền trong tương lai, chiết khấu về hiện tại có bao gồm xác suất tử vong), xác suất tử vong trên tập có chọn lọc với không chọn lọc rồi. Chưa kể kì đó còn học 1 môn kinh điển của sinh viên Định phí là môn Xác suất Tổ hợp (Combinatorial Probability). Môn này rất đáng sợ vì bài nào cũng làm được, cách mình suy nghĩ thấy logic rồi mà đọc đáp án cũng thấy đáp án đúng, xong cũng không biết mình sai ở đâu. Ông thầy theo style là tụi bay không biết như thế là đúng hay sai thì đừng cố đấm ăn xôi, viết lung tung trong bài thi sai lệch hẳn kiến thức cơ bản là thầy trừ điểm, tính điểm âm. Làm xong không ghi ra cách kiểm tra lại đáp số xem có hợp lí chưa cũng trừ điểm. Chuyện âm điểm là bình thường khi học môn này. Ngay từ trong trường đã dạy cho các cháu Định phí viên tương lai không được giấu dốt và hết sức thận trọng như thế đấy. Hết năm 2 là thi trượt thêm 1 mớ nữa, chính thức ‘chốt sổ’ được khoảng 30 gương mặt Định phí trẻ tiềm năng cung cấp cho thị trường lao động. Tới đây là mình còn vớt nốt được đủ điểm miễn trừ cho môn Xác suất (nửa sau môn FM và môn VEE Maths Stats), còn lại môn Chi trả ngẫu nhiên phần 1 kia là chỉ đủ qua thôi, không đủ điểm miễn trừ.
Sang tới năm 3 là thôi không còn biết đang học cái gì nữa rồi, cộng với thời điểm đó mình không nhìn ra được ứng dụng của những kiến thức đã học trong thực tế, nên học hành rất chống đối, xác định chỉ học đủ điểm qua môn còn ra trường thôi. Học đủ các loại rủi ro với mô hình, mô hình tài sản công nợ, mô hình chuyển tiếp, mô hình nhiều trạng thái, lý thuyết trò chơi, rồi tính tuổi theo năm đã qua (Age Last Birthday) hay năm sắp tới (Age Next Birthday) vẽ mấy cái sơ đồ rồi di chuyển qua lại đang qx thành q(x+1/2), thầy làm như đi chơi mà tới mình làm thì như chơi sổ xố đoán bừa, v.v. học đủ mọi thứ mà chả hiểu dùng làm gì. Tới năm 3 này môn nào đi thi cũng cho mang tài liệu vào, nhẹ thì mang 1 tờ A4 tới nặng thì muốn mang bao nhiêu sách vở thì mang, vẫn trượt như rạ. Tiếp nối truyền thống từ năm 2, giáo viên chỉ dạy lý thuyết, còn lúc thi là áp dụng lý thuyết vào bài toán thực tế. Ví dụ chỉ dạy tính ra xác suất ràng buộc 2 người nhưng vào thi là xác suất ràng luôn cả gia đình, rồi có cả dòng tiền nhận được nếu người này ‘tèo’ trước người kia rồi di chúc chia lại cho 2 con theo xác suất còn sống của 2 đứa con. 1 bài trong đề thi cuối kì toàn có từ câu a tới câu p câu q, làm tới câu f câu g là hồn vía bay tứ tung hết rồi nên thi cử điểm kém lắm.
Đỉnh điểm là mình trượt 1 môn về dự phòng bên Phi trong kì cuối cùng của năm 3, tài liệu học từng tuần đọc thì hiểu, bài tập trên lớp cũng đọc hiểu được, mà bài thi thì không biết làm, không ngọ nguậy được tí nào. Trượt đúng kì cuối nên khỏi tốt nghiệp đúng hạn, nên thành ra 3 năm rưỡi mới học xong. Trong cái rủi có cái may, năm thứ 4 đó nửa đầu năm về đi làm ở Sài Gòn, lại được vào đúng “trường Đại học bảo hiểm” ở Việt Nam thay tạm cho 1 chị nghỉ sinh. Nửa năm ở Pru đó giúp ích rất nhiều cho mình trong việc nhìn thấy hoạt động thực tế của 1 Công ty bảo hiểm, nhìn ra phần nào những thứ xác suất và chiết khấu dòng tiền học trong trường là thứ cơ bản phải hiểu để sử dụng trong công việc sau này. Bên cạnh đó còn là bước chân đầu tiên vào ngành bảo hiểm, là những mối quan hệ mà các anh chị đã rất có tâm dạy cho những kiến thức, những thói quen ban đầu đã giúp định hình cách tiếp cận công việc của mình sau này. Nếu không có 6 tháng ở Pru năm ấy, mình chịu không biết học xong có tự xin vào đúng khối Định phí của công ty nhân thọ nào được sau khi tốt nghiệp không với cái kết quả học hành thế kia. Sau 6 tháng hợp đồng ở Pru quay lại trường học nốt môn cuối, lần này chọn học phần 2 của cái môn Chi trả ngẫu nhiên kia (Contingent Payment 2) vì thấy cần thiết nếu làm mảng nhân thọ. Đúng là nhìn được thực tế rồi nên quay lại học hành hiểu hơn hẳn, lại có thời gian học tập trung 1 môn thôi nên thi đủ điểm được miễn trừ cơ, mỗi tội phần 1 không đủ điểm nên trung bình môn này vẫn chưa được miễn, tiếc lắm.
Lắm lúc mình cũng nghĩ nếu ngày đó không chọn học Định phí mà đi học Sư phạm Toán thì giờ khéo mình đang là cô giáo làng ở một vùng quê hay đô thị nào của nước Úc rồi nhỉ. Cũng không tưởng tượng ra. 3 năm rưỡi học Đại học ngành Định phí dù không thành công về mặt học hành, nhưng cũng nên cơm nên cháo về mặt thành người, thành nghề. Việc học hành khó khăn ấy rèn luyện nên sự cẩn thận, khiêm tốn, bớt ảo tưởng về khả năng của bản thân, kiên nhẫn tìm hiểu vấn đề, bên cạnh những kiến thức chuyên ngành. Đó là những đức tính và kĩ năng cần có để làm việc và làm được việc trong ngành bảo hiểm. Và mình vẫn cảm ơn Đại học Macquarie, chuyên ngành Định phí về tất cả những điều ấy.