Sunday, 11 July 2021

Thiên hướng của trẻ

Tôi ở nhà là út, út của cả 2 bên nội ngoại, tới bây giờ các bác, các anh chị vào nhà toàn gọi “Em bé đâu?”, “Em bé hôm nay mới thấy mặt ở nhà” chứ còn không gọi em Hương, nên cảm giác lúc nào cũng bé bỏng. Được bà mẹ tuyên bố không đi khỏi nơi cư trú quá bán kính 3km, nên mỗi độ mẹ “khâm sai” kêu 2 chị em đại diện gia đình đi ăn cỗ bàn là tôi cảm thấy mình khác lắm, người lớn ghê lắm, người lớn rồi nên giờ phải lo chuyện gia đình đi nhé.

Như cái chuyện học hành của mấy đứa cháu chẳng hạn. Thỉnh thoảng mấy anh chị nhắn hỏi có nên cho cháu nó học trường này trường nọ, theo học môn này môn kia, là cảm thấy trách nhiệm nặng nề dễ sợ. Cô chúng nó mà, ý kiến của cô là ảnh hưởng tới tương lai của đứa trẻ, chuyện không đùa được : )).
Các bố mẹ giờ có hiểu biết hơn thời bố mẹ tôi, nên sát sao kĩ hơn, muốn nó tốt từ những bước đầu, mà tôi thấy anh chị tôi lo sớm quá = )) Có đứa trẻ bộc lộ thiên hướng rõ ràng từ nhỏ, có đứa tới hết phổ thông vẫn chưa biết mình muốn làm gì, rồi thế hệ khác nhau, nên khó để dập khuôn kinh nghiệm.
Thế hồi bé tôi thiên hướng gì ấy nhỉ?
Tôi học đàn trong gần 5 năm cấp 1, là ví dụ cũng khá điển hình cho phương pháp dạy 3D của mấy thầy cô dạy nhạc cho trẻ con: vừa dạy, vừa dọa, vừa dỗ. Không đứa trẻ nào thích tập đàn cả mà đứa nào cũng phải bị ép mới có thành tích được. Tôi năm nào đi thi cũng giải nhất trung tâm Suối nhạc (tiền thân của trường Việt Thương bây giờ), có năm lớp 4 cá biệt trung tâm cử đi thi còn dành giải nhì liên hoan độc tấu toàn miền Bắc. Bố tôi lúc đó vẫn câu cửa miệng cho con gái học đàn để nó nền nã nhẹ nhàng chứ mong gì thành Đặng Thái Sơn đâu, cô giáo dạy đàn cười anh cứ nói thế, dù không khen trực tiếp, nhưng cô vẫn nhận xét làm tôi rất nhớ: “Với bạn khác nếu tập bài mới thấy khó quá thì cô phải điều chỉnh ngay nhưng riêng bạn Hương thì cô có thể ép. Con chịu được áp lực và muốn làm tốt.” Tôi chẳng biết mới 7 8 tuổi mình bộc lộ điểm gì, nhưng có lẽ sự nhạy cảm của giáo viên âm nhạc đã rất chuẩn xác. Giờ tôi vẫn thỉnh thoảng ngoạc lên với mẹ tôi, ngày đó để cho con học đàn chuyên nghiệp thì bây giờ có phải nhà này có cô nghệ sĩ đàn piano rồi không. Thế là mẹ tôi đốp ngay, ờ rồi cạp cái gì ăn hả con. Hahaha.
Còn chuyện học văn hóa, tôi là “gà công nghiệp” chính hiệu, “gà chọi” trường chuyên lớp chọn trong lò trường công từ bé, thiên hướng Khoa học tự nhiên rất rõ ràng. Những năm cấp 2 học sinh giỏi nhờ môn Toán Lý Hóa toàn trên dưới 9 phẩy kéo điểm trung bình lên, chứ môn Văn không bao giờ quá 7,5, ngoại ngữ tiếng Anh cũng chỉ trên dưới 8,0. Điểm thi Đại học hay ngành nghề chính bây giờ cũng là Toán chủ đạo. Nhưng những bài tập được điểm cao nhất trong thời kì đi học của mình, cao ở mức bùng nổ, chính chủ còn không tin được vào bản thân, thì lại nằm ở những môn viết văn và ngoại ngữ. Thi Ams cấp 2 điểm Tiếng Việt cao hơn điểm Toán. Cấp 3 ở Úc chọn học tiếng Trung vì lí do ban đầu là hết môn khác để chọn, học lớp 11 cho vui thôi rồi lớp 12 học tăng Toán lên để bỏ tiếng Trung đi. Xong rồi quay ngoắt 180 độ, học tiếng Trung đam mê, bỏ Hóa học tiếng Trung cho lớp 12, tốt nghiệp điểm cao nhì bang, học nhiều như học Toán, còn tiếng Anh học rất đối phó. Cô giáo dạy tiếng Trung đã rất nhiều lần chấm bài để lời phê đại ý là con vừa phải thôi :)), đề bài chỉ yêu cầu ghép 5 từ thì làm luôn ghép 15 từ, viết đoạn văn 50 chữ thì làm luôn bài văn 100 chữ. Còn các thầy cô giáo tiếng Anh thì nhắn với chú giám hộ lúc họp phụ huynh là nhắc con phải dành thời gian học đều các môn, tiếng Anh là môn bắt buộc tính điểm mà thấy nó chỉ học Toán với tiếng Trung là không được đâu. Lên Đại học cũng thế, môn Actuary chính thì học hành rất lẹt đẹt, điểm chỉ toàn quá bán để qua môn. Chương trình học bắt học 1 môn của khoa khác thiên về xã hội học thì năm 2 chọn học môn Châu Á trong bối cảnh toàn cầu, viết bài văn cuối kì về tranh chấp biển Đông được 90 điểm mà không tin vào mắt mình. Đại học viết văn được điểm 9 nghe như điều viễn tưởng vậy. Năm 3 học 1 môn tự chọn khác về Âm nhạc trong báo chí, tổng kết môn được loại D, Distinction (75-85), cao hơn hết tất cả các môn chuyên ngành Định phí. Đấy là học văn hóa viết lách được Giáo sư, Tiến sĩ chấm bài. Còn bên ngoài thì facebook những năm học Đại học lúc nào cũng có bài viết từ bình luận văn hóa nghệ thuật tới chuyện trong nhà ra ngõ. Ngày đó mê cô ca sĩ Thu Phương lắm, viết bài lấy vé xem ca nhạc, có bài đăng báo được nhuận bút 75k đấy. Có lần bình luận chuyện Thu Phương xuất hiện trên chương trình Quán thanh xuân, nội dung là Thu Phương mà còn lên chương trình về chuyện thời xưa, đài Quốc gia VTV vậy rồi thì có thể mong 1 ngày thấy bà Khánh Ly hay ông Nguyễn Ngọc Ngạn trên VTV không nhỉ. Mẹ tôi đọc được tưởng con bé dính vào cộng đồng người Việt ở hải ngoại chính trị chính em gì, được ai thuê “đâm thuê chém mướn” bằng câu chữ trên mạng, nên gọi sang la tôi sấp mặt là. Facebook em thôi mà mẹ em làm quá =))).
Bởi vậy từ cá nhân thì tôi cũng chẳng biết tôi thuộc trường phái nào. Toán biết làm tốt và là nghề nghiệp chính kiếm cơm hàng ngày. Bên cạnh thiên hướng Toán thì khả năng ngoại ngữ và giao tiếp cũng thuộc diện không tệ, vẫn song hành cùng khả năng làm Toán để cân bằng được nhiều việc. Thế có quan trọng phải nhìn ra được đứa trẻ có thiên hướng về yếu tố nào không? Có thì tốt để phát triển yếu tố đó thành một điều đặc biệt, còn không thì cứ để phát triển đều. Quan trọng là bố mẹ đồng hành để hướng trẻ có sức khỏe, có ý thức, còn chuyện nó học được môn nào thì cứ để từ từ rồi xem, tới lớp lớn cấp 3 thì định hướng nghề nghiệp dần sau.
“Chẳng thấy nó học hành gì, chỉ cắm mặt đánh điện tử là nhanh” – “Ôi giời thế sau này làm VĐV E-sport, không phải lo chị ơi”, tôi nói chị tôi thế! = ))

Sunday, 27 June 2021

Kỷ niệm train NSW

 Cái máy ân oán 1 thời...

