Monday, 3 April 2017

Mơ trăng bóng nước: Cứ đuổi theo bóng mà quên mắt trăng

Đã nhất định tuần này sẽ không mò ra đằng đó, cuối cùng lại đi. Vì đi chơi về sớm quá, thế thôi tặc lưỡi đi thêm tăng 2 cho tắt hẳn nắng rồi về, dù biết hôm nay hết chỗ đẹp rồi.

“Mơ trăng bóng nước” là vở kịch thứ hai mình xem ở Sài Gòn,và là vở xem lại nhiều nhất (yên tâm, số lần xem lại vẫn chưa vượt ngưỡng số lần mình xem lại phim Đất và Người đâu). 1 vở kịch nhẹ nhàng từ nội dung câu chuyện, cách giải quyết vấn đề, độ cao trào và diễn xuất của diễn viên.
Cảm tác (vâng, từ ngày đi xem kịch mới biết tới từ này) từ 1 câu chuyện ngắn ngủn của Nguyễn Ngọc Tư, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã quá giỏi khi dựng nên 1 vở kịch hấp dẫn, sinh động (đối với mình hay hơn hẳn truyện) với những tuyến nhân vật đủ lứa tuổi mà không làm mất đi cái hồn của tác phẩm truyện ngắn. Là anh chàng Lược vốn si mê cô chị Sáu Giá từ hôm xem chiếu bóng ở sân vận động để rồi bị đặt vào tính huống trớ trêu khi lấy nhầm cô em Bảy Gương (vì trót yêu mái tóc dài của cô chị mà hôm sau cô chị cắt tóc ngắn nên lấy nhầm cô em – còn chi tiết như nào mời xem kịch), nhưng sau cùng thì ánh trăng của cô vợ Gương mới là thứ anh muốn chung sống cùng. Tình huống con lợn chết hay trận lôi đình ở nhà ông anh Hai Nhiễu chỉ là chất xúc tác, đẩy vở kịch lên cao trào, thêm vào chút kịch tính cho mối tình của Gương-Lược khi mà trước đó, cách anh chồng khều khều vợ, cách cô vợ mần việc vườn tược, kho cá cho chồng đã cho thấy tình cảm nảy nở trong họ. Chỉ vì anh chồng vẫn mải theo cái bóng của cô chị Sáu nên quên mất tình cảm của mình dành cho vợ.

Tác phẩm kịch còn có những mối tình dễ thương khác của cặp Giá-Ngọ, của 2 bạn trẻ Lành-Dương, những con người điểm xuyết tiếng cười cho vở kịch bớt nặng nề bởi mối tình tréo ngoeo Lược-Gương. Còn là cặp đôi già Nhiễu-Đơn dù thương nhau nhưng phải giữ lễ vì hạnh phúc của con trẻ. Tất cả họ đều mang đến những mảnh ghép mà ta đều sẽ gặp thấy đâu đó trong đời sống hàng ngày. Ở họ đều thiếu một hai điều gì đó để rồi khi họ gặp nhau thì những mối tình trọn vẹn được chắp cánh. Nếu như ở truyện, mình bị ám ảnh bởi câu kết “Chị không phải là người tôi thương” thừa sức nặng, bao trùm lên tất cả các câu văn trước đó thì ở kịch mình thích hết, thích trên hết là một tổng hòa vừa vặn, dẫn dắt vừa phải, thu hút, mọi thứ đều vừa vặn để khán giả không quá nặng đầu trong lúc xem và cũng không phải vắt óc phân tích diễn biến tâm lí từng nhân vật và rút ra bài học cuộc sống cho riêng mình khi ra về.

Đương nhiên là lúc xem kịch dù thích lắm nhưng mình vẫn đủ tỉnh táo để dở “bệnh nghề nghiệp” ra soi. Có chi tiết mình không thích, thấy thừa (ví như chi tiết bộ trống bị lấy đi chẳng hạn), nhưng sau khi xem lại rồi thì mình cũng nghĩ ra được lí do tại sao nó phải xuất hiện trong vở kịch. Cũng nhìn ra được 1 2 giây ngắn ngủi khi diễn viên (kể cả gạo cội như cô Ái Như, NSƯT Thành Hội) quên lời, nói nghịu, nói lặp, nói sai lời thoại và biết cả lúc họ đang “bẻ” lại lời thoại cho hợp lí. Xem “Mơ trăng bóng nước” tới lần này cũng giống như hôm xem “Đi qua mùa gió”, mình ở trong vị thế là 1 khán giả đã biết rất rõ cốt truyện, diễn biến, thuộc cả câu thoại, nên super soi mode như luôn thường trực. Và vì soi rồi, thấy diễn viên làm rất tốt, làm đúng theo ý đồ của đạo diễn, nhưng phản ứng của khán giả không giống với kì vọng thì muốn “cạo đầu” khán giả lắm. Ở Hoàng Thái Thanh còn như vậy, nên không dám trách hơn 400 khán giả tại Seymour hôm đó.

Nói chung lại thì đây không phải là vở kịch xuất sắc nhất mình đã được xem, nhưng là vở kịch mình thích nhất!

Credit: Ảnh lấy từ Facebook Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh