2 năm cuối phổ thông ở Úc, ở Sydney, học sinh được chọn môn học, nhưng bắt buộc phải học Văn. Chương trình học Văn chia làm 2 modules chính và 1 module phụ. Module chính thường là những chủ đề lớn lao, và module phụ thì dạy cụ thể về kĩ năng hàng ngày, như là viết cv, viết thư giới thiệu bản thân (cover letter để xin việc chứ không phải nộp mỗi cái cv), viết thư phàn nàn lên quận về vấn đề ra ngõ đụng chuyện như rác đổ bừa bãi, hàng xóm ồn ào, v.v.
Nói module chính chủ đề trừu tượng vậy thôi, thực ra nó là 1 vấn đề của xã hội, của cuộc sống thường ngày mà mình nhiều khi cho là đương nhiên, không để ý tới. Thông qua việc học và phân tích những tác phẩm liên quan tới chủ đề ấy, học sinh sẽ có cái nhìn toàn diện và nhân văn hơn với cuộc sống và với cộng đồng. Vẫn phải phân tích các chi tiết trong tác phẩm, vẫn phải nêu biện pháp nghệ thuật được dùng để nói lên điều gì, nhưng đề thi phần viết sẽ là 1 câu chung chung để học sinh dùng các tác phẩm đã học diễn đạt cách hiểu của mình; chứ không cần bình văn về 1 vị tác giả hay 1 tác phẩm nào cụ thể.
Năm mình học lớp 12, module 1 chủ đề chính là "Belonging", dịch nôm na là "sự thuộc về". Có thể hiểu sự thuộc về là chỉ thuộc về 1 cộng đồng văn hóa có những đặc tính riêng, thuộc về đất nước đang sống, hay những giai đoạn tìm kiếm và tự hỏi để biết mình thuộc về đâu, v.v. Đề thi năm ấy dịch ra là "Thách thức cho việc xác định sự thuộc về đâu đó là việc có những mối quan hệ thân thiết." (The challenge of belonging is to develop meaningful connections). Nói chung là mông lung trừu tượng vậy cho học sinh khám phá. Module 2 chủ đề về "Australian voices", tiếng nói người Úc, tiếng nói đất nước, văn hóa Úc, cũng toàn là những thứ rất vô cùng.
Sở giáo dục của bang sẽ đưa ra 1 list những tác phẩm có thể chọn, với module chính giáo viên sẽ chọn 1-2 tác phẩm trong list này để học. Ngoài ra, các bạn học sinh được khuyến khích chọn thêm 1 tác phẩm ngoài (related text), cùng chủ đề nhưng thuộc thể loại khác để làm phong phú thêm bài văn của mình.
Trường mình năm đó module 1 Belonging học 1 thơ, 1 truyện kịch (kịch được in thành truyện viết, chứ không phải vở diễn kịch), nên tác phẩm ngoài cho module 1 của mình là chỉ còn phim cho chọn.
"Mao's last dancer" là 1 trong những bộ phim lúc đó mình rất cân nhắc, vì chủ đề "thuộc về" hiện lên rất rõ trong toàn mạch phim. Cunxin từ 1 cậu bé miền quê đói nghèo được chọn đi học ở trường múa Bắc Kinh không có khái niệm gì về múa ba-lê, những năm tháng chán ghét ba-lê ở trường múa nhưng là cánh cửa duy nhất để thoát nghèo, tới việc cậu được chọn đại diện cả Trung Quốc đi giao lưu văn hóa ở Mỹ. Đỉnh điểm là khi bị giữ tại Lãnh sự, chấp nhận từ bỏ gia đình, tổ quốc, để ở lại Mỹ vì sự tự do trong nghệ thuật, cho sự nghiệp múa sau này, ở thế hệ đó, với 1 người được đào tạo từ nhỏ trong môi trường văn hóa tại Bắc Kinh; tất cả đều là những hành trình khám phá không dễ dàng của bản thân để biết mình thực sự "thuộc về" đâu, "thuộc về" điều gì.
Học văn như này, thấy vào hơn rất nhiều! Những chủ đề đều rất thực tế, học sinh có thể thấy hàng ngày trong cuộc sống nên viết trở thành 1 cách để tâm sự, để bày tỏ quan điểm, chứ không phải là thứ gì cần phải học thuộc. Không có đúng sai, đủ ý hay thiếu ý, tất cả là quan điểm và phong cách cá nhân.
P/S: (Anh) Văn, vì là học Văn trong tiếng Anh, học Văn, chứ không phải học ngoại ngữ Anh Văn.
P/S: (Anh) Văn, vì là học Văn trong tiếng Anh, học Văn, chứ không phải học ngoại ngữ Anh Văn.