"Good morning. Can I please get a weekly ticket to the City for under 16? Thanks, have a good day!." Sau 1 thời gian ngơ ngẩn vào mua vé trong quầy thì cũng đà mò mẫm được cách dùng cái máy này thì mỗi buổi sáng thứ 2, chạy hộc mặt từ nhà ra trạm xe lửa rồi tới nơi muốn... móa, hàng người đứng dài từ cái máy ra tới cầu thang, dài từ cầu thang xuống tới cửa quầy vé. Ok fine, trễ xe lửa, tiếp tục chạy nước rút từ trạm đầu kia tới trường.
Học sinh ở Sydney thường chỉ có 2 phương tiện: xe lửa (train) và xe bus. Xe lửa chia làm vài tuyến (line), mỗi line 1 màu. Thường các bạn VN đi line màu vàng và màu cam, là dân tình ở Cabra và Bankstown, Marrickville, 3 khu người Việt ở đông nhất Sydney, mỗi mình ở line xanh lá, line airport, sáng ra toàn đi học 1 mình. Sáng vào học lúc 9h, từ ngày lên lớp 11 là có những hôm sáng có tiết Toán nâng cao vào học từ 8h, thế là hình thành 1 thói quen tính giờ xe lửa. Hồi đầu lúc chưa có app Tripview (save được chuyến mình muốn đi), Tripviewlite (giống nhau nhưng không save được chuyến vừa xem), ở mỗi quầy đều có in 1 quyển lịch train từ điểm đó tới các điểm khác trong cùng 1 line, tìm muốn lòi mắt giờ train chiều đi chiều về.
Bắt đầu tính từ nhà ra trạm xe lửa đi bộ thong dong mất 10 phút, chạy sấp mặt thì 6 phút, mẹ sang ở 1 tuần ngày đi bộ 2 lần kêu xa nhỉ, con đi mấy năm trời có ngày còn đi về vài lần thế mẹ ạ. Từ trạm lên tới trạm xuống (Townhall) 20km mất hơn nửa tiếng. Từ Townhall xuyên qua QVB vào trường đi bộ 5-7 phút nữa. Sáng ra tự căn giờ dậy từ hơn 6h 6 rưỡi, cạp 2 lát bánh mì bơ lạc và uống thêm cốc sữa (cấp 3 quanh năm chỉ ăn sáng món đó, lên ĐH rộ lên ăn lúa mạch lúa mì sáng ra thì cứ phải trông vi sóng ko cái đó nó trào ra đi dọn ốm), lấy hộp cơm trưa mang theo rồi vào thay đồ đi học. Mà đồng phục của bên này nó nhiều lớp lang chứ có phải mỗi cái sơ mi trắng đâu, mùa hè tất trắng hoặc tất tối màu cổ ngắn, mùa đông tất dài tối màu, sơ mi, váy, cà vạt, áo len gile, áo vest, giày kín bàn chân (chứ không cho đi giày búp bê), đồng phục thể dục, mặc đến lâu, ba lô đồng phục thì to gấp đôi người (theo size tây), sáng ra vừa chạy vừa vác quả đó muốn gãy cả lưng.
Line nhà mình thì có màn đi qua City Circle, là 4 điểm vòng tròn trong trung tâm Sydney, nếu ngồi đủ thì sáng sáng đều nhìn thấy Cầu cảng và Nhà hát con sò, rất thơ mộng tạo cảm hứng đầu ngày. Nhưng thơ mộng thì cũng không bằng đi học đúng giờ, nên khi đủ hóa cáo, toàn nhảy qua line khác tại những trạm lớn. Thường thì mình sẽ xuống ở Central để nhảy qua platform 18 19 hoặc platform dưới lòng đất (2 mấy đó, cái line đi Bondi) để đi thẳng bến sau lên Townhall, hoặc không lười nữa thì nhảy từ ở Wolli Creek để đi line xanh lam lên trường.
Tới khi lên Đại học thì phải chuyển nhà giám hộ do trường ĐH chỉ định, ở gần trường hơn nhưng không có train, chuyển qua đi bus, nhưng cơ bản bus thì không đúng giờ như train, chưa kể kẹt xe, nên chuyển qua bấm vé Zone 2 hàng tuần ở cái máy này đi cả train cả bus. Từ trường ĐH đi train về 1 trạm trung chuyển ở giữa, xong từ trạm đó bắt bus về nhà. Sau biết nữa thì đăng kí cái vé discount cho học sinh quốc tế thẳng trên mạng, học sinh trong nước được giảm 50% thì học sinh quốc tế cũng được giảm cỡ 30 - 40%, mua luôn vé 1 quý, người ta cho bọc đàng hoàng gửi về station ra lấy.
Cái vé đó lúc đó quý hơn vàng, mất 1 phát thì chắc xác định lội bộ chục km đi học. Lúc đó Opal card đã bắt đầu đưa vào hoạt động, nhưng tính ra không rẻ hơn cái vé discount cho học sinh quốc tế, nên mình vẫn dùng vé giấy để di chuyển, các trạm vẫn có máy đọc cả vé giấy lẫn opal.
Rồi dần cắt luôn cái chương trình giảm vé đi lại công cộng cho du học sinh, bỏ luôn cái máy bấm này, chuyển qua dùng hết opal card, đi lại nạp tiền tự động như điện thoại trả trước.
Để rồi kể tiếp chuyện cheating ăn gian cái thẻ opal, giá vé thì tăng hàng năm mà xe cộ giờ giấc loạn xạ, service càng ngày càng tệ nên cheating giảm tí tiền chứ không tiền đi lại còn quá tiền ăn 1 tuần : ))

