Saturday, 8 August 2020

07.08.2020 - "Chia tay tình đầu"

Good bye my first love, thank you for all the sweet memories.

07.08.2020 – 1 ngày đặc biệt

Chia tay nhé, tình yêu đầu, rồi ngày vui ta gặp lại nhau.

Cảm ơn 3 năm của rất nhiều những kỉ niệm, những bài học đầu đời, những sự va vấp, tiếp xúc và hơn cả là những người anh chị, bạn bè luôn dành sự tin tưởng rất lớn cho em bé trong công việc và cũng rất yêu, rất cưng như em út ít ụt ịt 😊

Từ một em bé chả biết gì đầy hoang mang khi các sư tỉ dạy xong ra đi còn em bơ vơ, đi họp với các đại thụ sợ xanh mắt mèo vì bị mở từng cái mail ra hỏi mà tác giả quen tay kết câu văn bằng 1,000 chữ “ạ”. Những dự án đầu tiên ê kíp “phá hoại” rủ nhau viết sẵn đơn để ngăn bàn, lỡ mai có biến gì thì sếp gọi kêu mở dùm ngăn kéo em có để lại tờ đơn. Những tuần bận “oánh lộn” họp hành, giải đáp thắc mắc, phục vụ các ca sắp cháy nhà hay dàn xếp khiếu nại hơi nhiều để cuối tuần mới đủ tập trung giao hàng bắn mail lia lịa như ngày thường; hay những lúc tên em được vinh hạnh sáng nhất 54 tỉnh thành, và rồi sau đó một lứa trẻ em có thêm nghề tay trái là thợ tính nợ chuyên nghiệp 😊 Rồi những ngày giáp Tết đầu cầu 3 miền vừa dọn nhà, nấu cơm, mắt vừa quét nhà vừa liếc cái máy đang chạy hay tắt ngỏm tám đời. Tôi đảm bảo lúc đó dọn cho có chứ không lấy đâu ra sạch :)) Tới những lần bắn file ra lúc 4 5h chiều phiên bản đã tới đầu 2 con số, được nhắc nhẹ liều liệu chị về đón con em ơi nhưng 11h tối đã yên vị xong xuôi trả hàng em nó rồi tám luôn tới 12h đêm. Và khi mình nghĩ mình đã được rèn luyện đủ tính kiên nhẫn vì chỉnh format đẹp để in cho khách quá nhiều rồi thì lại được luyện chưởng tăng thêm chục level vì những lần chạy số rồi phát hiện nó sai chỗ to chỗ nhỏ chạy đi chạy lại 80 lần chưa xong. 10 tỉ hay 100 tỉ lúc đó không quan trọng, quan trọng là ở đầu màn hình nó hiện chữ TRUE (khớp) dùm em cái.

Tổng kết của 3 năm đầu tiên ấy có quá nhiều trải nghiệm. Đã cố gắng gặp mặt chào tận nơi cũng có, email cũng có để rồi nhận lại những lời chúc tạm biệt, nhắn gửi đầy yêu thương từ các vị to to tới anh chị em bạn bè làm cùng hàng ngày. Có lẽ, là hơn cả yêu.

Cảm ơn Prudential vì tất cả.

<3<3<3

Sunday, 14 June 2020

Du học cấp 3: chương trình học môn (anh) Văn

2 năm cuối phổ thông ở Úc, ở Sydney, học sinh được chọn môn học, nhưng bắt buộc phải học Văn. Chương trình học Văn chia làm 2 modules chính và 1 module phụ. Module chính thường là những chủ đề lớn lao, và module phụ thì dạy cụ thể về kĩ năng hàng ngày, như là viết cv, viết thư giới thiệu bản thân (cover letter để xin việc chứ không phải nộp mỗi cái cv), viết thư phàn nàn lên quận về vấn đề ra ngõ đụng chuyện như rác đổ bừa bãi, hàng xóm ồn ào, v.v.
Nói module chính chủ đề trừu tượng vậy thôi, thực ra nó là 1 vấn đề của xã hội, của cuộc sống thường ngày mà mình nhiều khi cho là đương nhiên, không để ý tới. Thông qua việc học và phân tích những tác phẩm liên quan tới chủ đề ấy, học sinh sẽ có cái nhìn toàn diện và nhân văn hơn với cuộc sống và với cộng đồng. Vẫn phải phân tích các chi tiết trong tác phẩm, vẫn phải nêu biện pháp nghệ thuật được dùng để nói lên điều gì, nhưng đề thi phần viết sẽ là 1 câu chung chung để học sinh dùng các tác phẩm đã học diễn đạt cách hiểu của mình; chứ không cần bình văn về 1 vị tác giả hay 1 tác phẩm nào cụ thể.
Năm mình học lớp 12, module 1 chủ đề chính là "Belonging", dịch nôm na là "sự thuộc về". Có thể hiểu sự thuộc về là chỉ thuộc về 1 cộng đồng văn hóa có những đặc tính riêng, thuộc về đất nước đang sống, hay những giai đoạn tìm kiếm và tự hỏi để biết mình thuộc về đâu, v.v. Đề thi năm ấy dịch ra là "Thách thức cho việc xác định sự thuộc về đâu đó là việc có những mối quan hệ thân thiết." (The challenge of belonging is to develop meaningful connections). Nói chung là mông lung trừu tượng vậy cho học sinh khám phá. Module 2 chủ đề về "Australian voices", tiếng nói người Úc, tiếng nói đất nước, văn hóa Úc, cũng toàn là những thứ rất vô cùng.
Sở giáo dục của bang sẽ đưa ra 1 list những tác phẩm có thể chọn, với module chính giáo viên sẽ chọn 1-2 tác phẩm trong list này để học. Ngoài ra, các bạn học sinh được khuyến khích chọn thêm 1 tác phẩm ngoài (related text), cùng chủ đề nhưng thuộc thể loại khác để làm phong phú thêm bài văn của mình.
Trường mình năm đó module 1 Belonging học 1 thơ, 1 truyện kịch (kịch được in thành truyện viết, chứ không phải vở diễn kịch), nên tác phẩm ngoài cho module 1 của mình là chỉ còn phim cho chọn.
"Mao's last dancer" là 1 trong những bộ phim lúc đó mình rất cân nhắc, vì chủ đề "thuộc về" hiện lên rất rõ trong toàn mạch phim. Cunxin từ 1 cậu bé miền quê đói nghèo được chọn đi học ở trường múa Bắc Kinh không có khái niệm gì về múa ba-lê, những năm tháng chán ghét ba-lê ở trường múa nhưng là cánh cửa duy nhất để thoát nghèo, tới việc cậu được chọn đại diện cả Trung Quốc đi giao lưu văn hóa ở Mỹ. Đỉnh điểm là khi bị giữ tại Lãnh sự, chấp nhận từ bỏ gia đình, tổ quốc, để ở lại Mỹ vì sự tự do trong nghệ thuật, cho sự nghiệp múa sau này, ở thế hệ đó, với 1 người được đào tạo từ nhỏ trong môi trường văn hóa tại Bắc Kinh; tất cả đều là những hành trình khám phá không dễ dàng của bản thân để biết mình thực sự "thuộc về" đâu, "thuộc về" điều gì.
Học văn như này, thấy vào hơn rất nhiều! Những chủ đề đều rất thực tế, học sinh có thể thấy hàng ngày trong cuộc sống nên viết trở thành 1 cách để tâm sự, để bày tỏ quan điểm, chứ không phải là thứ gì cần phải học thuộc. Không có đúng sai, đủ ý hay thiếu ý, tất cả là quan điểm và phong cách cá nhân.

P/S: (Anh) Văn, vì là học Văn trong tiếng Anh, học Văn, chứ không phải học ngoại ngữ Anh Văn.


Sunday, 19 April 2020

Du học cấp 3: Định hướng ngành học sau phổ thông ở Úc

Tiếp sau bài Du học cấp 3 nên đi từ khi nào viết lâu rồi, giờ mình kể tiếp chuyện học xong cấp 3 rồi quyết định học cái gì tiếp.

Mẹ mình vẫn nói mình “con bà cả hay”, lớp 12 thích nhiều ngành học lắm, nguyện vọng đăng kí vào Đại học trải khắp các lĩnh vực từ khoa học tự nhiên tới khoa học xã hội như Định phí, Sư phạm, Tâm lý, Luật, Ngôn ngữ, v.v .  Đứng trước nhiều sự lựa chọn vậy thì hoang mang HQH, nhưng có những yếu tố mình đã cân nhắc rất kĩ trước quyết định khá quan trọng này.

Thẳng thắn mà nói 99% các bạn đi du học từ cấp 3, đặc biệt đi Úc là mong muốn định cư sau này. Hiếm lắm mới gặp trường hợp nào kêu sẽ đi về hoặc thờ ơ với chuyện ở lại. Vì thế, mọi quyết định về ngành học, trường học, sẽ xoay quanh chủ đề định cư. Học ngành nào nước sở tại đang cần? Ngành nào trong danh sách ở lại? Khả năng định cư ngành đó thế nào? Phải tự chủ động tìm hiểu những thông tin này qua các kênh khác nhau, xà quần google với mấy group người Việt là hiểu chuyện rồi. Ngay tại thời điểm cấp 3 đã nên có hình dung nhất định mình có thể ở lại theo đường nào và cần làm những gì. Vì thế, nếu muốn ở lại, phải chọn học luôn ngành có trong danh sách định cư, mà khả năng ngành đó còn ở trong danh sách phải dài hơn thời gian mình sẽ đi học Đại học/Cao đẳng. Danh sách ngành nghề định cư thì thay đổi theo chính sánh, tình hình kinh tế hàng năm nên mỗi ông thần sẽ có những nhận định riêng, tốt nhất là phải chủ động tìm hiểu, rồi gạn nước trong mà quyết định, xanh chín hên xui gì cũng đành chấp nhận. Tuy nhiên, việc thêm hay bớt ngành nào trong cái danh sách đó là cả 1 quyết định kinh tế chính trị vĩ mô đằng sau nên sẽ mất nhiều thời gian trước khi nó được áp dụng, nếu có tác động tới khả năng nhập cư thì chính phủ cũng sẽ tác động kiểu gián tiếp như cắt tài trợ khoản này -> người dân giảm nhu cầu sử dụng -> không tìm được việc làm đúng ngành -> không đủ điều kiện kinh nghiệm để xin xác nhận đủ khả năng làm việc trong ngành đó -> không ở lại được. Vì thế, cơ bản là cứ lựa chọn ngành học trong danh sách định cư của năm tài chính đó.

Sau đó, việc chọn ngành & chọn trường sẽ là tổng hòa của rất nhiều yếu tố như sở thích, nguyện vọng, khả năng cá nhân, tài chính gia đình, v.v.. Tuy nhiên, bản thân mình phải nghĩ cho 1 tương lai xa hơn rằng việc học này sẽ quyết định rất lớn tới công việc, cuộc sống sau này, nên yếu tố học cái gì “cần” sẽ phải cân nhắc nhiều hơn yếu tố “thích” ở đây, sau đó là tới khả năng và tài chính.
Như hồi đó mình thích Sư phạm, mà kể cả giờ cũng vẫn thích mà, đã rất cân nhắc giữa việc học bằng đôi Cử nhân Kinh tế với Sư phạm Toán phổ thông (4 năm) với Cử nhân Định phí (3 năm). Suýt chút cũng đi Sư phạm vì là đúng theo ý thích mong muốn, và lại còn thiện cảm với trường, vừa báo điểm toàn bang xong là 5 phút sau nhận được offer (thư mời nhập học) liền à, vì điểm cao thế ít ai đăng kí Sư phạm lắm hehe:D. Nhưng lí do quyết định cuối cùng không chọn vì đặt lên bàn cân so sánh tương lai sau này. Sư phạm Toán ở Úc lúc nào cũng thiếu, không sợ không có việc làm, định cư được, nhưng thu nhập không cao. Hơn nữa, nghĩ tới cảnh làm việc với những đứa trẻ không cùng gốc văn hóa với mình, mà vì thế chất lượng công việc sẽ không được tốt nhất thì có lẽ không nên vì đó là việc giáo dục cho cả một thế hệ. Rồi thời gian học lâu quá, toàn 4 5 năm để có bằng đôi Sư phạm với 1 bằng nữa chứ không có bằng đơn, học dài thêm 1 năm là tốn thêm bao nhiêu tiền rồi, mà thường đã học vậy sẽ ra làm Giáo viên, lựa chọn nghề nghiệp có phần hạn chế. Thầy cô mình ngày đó cũng toàn học bằng Cử nhân đầu tiên là các ngành khoa học kĩ thuật, kinh tế kinh doanh, rồi chán đi làm muốn chuyển ngành mới học thêm 1 2 năm bằng Sư phạm sau Đại học (grad dip/master). Nên mình quyết định học Định phí để ít nhất có 1 cái nền cần thiết, rồi sau này nếu muốn có thể học Sư phạm sau. Giờ thì đã nhận ra làm giáo viên không nhất thiết phải trong khuôn khổ nhà trường, nên cũng bỏ ý định theo Sư phạm chính chuyên rồi ahihi :D.

Việc chọn ngành học có yếu tố đầu tiên rất quan trọng là học ngành có khả năng cao được ở lại, nhưng không nói trước được việc mình sẽ có thẻ xanh, sẽ có quốc tịch, nên tính toán thế nào cũng cần chừa 1 đường về Việt Nam. Mình đã từng thấy có phụ huynh cho con đi từ lớp bé (cỡ lớp 8 lớp 9), rồi tính học hết lớp 10 thôi rồi cho đi học nghề để dễ được ở lại. Đúng là ở các nước phương Tây, mấy ông thợ (thợ xây, thợ điện, thợ nước, v.v.) có nhiều cửa ở lại hơn, mà thu nhập cũng khá lắm nha, vì thực ra dân bản xứ nó có chịu làm đâu mà chả thiếu người nên dễ ở lại. Nhưng phụ huynh cũng nên nghĩ tới trường hợp không ở lại được thì sao, về Việt Nam với trình độ văn hóa lớp 10 đứa trẻ sẽ sống như thế nào. Tương tự, hướng đi học lớp 11 rồi học Dự bị Đại học (Foundation), thì xác định sẽ phải học xong bằng Đại học, chứ bỏ dở giữa chừng vừa không có bằng lớp 12, vừa không có chứng chỉ nghề hay bằng Đại học, cũng mệt mỏi lắm. Tóm lại là tính đường gì cũng phải đảm bảo có những văn bằng tối thiểu, để dù không ở nước ngoài được, thì về quê vẫn có thể sống.

Lời dài tình đầy vậy, hi vọng các em lớp 12 năm nay ở Úc thi cử tốt và có quyết định bản lề sáng suốt trong công cuộc làm người lớn!

Saturday, 21 March 2020

Diary of the no-work-need-to-specially-attend-to Saturday

Saturday, 21st March, 2020

In the midst of the corona outbreak in Vietnam. Of course, not just Vietnam, the whole word has gone crazy about this virus. Over the past few days, the Vietnamese government has been generous enough to fly all the Viet citizens from the epidemic areas home, especially from Europe. Hanoi and Ho Chi Minh City, the 2 main cities of the country have welcomed waves and waves of people returning home. People may argue about the incompetency of a communist political party, but in distress time like this, all we care is that our government is doing all their efforts to save our people's lives. That's it. For that, we listen to their instructions. And stay positive for the future.

I have finished one of the largest projects that I have ever undertaken since entering the adult work life after graduation. Launching a new product, especially in time where people need insurance plan in place than ever, has been a journey full of joy and lessons learnt. Maybe all the night work and weekend spending mostly in-house, running models, reviewing materials, checking up on grammar and wording (no matter how much I feel like I have had enough of Kumon marking, eye-bailing all the commas and full stops to take marks away from kids, I still continue doing it at work now lol), creating test plans, discussing solutions, etc., can be reduced a bit, but then it's not work after all. I learn here and then that the final result may not be as compelling as you want, but the journey through, with like-minded people, makes it a thousand time worth the efforts. This is absolutely correct, for the journey of 9 months!

Now it's over, the project has completed its first phase and the product is launched, my weekday night time and the weekend can be much more relieved, I am back to the habit of watching everything on Youtube that comes up on the side bar. It can be anything from drama series to documentary to music videos, as long as the subject catches my interest at first sight.

Today, I stumble this video on one of my following channels. ABC Q&A series have always been the number 1 resource for practising ESL listening paper back in high school. So from time to time I still watch this, so as to catch up with Australia's current affairs.
The topic for Q&A panel discussion is on education (again and again!!), but focus on the funding. Ok that's the big picture which people like regulators, educators, principals, etc. have to know about. But then how about parents, children? They are the main beneficiaries for all of this. Do they, or to what extent do they need to know about funding?

I mean, the concept of funding disparity between public and private schools may be a bit too broad for normal parents to care for. And talking about the consistent decline in PISA score all the time just adds more to the fire. It may instead be better just to get down to the understandable level of actionable items could be of more help.

Like telling the parents to remind their kids to respect their teachers and behave at school. Education which starts from home first always delivers pleasant results.
Then offering teachers a fair compensation (not remuneration) package, at least to their satisfaction so as they stay in the job as long as they can. The children need them. And the whole country depends on them.
On the training side, put appropriate entry requirements into university teaching degrees, not something like ATAR 6x and sending an offer just 5 minutes after the release of ATAR to a 9x ATAR kid. Give the students a clear picture of future job prospect for teachers, encourage and aid them through scholarships and sufficient teaching placements to boost the graduate's job readiness skills.

Then the lifting results will kick in with its finest form, very soon!

Australia is certainly capable of delivering world class education to its citizens, the country just needs to focus a bit more with better strategies and a clear vision!

I may criticise NSW high school curriculum in this area and that area, but a huge credit and appreciation is always for this place which has nurtured me with fantastic education. Always follow and want the best for the state and the country down-under, especially with its education system.


P/S: Listen to Eddie talking about example in Griffith where rural teachers just can't leave school for few days to attend training due to expenses and no replacement. Ok, you made the resources available, but can the teachers really utilise them? This's the level of detail that needs to pay attention to when doing any project, in any discipline. I reflect on this thought a lot as I go about with my work everyday. What can I do directly to serve the people at the core of my profession's interest better? Then if I can't do it well consistently on a daily basis, should I think about a bigger problem? Maybe not. Or maybe one day when I get up the ladder, I may see things in different perspective thus arrange different priorities in different orders. I don’t know it yet! For now, the motto is always ticking in mind: "Do what you love and love what you do. Passionately!"

Wednesday, 12 February 2020

“Một trăm năm rồi ngọn cỏ hóa mây trời…”

“Một trăm năm rồi ngọn cỏ hóa mây trời…”
Vậy là khu An Dương đã mất đi một trong những vị “đại ca” lão thành bậc nhất xóm.
“Gia đình tôi có 5 người: bà, bố, me, chị và tôi.” - Tôi vẫn luôn bắt đầu câu chuyện về gia đình mình như thế, trong quanh quẩn mấy thứ tiếng có thể nói được. 7 năm trước tôi chia tay bố. Và giờ, 4 ngày trước, tôi chia tay người thân tiếp theo của mình. Bà nội.
Tôi ở với bà nội, ngủ với bà từ bé, cho tới ngày đi Úc thì thôi. Bà vẫn kể: “Con em bé ngày xưa đêm khóc như ranh, con mẹ nó thì yếu ớt thèm ngủ, bế con như muốn rơi cả con. Tao lên ẵm xuống thì bố mày cứ đuổi xuống, tao bế xuống ẵm chặt ngủ im thin thít. Mẹ mày theo xuống, mẹ ngủ con ngủ yên tới sáng.” Chắc vì hồi bé bà ẵm chặt quá, tới lúc thả đi thì nó đi cho một mạch, cả năm xuất hiện được ở nhà đôi ba lần.
Mọi sinh hoạt của tôi ở nhà hồi xưa xoay quanh cái giường bà. Chúng tôi gọi nó là cái “sập”, sập gỗ, hoa văn họa tiết chim cò khắc trạm rất đẹp. Cái sập là chỗ học, chỗ chơi, chỗ xem TV và chỗ đi ngủ. Tôi có phòng học, có bàn ghế đàng hoàng trên nhà nhưng không bao giờ ngồi, chỉ lên soạn sách vở cần thiết cho hôm sau rồi xuống nhà học. Hồi bé học ở sập, sau này các lớp lớn nhiều bài thì học ở phòng ăn nhà trong, vừa học vừa trông bà. Cũng vì vậy mà tôi rất thuộc giờ phát sóng các chương trình truyền hình của VTV, đặc biệt là VTV3. Thích nhất là thứ 6 có “Trò chơi âm nhạc”, nhiều bài cũng ra nhà ngoài ngồi học, vừa học vừa xem TV. Nên bởi nó thành thói quen sau này, ngồi học là phải có tiếng TV, ca nhạc, yên tĩnh quá tôi cũng không quen. Vừa học vừa bình luận, giải thích cho bà: nay kỉ niệm ông Hồ hả, hát ngoài lăng Bác hay sao mà rộng thế, ông này đẹp quá, cô này ăn mặc hớ hênh trông con gái vậy dơ chưa.