Mẹ và chuyện thi tốt nghiệp phổ thông ở Úc

Mấy hôm nay HN trẻ con đi thi chuyển cấp vào 10. Hàng xóm nhà mình có 1 em trai đi thi, thằng bé ăn chơi ở nhà này từ lúc bé tí, nên 2 sáng nay bà Lùn có việc sáng sớm phải dạy mở cửa cho cháu nó vào khấn cụ với bác Béo để thi cử may mắn. Con cái đi thi một, vòng ngoài cha mẹ gia đình đi thi mười. Chăm cho con cả năm, tới ngày lên thớt thì lo lắng, bồn chồn đứng ngồi không yên cả ngày, trông nhà cô chú hàng xóm mấy hôm nay rộn ràng lắm, rộn ràng luôn cả sang nhà mình.

Bà Lùn chỉ một lần trải qua cảm giác này với em lớn, còn em bé không thi lớp 10 ở VN. Nhưng bà Lùn lại có 1 trải nghiệm cũng đặc biệt hơn những bà mẹ xung quanh, là con gái thi tốt nghiệp phổ thông kiêm thi Đại học ở nước ngoài, 1 nền giáo dục mà bà chẳng có tí khái niệm học hành, thi cử tính điểm ra sao. Có chú giám hộ và con gái cũng đã giải thích ngắn gọn dễ hiểu nhất rồi, nhưng con cái đứng trước 1 kì thi bản lề rất quan trọng vậy mà không ở cạnh thì cũng đứng ngồi không yên cả năm trời ngày đó.
Thế mới thấy các bà mẹ có 1 năng lực cảm nhận và quản lý rất siêu cao thủ về con cái mình, xuyên biên giới, xuyên ngôn ngữ. Mẹ Lùn nhà này tiếng Anh không biết, nhưng con học hành từng kì từng môn điểm số ra sao, thầy cô nhận xét thế nào biết hết. Mỗi kì chú giám hộ đi họp phụ huynh về là 2 đầu cầu 2 nửa xích đạo gọi nhau ơi ới bàn chiến thuật tưng bừng là, em bé thì nằm im thở khẽ xem gọi chú xong có gọi mình nói gì không. Không biết tiếng Anh thì cũng có sao, vẫn sắp xếp được người biết tiếng Anh để nắm tình hình tuốt tuột. Chuyện gì con kể cũng quên, chứ riêng mấy chuyện quan trọng như tới ngày đóng học hay con thi học kì rồi thi tốt nghiệp ngày nào thi môn nào, thi từ mấy giờ tới mấy giờ thuộc làu làu không phải nhắc. Ở Úc do có nhiều môn học lựa chọn nên thi tốt nghiệp cả tháng trời, mỗi tuần thi có 1 môn, nên cả cái tháng đó là gọi sang nhắn nhủ lo học bài nghỉ ngơi sát sao lắm. Bình thường cuối tuần mới gọi thôi, tháng đó rảnh ra là gọi vì biết không phải đi học ở nhà ôn thi tốt nghiệp. Gọi sang bất chợt mà giờ đó đang ngoài đường là hỏi ngay nay đi đâu không học bài à con. Tới ngày đi thi thì tự căn giờ rất chi là chuẩn, nó thi sáng thi chiều từ giờ này tới giờ này, biết luôn thi xong giờ đó là con bé này phải mò cái gì ăn ở trên trường đã rồi mới về, tính luôn giờ đi xe lửa phải tầm này mới về tới nhà là còn để gọi sang hỏi làm bài được không. Ở nhà thì có bác gái Malay biết hôm sau cháu đi thi là y rằng tối nay em Hương được ăn canh thịt bò hầm khoai tây cà rốt. Đúng chuẩn các bà mẹ Á châu, có mấy món tẩm bổ cho con cái không lệch đi đâu được!
Thi tốt nghiệp xong phải đợi gần 2 tháng mới có kết quả điểm tốt nghiệp và điểm vào Đại học chứ không nhanh như ở VN. Có 2 ngày báo điểm, hôm trước báo điểm thi tốt nghiệp từng môn, từ điểm thành phần đó cộng trừ nhân chia thành 1 điểm vào Đại học thì hôm sau mới báo. Lúc đó mình đã về nghỉ hè, báo điểm 2 hôm là 6h sáng bên đó thành 2h sáng VN, thế là mẹ con khỏi ngủ, cũng chẳng đặt báo thức gì, tự động 2h sáng tỉnh ngủ, lật đật lên mạng xem điểm. Rồi nguyên 2 ngày hôm đó má mì sung sướng ra mặt, điểm thi của con cao quá mà, đủ điểm vào hết nguyện vọng đăng kí, chẳng lo nó trượt Đại học nữa rồi. Bạn mình năm sau cũng kể y chang, cả nhà đặt báo thức dậy từ 2h sáng 2 hôm liền xem điểm. Thi Đại học kiểu Tây hay kiểu Ta cũng không khác nhau mấy đâu, cha mẹ hồi hộp quá các con.
Sau này hết nghiệp đi học với nghiệp ở trời Tây rồi, mình rất hay phỏng vấn bà Lùn, sao ngày đấy cho con đi sớm thế mẹ không lo lắng gì sao. Và bà Lùn vẫn luôn có 1 câu trả lời rất dõng dạc rằng, đi học thì ấm vào thân chứ khổ sở gì đâu mà lo, còn mấy cái chuyện ăn ở sinh hoạt không chết người được, lại còn có chú với 2 bác Malay chăm rồi, lo lắm thì cũng chả ở cạnh nên thôi cho kệ tự thân vận động. Có thế mới nên người được.
Đúng, nhờ thế mới ra hình thù được như giờ!

Monday, 19 April 2021

Chuyện khiếu nại (complaint)

Không biết nên vui hay buồn mà chắc chỉ là trùng hợp, năm đầu tiên mình chính thức đi làm sau khi ra trường, rơi đúng vào giai đoạn hàng loạt các hợp đồng liên kết chung (ULP) và liên kết đơn vị (ILP) nhà Pru đã hoàn thành 5 năm đóng phí bắt buộc. Giờ đó dân tình mới mở lại bảng minh họa ra coi, và bắt đầu 1,000 câu hỏi vì sao với 500 anh em khiếu nại. ILP thì mấy năm đó Cổ phiếu có lãi nên bơn bớt, chỉ suốt ngày áp giá thứ mấy vậy sao mãi không thấy nhận được tiền, chứ ULP thì muốn tán loạn. Sản phẩm truyền thống thì bắt đầu vào giai đoạn khách hàng có khải niệm về chuyện bảo tức trả ra thấp hơn khá nhiều so với các năm trước, quậy banh chành từ quầy tới tổng đài CSKH.