Bà tôi đi ngủ là phải mắc màn (buông mùng), mùa đông cũng như mùa hè. Mắc tai này trước tai kia sau, theo đúng thứ tự. Dắt màn cũng phải làm cho cẩn thận, nhiều hôm tôi à uôm cho nhanh, đẹp cũng để đi ngủ, nhưng bà thấy thể mắng vài câu rồi đi sửa lại từng góc, rất ngay ngắn. Tháo màn cũng thế, tháo cái tai màn rồi gấp theo từng cạnh, ta nói gấp cái màn rồi quận vào cái chăn nó vuông vắn, bà làm đẹp bao nhiêu, để mấy con cháu nó vo viên nhét vào cái chăn như hổ lốn, tới trưa bà giở ra nằm thể nào cũng ca cho một bài. Mùa đông nằm đệm, 3 tấm chập lại, mỗi bà cháu nằm một tấm, lăn qua lăn lại cứ nằm lên cái rãnh đệm lại cựa quậy. Bà tôi thân nhiệt lúc nào cũng ấm nóng, nên người cụ khỏe, có biết lạnh lẽo là gì đâu. Có đứa cháu gái hay cô giúp việc nằm cạnh thì 2 đứa tay chân lạnh như đồng tiền sành, đi ngủ mùa đông toàn rúc vào cho bà ủ, ngủ cho ngon.
Sau này khi đã đi Úc, được tiếp xúc với văn hóa nhiều vùng khác trong nước cũng như quốc tế, mỗi lần về nhà, tôi bắt gặp bà mình trong những hình ảnh của một người phụ nữ Hà Nội, một bà cụ Bắc kì mà tôi đã đọc được hay từ chính những người tôi tiếp xúc nhận xét về phụ nữ xứ này. Bà cụ lúc nào cũng mặc cái áo lót gile trắng nõn bên trong, khoác áo cánh cổ tròn là lượt phẳng phiu bên ngoài, quần lụa đen bóng, đầu chít khăn vuông. Tới ngày lễ là bà mặc áo dài, đầu vấn khăn, đeo kiềng vàng. Tôi cũng chỉ còn được nghe những từ như “xơi cơm”, “xơi nước”, “dạ bác lại nhà”, v.v khi ở nhà với bà.
Rồi tôi về nước, vào Sài Gòn làm, cũng là lúc bà tôi bắt đầu có dấu hiệu bị lẫn. Lẫn lộn ở độ tuổi 96 97 tuổi cũng đã là cái phúc, bà cụ vậy là quá khỏe. Buồi chiều tôi ngồi dưới nhà, cứ 5 phút bà lại hỏi: “Thế con ở Úc về hay là ở miền Nam ra?”, “Con đi tàu thủy hay tàu bay?”, “Giờ là vẫn ở với các bác người nước ngoài người ta nấu cho ăn hả? Đấy con cháu nhà này ngoan ngoãn nên người ta quý mình lắm đó con.” Mỗi lần vậy, tôi nhẫn nại trả lời: “Con ở miền Nam ra bà ạ. Con đi tàu bay nhanh lắm. Giờ con ở một mình rồi ạ.” Và thế là bà cụ lại chép miệng: “Khổ thân, có nhà có cửa thì không ở đi thuê cho tốn ra. Ở Hà Nội khó xin việc lắm, đất chật người đông nên phải vào trong đấy.” Cứ 5 phút lại hỏi, tôi cũng được cái kiên nhẫn nên lần nào cũng trả lời ngắn gọn đủ để người già hình dung. Một ngày bà cụ hỏi không thể đếm xuể, cứ chốc chốc lại con xem xin việc ở ngoài này có được không để bà cháu gần nhau. Mỗi lần nghe vậy muốn nhũn người lắm, thương vô cùng luôn.
Ngày đám ma bà, nhà tôi đông quân, mỗi người một việc. Thế hệ chúng tôi lớn lên, chứng kiến và ảnh hưởng những gì tinh hoa của thế hệ các bác và bố mẹ. Cái tôi yêu nhất trong ngày đám ma bà, bên cạnh những tình thương và sự chia buồn của mọi người, là tình yêu và trách nhiệm với gia đình mà chúng tôi dành cho nhau. Người lớn có chuyện của người lớn, còn chúng tôi cũng hò nhau bay về gấp, lo toan chia nhau đứa trong bếp, đứa tiếp khách, đứa ghi sổ, đứa trông xe, có mặt đầy đủ và bảo ban nhau chu toàn. Có lẽ với những đứa trẻ không ở nhà như tôi và anh Văn Hiệp, cái mong nhất là gia đình mình ở 1 thành phố khác luôn luôn bình yên. Bình yên yêu thương nhau, bình yên lo lắng cho nhau và cho việc chung của gia đình, để những đứa trẻ ấy yên tâm để đi và trở về, rồi đủ yên tâm để bay cao hơn.
Tôi tin là bà nội tôi vẫn ngồi yên ở cái ghế gỗ, đúng vị trí cửa ra vào đó, ngắm các con cháu tụ tập về ăn uống như những ngày giỗ Tết bình thường trong năm. Và bà đã mỉm cười rất tươi, như mọi lần…