Tuần nào cũng vài ba ca khiếu nại thuộc diện phải uốn lưỡi nắn nót, kiểm tra số má, thư từ trả lời đàng hoàng. Có những câu văn mẫu đã đi vào diện ám ảnh như là: “Giá trị hoàn lại là giá trị hiện tại của những quyền lợi trong tương lai” (chiết khấu dòng tiền đó mà), “Phí bảo hiểm rủi ro phụ thuộc vào tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe của khách hàng. Do KH có tăng phí vì lí do…, vì vậy…”, “Bảng minh họa giả định khách hàng tham gia tại ngày sinh nhật, tuy nhiên thực tế HĐ bắt đầu khi KH xx tuổi xx tháng”, “Tỷ lệ bảo tức trên bảng minh họa chỉ mang tính chất tham khảo. Thực tế, năm xx-xx công ty trả cao, năm xx-xx công ty trả thấp, phụ thuộc vào tình hình thị trường…”. Anh trai làm được 1 lần biểu mẫu chi phí dòng tiền của UL tách vào từng năm hợp đồng, thế là từ lúc đó cứ khiếu nại UL là các anh chị CH đòi cái tách dòng tiền này. Màn hình thì đen xì, HĐ dài vài năm, xem tiền thì phải xem từng dòng, đã thế mấy ca complaint thì toàn hủy ra tra vào giao dịch, làm muốn bung lụa. ILP cũng tương tự tách số đơn vị từng giao dịch, dòm từ màu đen hệ thống tới màu trắng excel, thật là phát dồ. HĐ đã đi tới mức khiếu nại thì đâu dám quẩy lên anh em : )). Mỗi lần có mail CH bắn sang là tâm lý vứt hết cái gì đang làm, ưu tiên trả nợ khẩn trương. Mới đọc qua được nội dung cái mail làm sao thì đã thấy team chat buzz, alo em ơi, anh chị mới gửi mail, gấp lắm em ạ. KH hẹn ngày mai lên quầy, KH đòi phải ra thư trả lời, KH sẽ gặp anh/chị sếp ngày này, cho anh chị thông tin gấp nhé! Nhiều khi không chỉ mỗi team CH gọi, PS, Call Centre mấy anh chị úp sọt liền luôn, mỗi team 1 đầu việc cho 1 ca khiếu nại. Trẻ con bên này thì chi biết vâng, dạ, em làm luôn đây. Em ổn lắm!

Có những trường hợp về bản chất HĐ không có vấn đề gì, nhưng KH để lại ấn tượng thật khó quên. Có hôm đang họp bên Q8, các chị kêu đang có KH đứng ngay dưới chân cầu Chà Và cầm cái loa phường loa loa bà con cô bác ơi công ty lừa đảo, đề nghị nhân viên không xuống xem. Khiếu nại thì phải tìm hiểu hết cả lí do động cơ, thế là trong mail có luôn cả thông tin nhân thân: KH vừa đi tù về, KH có nhiều mối quan hệ ở địa phương và “đe dọa” sẽ cho chính quyền thanh tra văn phòng tổng đại lý tại địa phương để công ty không làm ăn được, KH làm nghề cho vay nặng lãi, KH là dân giang hồ/anh chị tại địa phương. Bonus thêm mấy màn KH ăn vạ, cởi trần ở quầy, KH in băng rôn đứng đối diện văn phòng, KH ngồi ở quầy từ 8h sáng tới 1h trưa chưa chịu về, KH livestream, viết bài trên FB. Ủa để chúng em làm cho yên tâm mà anh chị ơi, cảm giác giải quyết xong ca này em khỏi thấy ba má em luôn quá lol. Có bạn làm xong 1 mùa giờ ngại không dám đi du lịch tham quan các làng chài rồi đó, vì quá ám ảnh các anh làm nghề đi biển rồi chuyển qua lên bờ lái xe, xây dựng = ))

Làm complaint có cái đau tim vậy, nhưng thực sự là người thật, việc thật, tiền thật, để hiểu tâm lý khách hàng mong muốn gì ở bảo hiểm. Có lần mình đã thắc mắc với mẹ, vừa đóng vào 300 triệu giờ lên hủy nhận về có hơn 70 triệu mà cũng hủy mẹ ạ, con không hiểu lắm. Thế là mẹ mình giải thích ngay: “Giờ người ta đóng vào mà người ta không hiểu, thì thà rút ngay được bao nhiêu thì được, chứ đóng 300 triệu 1 năm nhiều lắm con ơi. Là mẹ thì mẹ cũng rút khẩn trương.” Hay ghê, có những lối suy nghĩ như vậy, mình cũng cần đặt tâm lý để hiểu KH hơn.  

Đời sống phát triển thì bảo hiểm là 1 phần không thể thiếu. Hy vọng KH thêm hiểu biết thì đọc kĩ, hỏi kĩ trước khi kí HĐ, đễ đỡ phiền toái không đáng có sau này.